“Hồ thiên nga” – một vở ballet, nhiều cách diễn

Nhờ bộ phim "Thiên nga đen” (Black Swan) mà công chúng hiện đang có nhu cầu xem vở ballet “Hồ thiên nga” phiên bản đầy đủ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhiều dàn dựng bị cho là chưa xứng tầm với vở ballet kinh điển này. Dưới đây là bài bình luận của Alastair Macaulay trên tờ The New York Times.

Tất nhiên, chúng ta nhảy múa vì niềm vui. Nhưng, ballet vốn luôn được xây dựng trên sự phân chia rạch ròi vai trò giới tính (các nữ diễn viên ballet đứng trên mũi chân, còn các nam diễn viên đóng vai trò hỗ trợ), thường tạo ra những xúc cảm lãng mạng nhưng căng thẳng, thậm chí đau đớn và bi kịch. “Hồ thiên nga” là sự luân phiên giữa các cảnh lễ hội (Màn I và III) và bi kịch lãng mạn (Màn II và IV), và sự kinh điển đó giúp biểu lộ được khía cạnh bi kịch theo những cách rất đặc thù cho chất liệu làm nên ballet, nhưng mặt khác vẫn tạo thành một bản sắc riêng độc nhất vô nhị cho vở ballet này. Không chỉ lãng mạn và quý phái, “Hồ thiên nga” còn mang tính định mệnh và đầy sự hủy diệt. Và cơn bão mà Tchaikovsky tạo ra trong Màn IV cũng tầm cỡ không kém gì cơn bão trong vở bi kịch “Vua Lear” của Shakespeare.

Nhờ bộ phim “Thiên nga đen” (Black Swan) mà công chúng hiện đang có nhu cầu xem vở ballet “Hồ thiên nga” phiên bản đầy đủ hơn bao giờ hết. Các đoàn ballet ở thành phố New York đang ăn nên làm ra với vở ballet này: tuần lễ “Hồ thiên nga” hằng năm của Nhà hát Ballet Mỹ trên sân khấu Metropolitan Opera House vừa mới kết thúc gần đây; còn Đoàn Ballet thành phố New York thì có một loạt buổi diễn “Hồ thiên nga” vào gần cuối mùa diễn đông năm nay, đồng thời đã lên kế hoạch diễn vở này để mở đầu mùa diễn thu tới.

Sức mạnh mang tính sân khấu từ âm nhạc của Tchaikovsky chính là nền tảng để nở rộ ra nhiều cách chuyển tải và biểu diễn. Câu chuyện đã được kể lại theo vô số cách khác nhau, tổng phổ được thay đổi theo nhiều cách; và bối cảnh câu chuyện cũng được điều chỉnh rất khác biệt, từ thời Trung cổ (như ý định của Tchaikovsky) cho đến đầu những năm 1960.

Giữa những năm cuối thập niên 1940 và cuối thập niên 1980, nhiều phiên bản ballet – đặc biệt của Nhà hát Hoàng gia (hay Nhà hát vũ kịch Sadler’s Wells) ở London, Nhà hát Kirov (hay Mariinsky) ở Saint Petersburg, và Nhà hát Bolshoi ở Moscow đã chuyển tải các khía cạnh bi kịch cao độ của vở ballet: vai nhân vật kép Odette-Odile do Margot Fonteyn, Maya Plisetskaya, Natalia Makarova và các ngôi sao khác thể hiện, đã đạt đến các đỉnh cao nghệ thuật. Một bổ sung tuyệt vời cho DVD năm 2009 của Đoàn Ballet Hoàng gia (Anh) là cuộc trò chuyện giữa “Bốn nữ hoàng thiên nga”, gồm diễn viên kỳ cựu Beryl Grey (người lần đầu múa trong vở ballet này từ hồi Chiến tranh Thế giới thứ hai), Monica Mason, Lesley Collier và Marianela Nuñez (người hiện vẫn diễn vở ballet này).

