Học trò thầy Mạnh Tử

Ngạo mạn với quyền thế Tháng 7 năm 1999, khi tôi bắt đầu lên kế hoạch đem theo hai đứa con đi du lịch bằng xe đạp dọc sông Rhein, thì nhận được điện thoại từ viên thư ký của ông Mã Anh Cửu[1] Thị trưởng thành phố Đài Bắc nói đại ý Thị trưởng Mã hy vọng mời Giáo sư Long Ứng Đài về Đài Bắc nhậm chức Giám đốc Sở Văn hoá Đài Bắc nhiệm kỳ đầu tiên, “Đề nghị Giáo sư Long gửi lý lịch về Đài Bắc”.

Tôi nhớ là lúc ấy chẳng cần suy nghĩ gì, tôi dứt khoát trả lời ngay: “Các ông cần lý lịch à? Tôi đâu có xin việc ở chỗ các ông, thế thì cớ gì lại yêu cầu tôi gửi lý lịch cho các ông nhỉ? Muốn tìm hiểu về tôi, xin hãy ra hiệu sách mua sách của tôi mà đọc!”
Mấy hôm sau tôi nhận được điện thoại của đích thân Thị trưởng Mã gọi từ Đài Bắc. Qua trao đổi trên điện thoại, tôi được biết con người này quả thật đúng là đã đọc mấy cuốn sách của tôi.
Lại một tuần lễ trôi qua. Thư ký của Thị trưởng gọi điện thoại báo cho biết đích thân Thị trưởng Mã Anh Cửu sẽ đến Frankfurt vào lúc 8 giờ tối nay “Xin hỏi, Giáo sư Long có thể đến khách sạn Thị trưởng trọ được không ạ?”
Tôi cũng còn nhớ là lúc ấy tôi nửa đùa nửa thật trả lời: “Chỉ có Vương đến gặp Sĩ chứ đâu có cái đạo lý Sĩ đến gặp Vương nhỉ? Hoan nghênh Thị trưởng đến nhà tôi trò chuyện.” Thế là Thị trưởng Mã Anh Cửu phong trần vất vả bay từ Đài Bắc đến Rome, sau chuyến làm việc căng thẳng ở Rome lại kín đáo tách khỏi đám nhà báo đang bám riết, cùng viên thư ký lặng lẽ bay sang Frankfurt, từ sân bay hai người thuê ta-xi vượt hơn chục km đi trong đêm tối đến nhà tôi.
Tôi vốn dĩ đâu phải là một kẻ cao ngạo. Có nhà báo từng để ý quan sát chuyện tôi tham gia nghi thức ký tên bán sách, họ thấy lúc tôi ngồi tại bàn để ký tên cho các bạn đọc đang xếp hàng chờ đến lượt, mỗi lần xuất hiện bạn đọc cao tuổi nào, tôi đều nhất thiết đứng ngay dậy ký vào sách người đó cầm. Ấy vậy mà khi đứng trước ngài Thị trưởng đại diện cho “quyền thế” thì tôi lại có biểu hiện ngạo mạn như thế đấy, ngạo mạn tới mức thiếu cả lý lẫn tình. Những lúc ngẫm nghĩ về quá trình hình thành tư tưởng và nhân cách của mình, tôi bất giác tự vấn: cái kiểu “ngạo mạn” với quyền thế ấy rốt cuộc từ đâu mà ra?

