Hoạt hình chỉ dành cho trẻ con?

Trong lễ trao giải Oscar lần thứ 94 vừa diễn ra gần đây, ba nữ diễn viên gồm Lily James, Halle Bailey và Naomi Scott trong vai trò công bố danh sách đề cử và trao giải cho hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất, đã có câu “đùa” làm nổi sóng dư luận rằng phim hoạt hình là thứ trẻ con thích xem còn người lớn phải chịu đựng. Hai nhà làm phim hoạt hình Phil Lord và Chris Miller - tác giả của loạt phim đình đám, được lòng cả khán giả lẫn giới phê bình như Spider man into the Spider verse, The LEGO Movie, hay bộ phim được đề cử Oscar năm nay - The Mitchells vs. The Machines, đã có lời phản pháo quyết liệt tới Viện Hàn lâm, với lời khẳng định chắc nịch rằng hoạt hình là điện ảnh. Vậy định kiến phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ con từ đâu mà có? Điều này hẳn nhiên tạo ra hạn chế, bó buộc cho những người làm phim hoạt hình nhưng chính khán giả có chịu thiệt thòi gì hay không?

Felix the cat

Vì sao có định kiến phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ em?

Bộ phim hoạt hình dài chính thức đầu tiên trên thế giới – El Apóstol của Argentina, với thời lượng 70 phút, được phát hành năm 1917, có nội dung liên quan tới chính trị và các sự kiện xã hội đương thời; câu chuyện kể về nhân vật tổng thống Yrigoyen và giấc mơ của ông ta. Trong suốt những năm 1920, dù các xưởng phim hoạt hình thời bấy giờ đều có các sản phẩm cho cả đối tượng trưởng thành lẫn trẻ nhỏ, các phim ăn khách và được biết tới rộng rãi hơn cả lại dành cho thiếu nhi.

Bước ngoặt quan trọng phải kể đến thành công vang dội của phim Felix the Cat, với nhân vật chính là một chú mèo đen ra đời năm 1919 trong thời đại phim câm. Đây là sáng tạo của cặp đôi hoạt họa Pat Sullivan và Otto Messmer. Không chỉ xuất hiện dưới dạng phim hoạt hình, nhân vật này còn có phiên bản truyện tranh phát hành hàng tuần, cùng với nhiều sản phẩm đồ chơi ăn theo. Tuy rằng không chỉ có khán giả, độc giả nhí yêu thích tác phẩm này, về mặt truyền thông, tác phẩm này được định vị là dành cho trẻ em. Nó xuất hiện trong các danh sách gợi ý phim phù hợp cho trẻ trên báo chí.

Tiếp nối mèo Felix là một nhân vật hoạt hình mang tính biểu tượng khác – chú chuột Mickey của Walt Disney, ra đời năm 1928. Tương tự như mèo Felix, chuột Mickey cũng mang tới hình ảnh thân thiện, dễ mến. Các xưởng phim trung thành đi theo định hướng này đã thu về rất nhiều thành công, tạo đà sản sinh thêm nhiều nhân vật hoạt hình kinh điển khác như thuỷ thủ Popeye mê rau chân vịt, thỏ Bugs Bunny, Woody Woodpecker… Đến thập niên 30, 40, nhiều rạp chiếu phim tham gia vào chiến dịch truyền thông của những Mickey Mouse club hay Popeye club, nhắm tới khán giả nhí.

Những bộ phim được coi là phù hợp với trẻ em thường có một số đặc điểm chung như: nhân vật chính là động vật, tạo hình dễ thương, gần gũi, tương đối đơn giản và mạch lạc về hình khối, nội dung hài hước, vui vẻ, thông điệp tích cực, không hoặc rất ít động tới các vấn đề nặng nề, nghiêm túc.

Thập niên 50 với sự phổ biến của tivi và truyền hình đã khuếch đại danh tiếng của các nhân vật hoạt hình, cũng như gia tăng nhu cầu về các nội dung giải trí và giáo dục. Một yếu tố xã hội khác có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường phim hoạt hình là sự bùng nổ dân số sau Thế chiến thứ II, còn được gọi là thế hệ baby boomer, những người sinh ra trong khoảng 1946 tới 1964. Vào thập niên 50 thì thế hệ này đang ở trúng độ tuổi khán giả nhí từ 0 – 12 tuổi. Số lượng trẻ em tăng vọt hẳn nhiên sẽ kéo theo số lượng các sản phẩm văn hóa giải trí dành cho thiếu nhi, cũng là cơ hội kinh doanh không thể bỏ qua của các xưởng phim. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh, quảng cáo của những hãng phim lớn như Walt Disney đặc biệt nhấn mạnh vào hình ảnh thân thiện, phù hợp cho cả gia đình nhằm mở ra những công viên giải trí theo chủ đề. Disney World đầu tiên trên thế giới được khai trương vào tháng 7/1955, tại Anaheim, California. Thời kỳ này cũng xuất hiện một số nhân vật hoạt hình kinh điển dành cho người lớn như Betty Boop (ra đời năm 1930) hay The Flintstones – gia đình Flinstones sống ở thời kỳ đồ đá (ra đời năm 1960), nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ các tác phẩm ăn khách giai đoạn này.

