Igor Stravinsky và “Mùa xuân thiêng liêng”

Trong sự nghiệp âm nhạc của Stravinsky, “Mùa xuân thiêng liêng”được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu và rực rỡ nhất, thể hiện rõ nét phong cách âm nhạc độc đáo của nhà soạn nhạc Nga này. Không còn nghi ngờ gì nữa, “Mùa xuân thiêng liêng” còn được xem là một trong số những tác phẩm vĩ đại của thế kỷ 20 với những nét cách tân, đột phá táo bạo và vẻ đẹp nguyên sơ của văn hóa dân tộc Nga. Chính những ấn tượng mạnh mẽ mà “Mùa xuân thiêng liêng” đem lại cho người nghe ngay từ những nốt nhạc đầu tiên đã báo hiệu một số phận đầy bão tố của tác phẩm. Và thực tế đã chứng minh điều đó hoàn toàn có cơ sở...

Một “con đường đau khổ”
Năm 1921, sau khi từ Paris trở về Nga, bá tước nhà văn Aleksey Nikolayevich Tolstoy đã viết bộ tiểu thuyết đồ sộ “Con đường đau khổ” về sự nhận đường đầy nhọc nhằn của những người trí thức Nga với cách mạng. Chưa thấy có tài liệu nào đề cập đến mối quan hệ giữa Aleksey Tolstoy và Igor Stravinsky nhưng có một điều thú vị là nhiều tác phẩm của nhà soạn nhạc, trong đó có “Mùa xuân thiêng liêng”, đã phải trải qua một cuộc hành trình cũng nhọc nhằn không kém để được công nhận là một kiệt tác của âm nhạc thế kỷ 20. Trước khi viết “Mùa xuân thiêng liêng”, Igor Stravinsky đã được giới phê bình âm nhạc và công chúng biết đến như một nghệ sỹ tài năng, học trò của Rimsky-Korsakov. Cá tính mạnh mẽ và tinh thần hướng tới sự đột phá trong sáng tạo đã khiến Stravinsky nổi danh với những lời phát biểu khá ngạo mạn, ví dụ như khi nói về các sáng tác của Antonio Vivaldi “tôi không thể viết một bản concerto tới 600 lần”. Tuy nhiên, ai cũng phải công nhận sức sáng tạo mãnh liệt của Stravinsky qua tác phẩm mang nhiều màu sắc phương Đông  “Chim lửa”, được trình diễn lần đầu tiên ở nhà hát Opera Paris vào ngày 25-6-1910.

 
Igor Stravinsky

Stravinsky đã kể lại: “Ý tưởng của sáng tác “Mùa xuân thiêng liêng” đến ngay trong lúc tôi còn đang sáng tác dở “Chim lửa”. Tôi đã từng ôm mộng về một tác phẩm lấy cảm hứng từ lễ hiến tế mùa xuân, một nghi thức đa thần giáo nước Nga. Trong buổi lễ thiêng liêng này, cô gái đồng trinh được chọn tế thần sẽ nhảy múa đến chết. Ý tưởng này sẽ không chỉ thực hiện bằng mỗi thứ nguyên liệu âm nhạc…”.
Buổi ra mắt vở ballet “Mùa xuân thiêng liêng” vào ngày 29-5-1913 cũng tại nhà hát Opera Paris. Chương trình buổi diễn gồm hai phần, phần đầu là tác phẩm “Les Sylphides”, một vở ballet được Stravinsky sáng tác trên cảm hứng từ những bản nhạc viết cho piano của Chopin. Cũng phải nói thêm rằng, hầu hết các tác phẩm của Stravinsky đều nhận được sự hỗ trợ và đơn đặt hàng của Serge Diaghilev, giám đốc đoàn ballet Russe. Chính “Les Sylphides” là kết quả của sự kết hợp đầu tiên giữa hai con người yêu âm nhạc này, và là bước đi đầu tiên của một tình bạn tri kỷ kéo dài hơn 20 năm, cho đến khi Diaghilev qua đời. Lẽ dĩ nhiên, “Les Sylphides” đã nhận được sự tán thưởng của công chúng bởi khán giả Paris hài lòng với sự tinh tế và hài hòa về giai điệu. Còn bộ ba Stravinsky, Diaghilev và nhà biên đạo múa Vaslav Nijinsky thì hồi hộp chờ đợi đến phần hai bởi “Mùa xuân thiêng liêng” không đi theo phong cách thông thường của một vở ballet cổ điển, trái ngược hẳn với “Les Sylphides”…
Ngay khi những âm thanh đầu tiên vang lên, nhà soạn nhạc Pháp Camille Saint – Saens đã đùng đùng bỏ ra về vì không chịu nổi thứ âm thanh kỳ dị này. Những khán giả Paris còn lại kiên nhẫn hơn nhà soạn nhạc danh tiếng nhưng cũng bộc lộ ngay phản ứng khi thấy trên sân khấu là tác phẩm nghệ thuật nào đó không phải về mùa xuân như họ tưởng. Những tiếng la hét, huýt sáo la ó vang lên trong thính phòng. Đám đông gầm gừ tức giận và cảnh sát Paris đã phải nhập cuộc. Nijinsky và Stravinsky cảm thấy nản lòng nhưng chính Diaghilev lại bình luận rằng “tôi mong muốn vở diễn được chú ý như vậy”. Và quả thật, hôm sau trên các mặt báo, rất nhiều bài báo mổ xẻ với nhiều ý kiến đối lập về “Mùa xuân thiêng liêng”…