Một thiệt thòi cho khán giả New York là các đoàn ballet hàng đầu của thành phố – cả Đoàn Ballet Thành phố New York lẫn Nhà hát Ballet Mỹ – đều chưa có những dàn dựng xứng đáng với vở ballet kinh điển này. Phải thừa nhận rằng điều này không chỉ xảy ra ở New York. Cũng có những khiếm khuyết rõ ràng trong dàn dựng của Nhà hát Bolshoi và của Đoàn Ballet Hoàng gia (mà tôi đã thấy ở ba buổi diễn hồi mùa xuân năm nay). Tuy nhiên, hai dàn dựng đó ít ra còn có những thành công nghiêm túc, trong khi những dàn dựng hàng đầu ở Mỹ chỉ đơn giản là tầm thường hóa ballet.

Bi kịch của “Hồ thiên nga” là câu chuyện của những hóa thân: nhân vật nữ chính phải xuất hiện luân phiên dưới dạng thiên nga và con người. Tuy nhiên, dàn dựng của Peter Martins trên sân khấu Đoàn Ballet thành phố New York đã không tạo được ấn tượng gì vào khoảnh khắc kinh điển khi Odette, ở cuối Màn II, dường như bắt đầu thay đổi trước mắt chúng ta để trở thành một con mãnh điểu khi cô rời sân khấu. Còn phiên bản năm 2000 của Kevin McKenzie trên sân khấu Nhà hát Ballet Mỹ thì ngược lại, không chỉ kịch tính hóa quá tay như thể giáng một nhát búa mạnh khi biểu đạt cho số phận bị biến thành chim của Odette, mà còn biến phù thủy Rothbart thành một nhân vật đa nhân cách kiểu Jekyll & Hyde: đầu tiên là một anh chàng đào hoa nguy hiểm, tiếp sau đó là quái vật gớm ghiếc từ Đầm lầy Xanh (do một vũ công khác vào vai).

Không một dàn dựng nào hiện nay thể hiện đủ nghiêm túc nhân vật Rothbart – một Mephistopheles của vở ballet. Trong dàn dựng của Đoàn Ballet thành phố New York, lố bịch nhất là, Rothbart xuất hiện như một con quỷ trong các vở opera cổ lỗ mặc chiếc áo choàng không tay viền màu cam rực lửa. Trong dàn dựng của Đoàn Ballet Hoàng gia, nhân vật này lại phục trang giống như một tảng rêu gớm ghiếc. Ở thái cực khác, dàn dựng của Nhà hát Bolshoi thể hiện Rothbart luôn nhảy múa và đeo đẳng bám chặt theo hoàng tử Siegfried như bóng với hình. Đặc biệt là với sự thể hiện nhiệt tình thường trực nhưng kỳ quặc của vũ công Nikolay Tsiskaridze trong lần phát sóng gần đây, Rothbart trở nên lấn sân đến nỗi làm giảm cả vai trò của nàng Odette tội nghiệp và thụ động.

Mặc dù vậy, đối với phần đông khán giả, để tạo dấu ấn nổi bật, tất cả những gì “Hồ thiên nga” cần đó là một đội diễn viên múa nền (corps de ballet) có phong cách, một nữ diễn viên biểu cảm và một nam diễn viên huy hoàng. Trong các buổi biểu diễn trong năm nay ở cả Nhà hát Ballet Hoàng gia và Nhà hát Ballet Mỹ, các cô gái thiên nga – đã luyện tập tuyệt vời – khiến nhiều khán giả yêu thích. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, “Hồ thiên nga” không phải là “Hồ thiên nga” nếu thiếu các màn múa tập thể – với sức căng mạnh mẽ – đặc biệt là ở các động tác hạ tay xuống khi đập cánh. Nhưng ngày nay, than ôi, những cú đập cánh trong “Hồ thiên nga” bị nhạt nhòa theo những cú uốn khuỷu tay mềm dẻo đều chằn chặn.