Đứng nghiêm
Ai ngờ, người đầu tiên nổi lên từ sâu thẳm ký ức của tôi lại là thầy Mạnh Tử. Năm 13 tuổi tôi đã được đọc câu “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” [Tạm dịch: (Đại trượng phu) là người giàu sang không thể làm cho sa đoạ, nghèo hèn không thể làm thay đổi ý chí, uy vũ không thể khuất phục nổi], tuy còn chưa hiểu thế nào là phú quý, bần tiện và uy vũ, cũng chưa biết ở đây “dâm”, “dịch”, “khuất” là các động từ và chúng hàm chứa bao nhiêu tầng nấc ý nghĩa, nhưng tính quả quyết dứt khoát của câu nói và cái sức mạnh đơn giản mà tuyệt đối thoát ra từ ngôn ngữ chắc như đinh đóng cột ấy rõ ràng đã làm tôi – đứa con gái thơ dại này rung động sâu sắc. Sau khi lên phổ thông trung học được đọc nguyên văn thiên Mạnh Tử, Đằng Văn Công, Hạ, tôi mới biết là đức Mạnh Tử cho rằng những người hùng quyền hành khuynh đảo một thời từng làm cho các vương hầu kinh sợ đều không phải là bậc “đại trượng phu” đích thực; chỉ trong trường hợp bị sự giàu sang quyến rũ, bị sự bần tiện gây sức ép, bị uy vũ doạ dẫm thì mới có thể kiểm tra xác nhận được phẩm cách người quân tử thực sự đội trời đạp đất.
Một hôm khi đang cùng mấy đứa bạn chơi bóng bàn ở Trạm Dịch vụ bình dân tại một làng nọ, bỗng dưng tôi nghe thấy khẩu lệnh “Nghiêm” ai đó hét lên choáng cả tai. Giọng nói nghe rất quen. Thì ra là giọng của cha tôi, lúc ấy ông mặc đồng phục sĩ quan cảnh sát chỉnh tề, dẫn theo mấy viên cảnh sát đang đứng nghiêm răm rắp chào vị phân cục trưởng cảnh sát đến kiểm tra tình hình. Tôi vẫn định tiếp tục chơi bóng, nhưng vừa mới giơ chiếc vợt lên đã nhìn thấy ánh mắt doạ dẫm cấm đoán của cha. Tiếp đó một viên cảnh sát đứng sau cha lập tức chạy tới vừa đẩy vừa kéo mấy đứa học sinh cấp II quần cộc dép lê chúng tôi xếp thành một hàng đứng ngay ngắn, rồi bảo chúng tôi giơ tay phải lên ngang trán làm tư thế chào theo kiểu của cảnh sát.
Chẳng biết tại sao tôi lại cảm thấy đây là một hành động xỉ nhục chưa từng có trong đời mình. Tối hôm ấy tôi 15 tuổi tay cầm cuốn Mạnh Tử đã giở sẵn trang Tận Tâm Thiên đưa cho cha tôi và nói: “Cha xem này!”
Mạnh Tử viết: “Thuyết đại nhân, tắc mạo chi, vật thị kỳ nguy nguy nhiên …” [tạm dịch: Mạnh Tử nói: Muốn bày tỏ ý kiến với người có địa vị cao thì trước hết phải coi thường họ đã, chớ nên để ý tới địa vị hiển hách của họ]. 
Tôi muốn hét lên với cha: “Tại sao cha lại bắt chúng con đứng nghiêm chào ông ấy? Vì sao cha không biết Thuyết đại nhân, tắc mạo chi? Cái ông phân cục trưởng ấy là nhân vật thế nào cơ ạ, dựa vào đâu mà cha bắt bọn con đứng nghiêm chào ông ta?”
Lúc ấy cha tôi đang cắt móng chân dưới ánh sáng một ngọn đèn tù mù, chân ghếch lên chiếc ghế trúc. Ông bỏ cái kéo con tí xuống, ngồi ngay ngắn đón lấy cuốn sách tôi đưa rồi cất giọng nghiêm chỉnh ngâm nga đoạn văn cổ ấy một lượt. Sau khi hiểu rõ sự phản kháng của tôi, cha trả lại sách và nói: “Con hãy đọc chương nổi tiếng nhất của Mạnh Tử cho cha nghe.” Rồi liếc thấy cậu em tôi đang đứng cạnh, ông bảo: “Nào, hai chị em cùng đọc đi.”
