Jascha Heifetz – Nghệ sĩ thuộc về mọi thời đại

Cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật trình diễn violin, cả trên cương vị nghệ sĩ lẫn giảng viên, Jascha Heifetz đã phủ cái bóng to lớn lên tất cả, như Isaac Stern đã nhận xét: “Anh ấy thuộc về mọi thời đại… Không có người chơi violin hoặc bất kỳ nhạc cụ dây nào trong 50 hoặc 60 năm qua mà không bị ảnh hưởng từ cách anh chơi theo cách nào đó”. Heifetz xứng đáng là vị vua bất tử của cây đàn violin.

Cậu bé thần đồng

Jascha Heifetz sinh ngày 2/2/1901 trong một gia đình Do Thái tại Vilnius. Lithuania, lúc đó thuộc đế quốc Nga. Cậu có trùng ngày sinh với Fritz Kreisler, một nghệ sĩ violin vĩ đại khác, người ra đời trước Jascha 26 năm. Cha Jascha, ông Ruvin, một thầy giáo violin và từng là concertmaster của dàn nhạc Nhà hát Vilnius, đã kiểm tra các phản xạ của con trai mình đối với âm nhạc và nhận ra Jascha có tiềm năng rất lớn. Khi cậu bé mới ba tuổi, ông đã mua tặng con trai mình một cây đàn violin nhỏ cỡ ¼ và thậm chí đã hoàn thành tập I tác phẩm Method của Charles Auguste de Bériot dành cho violin sau các buổi học với cha mình. Mùa thu năm 1906, cậu nhập học tại trường Âm nhạc Vilnius với giảng viên Ilya Malkin và có buổi biểu diễn đầu tiên tại trường vào tháng 12. Jascha kết thúc khóa học tại đây vào mùa xuân năm 1909 và có lần ra mắt với tư cách một nghệ sĩ violin chuyên nghiệp vào tháng năm trong violin concerto của Felix Mendelssohn và Fantasy trên chủ đề Faust (Charles Gounod) của Pablo de Sarasate tại Kovno (nay là Kaunas, Lithuania) khi chưa đầy tám tuổi. Tháng 1/1910, cậu theo học tại Nhạc viện Saint Petersburg, ban đầu với Ovanes Nalbandian và sau đó là huyền thoại Leopold Auer từ mùa thu năm 1911. Một buổi biểu diễn ngoài trời của Jascha tại Odessa vào năm 1911 đã thu hút khoảng 8.000 người tham dự. Nathan Milstein, lúc này là một cậu bé mới bảy tuổi nhớ lại rằng cảnh sát đã phải hộ tống Jascha rời sân khấu trước sự quá khích của rất đông khán giả hâm mộ. Tháng 5/1911, cậu bé đã có bản thu âm đầu tiên của mình cho hãng Zvukopis tại Saint Petersburg.

Tên tuổi của Jascha bắt đầu vượt ra khỏi biên giới nước Nga. Năm 1912, cậu bé bắt đầu có những chuyến lưu diễn tại nước ngoài, mang theo mình bức thư giới thiệu của Auer gửi cho ông bầu người Đức Herman Fernow: “Cậu bé mới 11 tuổi, nhưng tôi đảm bảo với anh rằng đây đã là một nghệ sĩ violin cừ khôi. Tôi ngạc nhiên trước thiên tài của cậu ấy và tôi kỳ vọng Jascha sẽ trở nên nổi tiếng thế giới và tạo dựng được một sự nghiệp vĩ đại. Trong tất cả năm mươi năm dạy đàn của mình, tôi chưa bao giờ biết đến một tài năng như vậy”. Ngày 20/5/1912, tại nhà riêng của nhà phê bình âm nhạc Arthur Abell, Jascha đã chơi bản violin concerto của Mendelssohn. Trong số khán giả có Kreisler, thần tượng của Jascha và nghệ sĩ tài ba này đã thốt lên: “Chúng ta đã có thể bẻ gãy những chiếc đàn violin của mình trên đầu gối”. Ngày 28/10/1912, Jascha biểu diễn cùng Berlin Philharmonic dưới sự chỉ huy của của Arthur Nikisch trong violin concerto của Peter Ilyich Tchaikovsky. Abell nhớ lại: “Khi Heifezt chơi xong đã xảy ra một màn tán dương mà tôi hiếm thấy trong suốt 70 năm xem hòa nhạc của mình. Ban đầu là Nikisch vỗ tay và sau đó toàn bộ dàn nhạc hòa theo”.