Tương tự với thị trường Mỹ, đế chế hoạt hình Nhật cũng có những tác phẩm đầu tiên từ năm 1917. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ chiến tranh cũng như các thảm họa tự nhiên, phải tới 1945 Nhật mới có bộ phim anime dài đầu tiên, mang tên Momotarou’s Divine Sea Warriors (phim đen trắng, dài 74 phút). Bộ phim này ra mắt ngay trước khi chiến tranh kết thúc, là một tác phẩm tuyên truyền nằm nâng cao tinh thần người dân, không liên quan gì tới việc giải trí cho trẻ em. Tiếp đó, nhờ ấn tượng mạnh mẽ với bộ phim hoạt hình Nàng Bạch Tuyết (1937), xưởng phim Toei đã tạo ra phim anime có màu đầu tiên mang tên Hakujaden (Huyền thoại về con rắn trắng – 1958), dựa trên một truyền thuyết Trung Quốc. Phim bộ dài tập chiếu trên truyền hình đầu tiên là Astro Boy (1963) chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên. Đây là một tác phẩm dành cho thiếu nhi.

Xuyên suốt sự hình thành và phát triển của thể loại hoạt hình, luôn luôn tồn tại song song các sáng tác dành cho thiếu nhi và dành cho người lớn, đôi lúc được dùng cho mục đích tuyên truyền trong chiến tranh, chưa bao giờ chỉ riêng cho trẻ con. Tuy vậy, do tác động lớn của truyền thông, các chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ, nhu cầu xã hội cao đặc thù trong một giai đoạn lịch sử mà tạo ra ấn tượng rằng hoạt hình chỉ gắn liền với trẻ nhỏ. Ấn tượng này dường như vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Trên thực tế, hoạt hình cũng giống như bất kỳ hình thức nghệ thuật nào khác, như âm nhạc, kịch nghệ, thơ ca, nhảy múa… luôn có đa dạng các sản phẩm dành cho nhiều lứa tuổi. Thể loại không quyết định lứa tuổi khán giả mà là câu chuyện, đề tài và nội dung hình ảnh.

Vào thời kì hoạt hình dành cho trẻ con đang nở rộ, vẫn có nhiều tác phẩm hoạt hình kinh điển dành cho người lớn như Betty Boop (1930).

 

Sự trỗi dậy của hoạt hình dành cho khán giả trưởng thành

Sau giai đoạn đầu các phim dành cho trẻ em chiếm ưu thế về số lượng và độ phủ sóng với công chúng, phim dành cho người trưởng thành đã được chú ý đầu tư hơn cũng như đạt được những thành công đáng kể. Một trong những cái tên nổi bật phải kể đến loạt phim The Simpsons (1989 tới nay), kể câu chuyện châm biếm đời sống Mỹ thông qua cuộc sống thường nhật của gia đình Simpsons. Bộ phim đã có nhiều “tiên đoán” chuẩn xác bất ngờ về nước Mỹ. Một vài cái tên đáng chú ý khác như South Park (1997), Rick and Morty (2013), Bojack Horseman (2014), gần đây hơn có loạt phim Love Death + Robots (2019), The midnight Gospel (2020), Arcane (2021)… Hoặc một số phim điện ảnh như Persepolis (2007), Mary and Max (2009), Anomalisa (2015), Loving Vincent (2017), Isle of Dogs (2018), I lost my body (2019)…

Về phía Nhật, không ít các tác phẩm hoạt hình nổi bật, thậm chí đã gây ảnh hưởng tới các phim Hollywood, như Akira (1988), Ghost in the shell (1995), Perfect Blue (1997), Millennium Actress (2001), Paprika (2006)…

Hoạt hình cũng giống như bất kỳ hình thức nghệ thuật nào khác, như âm nhạc, kịch nghệ, thơ ca, nhảy múa… luôn có đa dạng các sản phẩm dành cho nhiều lứa tuổi.

