Hội họa Việt Nam cuối 1980 đầu 1990

Với chính sách Đổi mới, mở cửa, chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường nghệ thuật phải thay đổi và hội họa đã đi đầu, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam.

Không thể phủ nhận những thành tựu của hội họa hiện thực XHCN những năm 1960. Song từ những năm 1970 thì Hiện thực XHCN khủng hoảng và bế tắc. Mặc dù các họa sĩ miền Bắc được gợi ý nhiều về phong cách và bút pháp thể hiện của các họa sĩ miền Nam và ngược lại các họa sĩ miền Nam cũng đã cố gắng vẽ các đề tài công – nông – binh, sinh hoạt tập thể của người lao động theo phương pháp hiện thực XHCN nhưng cả hai đều không thành công như mong muốn. Dẫu sao sự hòa nhập hội họa hai miền Nam Bắc đã mang lại những xung lực mới cho mỹ thuật Việt Nam.
Phải đến cuối những năm 80, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mỹ thuật mới thật sự có xung lực mới với cánh cửa mở là cánh cửa hai chiều, mở ra và mở vào.
Mở vào:
– Các họa sĩ Đổi mới đã noi gương các bậc thầy Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, những người đã rất thành công với các đề tài hiện thực, cách mạng nhưng vẫn có phong cách cá nhân hết sức đặc sắc, vừa dân tộc vừa hiện đại.


Con mắt thay đổi – Lê Thiết Cương

– Trở về với truyền thống nghệ thuật tiền thực dân mà di sản lớn nhất nằm ở các làng quê Bắc Bộ cũng như ở mỹ thuật Chăm và nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Sự trở về Làng lần này không phải là thương nhớ đồng quê, lãng mạng hóa như J.Imguimberty và các học trò Trường Mỹ thuật Đông Dương những năm 1930 – 1940 mà là sự học hỏi sâu sắc về ngôn ngữ tạo hình, về các quan niệm và phương án nghệ thuật cùng một lòng tự hào dân tộc trào dâng. Nếu lần trước là cải tiến chất liệu sơn mài và lụa thì lần này là cách tân ngôn ngữ biểu hiện, phát triển tranh giấy dó và bút pháp mực nho – thư pháp. Việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử mỹ thuật Việt Nam sâu và kỹ càng hơn đã làm nền cho sự trở về này. Có người nói Mỹ thuật Việt Nam trở nên hiện đại bằng con đường qua Làng. Tuy nhiên hai lần có sự khác nhau căn bản. Các họa sĩ miền Nam cũng nhận thức sâu sắc hơn các thành tựu mỹ thuật dân tộc và tầm quan trọng của sự trở về này.
Cánh cửa mở ra:
– Tiêu hóa nhanh chóng và vội vàng các thành tựu của mỹ thuật phương Tây suốt 3/4 thế kỷ 20, những thứ trước đó còn xa lạ, thậm chí bị ngăn cấm và coi là phản động. Họa sĩ tiếp nhận ồ ạt mọi thứ từ lập thể, trừu tượng, siêu thực… tới biểu hiện trừu tượng và pop art… Từ nửa sau 1990 đã là sự hoà nhập vào đời sống mỹ thuật khu vực và quốc tế. Các họa sĩ Việt Nam sống chung, cùng sáng tác, cùng chia sẻ các vấn đề chung với các họa sĩ nước ngoài trong vai trò đồng nghiệp. (Lần trước ở thập niên 1930 – 1940 quan hệ này là quan hệ thầy trò và các họa sĩ Việt Nam đã tiếp thu rất giỏi các thành tựu cổ điển, tả thực và ấn tượng của phương Tây).
– Mở ra với mỹ thuật ASEAN. Trong dịp khai trương SAM tôi đã nói rằng chúng tôi trở về với những người anh em, hàng xóm gần gũi có chung nhiều gốc rễ văn hóa sau một thời gian dài chỉ dõi mắt tới các chân trời phương Tây xa xôi – Pháp, Nga, Mỹ… hay mơ màng về một quá khứ mờ ảo Trung Hoa. Trước đây chúng tôi hầu như không biết gì về mỹ thuật ASEAN.
Khi hội nhập lần này tôi thán phục cách giao thoa văn hóa của các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương. Không nên gọi hội họa Việt Nam khi đó là đứa con lai Pháp Việt. Áo dài không phải truyền thống có sẵn mà là một tuyệt tác design của các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương, cải tiến chiếc áo tứ thân ngày xưa cho hợp người, hợp cảnh hiện đại – lúc đó gọi là áo tân thời! Ngay cái nón lá cũng chỉ trở nên phổ biến vào thời này. Trước đó 10, 20 năm bà tôi còn đội chiếc nón quai thao tròn, ngang rất hoành tráng và kềnh càng. Bắp cải và cà chua nhập từ Pháp nhưng luộc chấm nước mắm trứng thì là món đặc biệt Việt Nam. Người Pháp không ăn món này!
Vậy các họa sĩ Đổi mới là ai và họ đã làm những gì?