Thế là hai chị em tôi đọc thiên Mạnh Tử, Cáo Tử, Hạ dưới ánh đèn tù mù:
Thuấn phát vu khuyển mẫu chi trung, truyền thuyết cử vu bản trúc chi gian, Giao Cách cử vu ngư diêm chi trung, Quản Di Ngô cử vu sĩ, Tôn Thúc Ngạo cử vu hải, Bách Lý Hề cử vu thị. Cố thiên tương giáng đại nhiệm vu thị nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí; lao kỳ cân cốt, nga kỳ thể phu, không phạp kỳ thân, hành phất loạn kỳ sở vi, sở dĩ động tâm nhẫn tính, tằng ích kỳ sở bất năng. [Mạnh Tử nói: “Vua Đại Thuấn lớn lên từ đồng quê, theo truyền thuyết được tuyển chọn từ lũ thợ xây tường; Giao Cách được chọn từ bọn hàng cá, hàng muối; Quản Trọng được chọn từ bọn cai ngục; Tôn Thúc Ngao được chọn từ vùng ven biển hẻo lánh; Bách Lý Hề được chọn từ ngoài chợ. Cho nên khi trời giao sứ mạng trọng đại cho những người ấy, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm trí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy”.][2]
Đọc đến đây tôi ấp a ấp úng không thể đọc tiếp, chỉ còn lại em tôi (cậu ấy đọc sách giỏi hơn tôi) một mình đọc tiếp:

Long Ứng Đài (Lung Ying-tai,1952-) là một nhà văn Đài Loan nổi tiếng đương đại. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, bà sang Mỹ nghiên cứu và làm việc 8 năm, giành học vị tiến sĩ tiếng Anh và là phó giáo sư trường ĐH bang Kansas. Thời gian 1983-1986 ở Đài Loan, viết nhiều tác phẩm có tiếng vang. Sách Long Ứng Đài bình tiểu thuyết gây ra một “cơn lốc” trên văn đàn Đài Loan. Dã Hoả tập (tuyển tập các bài viết của bà) in 200 nghìn bản tại một xứ có 20 triệu dân là cuốn sách có ảnh hưởng lớn ở Đài Loan thập niên 80. Thời gian 1986-1999 bà định cư ở Thụy Sĩ và Đức, lo việc nuôi dạy con, đồng thời viết bài cho một số tờ báo châu Âu. Cuối 1999 nhận lời mời về Đài Loan làm Giám đốc Sở Văn hoá Đài Bắc; 2003 từ chức, sau đó định cư ở Hong Kong, hiện là giáo sư trường ĐH Hong Kong. Đã xuất bản 17 đầu sách.

Nhân hằng quá, nhiên hậu năng cải; khốn vu tâm, hằng vu lự, nhi hậu tác; chinh vu sắc, phát vu thanh, nhi hậu dụ. Nhập tắc vô pháp gia phất sĩ, xuất tắc vô địch quốc ngoại hoạn giả, quốc hằng vong. Nhiên hậu tri sinh vu ưu hoạn nhi tử vu an lạc dã. [Người ta thường sai rồi mới sửa; lòng có bực tức mới căm phẫn đứng dậy. Thể hiện trên nét mặt, ý muốn lộ ra lời nói, sau đó mới được người khác hiểu. Nếu trong nước không có đại thần kiên trì giữ phép tắc và người hiền giúp vua, lại không có ai lo bị địch quốc nước ngoài xâm phạm, một quốc gia như thế thì sẽ bị diệt vong. Bởi thế ta có thể hiểu cái lẽ tại sao con người có thể sống trong nỗi gian truân nhưng lại chết trong nỗi yên vui].
Động tâm nhẫn tính như thế nào, Sinh vu ưu hoạn tử vu an lạc ra sao – chuyện ấy tôi chưa có ấn tượng; nhưng Thuyết đại nhân, tắc mạo chi, vật thị kỳ nguy nguy nhiên … thì lại in sâu trong lòng tôi không thể mai một.