Riêng về nhân vật nam chính – Hoàng tử Siegfried, đây là vai diễn ít gây khó khăn nhất cho hầu hết các đoàn ballet hiện đại. Tháng sáu năm nay khán giả đặc biệt hài lòng khi thưởng thức vai múa của Ruslan Skvortsov trong buổi phát sóng của Nhà hát Bolshoi (chỉ cần qua dáng đứng và cách đi anh đã biểu đạt tuyệt đẹp tính cách anh hùng của vai diễn). Khán giả cũng có thể hài lòng với David Hallberg trên sân khấu Nhà hát Ballet Mỹ, người hơn bất kỳ nam diễn viên ballet nào hiện nay, thể hiện được tinh thần của câu chuyện này là hành trình quả cảm của vị hoàng tử đi tìm những khía cạnh làm nên diện mạo tâm hồn của mình.

Khi Sara Mearns múa Odette-Odile trên sân khấu Đoàn Ballet Thành phố New York, chúng ta sẽ không bao giờ nghi ngờ rằng cô ấy đang đối mặt với định mệnh của mình. Cô đã làm cho vũ đạo vừa thân thương vừa huy hoàng ở một mức độ phi thường, và trải ra vô vàn những hồi hộp kịch tính. Tôi thấy không có diễn viên nào ở Nhà hát Ballet Hoàng gia Anh có cùng đẳng cấp này, trừ Ms.Nuñez và Lauren Cuthbertson, người hấp dẫn, người lộng lẫy. Nữ diễn viên Mariya Aleksandrova của Nhà hát Bolshoi, trên phim, đã múa vai này một cách hoàn toàn khác biệt: vẻ quyền uy lạnh lẽo của cô khiến cho vở ballet trở thành cuộc khám phá trong sự bất lực đầy biểu cảm, nghẹt trong nỗi sợ hãi và hy vọng.

Tại Nhà hát Ballet Mỹ tuần trước, cho đến cuối vở diễn, tôi không thấy gì nhiều ở Polina Semionova ngoài đoạn cuối màn diễn đầy tính “Don Quixote” của cô: cô đã làm mọi thứ cần thiết, nhưng không đạt được gì. Ngược lại, phần diễn Odette của Veronika đa cảm một cách mạnh mẽ, với cái nhìn như tìm kiếm vào đôi mắt của hoàng tử cùng lúc anh trìu mến đặt tay lên má cô. Vũ điệu của cô có nhiều khoảnh khắc đẹp khoan thai như suối kem tuôn chảy – và tất nhiên nó có sức căng mạnh mẽ, nhưng có khuynh hướng hướng đơn điệu. Không ai thể hiện sự ra đi của Odette cuối màn II tuyệt vời hơn Wiles Michele (qua vai diễn chia tay của cô với Nhà hát), khoảnh khắc cánh tay của cô đột nhiên đập gấp gáp vào không khí.

Trong các buổi biểu diễn tôi xem tuần trước, điểm đáng chú ý nhất là Gillian Murphy. Chỉ mới năm ngoái, cô còn trình diễn vai này một cách chát chúa và lòe loẹt. Nhưng lần này, cùng với Hallberg, cô đã biểu diễn đầy thuyết phục. Mặc dù cách thể hiện hoặc sự lựa chọn chủ đề của cô có vẻ như lạc hướng, cô vẫn đã cho thấy sự trưởng thành và sức mạnh mà chắc chắn đánh dấu một tầm cao mới của cô. Trong phần coda (đoạn cuối) của mình trong Màn II cô bất thần thêm động tác xoay tròn ba vòng mềm mại trên một chân khiến khán giả nín thở không chỉ bởi sự điêu luyện của diễn viên, mà còn vì tính xác đáng không ngờ: nó làm vai Odette càng thêm tỏa sáng. New York quả là may mắn có các nghệ sĩ tầm cỡ như Gillian Murphy và Sara Mearns. Chỉ tiếc là họ phải múa trong các dàn dựng phô trương như vậy.

                                                                                                         Lưu Hải Hà dịch

 

Tác giả