Nguyễn Quân, Thiếu nữ, chim và hoa, Sơn dầu,

Trần Lương, Khởi thủy, Sắp đặt

Sau ba bậc thầy Sáng, Nghiêm, Phái là lớp họa sĩ nay khoảng 55 – 65 tuổi: Đặng Thị Khuê, Đỗ Thị Ninh, Nguyễn Trung, Lương Xuân Đoàn, Đỗ Sơn, Lê Huy Tiếp, Bửu Chỉ, Nguyên Khai, Nguyễn Phước, Trịnh Cung, Thành Chương, Đỗ Quang Em, Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri… và tôi nữa.
Thế hệ thứ hai là Hoàng Tường, Trần văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương, Hà Trí Hiếu, Trần Lương, Đặng Xuân Hòa, Trần Trọng Vũ,Lê Quảng Hà, Lê Thiết Cương, Trường Tân, Lê Hồng Thái…
Thế hệ sau đó còn đông đảo hơn nữa mà một phần nhỏ ta có thể thấy ở triển lãm này: Minh Thành, Đinh Ý Nhi, Thắm Poong, Hà Mạnh Thắng, Lý Trần Quỳnh Giang…
Chiến tranh là bất bình thường. Hòa bình là đời sống bình thường. Đổi mới nghệ thuật sau chiến tranh là đưa mỹ thuật trở về đời sống bình thường của nó, trong nước và quốc tế.
Hội họa đổi mới đã:
-Khắc phục, vượt qua mà không phủ nhận các thành tựu của mỹ thuật Đông Dương và mỹ thuật hiện thực XHCN. Ngược lại đã phần nào biết học hỏi, tôn vinh các giá trị tốt đẹp của hai giai đoạn trước.
– Đề cao cá nhân, phong cách cá nhân, tự do sáng tạo, bỏ chủ nghĩa tập thể trong sáng tạo và tiêu dùng nghệ thuật. (vẽ những cái giống nhau, theo một cách giống nhau, cho một công chúng giống nhau). Có người nói đùa hội họa đổi mới thay các đề tài Lãnh tụ, công, nông binh bằng chim- hoa- cá- gái. Tất nhiên đây chỉ là một ám chỉ có tính hài hước về ý thức và nhận thức về vai trò độc lập, vai trò trí thức của người họa sĩ. Đó là điều rất mới mẻ ở Việt Nam. Từ thế kỷ 19 về trước ở Việt Nam hầu như không có hội họa. Chỉ có điêu khắc công cộng, tôn giáo. Các nghệ sĩ bậc thầy còn khuyết danh, là các anh thợ vẽ, hoàn toàn không có vị thế trí thức quốc gia như ở Trung Quốc, Nhật Bản… Cũng chưa từng có các họa gia, các họa viện hàn lâm, các nhà sưu tập và giới thưởng ngoạn ưu tú như ở các nước đông Á khác. Khao khát có phong cách cá nhân, tự xác định mình là ai, tự chọn cho mình cách thức tác động vào cộng đồng, xã hội… làm cho các họa sĩ rất hào hứng thể nghiệm, tiếp thu, học hỏi mọi thứ từ quá khứ và hiện tại của dân tộc và quốc tế. Có người nói: hội họa Đổi mới không dũng cảm đề cập gay gắt các vấn đề chính trị xã hội như Mao Pop – sau Thiên An Môn ở Trung Quốc. Hội họa Đổi mới quá hiền lành so với những biến động kinh tế chính trị xã hội lớn lao. Đơn giản có thể chỉ là bản thân tôi đã quá mệt mỏi với các đề tài chính trị rồi.Với chúng tôi để trở thành một cá nhân sáng tạo,một trí thức độc lập, có vị thế văn hóa… đã là một chuyện phi thường, ‘dũng cảm’ rồi. Và thực tế điều đó đã có tác động rất to lớn ở Việt Nam. Đó cũng lại là một sự tương đồng nữa của hội họa 1985 – 1995 với hội họa 1930 – 1945 tuy lần này ở quy mô sâu rộng hơn.
Sự phong phú của hội họa Đổi mới với hàng loạt tác giả và phong cách cá nhân chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của nó. Chính hội họa Đổi mới đã làm cho mỹ thuật Việt Nam được biết tới và tôn trọng trong mắt người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.
Từ năm 2000 trở đi tôi nghĩ chúng ta không thể viết lịch sử mỹ thuật Việt Nam tách rời mỹ thuật ASEAN, và châu Á nữa. Nó đang hội nhập, hòa nhập ngày càng sâu rộng bằng cách phát huy bản sắc của mình của mỗi cá nhân