Trong những năm sau đó, Heifetz luôn kết hợp hài hòa giữa việc theo học và biểu diễn. Tháng 2/1914, anh biểu diễn violin concerto của Alexder Glazunov dưới sự chỉ huy của chính nhà soạn nhạc cũng như trở thành nghệ sĩ violin trẻ nhất từng biểu diễn cùng dàn nhạc Gewandhaus Leipzig kể từ thời Joseph Joachim. Khi cuộc Thế chiến Thứ nhất xảy ra, Heifetz đã bị mắc kẹt tại Đức. Năm 1916, anh tiếp tục công việc quen thuộc của mình tại các nước Scandinavia và Auer cũng chuyển đến Oslo để gặp gỡ cậu học trò của mình. Trước khi cuộc Cách mạng Nga vào tháng 2/1917 nổ ra, cả gia đình Heifetz hành trình gian khổ tới Mỹ và chỉ đến được New York vào cuối tháng 8/1917. Jascha có hai tháng để chuẩn bị cho buổi ra mắt đầu tiên tại Carnegie Hall vào ngày 27/10/1917. Đây đã trở thành một trong những sự kiện chấn động nhất trong lịch sử nhà hát.

“Những lời chỉ trích không làm phiền tôi, vì tôi là nhà phê bình nghiêm khắc nhất của chính mình. Trong quá trình chơi đàn, tôi luôn nỗ lực để vượt lên chính mình và chính sự phấn đấu không ngừng này khiến âm nhạc trở nên hấp dẫn hơn đối với tôi”. (Jascha Heifetz).

Kết thúc buổi biểu diễn, tên tuổi của chàng trai trẻ đã vụt sáng. Hàng loạt các tờ báo lớn đã ngợi khen tài năng của anh. Musical America đã ca ngợi cậu bé 16 tuổi là “nghệ sĩ violin vĩ đại siêu việt” trong một bài báo dài có tựa đề: Hỡi các quý ông, hãy ngả mũ chào, một thiên tài! Còn Evening Mail thì cho rằng trước khi Heifetz xuất hiện, khái niệm nghệ sĩ violin hoàn hảo chỉ là một mơ ước và “một nghệ sĩ Nga cao lớn với mái tóc xoăn bồng bềnh bước ra sân khấu của Carnegie Hall và biến mơ ước thành hiện thực”.

Đặt chuẩn mực mới cho biểu diễn violin

Sau nhiều thập kỷ kể từ buổi hòa nhạc tại Carnegie Hall, Heifetz đã được sự công nhận như là nghệ sĩ violin vĩ đại nhất trong thời đại của mình. Heifetz nhanh chóng giành được khoản thù lao 2.250 USD cho một buổi biểu diễn và trở thành nghệ sĩ violin được trả lương cao nhất thế giới. Cách chơi của ông được chú ý vì nhiều khía cạnh: gai góc, da diết, kỹ thuật hoàn hảo và sự chú ý tới từng chi tiết trong tổng phổ, dù là nhỏ nhất. Tiếng đàn của Heifetz sở hữu đầy đủ sự tinh tế, mãnh liệt, trữ tình và sang trọng. Chỉ hai tuần sau màn ra mắt xuất thần đó, ông đã có được bản thu âm đầu tiên của mình tại Mỹ cho Victor Talking Machine (sau này là RCA Victor) mà Heifetz sẽ gắn bó trong cả sự nghiệp của mình. Sự xuất hiện của Heifetz dường như mang tới một hệ lụy nghiêm trọng, các tài năng violin sau đó gặp khó khăn hơn nhiều trong việc phát triển sự nghiệp của mình. Ông đã đặt ra những chuẩn mực mới trong việc biểu diễn violin mà tất cả các thế hệ sau phải học tập và tham khảo, như Yehudi Menuhin nhận xét: “Rất ít người không đồng ý rằng ông ấy có lẽ là nghệ sĩ violin vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta. Tôi muốn nói rằng ông ấy là nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi. Tôi có tất cả các bản thu âm của ông và đã cố gắng bắt chước ông ấy”. Còn Milstein từng thốt lên: “Người ta có thể dễ dàng nhận ra anh ấy là người vĩ đại nhất nhưng phải là một nghệ sĩ violin thì họ mới biết anh ấy giỏi cỡ nào”.

