Họa sĩ William Turner: người được truyền cảm hứng bởi những nhà khoa học lớn

Không chỉ nhà vật lý Michael Faraday mà cả nhà thiên văn học William Herschel đã truyền cảm hứng sáng tạo cho họa sĩ Joseph Mallord William Turner.

Joseph Mallord William Turner (1775-1851) là một trong những họa sĩ tranh phong cảnh và cảnh biển lỗi lạc nhất trong lịch sử nghệ thuật. Nổi tiếng với phong cách khắc họa các yếu tố thiên nhiên như ánh sáng, nước, lửa, đất, không khí v.v., ông thậm chí đã tiến gần đến nghệ thuật trừu tượng hơn cả những họa sĩ trường phái ấn tượng theo gót mình sau này.

Còn Michael Faraday (1791-1867) là người có những thành tựu mà hiếm có nhà khoa học nào trong lịch sử đạt được. Những phát hiện của ông về điện từ học đã thực sự thay đổi hoàn toàn lĩnh vực này từ một mối tò mò thuần túy thành một công nghệ quyền năng.

Hai con người xa lạ, tưởng chừng không có điểm chung này đã trở thành bạn, có lẽ là từ sau cuộc gặp gỡ tại tư gia của nhà vật lý James Carrick Moore và vợ ông, những người có chỗ đứng trong đời sống xã hội chính thống ở London vào thời điểm đó. Nhà giám tuyển thuộc Đại học Birmingham James Hamilton đã viết những tiểu sử thú vị về cả Turner và Faraday, giúp ta hiểu biết tường tận mối qua hệ giữa hai nhân vật quan trọng này, nhất là về sự ảnh hưởng tinh vi, khó thấy mà nhà khoa học đã tác động lên người họa sĩ.

Về mặt kỹ thuật, Faraday đã chỉ dẫn cho Turner cách tốt nhất để kiểm tra tốc độ phai màu và sự biến đổi sắc tố trong điều kiện không khí vô cùng ô nhiễm ở London giữa thế kỷ 19. Ngược lại, Turner cũng bắt đầu kết hợp những yếu tố phản ánh những nghiên cứu khoa học vào trong tranh của mình. Ví dụ như bức họa “The New Moon” (“Trăng non”) đầy ấn tượng với những làn sóng nhỏ dọc ngang, gợi nhắc về miêu tả của Faraday khi ông quan sát những lằn gợn tạo ra bởi gió trên mặt nước hay trên bờ cát ở Hastings. Một hiệu ứng giống như vậy, được Faraday gọi là “sự uốn quăn” (crispation) – sự nhiễu loạn hình thành trong một môi trường sau khi bị một môi trường khác va đập vào, có thể được nhìn thấy trên mặt biển trong một bức họa khác của Turner là “Lifeboat and Manby Apparatus” (“Xuồng và thiết bị cứu sinh Manby”).

Nhưng Faraday không phải là nhà khoa học duy nhất ảnh hưởng đến các tác phẩm của Turner. Nhà thiên văn học nổi tiếng William Herschel có thể là một người nữa truyền cảm hứng sáng tạo cho Turner. Trong bài thuyết giảng có tính chất đột phá tại Hội Hoàng gia vào năm 1801, Heschel là người đầu tiên nhìn nhận Mặt trời như một vật thể có bề mặt. Ông miêu tả bề mặt năng động của Mặt trời có một loạt các khiếm khuyết như “các nốt sần, nếp gấp, vết lõm và lỗ rỗ”. Turner chắc hẳn đã nghe được về bài thuyết giảng này, bởi vì cuộc triển lãm tranh mà ông tham gia cũng diễn ra vào cùng thời điểm đó, tại cùng tòa nhà nơi Hội Hoàng gia họp mặt. Sau đó, vào năm 1803, Turner đã vẽ bức “The Festival upon the Opening of the Vintage, Macon” (“Lễ hội Mở đầu mùa Hái nho ở Macon”), trong đó hình ảnh Mặt trời được khắc họa với những chi tiết giống như những miêu tả của Heschel trong bài giảng của mình. Trong bức tranh này, đường nét Mặt trời rất khó nhìn, và người xem cảm tưởng như không thể tập trung nhãn quan của mình để nhận ra Mặt trời như một vật thể. Nhưng nếu nhìn thật gần, ta sẽ thấy Turner đã vẽ Mặt trời với một đường nét hình đĩa nhỏ xíu rõ ràng và một bề mặt tinh vi bao gồm ba phần được vẽ theo ba cách khác nhau: chấm, quệt, và quết nhẹ cây cọ. Trong xã hội thời bấy giờ, những ý tưởng mới mẻ và thú vị nhất định được thẩm thấu, bởi vậy không có gì là lạ nếu cho rằng Turner đã quyết định thay đổi cách ông khắc họa Mặt trời theo những đặc tính vật lý mà các nhà thiên văn học đang khám phá ra lúc đó.

Có thể nói, Faraday và Turner có điểm chung là đều nghiên cứu, khám phá những đặc tính của ánh sáng. Faraday là người đầu tiên chỉ ra rằng từ trường có thể tác động lên các tia của ánh sáng. Hiện tượng đó, sau này được gọi tên là hiện tượng quay phân cực ánh sáng Faraday (Faraday rotation), không chỉ có ứng dụng to lớn trong thiên văn học hiện đại mà còn là bước đầu tiên tiến đến chứng minh của James Clerk Maxwell rằng ánh sáng là một sóng điện từ. Còn về phần Turner, ông đã dần dần được biết đến như “họa sĩ của ánh sáng” bởi cách tìm tòi và sử dụng bậc thầy những màu sắc tuyệt diệu để mô tả thiên nhiên cho con mắt người thường. Như vậy, cả nhà khoa học lẫn người nghệ sĩ đều đã làm giàu có thêm hiểu biết của chúng ta về thiên nhiên và cả những rung cảm của chúng ta trước thiên nhiên nữa.

Tiếc rằng niềm đam mê với khoa học của Turner xảy ra vào đúng một thời kỳ mà khoảng cách giữa khoa học và nghệ thuật bắt đầu rộng ra, mỗi lĩnh vực phát triển theo con đường riêng của mình. Quan hệ giữa nghệ thuật và khoa học từ sau đó càng ngày càng kém đi tình bằng hữu.

       Khánh Minh tổng hợp

Nguồn:http://www.huffingtonpost.com/mario-livio/joseph-mallord-william-turner_b_2624625.html?utm_hp_ref=art-meets-science
http://www.theguardian.com/artanddesign/2011/nov/13/turner-science-sun

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)