Vài ghi chú


Lê Quảng Hà, Nỗi buồn, sơn dầu

* Từ nửa sau 1990 hội họa theo thẩm mỹ đổi mới có phần trở nên hời hợt, nông cạn, tự lặp lại mình và bị thương mại hóa dưới tác động của một thị trường mỹ thuật vừa nhỏ và không chuyên nghiệp cùng sự phát triển ồ ạt của văn hóa du lịch.

* Ở Việt Nam hiện nay có ba thành phần mỹ thuật khá tách rời nhau:
– Mỹ thuật của Nhà nước với các đơn đặt hàng của chính quyền làm tượng đài kiểu Liên-Xô, Trung Quốc cũ và trang trí các công trình công cộng. Hoạt động mang tính phong trào quần chúng của các Hội Mỹ thuật với tư cách là các hội chính trị – xã hội – nghề nghiệp do Đảng trực tiếp lãnh đạo.
– Mỹ thuật của thị trường với các tác giả độc lập, nhà phê bình độc lập, curator độc lập. Ở đây thật giả, cao thấp cũng lẫn lộn. Nạn tranh nhái, tranh giả, copy lẫn nhau để bán tranh giá rẻ huỷ thị trường mới phôi thai. Hầu như chưa có thị trừơng mỹ thuật nội địa. Người mua chủ yếu là người nước ngoài.
– Mỹ thuật kiểu liên doanh – joinventure – có yếu tố ngoại do các Quỹ văn hóa nước ngoài tài trợ, do các nhà văn hóa nước ngoài như Viện Goethe của Đức, L’espace của Pháp, Hội Đồng Anh, nhà văn hóa Italia, Tây Ba Nha… tổ chức với sự tham gia, hợp tác của các nghệ sĩ nước ngoài và Việt Nam.
Nghệ thuật không phải cái gương phẳng phản ánh thẳng những đổi mới kinh tế chính trị, văn hóa xã hội ở một quốc gia. Song nếu gọi kinh tế Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế chuyển đổi thì cũng có thể nói mỹ thuật Việt Nam cũng đang là mỹ thuật chuyển đổi!

Nguyễn Quân

Tác giả

(Visited 6 times, 2 visits today)