Họa sĩ Lê Thiết Cương: Thấy mình trong Kiều và thấy Kiều trong mình

Ngày khai mạc triển lãm “Truyện Kiều - Nguyễn Du/ Lê Thiết Cương - 24 tranh”, không khó để những người yêu mến họa sĩ Lê Thiết Cương nhận thấy một sự lạ: Anh đã vẽ minh họa bìa sách cho rất nhiều nhà văn, từ Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, cho đến Nguyễn Quang Thiều, Du Tử Lê, nhiều đến nỗi chính bản thân anh cũng phải thừa nhận rằng “mình chẳng tài nào nhớ hết”, nhưng đây là lần đầu tiên anh ra mắt một triển lãm trưng bày những bức họa lấy cảm hứng từ một tác phẩm văn học. Phải chăng thân phận đầy nước mắt của một người con gái tài sắc như Kiều đã khơi gợi trong anh những suy nghĩ để rồi cuối cùng ngưng tụ thành một thế giới Kiều của riêng mình?

Chém cha cái số đào hoa /Gỡ ra nối lại buộc vào như chơi. Bột màu trên vải màn bồi giấy dó – 55×36.5 cm- 2021.

“Tôi đã lớn lên với Truyện Kiều”, anh mở đầu cuộc trò chuyện với Tia Sáng bằng hồi ức tưởng chừng “cũ kỹ” sau mấy chục năm. “Thế hệ chúng tôi có hai lần phải chạy về quê sơ tán, lần thứ nhất vào năm 1968, lần thứ hai vào năm 1972. Bà tôi đã ru tôi vào giấc ngủ bằng Truyện Kiều. Những câu Kiều đã ngấm vào tâm thức tôi giữa hai đợt ném bom B52. Lúc ấy tôi mới 6 tuổi, 10 tuổi, chỉ là trẻ con nghe thì thích thế thôi chứ đã hiểu gì. Rồi mình lớn lên, mình đọc, mình tìm hiểu và mình mới thực sự thích”.

Từ “thích” của họa sĩ Lê Thiết Cương gói gọn rất nhiều sự đồng cảm của anh dành cho những dòng thơ đầy tâm tư của tác gia Nguyễn Du. “Phải đi qua những đoạn trường nào đấy thì ta mới hiểu được phần nào những câu thơ gói ghém rất nhiều trải nghiệm về cuộc đời và lòng người như ‘Vui là vui gượng kẻo là/ Ai tri âm đó mặn mà với ai’. Cũng như vậy, khi vẽ Kiều, bản thân người vẽ cũng phải là người từng trải thì mới có thể đi vào sâu thẳm thế giới Kiều”, họa sĩ Lê Thiết Cương giải thích lý do đến thời điểm vài năm gần đây anh mới thực sự bắt tay vào vẽ Kiều.

Trong suốt hai thế kỷ qua, Truyện Kiều đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt các tác phẩm thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Trong hội họa, từ bộ tứ Trí – Vân – Lân – Cẩn, bộ tứ Phái – Sáng – Liên – Nghiêm cho đến nhóm tứ kiệt trời Âu Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu, các danh họa hầu hết đều đã từng phác họa Kiều. Điều này khiến ta không khỏi nghĩ ngợi: Liệu anh có gì khác với những người nghệ sĩ trước đây?

Với hướng mới tả ý thay vì tả cảnh, họa sĩ Lê Thiết Cương đã tạo hình khuôn mặt nàng Kiều chỉ còn một nửa, một nửa đã bị chiếc nón che khuất, phần từ cổ xuống thân được vẽ bằng các nét ngang như những sợi dây trói buộc, con mắt thì bay lên trời.

Câu chuyện vẽ Kiều của họa sĩ Lê Thiết Cương khiến ta gợi nhớ đến Lý Bạch xưa kia trong lúc ngao du thiên hạ, lần đầu ghé thăm lầu Hoàng Hạc, ông đã cầm bút định viết bài thơ để bày tỏ cảm xúc dâng trào. Bất chợt thấy trên tường có treo bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, đọc xong ông buông bút thở dài tán thán: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”. (Có cảnh đẹp trước mắt mà không nói được, bởi vì trên đầu ta Thôi Hiệu đã đề thơ rồi). Với họa sĩ Lê Thiết Cương, khi ngắm nhìn những bức tranh lấy cảm hứng từ truyện Kiều, anh có cảm thấy áp lực với việc mình phải vượt qua những người đi trước?

“Tôi không nghĩ đến việc mình phải vẽ đẹp vẽ xấu hơn ai. Tôi chỉ đơn giản tìm kiếm cho mình một hướng đi riêng”, anh bày tỏ.

