Hình tượng Triệu Việt Vương: Những nét tương đồng với An Dương Vương

Triệu Việt Vương không được ghi chép lại trong sách sử của các đời trước thời Lê mà chỉ bắt đầu được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư (gọi tắt là Toàn thư) dưới thời Lê, và sự tích về ông lại giống với câu chuyện về An Dương vương đến kỳ lạ. Kỳ cuối của loạt bài “Từ truyền thuyết đi vào chính sử” sẽ phân tích về trường hợp đặc biệt này.

Câu chuyện về Triệu Việt Vương cũng có motif y hệt An Dương Vương. An Dương Vương và rùa thần Kim Quy. Tranh: Tạ Huy Long © Lĩnh Nam chích quái, NXB Kim Đồng, 2017.

Chỉ có Toàn thư đề cập

 

Nếu tính trong các bộ sử thì Toàn thư là bộ đầu tiên chép về Triệu Việt vương. Mở đầu kỷ, Ngô Sĩ Liên đã nói rõ: “Xét sử cũ không chép Triệu Việt Vương và Đào Lang Vương, nay nhặt trong dã sử và các sách khác, bắt đầu chép vị hiệu của vương và phụ chép Đào Lang Vương để bổ sung” (Toàn thư, trang 181), nghĩa là bộ sử trước đó – Đại Việt sử ký dưới thời Trần của Lê Văn Hưu đã không chép về Triệu Việt Vương mà “nhảy” thẳng từ nhà Tiền Lý (Lý Bí) sang nhà Hậu Lý (Lý Phật Tử).

Các bộ sử khác dưới thời Trần như Việt sử lược, An Nam chí lược cũng không nhắc tới Triệu Việt Vương mà chỉ “điểm” qua về hai nhà Lý. Cụ thể, Việt sử lược không coi hai nhà Lý là quốc thống, chép như một sự kiện ở mục “Các quan cai trị các đời” (tức thời Bắc thuộc), trong đó, về Tiền Lý: “người trong châu là Nguyễn (Lý) Bí làm phản, giữ thành Long Biên, tự xưng là Nam Việt đế, đặt trăm quan, cải nguyên là Thiên Đức, quốc hiệu là Vạn Xuân” (trang 31). Khác với Toàn thư, Việt sử lược lấy Thiên Bảo làm người kế thừa (có lẽ bởi nhầm Thiên Bảo là con chứ không phải là anh trai của Lý Bí):“Con Bí là Thiên Bảo vào Cửu Chân, Bá Tiên đem binh dẹp yên được, đổi Cửu Chân làm Ái Châu”. Kế tiếp là Lý Phật Tử xưng vương: “Châu soái là Nguyễn (Lý) Phật Tử giữ thành Việt Vương làm loạn” (trang 31-32). An Nam chí lược chép về giai đoạn này khá lộn xộn, xếp chung vào mục “Tiền triều chinh thảo – sự chinh phạt ở các triều đại (Trung Quốc) trước”. Đầu tiên là thời nhà Lương (502-549) “người Giao Chỉ Lý Bí làm phản”. Kế tiếp là “Năm Khai Hoàng thứ 10 của nhà Tùy (590), Lý Xuân, người Giao Chỉ, làm phản, Tùy Văn Đế ra lời chiếu cho Dương Tố đánh dẹp yên”. Lý Xuân là do người Tùy nhầm họ Lý nước Vạn Xuân (tức Lý Phật Tử) mà chép thành tên người. Kết thúc bằng “Năm Nhân Thọ thứ 2 (602), Lý Phật Tử làm loạn, chiếm thành cũ của Việt Vương”, và bị Lưu Phương đem quân qua đánh, Phật Tử đầu hàng.