 
Thiết kể sân khấu cho vở ballet “Mùa xuân thiêng liêng” bởi Nikolai Roerich

Dù buổi ra mắt không hề may mắn nhưng cuối cùng, giá trị đích thực đã được công nhận. “Mùa xuân thiêng liêng” đã có mặt trong hàng ngũ những tác phẩm xuất sắc nhất thế kỷ 20 và thường xuyên có trong danh mục biểu diễn của nhiều buổi hòa nhạc lớn.

Cuộc cách tân lớn về âm nhạc

Để có được tác phẩm “Mùa xuân thiêng liêng”, Stravinsky đã phải lao tâm khổ tứ hơn hai năm. Tuy đã sẵn ý tưởng soạn một tác phẩm về tục hiến tế mùa xuân của đa thần giáo Nga nhưng Stravinsky không thể thực hiện được điều này nếu thiếu vắng sự trợ giúp của nhà khảo cổ học và nghiên cứu văn hóa dân gian Nikolai Roerich. Đây cũng là một nhân vật đặc biệt, từng học vẽ tại Học viện nghệ thuật St. Petersburg nhưng lại ngả theo thuyết thần bí Tây Tạng và sau này cùng với vợ mình sáng lập ra thuyết Agni Yoga. Roerich đã từng cho ra mắt cuốn “Niềm vui trong nghệ thuật” được các nhà phê bình đánh giá là “khúc phóng túng trữ tình của chủ nghĩa đồ đá mới”. Stravinsky gặp Roerich khi ông đang giúp Diaghilev thiết kế sân khấu vở “Công tước Igor” của Borodin vào năm 1909. Giữa hai người nảy sinh sự tương đồng về ý tưởng và phong cách dàn dựng “Mùa xuân thiêng liêng”.