Tả ý, tả tình

Việc tìm kiếm một hướng đi riêng như vậy không phải dễ, nhất là khi những người đi trước đã khai thác truyện Kiều từ rất nhiều khía cạnh. Dẫu vậy, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ rằng với độ dài rộng vô bờ của Truyện Kiều, anh tự tin mình sẽ tìm được một khoảng trống nào đó mà chưa ai đi qua. “Tôi xem hết tất cả tác phẩm của những bậc thầy, thế hệ đi trước và đồng nghiệp cùng thế hệ”, nhờ đó, “tôi nhận ra tất cả các hoạ sĩ vẽ Kiều đều mới chỉ dừng lại ở việc ‘thơ sao vẽ vậy’. Chẳng hạn, họ thường vẽ chân dung Từ Hải ‘Râu hùm hàm én mày ngài’, vẽ cảnh cô Kiều tắm “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên’, hay những câu thơ như ‘Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai lấp ló cánh buồm xa xa’, ‘Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa’”. Nói cách khác, đó là những bức vẽ đi ra từ những câu thơ có hình, có cảnh.

Lòng còn gửi áng mây vàng/ Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay. Bột màu trên vải màn bồi giấy dó – 55×36.5 cm- 2021.

Còn những câu thơ không tả cảnh thì sao? Câu hỏi đó nảy ra ngay lập tức với anh. Ví như khi nàng Kiều bị rơi vào lầu xanh lần hai, nhà thơ Nguyễn Du đã viết: “Chém cha cái số hoa đào/ Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”. “Nếu vẽ câu thơ ấy mà vẫn đi theo quan niệm ‘thơ sao vẽ vậy’ thì chẳng thể nào lột tả được nỗi đau đớn đến mức phải thốt lên ‘Chém cha’”, anh phân tích cái nhìn của mình. Với hướng mới tả ý thay vì tả cảnh, họa sĩ Lê Thiết Cương đã tạo hình khuôn mặt nàng Kiều chỉ còn một nửa, một nửa đã bị chiếc nón che khuất, phần từ cổ xuống thân được vẽ bằng các nét ngang như những sợi dây trói buộc, con mắt thì bay lên trời.

Vì lẽ đó, trong 24 bức trưng bày tại triển lãm và được in thành phụ bản màu trong cuốn Truyện KiềuNguyễn Du / Lê Thiết Cương – 24 tranh do NXB Dân trí ấn hành, có rất nhiều bức phổ họa những câu thơ mà họa sĩ Lê Thiết Cương tin rằng nếu anh không vẽ thì từ trước đến nay hiếm ai, hay thậm chí là chưa từng có ai vẽ. Chẳng hạn như những câu thơ “Lòng còn gởi áng mây vàng/ Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay” hay “Có Tài mà cậy chi Tài/ Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”.

Triển lãm của họa sĩ Lê Thiết Cương còn trưng bày một số tranh in khắc gỗ trên… giấy sợi chuối, loại vật liệu này vô tình lại ‘đồng điệu’ với nét dân dã mà họa sĩ Lê Thiết Cương cảm nhận được từ Truyện Kiều.

Nói vậy không có nghĩa anh cố ép mình một cách khiên cưỡng để tạo ra sự khác biệt, bởi như anh chia sẻ: “Một bức tranh vẽ Kiều đẹp bắt buộc phải có hai điều: một là phải ra được chân dung của người vẽ, hai là phải ra được tinh thần của truyện Kiều”. Muốn đáp ứng cả hai điều đó, người họa sĩ phải đạt được độ chín muồi về phong cách, cảm xúc.

Những nét đồng điệu

Nhìn vào những bức tranh trong triển lãm Kiều, người xem có thể dễ dàng nhận ra ngay đây chính là tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương. Vẫn giữ quan niệm hội họa tối giản ảnh hưởng từ mỹ học thiền, tranh Kiều của anh ít màu, ít nét, nhiều khoảng trống. Điều này thoạt nghe có vẻ tréo ngoe, tả cảnh với phong cách tối giản vốn đã khó, nay tả ý chỉ bằng vài nét vẽ, vài màu sắc, thì quả thật là một thách thức lớn! Bằng sự ổn định trong phong cách, khi khắc họa hai câu: “Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia”, anh đã vẽ chân dung cô Kiều và chân dung chàng Kim Trọng ở hai bên, nhưng vì cách trở không gặp nên đầu hai người bị xoay ngược lại nhau. Dòng sông Tương – tạo hình từ bốn sợi đàn nguyệt – chảy ngang qua hai khuôn mặt. Có những câu thơ họa sĩ Lê Thiết Cương đã vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần, và cuối cùng anh chọn ra bức vô lý nhất để mang đi triển lãm, bởi “cái tối giản của tôi đồng nghĩa với sự vô lý, nếu không vô lý, thậm chí phi lý, thì nó không làm bật xúc động thẩm mỹ của tôi đến người xem”.