Rốt lại, chẳng biết vì sao mà sử cũ không có ghi chép gì về Việt Vương Triệu Quang Phục cả, chứ đừng nói tới việc xếp thành riêng một kỷ ngang với các triều đại khác. Tất cả những gì còn sót lại của giai đoạn từ Tiền Lý tới Hậu Lý này là đôi dòng ghi chép khá chung chung trong sử thời Nam Trần và sử nhà Tùy. Trần thư – Cao tổ kỷ chép việc Lý Bí đến năm 547:“Bí chạy trốn vào động của người Khuất Lạo, người Khuất Lạo bèn chém Bí truyền thủ cấp đến kinh sư” (An Nam truyện, trang 213). Tùy thư – Lưu Phương truyện chỉ chép về Lý Phật Tử “Niên hiệu Nhân Thọ, gặp khi người Lái ở Giao Châu là Lý Phật Tử làm loạn, chiếm cứ thành cũ của Việt Vương, sai con của anh trai là Đại Quyền đóng giữ thành Long Biên, và biệt tướng là Lý Phổ Đỉnh đóng giữ thành Ô Diên…” (An Nam truyện, trang 216). Đoạn này được các bộ sử nước ta chép lại y hệt. Phải chăng điểm chung có thể liên quan đến Triệu Quang Phục chỉ là ba chữ “thành Việt Vương”1 ở trên?

Nhưng đột ngột đến Toàn thư, Việt Vương Triệu Quang Phục được chép riêng một kỷ, ngang hàng với các triều đại khác ở nước ta từ thời trước đó (như ta đã biết, Toàn thư đã đẩy lịch sử nước ta dài thêm, gồm trọn vẹn các đời vua Hùng và An Dương Vương). Theo Toàn thư, sau khi vua Lý Nam Đế băng, Triệu Quang Phục“bèn xưng vương, đóng đô ở Long Biên, sau dời sang Vũ Ninh”. Thế rồi đùng một cái lại chép:“Vua ở trong đầm thấy quân Lương không lui, mới đốt hương cầu đảo…” (Toàn thư, trang 182-183) và câu chuyện tiếp diễn về điềm lành mà ông được thần nhân ban cho “chiếc mũ đâu mâu móng rồng” bách thắng, Trần Bá Tiên bị triệu về nước, tỳ tướng Dương Sàn thay giữ quân, thua trận chết, Triệu Việt Vương lại vào thành Long Biên.

 

Một kịch bản tái diễn

 

Sự tích của Triệu Việt Vương được Toàn thư ghi lại giống với An Dương vương đến kỳ lạ. An Dương Vương được thần Kim Quy cho chiếc móng rùa làm lẫy nỏ thần; Triệu Việt Vương được thần nhân tặng chiếc mũ đâu mâu móng rồng bách chiến bách thắng. Triệu Đà cầu hòa, cho con trai là Trọng Thủy sang ở rể An Dương Vương; Lý Phật Tử cầu hòa, cho con trai là Nhã Lang sang ở rể Triệu Việt Vương. Mỵ Châu mắc lừa để Trọng Thủy phá lẫy nỏ; Cảo Nương mắc lừa để Nhã Lang tráo móng rồng. An Dương Vương thua trận chạy ra miền biển rồi rẽ nước đi xuống; Triệu Việt Vương thua trận, chạy ra cửa biển Đại Nha rồi nhảy xuống biển. Lịch sử có thể có những sự kiện trùng lặp, nhưng thật quá khó để có hai cố sự trùng khít nhau đến như vậy. Kịch bản với An Dương Vương hơn 700 năm trước đã được cho tái diễn gần như nguyên vẹn, chỉ đổi tên nhân vật.

Phải chăng hai câu chuyện vốn thực chất chỉ là một, mà bởi thời gian, bởi tam sao thất bản, nên một biến thành hai, rồi cùng được đưa cả vào lịch sử?

Xét tiếp sử liệu, ta sẽ thấy có những chi tiết khá phi lý về Triệu Việt Vương.

Trước hết, với ghi chép trong Trần thư, Tùy thư,An Nam chí lược (đều là các bộ sử hình thành trước Toàn thư), có vẻ “Việt vương” là nhân vật có thực. Tuy nhiên, Việt Vương lại không phải danh hiệu của duy nhất để chỉ một mình Triệu Quang Phục. Việt Vương là danh hiệu chung chỉ các vua nước Việt, không phải chỉ mình Nam Việt mà của cả các nước Việt khác trong khối Bách Việt. Đơn cử như Hoài Nam vương tâu về việc Mân Việt đánh Nam Việt có câu “dù có chém được đầu của Việt Vương, thần cũng lấy làm xấu hổ (nguyên văn: tuy đắc Việt vương chi thủ, thần do tu chi)” (Toàn thư, trang 148) – Việt Vương là dùng để chỉ Mân Việt Vương. Hay Sử ký – Nam Việt liệt truyện có câu “Thương Ngô Vương là Triệu Quang là người cùng họ với Việt Vương “nguyên văn: Thương Ngô Vương Triệu Quang giả, Việt Vương đồng tính)” (Sử ký, trang 871) – Việt Vương ở đây chỉ Nam Việt Vương Triệu Kiến Đức. Như vậy hai chữ “Việt Vương” hoàn toàn có thể được sử Việt và sử Trung Quốc dùng để chỉ bất kỳ ông vua nào của tộc Bách Việt, chứ không phải vương hiệu của riêng Triệu Quang Phục.