Phim hoạt hình dành cho khán giả trưởng thành có một số đặc điểm khác biệt dễ thấy như: đề tài đa dạng và gai góc hơn, động tới nhiều vấn đề khó nhằn như bạo lực, tình dục, chính trị, tôn giáo… nhân vật chính ít khi là động vật đáng yêu, hình ảnh có thể gây sốc, câu chuyện tăm tối, khắc nghiệt hơn hoặc hoàn toàn lố bịch không chút kiềm chế. Có thể nói không quá rằng hoạt hình dành cho khán giả trưởng thành đã mở lối cho nhiều sáng tạo và thử nghiệm táo bạo, cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Một trong những bộ phim hoạt hình như vậy là tác phẩm avant garde của đạo diễn Masaaki Yuasa, do xưởng phim Studio 4°C sản xuất, mang tên Mind Game (2004). Bộ phim này đã từng được trình chiếu tại Việt Nam trong khuôn khổ tuần lễ phim Nhật do Japan Foundation tổ chức. Câu chuyện kể về Nishi – một chàng trai 20 tuổi, ôm mộng trở thành họa sĩ truyện tranh. Một ngày nọ cậu đụng độ với mấy tay yakuza (mafia Nhật) và bị chúng hạ sát. Trên đường gặp thánh thần để đầu thai kiếp khác, Nishi đã không chấp nhận số phận và làm ngược ý thánh thần, giành lại được cơ hội sống lần thứ hai. Ngay sau đó cậu ta bị một con cá voi nuốt chửng. Câu chuyện có rất nhiều tình tiết bẻ lái bất ngờ và điên khùng và có thể gây nhiều tranh cãi. Về mặt hình ảnh, phim cũng có những thể nghiệm mới lạ, kết hợp cả hoạt hình 2D, 3D với đoạn phim người thật. Mind game đã đoạt rất nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ, cả ở Nhật lẫn quốc tế, nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ 100% nhà phê bình và 92% khán giả trên trang đánh giá phim uy tín Rotten Tomatoes.

Poster của bộ phim hoạt hình Mind Game. Ảnh: Anime News Network.

Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn nổi tiếng Hayao Miyazaki, người đã giành giải Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc Spirited Away năm 2002, từng chia sẻ rằng thông điệp cốt lõi ông muốn đưa vào các tác phẩm của mình là mang tới một cơ hội thứ hai. Có thể thấy trong hầu hết các phim của Miyazaki gần như không có nhân vật phản diện độc ác. Đây có thể là một trong những khác biệt đáng chú ý giữa câu chuyện chỉ dành cho trẻ em và câu chuyện dành cho người lớn. Đôi lúc câu chuyện của người lớn không có cơ hội thứ hai, đôi lúc câu chuyện hết sức tuyệt vọng. Không có nghĩa câu chuyện dành cho người lớn toàn tiêu cực, thất vọng, cũng không phải câu chuyện cho trẻ con chỉ tuyệt đối hạnh phúc, vui vẻ. Mà là, nếu có một câu chuyện không đem tới cơ hội thứ hai, chúng thường chỉ dành cho người trưởng thành.

Có những bộ phim giao thoa, xóa nhòa ranh giới giữa trẻ con và người lớn, những câu chuyện đủ lớp lang để khán giả mọi lứa tuổi đều có thể tận hưởng theo những cách khác nhau. Những bộ phim như Spirited Away (2001), My Neighbors the Yamadas (1999), Summer Wars (2009), Ratatouille (2007), WALL-E (2008), Soul (2020), Coraline (2009), Toy story 4 (2019), The Mitchells vs The Machines (2021), Spider-Man: Into the Spider-Verse (2018)… đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả bất chấp lứa tuổi.

Tóm lại,

Ngay cả khi một người trưởng thành thích xem những bộ phim chủ đích dành cho thiếu nhi, nếu như những câu chuyện đơn giản và vui vẻ ấy đem lại cảm giác ấm cúng, xoa dịu căng thẳng thì thi thoảng xem cũng đâu hại gì. Ai cũng từng là trẻ con, phần lớn mọi người đều từng yêu thích một tác phẩm nào đó. Chúng ta lớn lên không đồng nghĩa với việc phải vứt bỏ mọi thứ gắn bó với tuổi thơ. Sức mạnh của sự hoài niệm rất lớn. Những bộ phim live-action dựa trên những bộ phim hoạt hình kinh điển như Aladdin, Lion King, Beauty and the Beast… đều đạt doanh thu tỷ đô toàn cầu. Chúng không phải những tác phẩm có sáng tạo đột phá, bước ngoặt, nhưng đem lại nhiều ký ức đẹp đẽ với nhiều khán giả. Chưa kể sáng tác cho thiếu nhi chưa bao giờ là một công việc đơn giản, kém cỏi hơn sáng tác cho người lớn. Nhưng đây là câu chuyện cho một dịp khác.

Kết lại, một khán giả trưởng thành là có khả năng tự tư duy, tự đưa ra nhận định, quyết định. Đánh giá chính xác nhất nên là tự mình trải nghiệm. Vì ấn tượng một chiều bị nhào nặn bởi truyền thông mà bỏ lỡ một bộ phim hoạt hình hay thì chẳng phải rất đáng tiếc hay sao?□

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)