Sự điêu luyện trong nét vẽ đã họa nên những điều anh muốn lột tả, và ngược lại, cảm xúc của một người từng trải đã giúp anh dẫn dắt những nét bút của mình. Nỗi xúc động đạt đến ngưỡng anh ví như “bệnh vẽ Kiều”, chỉ “vẽ Kiều thôi không dứt ra được”. Truyện Kiều đã gắn bó với họa sĩ Lê Thiết Cường từ thuở thiếu thời, nhưng đến khi trưởng thành anh mới hiểu hơn về những triết lý trong đó. “Muốn hiểu truyện Kiều rốt ráo, ít nhất phải thông thạo hai tư tưởng cốt lõi là Nho giáo và Phật giáo. Khi đã hiểu, tôi lại càng thích cách dùng từ của cụ Nguyễn Du, đặc biệt là từ ‘lòng’. Từ mở đầu truyện Kiều ‘Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng’ đến phần kết truyện Kiều ‘Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài’ đều có chữ ‘lòng’, và nếu không vì chữ ‘lòng’ thì Thúy Kiều đã chẳng khổ, đã chẳng băn khoăn bán mình chuộc cha, khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, khuyên Từ Hải ra hàng”, anh bày tỏ và đọc thêm hai câu thơ “Một nhà chung chạ sớm trưa/ Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng”.

Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia. Bột màu trên vải màn bồi giấy dó – 55×36.5 cm- 2021.

“Tư tưởng nhà Phật giăng khắp từ đầu đến cuối tác phẩm. Đạo Phật là đạo tu tâm, nhưng với tôi, Nguyễn Du đã tạo nên đạo tu lòng!” Họa sĩ Lê Thiết Cương xúc động trước chữ “lòng” đến độ, trong cuốn Truyện Kiều – Nguyễn Du / Lê Thiết Cương – 24 tranh, phần phụ lục, anh đã công phu thống kê tổng cộng có 177 chữ “lòng” trong 3.254 câu Kiều, với những lòng xuân, nặng lòng, tấc lòng, chút lòng, ơn lòng…

Sự khác biệt trong những tác phẩm Kiều được hình thành từ chính con đường tả ý mà anh đã vẽ nên, cũng như sự độc đáo trong phong cách sáng tác, sự trưởng thành về mặt cảm xúc. Song có lẽ nó còn nảy sinh từ chính những bất ngờ thú vị.

Bên cạnh 24 tác phẩm vẽ bằng chất liệu bột màu trên vải màn bồi giấy dó, triển lãm của họa sĩ Lê Thiết Cương còn trưng bày một số tranh in khắc gỗ trên… giấy sợi chuối. Khi tìm đến nhà hoạ sĩ và chủ động tặng anh dùng thử loại giấy này, bản thân anh Bùi Khánh Dũng, người tạo ra, cũng chưa thể tưởng tượng nó sẽ phù hợp với chủ đề nào. Bất ngờ, loại vật liệu này vô tình lại ‘đồng điệu’ với nét dân dã mà họa sĩ Lê Thiết Cương cảm nhận được từ Truyện Kiều.

Mỗi một chất liệu, từ lụa, toan, giấy dó, đều mang một cái hồn riêng. Giấy sợi chuối là một thể nghiệm của họa sĩ Lê Thiết Cương. “Tôi vẽ đen – trắng, vẽ màu, cho nước vào để xem độ nhòe”, anh thử tìm tòi các cách ‘thổi hồn’ vào vật liệu giản dị này và nhận ra rằng nhờ có độ bền cao hơn giấy dó, độ thấm hút lớn, giấy sợi chuối khi lên màu có một độ sâu nhất định. Và thế là nó đã hòa hợp vào triển lãm của anh theo một cách rất riêng. “Tôi vẽ cô Kiều với chiếc khăn mỏ quạ, guốc mộc, đàn nguyệt, bên cạnh chum nước, gáo dừa, nồi đồng trên giấy dó, giấy sợi chuối. Đó chính là Việt Nam, là Nguyễn Du với những vần thơ Nôm thoát thai từ đời sống dân dã”.

Rất nhiều yếu tố hội tụ vào đúng thời điểm thích hợp đã giúp anh khắc họa nên một Kiều rất lạ, nhưng vẫn đủ thân thuộc để ta nhận ra người con gái “Ma đưa lối, quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Tâm huyết của anh dành cho Kiều sẽ không chỉ dừng lại ở một cuộc triển lãm, “tôi muốn phát triển thành một dự án nghệ thuật dài hơi với những bản in khắc gỗ, hộp sơn mài, áo T-shirt, những lọ gốm vẽ trên cảm hứng truyện Kiều”, anh gợi ý về hướng phát triển mang phong cách công nghiệp văn hóa mà mình ngẫm ngợi những năm gần đây.

Dẫu biết với những người họa sĩ mà mỗi lần cầm cọ là một lần mê mải đi tìm cái mới, mỗi tác phẩm đều là những lần khác với người và khác với mình trước kia, nhưng dường như triển lãm Kiều một lần nữa nhắc nhở người xem rằng, họa sĩ Lê Thiết Cương không đi con đường của ai, và cũng không tắm hai lần trên dòng sông của chính mình. □

Tác giả

(Visited 30 times, 1 visits today)