Do vậy, không thể khẳng định câu “Lý Phật Tử làm loạn, chiếm thành cũ của Việt Vương” ở trên là nhất thiết để chỉ việc Lý Phật Tử chiếm thành trì của Triệu Quang Phục, hay chính là đóng quân trong thành cũ của một ông Việt vương nào đó. (Chúng ta không có nhiều manh mối, nếu soi ngược lại các nguồn dã sử mà Toàn thư tham khảo để chép lại thì cũng chỉ có thông tin Lý Phật Tử “chiếm được nước của Triệu Việt Vương rồi, thiên đô qua xứ Lộc Loa và Vũ Ninh, phong cho người anh là Xương Ngập làm Thái Bình hầu, giữ Long Biên, phong Đại tướng quân là Lý Tấn Đỉnh làm An Ninh hầu giữ thành Ô Diên” (trang 21)).


Đền thờ Triệu Việt Vương ở Đầm Dạ Trạch (Hưng Yên ). Nguồn: Đại đoàn kết. 

Và quả thật, chép về Lý Phật Tử sau đó trong Toàn Thư không hề nhắc việc ông đóng đô ở Long Biên (nơi được ghi nhận là Triệu Việt Vương đóng đô) mà lại chép “đóng đô ở thành Ô Diên, sau dời đến Phong Châu” (Toàn thư, trang 184). Ô Diên nay là xã Hạ Mỗ thuộc đất Từ Liêm, là nơi Lý Phật Tử đóng khi giằng co với Triệu Quang Phục; còn Phong Châu, như chúng ta đều biết, là đất mà An Dương Vương chọn làm kinh đô2. Vậy là quay trọn một vòng, ta lại thấy Lý Phật Tử không phải đóng trong thành của Triệu Quang Phục mà là dọn vào Phong Châu. Ông Việt vương có tòa thành cũ được nhắc tới ở trên, hóa ra không phải họ Triệu mà chính là An Dương Vương vậy. Còn Việt vương ở trên, có thể là ông vua nước Việt (tức Âu Lạc thời An Dương Vương)?

Còn về phía Triệu Quang Phục, chúng ta xác thực được căn cứ theo Toàn thư, thì sau khi đánh đuổi quân Lương về Bắc, vua họ Triệu liền“đóng đô ở Long Biên, sau dời sang Vũ Ninh” (Toàn thư, trang 183).

Về chi tiết “Việt Vương Thành”, chúng ta cũng không có dữ kiện nào hơn là một chi tiết được ghi lại trong An Nam chí lược được viết ở thời Trần. Trong đó mục Cổ tích (trang 17-18) có ghi chép lại từ“Giao Châu ngoại vực ký” rằng: Việt Vương Thành, tục gọi là thành Khả Lũ, có một cái ao cổ, Quốc vương mỗi năm lấy ngọc châu, dùng nước ao ấy rửa thì sắc ngọc tươi đẹp.

Như vậy, Việt Vương Thành đã được nhắc đến trước Triệu Quang Phục từ lâu. Trong bộ sử này, không có ông Triệu Quang Phục nào ở Việt Vương Thành cả, mà chỉ có một cố sự của An Dương Vương được Giao Châu ngoại vực ký ghi lại (Giao Châu ngoại vực ký được viết thời Tam Quốc, trước khoảng thời đại của Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế tới bốn trăm năm).

Một điểm khác cần lưu ý là Triệu Quang Phục không hoàn toàn là người kế nghiệp của Tiền Lý Nam Đế. Theo Toàn thư cũng như tất cả các bộ sử khác về sau có chép về Triệu Quang Phục thì ông chỉ xưng vương chứ không nối đế hiệu của Lý Nam đế. Và quan trọng hơn là ông không duy trì đô thành Long Biên của nhà Tiền Lý mà chọn dời sang Vũ Ninh.