Heifetz nhanh chóng thực hiện các buổi biểu diễn tại Anh, Pháp cũng như tới tận những nơi xa xôi như Australia và New Zealand. Tháng 5/1925, ông nhập quốc tịch Mỹ và quyết định thực hiện một chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, tới những địa điểm mà dường như cây đàn violin chưa từng xuất hiện ở đó, điều khiến tên tuổi của Heifetz càng trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết. Bên cạnh những buổi hòa nhạc, Heifetz cũng thực hiện chuyển soạn một số tác phẩm cho violin, ví dụ như Estrellita của Manuel Ponce, ba trích đoạn trong Porgy and Bess (George Gershwin) hay đặc biệt là Hora staccato (Grigoraș Dinicu). Trong những năm 1930, Heifetz tiếp tục mở rộng danh mục biểu diễn của mình, thực hiện nhiều chương trình hòa nhạc trên khắp thế giới. Tuy nhiên, với sự lên ngôi của Adolf Hitler vào năm 1933, ông đã hủy bỏ toàn bộ lịch trình của mình tại Đức để phản đối các hành động bài Do Thái tại đây. Năm 1934, Heifetz lần đầu tiên và cũng là cuối cùng trở về Liên Xô kể từ khi rời khỏi nước Nga vào năm 1917. Đó là một cuộc gặp gỡ đầy cảm động khi Heifetz nhận lại cây đàn violin đầu tiên của mình, cỡ nhỏ, được người chú giữ gìn qua nhiều năm tháng.


Trở về Mỹ, Heifetz quan tâm nhiều hơn đến âm nhạc thính phòng, chủ yếu là các trio, biểu diễn hòa tấu cũng với những người bạn thân thiết Arthur Rubinstein và Emmanuel Feuermann. Họ được gọi là “Bộ ba triệu đô” và thực hiện nhiều bản thu âm có giá trị nghệ thuật rất cao. Sau khi Feuermann qua đời vào năm 1942, Gregor Piatigorsky là người thay thế. Ngoài các tác phẩm kinh điển quen thuộc dành cho violin, bản thân Heifetz cũng đặt hàng một số nhà soạn nhạc đương đại như Mario Castelnuovo-Tedesco, Erich Wolfgang Korngold hay Willam Walton sáng tác các violin concerto để ông biểu diễn. Tuy nhiên, âm nhạc đương đại không chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục biểu diễn của ông.

Khi cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai xảy ra, Heifetz đã biểu diễn trên khắp các căn cứ quân sự và bệnh viện tại Mỹ cũng như quyên góp tiền để ủng hộ cho các nước Đồng minh. Sau khi thế chiến kết thúc, Heifetz đã thực hiện rất nhiều bản thu âm cho RCA Victor, chủ yếu với Boson Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của Charles Munch và Chicago Symphony Orchestra và nhạc trưởng Fritz Reiner, trong hầu hết các tác phẩm tiêu chuẩn dành cho violin. Tiếng đàn của Heifetz rất độc đáo và có thể dễ dàng nhận ra, như Itzhak Perlman đã nhận xét: “Tôi coi anh ấy là vua của các nghệ sĩ violin. Ông là nghệ sĩ violin đầu tiên chơi mà tôi có thể nhận ra ngay lập tức. Lý do cho điều đó khá đơn giản: phong cách cá nhân của ông ấy, kỹ thuật đáng kinh ngạc, âm thanh đặc biệt và bảng màu sắc khổng lồ”. Nếu như cánh tay trái của Heifetz có sự khéo léo hiếm có thì tay phải cầm vĩ của ông có sự điêu luyện đáng kinh ngạc. Trong cuộc đời mình, Heifetz từng sở hữu nhiều cây đàn có giá trị như Dolphin Stradivarius năm 1714, “Piel” Stradivarius năm 1731 nhưng ông yêu thích nhất chiếc violin David Guarneri del Gesù năm 1742. Heifetz thường sử dụng nó trong các buổi hòa nhạc cũng như thu âm và ông giữ nhạc cụ này cho đến khi qua đời. Heifetz sử dụng chiếc vĩ Kittel, được Auer trao tặng.