Vào cái ngày ấy, tôi 15 tuổi – còn chưa biết nỗi gian truân của đời người, chưa biết nỗi vất vả của cuộc sống, chưa biết sự tàn khốc của các phép tắc tự nhiên, chưa biết sự yếu đuối và mặt đen tối của tính người. Trong lòng con bé 15 tuổi ấy đã ngầm tuyên thệ: sau này lớn lên làm gì cũng được nhưng tuyệt nhiên không làm kẻ phải đứng nghiêm chào người khác, cũng chẳng làm loại người được người khác đứng nghiêm chào mình.
Về sau, đến khi đọc thiên Mạnh Tử, Công Tôn Sửu, thượng đoạn Mạnh Tử dẫn lời Tăng Tử: Bỉ dĩ kỳ phú, ngã dĩ ngô nhân; bỉ dĩ kỳ tước, ngã dĩ ngô nghĩa, ngô hà khiếm hô tai [Họ có của cải của họ, ta có nhân đức của ta; họ dựa vào địa vị của họ, ta tuân theo đạo nghĩa của ta. Ta có gì kém họ đâu], thể hiện với Tề Vương cương vị độc lập bằng vai phải lứa giữa “sĩ” và “vương” , lúc ấy chắc là tôi đã được tư tưởng Mạnh Tử hun đúc khá chín muồi rồi.

Độc lập
Ai ngờ chính tôi năm 1999 lại thực sự “làm quan”, gia nhập hệ thống đẳng cấp phân minh, có lệnh là phải chấp hành. Tôi thấy mình vừa phải ra quyết sách, ra mệnh lệnh, lại vừa phải cố gắng trau dồi cho cấp dưới của mình ý thức độc lập – cũng tức là nói khi cấp trên ra lệnh sai thì cấp dưới phải biết cách không mù quáng phục tùng. Làm thế nào để cấp dưới có được năng lực phán đoán độc lập và có được dũng khí vạch ra sai lầm của cấp trên? Trong việc bồi dưỡng ý thức độc lập cho các cán bộ cấp dưới, tôi chưa bao giờ bỏ qua bất cứ cơ hội nào để chỉ dẫn họ.
Một hôm trên bàn làm việc của tôi xuất hiện một văn bản đã đóng chi chít những con dấu “Đồng ý chấp hành”; nghĩa là tất cả những người đóng dấu ấy đã đồng ý với văn bản này. Tôi cầm lên đọc. Thì ra đây là công văn của Văn phòng Thị trưởng thành phố Đài Bắc; nội dung đại khái là thời gian tới Thị trưởng sẽ đến cắt băng khánh thành một khu kinh tế mới, để tăng không khí long trọng cho buổi lễ này, Văn phòng Thị trưởng đề nghị Sở Văn Hoá Đài Bắc chỉ thị Viện Mỹ thuật trực thuộc Sở mở một cuộc triển lãm mỹ thuật tại khu kinh tế nói trên; đồng thời đề nghị Sở Văn hoá tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ vào lúc khai mạc lễ cắt băng.
Chẳng cần nghĩ ngợi gì nhiều, tôi cầm bút viết ngay lên bản công văn chi chít những con dấu “Đồng ý chấp hành” ấy ý kiến của tôi với tư cách là Giám đốc Sở Văn hoá, phủ định ý kiến của tất cả những người đã tán thành công văn này:
1) Triển lãm do Viện Mỹ thuật tổ chức là công việc thuộc phạm vi chuyên ngành nghệ thuật, có quy trình chuyên môn riêng đã được quy định chặt chẽ, không thích hợp “diễn xuất” để phối hợp với lễ cắt băng của Thị trưởng.
2) Sở Văn hoá chỉ tổ chức hoạt động biểu diễn văn nghệ với mục đích trau dồi mỹ cảm cho dân chúng chứ không có trách nhiệm biểu diễn để “phối hợp”với lễ cắt băng của Thị trưởng. Có lẽ hoạt động đó nên để đơn vị cấp dưới của Phòng Thông tin thành phố đứng ra tổ chức thì ổn hơn.