 
Chân dung Igor Stravinsky vẽ bởi Jean Cocteau năm 1913

Khi đề cập đến tác phẩm của mình, Stravinsky đã từng nói “Nhà thông thái ngồi trong vòng tròn và nhìn theo cô gái được chọn hiến tế cho vị thần Mùa xuân đang nhảy múa đến chết để cầu mưa thuận gió hòa”. Tác phẩm gồm hai phần, phần 1 “Sự tôn thờ trái đất” có các chương 1. Khúc mở đầu. Lento; chương 2: Điệu nhảy của các trinh nữ; chương 3: Cuộc bắt cóc giả mạo, chương 4: Điệu nhảy vòng tròn mùa xuân; chương 5: Trò chơi chiến tranh giữa các bộ lạc; chương 6: Đám rước nhà thông thái; chương 7: Sự sùng bái trái đất, chương 8: Điệu nhảy của Trái đất, phần 2 “Sự hy sinh” gồm các chương: chương 1 Khúc mở đầu. Largo, chương 2. Điệu nhảy thần bí của các trinh nữ, chương 3: Sự ca ngợi trinh nữ được chọn tế thần; chương 4. Hồi tưởng tổ tiên; chương 5. Nghi lễ… chương 6. Điệu nhảy hy sinh.
Âm nhạc của Stravinsky trong “Mùa xuân thiêng liêng” luôn chứa chất sự phiêu lưu và sáng tạo độc đáo. Việc sử dụng những âm thanh nghịch tai đã đem lại màu sắc khác thường và một nguồn sinh lực mới mẻ cho tác phẩm. Thông qua phần giai điệu chính như dân ca, “Mùa xuân thiêng liêng” đem lại sự hồi tưởng về thời kỳ cổ xưa của trái đất. Chủ đề của tác phẩm đã được Stravinsky lấy từ tuyển tập các bài hát dân ca Lithuanian do Juskiewicz sưu tầm. Tiếng solo của kèn basson theo điệu dân ca Lithuanian đã ngay lập tức giới thiệu về buổi lễ hiến tế. Khúc nhạc mở màn này đã đột ngột đưa khán giả đến với giai điệu của “Điệu nhảy của các trinh nữ”. Phần hai của tác phẩm được viết theo phong cách trường phái ấn tượng với chương mở đầu từ tốn, chậm rãi nhưng cũng bất ngờ đem đến sự căng thẳng được dồn nén ở những chương sau. Đặc biệt, chương cuối cùng đưa đến một bức chân dung âm nhạc về sự ám ảnh bị hủy diệt con người từ nguồn sức mạnh nguyên thủy. Đây cũng là đề tài của các nhà văn hiện thực thế kỷ 20. Giống như âm nhạc của Stravinsky, các tác phẩm văn chương này cũng chứa đầy sự căng thẳng và dang dở. Sự thay đổi mạnh mẽ về phong cách âm nhạc của Stravinsky thực sự là ánh xạ của sự thay đổi đến chóng mặt của xã hội trong thời đại của ông.
Năm 1929, “Mùa xuân thiêng liêng” được ghi âm lần đầu tiên dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Pierre Monteux. Lúc sinh thời, chính Stravinsky cũng đã chỉ huy tác phẩm này và bản thân ông chỉ thực sự hài lòng với sự dàn dựng của nhạc trưởng Leonard Berstein. Sau khi được nghe bản ghi âm năm 1958 của Leonard Berstein, Stravinsky đã chỉ có thể thốt lên đầy thán phục “Tuyệt vời!” nhưng với bản ghi âm lần đầu tiên vào năm 1964 của Herbert von Karajan, Stravinsky chế giễu “quá ư tao nhã” và còn bình luận thêm “Tôi nghi ngờ vào lễ tế thần theo phong cách truyền thống của Karajan”. Năm 1940, “Mùa xuân thiêng liêng” đã càng trở nên nổi tiếng khi được hãng Walt Disney đưa vào “Fantasia”, một bộ phim hoạt hình có sử dụng nhạc cổ điển là nhạc nền. Chính “Fantasia” đã góp phần giới thiệu nhạc cổ điển tới mọi người và thậm chí cả định hướng nghề nghiệp. Chính nhạc trưởng nổi tiếng Simon Rattle đã biết đến “Mùa xuân thiêng liêng” qua bộ phim này và nó đã trở thành gợi ý lớn lao cho ông khi lựa chọn con đường âm nhạc.