“Tôi coi ông ấy là vua của các nghệ sĩ violin. Ông là nghệ sĩ violin đầu tiên chơi mà tôi có thể nhận ra ngay lập tức. Lý do cho điều đó khá đơn giản: phong cách cá nhân của ông ấy, kỹ thuật đáng kinh ngạc, âm thanh đặc biệt và bảng màu sắc khổng lồ”. (Itzhak Perlman)

Là người Do Thái, Heifetz luôn phản đối dữ dội những nghệ sĩ đã từng hợp tác với chế độ Đức quốc Xã, điển hình là Wilhelm Furtwängler và Herbert von Karajan. Năm 1949, cùng với Vladimir Horowitz, Rubinstein, Stern, ông lên án gay gắt việc Chicago Symphony Orchestra dự định bổ nhiệm Furtwängler làm giám đốc âm nhạc và dọa sẽ tẩy chay dàn nhạc nếu quyết định được đưa ra. Cuối cùng Chicago Symphony Orchestra đã lựa chọn Rafael Kubelík. Còn với Karajan, Heifetz tỏ ra đặc biệt căm ghét. Pierre Amoyal, học trò của Heifetz chỉ vì từng biểu diễn cùng Karajan nên đã bị Heifetz cắt đứt mọi liên lạc. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Heifetz rất yêu thích bản violin sonata của Richard Strauss, một nhạc sĩ yêu thích của Adolf Hitler. Năm 1953, ông từ chối loại bỏ tác phẩm này ra khỏi chương trình biểu diễn của mình tại Israel. Điều này đã dẫn tới việc một khán giả quá khích đã dùng một thanh sắt đập vào tay phải của Heifetz ngay trước cửa khách sạn ở Jerusalem. Thật may mắn, vết thương không để lại hậu quả nào đáng tiếc mặc dù ông đã phải hủy bỏ buổi biểu diễn cuối cùng.

truy cầu sự hoàn hảo

Heifetz định cư tại Los Angeles. Âm nhạc chiếm phần lớn thời gian của ông nhưng không phải tất cả. Heifetz cũng yêu thích bóng bàn, tennis và các trò chơi đố chữ. Tại ngôi nhà bên bãi biển Malibu của mình, Heifetz thường xuyên tổ chức các bữa tiệc, tụ tập bạn bè trên chiếc du thuyền của mình. Về mặt tính cách, như con trai Jay nhận xét về người cha của mình: “Ông ấy cũng là một người ít lời, tôi tin chắc như vậy, bởi vì rất nhiều điều ông ấy phải nói thì ông đều thổ lộ với cây violin dưới cằm của mình”. Còn Brooks Smith, nghệ sĩ piano có 20 năm đệm đàn cho Heifetz thì tiết lộ: “Anh ấy là người sống nội tâm và cảm thấy khó khăn khi gặp gỡ mọi người. Tôi nghĩ những gì được coi là sự xa cách lạnh lùng là vẻ bề ngoài mà anh ấy cho cả thế giới thấy còn với những người bạn cũ và đáng tin cậy, anh ấy có thể rất ấm áp và thân ái”. Năm 1958, Heifetz bắt đầu giảng dạy các lớp nâng cao tại ĐH California, Los Angeles: “Auer từng phát hiện ra tôi. Ông ấy nói một ngày nào đó tôi sẽ đủ giỏi để dạy học”. Năm 1962, cùng với Piatigorsky và William Primrose, Heifetz giảng dạy tại ĐH Nam California. Nhiều nghệ sĩ violin nổi tiếng từng là học trò của Heifetz như Amoyal, Eugene Fodor hay Erick Friedman. Heifetz gắn bó với ngôi trường cho đến năm 1983: “Chơi violin là một môn nghệ thuật dễ hư hỏng. Nó phải được truyền lại như một kỹ năng mang tính cá nhân – nếu không nó sẽ bị biến mất”.

