Hứa hẹn như… nhạc cổ điển

Một số sự kiện hòa nhạc gần đây cho thấy dường như nhạc cổ điển bắt đầu thu hút được mối quan tâm thích đáng của các nhà tài trợ trong nước.

Nếu trước kia, Bach, Beethoven, Wagner hay Tchaikovski đều phải trông vào sự bảo trợ của giới quý tộc, thì ngày nay các dàn nhạc giao hưởng trên thế giới đều phải trông vào tài trợ của chính phủ và giới doanh nhân. Ở Úc, các dàn nhạc giao hưởng không dám mơ có lãi mà chỉ mong sao phần thu về từ hoạt động biểu diễn nhiều hơn phần được tài trợ. Chẳng phải vì nước Úc thiếu công chúng nhạc cổ điển mà vì công chúng càng đông, biểu diễn càng nhiều thì nguy cơ lỗ càng cao.

VN cũng không nằm ngoài quy luật đó. Hãy thử làm một phép tính đơn giản với buổi biểu diễn “Giấc mộng đêm hè” tối 23/5 mới đây: Nhà Hát Lớn HN có khoảng 700 chỗ ngồi, giả sử bán hết vé với mức giá hạng trung (300 nghìn đồng/vé), thì nhà tổ chức vẫn lỗ gần 100 triệu đồng, vì theo một thành viên ban tổ chức, tổng chi phí cho buổi biểu diễn vào khoảng 300 triệu đồng. Mặc dù trên các banner và backdrop hôm đó không xuất hiện logo của nhà tài trợ, người ta vẫn ngầm hiểu rằng, không có nhà tài trợ thì không có “Giấc mộng đêm hè”.

Như vậy, với nhạc cổ điển đừng nên bàn chuyện lãi. Tin vui ở đây là, nếu trước kia, tài trợ cho các buổi hòa nhạc chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài, đại sứ quán hay trung tâm văn hóa nước ngoài ở VN… thì gần đây bắt đầu xuất hiện các nhà tài trợ lớn trong nước.

Đầu tiên phải kể đến Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội lần thứ nhất tháng 9/2010 mà theo NSND Đặng Thái Sơn, Chủ tịch danh dự Cuộc thi, nét đặc biệt của nó là hoàn toàn do các doanh nhân người Việt tài trợ.

Các buổi biểu diễn khác như “Nhật  ký dương” của nghệ sĩ piano Trang Trịnh tại HN và TP HCM hồi đầu năm hay “Bitexco Concert” đầu tuần trước tại HN với phần trình diễn của Bùi Công Duy cùng Dàn nhạc giao hưởng HN dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Berlin Symphony Orchestra Lior Shambadal cũng góp phần vẽ nên bức tranh tương đối lạc quan về mối quan tâm của các nhà tài trợ trong nước dành cho nhạc cổ điển. Việc giới doanh nhân bắt đầu tìm thấy lý do để tài trợ cho nhạc cổ điển đồng nghĩa với việc họ đã nhìn thấy sự hứa hẹn nào đó ở môn nghệ thuật mà bấy lâu này, vì nhiều lý do, vẫn còn khá xa lạ với phần đông công chúng.

Cũng cần nói thêm rằng, bên cạnh những nhà tài trợ lớn, còn có rất nhiều nhà tài trợ nhỏ, nhưng tấm lòng của họ là điều không thể nghi ngờ. Đó là những người nỗ lực biến mỗi buổi hòa nhạc thành một sự kiện phong phú, nơi khán giả không chỉ đến để nghe mà còn có thể tìm hiểu mọi điều về nhạc cổ điển. Tại buổi biểu diễn “Nhật ký dương cầm”, khán giả được tặng một cuốn sách viết về 90 tiểu phẩm nhạc cổ điển nổi tiếng. Ít người biết rằng để có nó, các tác giả, ngoài việc bỏ công dịch thuật, biên soạn, còn phải lo vận động kinh phí xuất bản từ bạn bè, người thân. Còn tại buổi hòa nhạc “Giấc mộng đêm hè”, cũng là sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 5 năm nhaccodien.info, trang web đầu tiên về nhạc cổ điển bằng tiếng Việt, khán giả được tặng một cuốn sách mỏng với phần giới thiệu đầy am hiểu về những tác giả và tác phẩm có tên trong chương trình, cùng trích dẫn những phát ngôn thú vị của nhiều nhà soạn nhạc. Sách mỏng cũng do chính các thành viên của nhaccodien.info tập hợp, biên soạn, và thiết kế.

Mặc dù những người bạn trẻ đó không/chưa có tiềm lực về tài chính nhưng họ đích thực sẽ là những “nhà bảo trợ” chung thủy nhất cho môn nghệ thuật cao quý này.

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)