Đó chính là nhịp điệu!
Một trong những đặc điểm của âm nhạc là có rất nhiều điều chờ đợi trong từng bản nhạc, nhưng điều gì chờ đợi thì ít ai đoán biết được. Trong điệu nhảy cuối cùng, điệu nhảy của sự hy sinh, giữa cái mãnh liệt và thô tháp không đối xứng, dàn nhạc bất ngờ im lặng. Khán giả hồi hộp chờ đợi vào điều bất ngờ nào đó sẽ đến. Và bất kỳ lúc nào người ta cũng chờ đợi giai điệu ấy: một, hai, ba theo nhịp đũa của nhạc trưởng. Không một điều nào đem lại sự thanh thản cho người nghe bởi bất cứ lúc nào người ta cũng cảm thấy như trái đất đang sụp đổ dưới chân mình. Ở trang cuối cùng, Stravinsky đã để cho toàn thể dàn nhạc cũng như từng nhạc công chơi càng mạnh mẽ và điều hấp dẫn là khán giả cảm thấy một làn sóng trào dâng bủa vây họ khi cô gái gục xuống sàn diễn. Một tiếng sáo sắc nhọn bay vút lên không trung và khán giả cảm thấy như một tòa nhà chọc trời bị đổ sụp. Tác phẩm đã kết thúc còn âm nhạc thì không bao giờ có thể lặp lại. Có thể sau một khúc prelude sẽ là một cuộc chiến tranh thế giới. Đó chính là những điều Stravinsky đã viết về thế kỷ 20 cho chúng ta.
Có ý kiến cho rằng, chính thứ âm nhạc lập dị, huyền bí và tuyệt diệu này chỉ có thể có ở đâu đó trên thiên đường và Stravinsky đã mang xuống cho chúng ta. Tôi luôn luôn cảm thấy sức mạnh ấy. Điều tôi cảm nhận sau cùng là không biết ông đã viết tác phẩm đó như thế nào. Ông ấy hiểu tới tận cùng thứ âm thanh mà ông ấy muốn tạo nên. Trong điệu nhảy cuối cùng, khi cô gái nhảy múa đến chết, có tên gọi là “Chúa xuân”, Stravinsky viết không có thêm một vạch nhịp nào. Ông chỉ viết các nốt nhưng không ghi rõ các nốt được liên kết như thế nào. Trên thực tế, ở phương Tây, giai điệu thường bị chệch khỏi khuôn. Không ai đạt được đến đẳng cấp ấy cả. Và thậm chí sau đó 50 đến 60 năm sau, tác phẩm này vẫn là sự thách thức lớn cho bất kỳ dàn nhạc nào.
Thật tuyệt vời là chúng tôi có thể trình tấu tác phẩm này, và bây giờ chúng tôi thực sự chơi tất cả những điều Stravinsky đã viết và tưởng tượng. Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh Stravinsky quay trở lại và tuyên bố rằng “Ôi, Chúa ơi, lẽ ra tôi phải viết nặng nề hơn nữa! Bởi vì tác phẩm muốn phá vỡ tất cả, thậm chí cả mọi quan niệm trong âm nhạc. Điều đó lý giải vì sao tôi gặp phải nhiều vấn đề khi bắt tay vào thực hiện vở ballet này. Những vũ công với thân hình tuyệt diệu đã múa như thể họ chỉ nặng có ba kg nhưng lại không đem lại cho người xem sự liên tưởng đến điều nào khác.
Một trong những ý tưởng quan trọng để xây dựng tác phẩm này xuất phát từ nhà biên đạo múa Nijinsky, ông đã chọn diễn viên chính cho vai cô gái đồng trinh được lựa chọn cho lễ hiến tế. Tại quá nửa phần đầu của kịch bản múa, cô gái đồng trinh hoàn toàn đứng yên đến phần kết thúc. Trong vòng 15 phút, cô gái không hề cử động trong khi những cô gái khác chạy vòng quanh. Cuối cùng, người đóng vai chính lại là người đem lại sự căng thẳng đáng ngạc nhiên. Một trong những điều người ta học được từ đó là chính sự tĩnh lặng mới là điều căng thẳng nhất.
Điều đó bao hàm nhiều ẩn ý về thế giới tự nhiên, nó chứa đựng bao điều dữ dội. Không ai cảm thấy thanh thản khi thưởng thức xong tác phẩm này. Tôi tin chắc là cũng không ai cảm thấy thanh thản khi xem những điệu vũ. Hãy thưởng thức tác phẩm để cảm nhận được sự sắc nhọn bằng chính cảm giác của mình. Và tôi cho rằng những người yêu âm nhạc trẻ tuổi sẽ là người có khả năng cảm nhận được tốt nhất tác phẩm và sẽ trình diễn lại “The rite of spring”.
(Nhạc trưởng Simon Rattle)

Thanh Nhàn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)