***

Ở câu chuyện Triệu Việt Vương trong Toàn thư, không những xuất hiện một người xưng Việt vương, mà ông ta còn không phải người Kinh. Theo Việt điện u linh tập chỉ chép ngắn gọn ông là “người Chu Diên”, sau này Toàn thư có đưa thêm chi tiết về một người là cha của ông: Triệu Túc. Vị này được chép là “Tù trưởng Chu Diên”, được phong chức Thái phó. Cách gọi “Tù trưởng” này chỉ dành cho người Man (như các nhân vật Dương Thanh, Đồ Tồn Thành, Lý Do Độc, Đỗ Trừng,… mà Toàn thư nhắc đến).

Như vậy, chúng ta không có nhiều thông tin về vị Triệu Việt Vương có gốc các người Man ấy, mà chỉ có duy nhất Toàn thư (lấy lại, san cải nguyên liệu từ trong dã sử để khỏa lấp vào phần tư liệu đã mất mát từ trước, đẩy lịch sử về trọn vẹn thời Hùng Vương và An Dương Vương). Phải chăng các sử quan biên soạn Toàn thư đã vay mượn thông tin, lồng ghép truyện để chúng ta có được một hình tượng, câu chuyện về Triệu Việt Vương – một vị vua có gốc Man cho đầy đủ?

Đến đây chúng ta thấy có điểm tương đồng với cách mà Toàn thư xây dựng câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh – vị phàm nhân Sơn Tinh có liên hệ với người Man, triệu tập những người Man đó tới cứu nạn nước; hay câu chuyện Trăm trứng là dấu vết anh em các dân tộc đều chung một gốc (trải qua các triều Triệu, Tiền/Hậu Lý, Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, duy nhất có nhà Tiền Lê tạm gọi là có gốc tích đất Trại3). Phải chăng là cách thức vay mượn chi tiết, xây dựng các chi tiết, tôn vinh Triệu Việt Vương – với gốc gác người Man, trong Toàn thư là để nhằm củng cố tình đoàn kết dân tộc? □

—–

1Tùy thưAn Nam chí lược chép là “Việt Vương cố thành” – thành cũ (của) Việt vương; Đại Việt sử lược chép là “Việt Vương Thành”.

2 Toàn thư chép An Dương Vương: “Họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa)”. Khâm định Việt sử thông giám cương mục trích Đường thư – Địa lý chí rằng: “Phong Khê thuộc Phong Châu”. Vân đài loại ngữ chép “Mi Linh là đất Phong Châu”. Có thể thấy Phong Châu rất rộng chứ không phải bó hẹp trong khoảng Vĩnh Phúc, Phú Thọ, mà kết hợp ghi chép trong các thông tin đã dẫn ở trên thì Việt Vương Thành chính ở Phong Châu.

3 Về gốc gác của vua Lê Đại Hành, An Nam chí lược chép vua người Ái Châu. Việt sử lược chép vua người Trường Châu (tức hai tỉnh Ninh Bình, Hà Nam ngày nay), nhưng Việt sử lược đã thất truyền trước thời nhà Lê. Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ mặc dù ra đời muộn hơn rất nhiều nhưng cũng cho rằng Toàn thư chép lầm, đúng ra quê vua ở làng Bảo Thái huyện Thanh Liêm (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Việc khẳng định này có nghĩa là sử gia Ngô Thì Sĩ phải có trong tay (nhiều) tài liệu ghi chép rằng quê hương của vua Lê Đại Hành không phải ở Ái Châu.

 

Tài liệu tham khảo

An Nam chí lược – Nhà xuất bản Hồng Đức – 2018.

An Nam truyện – Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa – Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 2017.

– Đại Việt sử ký toàn thư – tập 1 – Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – 1998.

Lĩnh Nam Chích quái – Nhà xuất bản Kim Đồng – 2017.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục – tập 1 – Nhà xuất bản Giáo dục – 2007.

Sử ký – Nhà xuất bản Lao động – 2007.

Việt điện U linh tập – Nhà xuất bản Văn học – 2008.

Việt sử lược – Nhà xuất bản Thuận Hóa – 2001.

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)