Sau đó tôi mời tất cả cán bộ phụ trách trong Sở Văn hoá từ chuyên viên cho tới các trưởng phòng, chánh thư ký và phó giám đốc sở đến phòng giám đốc. Tôi đọc cho họ nghe các ý kiến tôi vừa viết và giải thích để họ thống nhất quan điểm với tôi:
Sở Văn hoá là cơ quan quyết sách văn hoá của thành phố Đài Bắc, chúng ta phải độc lập thi hành chức trách nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trước dân chúng thành phố. Từ các công việc nhỏ nhặt trở đi đều không được phép dùng văn hoá để “trang điểm” cho Thị trưởng để người có quyền lực lạm dụng chức quyền, không phân biệt công tư.
“Sau đây nếu Văn phòng Thị trưởng lại ra lệnh tương tự như thế này thì các vị hãy cứ làm như tôi đã nói.”
Tôi nói xong, mọi người ra về, riêng Chánh thư ký Sở ở lại, nét mặt có vẻ lúng túng định nói gì lại thôi. Tôi biết là ông ấy có ý kiến muốn phát biểu.
Đúng thế, ông Chánh thư ký ấy rất chân thành nói với tôi – kẻ học trò của đức Mạnh Tử: “Thưa Giám đốc, tôi hoàn toàn hiểu quan điểm của Giám đốc và cũng tán thành quan điểm đó. Thế nhưng phải chăng ta có thể không cần viết quan điểm ấy thành giấy trắng mực đen được không ạ? Bởi lẽ công văn này sẽ gửi trả lại Văn phòng Thị trưởng, trên đường trả về nơi phát đi công văn ấy, các cán bộ đều sẽ nhìn thấy bút phê của Giám đốc Sở ta; điều đó sẽ làm cho những người ở Văn phòng Thị trưởng khó xử, cũng làm cho chính Thị trưởng khó xử. Như thế không hay lắm. Quan trường vẫn có văn hoá của quan trường. Giám đốc cứ để tôi gọi điện thoại cho họ nói lại quan điểm của Giám đốc, như vậy tốt hơn; ta có thể xoá chỗ đã viết đi.”
Tôi lẳng lặng nhìn vị cán bộ lão luyện ấy có đến hai phút; từ đáy lòng tôi cảm động sâu sắc trước tình cảm chân thành và chu đáo của ông muốn bảo vệ tôi – một kẻ “nhầm lẫn” bước vào quan trường, ông sợ tôi sẽ bị tổn thương. Nghĩ một lát, tôi nói: “Tôi hiểu sự chu đáo của ông. Thế nhưng nếu không để lại bút tích thì có viết ra giấy trắng mực đen thì mới làm cho các vị cán bộ có quan điểm thủ cựu nhận thức được tính chất quan trọng của văn hoá.
Ông Chánh thư ký đành cầm lấy tờ công văn. “Hơn nữa,” – tôi nói tiếp, “Tôi cho rằng bản thân Thị trưởng sẽ ủng hộ lập trường này.”
Tối hôm ấy tôi gọi điện thoại cho Thị trưởng Mã Anh Cửu nói lại nguyên văn ý kiến tôi đã viết trên công văn. Nghe xong, ông nhẹ nhàng nói: “Đúng rồi, lẽ ra phải làm như thế. Phải xây dựng quan điểm này, tốt lắm.”
Từ đó trở đi Sở Văn hoá không nhận được những mệnh lệnh đại loại như vậy nữa.

Nguyễn Hải Hoành giới thiệu và lược dịch
——
Ghi chú:
Các phần ghi trong dấu ngoặc [ ] là của người dịch
1. Hiện là Tổng thống Đài Loan
2. Thuấn: một vị vua hiền TQ cổ đại. Giao Cách: đại thần triều vua Trụ nhà Thương. Quản Trọng (Quản Di Ngô): nhà chính trị, quân sự nổi tiếng của nước Tề thời Xuân Thu. Tôn Thúc Ngao: quan Lệnh doãn nước Sở. Bách Lý Hề: nhà chính trị, hiền thần thời vua Tần Mục Công.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)