Bất kể những vinh quang mà mình đã giành được, Heifetz vẫn đều đặn luyện tập chăm chỉ mỗi ngày. Ông cho biết: “Nếu một ngày nào đó tôi không luyện tập, tôi biết điều đó; hai ngày, các nhà phê bình biết điều đó; ba ngày, công chúng biết điều đó”. Heifetz vẫn luôn tìm kiếm chân lý âm nhạc của riêng mình với một kỷ luật nghiêm ngặt cao độ. Là người truy cầu sự hoàn hảo, ông thường xuyên nghiên cứu lại các bản thu âm trước đây của mình để không ngừng hoàn thiện bản thân. Trong một cuộc phỏng vấn, Heifetz nói về mục tiêu phấn đấu của mình: “Không có đỉnh. Luôn luôn có những độ cao cao hơn để vươn tới. Nếu ai đó nghĩ rằng mình đã ở trên đỉnh cao, anh ta sẽ trượt về phía tầm thường bởi chính niềm tin vào thành công của mình”. Bằng sự rèn luyện và khí chất riêng biệt, Heifetz đã chơi với độ chính xác rõ ràng và sự chói sáng, không bao giờ cho phép mình chìm đắm trong sự ủy mị và hoàn toàn không bộc lộ bất kỳ cảm xúc trên nét mặt hay chuyển động cơ thể nào

Với một nền tảng kỹ thuật hoàn hảo, Heifetz luôn có xu hướng chơi với nhịp độ nhanh hơn thông thường. Điều này đã gây ra một số tranh cãi, ví dụ như concerto của Mendelssohn được coi là một nạn nhân của sự lựa chọn này. Nhưng nhiều tác phẩm khác như Scottish Fantasy (Max Bruch) hay Introduction và Rondo Capriccioso (Camille Saint-Saëns) lại là những màn trình diễn hoàn hảo. Trong suốt sự nghiệp biểu diễn kéo dài hơn nửa thế kỷ của mình, Heifetz luôn ở đỉnh cao phong độ, không bao giờ cho phép các biến động của tâm trạng hay những tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến sự cân bằng và tỉ mỉ trong lối chơi của mình. Với Heifetz, một nghệ sĩ phải có “thần kinh của một võ sĩ đấu bò, sức sống của một bà chủ câu lạc bộ đêm và sự tập trung của một nhà sư”.

Các buổi biểu diễn của Heifetz giảm dần vào những năm 1960. Thay vào đó, ông giảng dạy nhiều hơn. Ngày 23/10/1972, cùng Smith, Heifetz thực hiện buổi hòa nhạc cuối cùng của mình tại Dorothy Chandler Pavilion, Los Angeles. Tuy nhiên, sau đó, ông vẫn tiếp tục thực hiện một số bản thu âm. Năm 1974, cùng với Piatigorsky, ông biểu diễn một tiết mục nhỏ tại ĐH California cho các sinh viên. Năm 1975, một chấn thương ở vai đã chính thức kết thúc sự nghiệp kéo dài gần 70 năm của ông. Mặc dù vậy, Heifetz vẫn thỉnh thoảng thực hiện một số chương trình hòa tấu thính phòng với các sinh viên và bạn bè của mình. Ông cho biết mình vẫn muốn được tiếp tục luyện tập, giảng dạy và chơi đàn: “Ca phẫu thuật không làm cho nó dễ dàng hơn chút nào, nhưng tôi vẫn luyện tập và chơi đàn và điều đó không ngăn cản tôi thể hiện mọi thứ với các học sinh. Tôi vẫn có thể phục vụ. Tôi vẫn còn một chút thời gian”.

Năm 1983, ông ngừng giảng dạy tại ĐH California nhưng vẫn tiếp tục các khóa học tư nhân. Tháng 11/1987, ông bị ngã trong nhà riêng và không bao giờ hồi phục được nữa. Ngày 10/12/1987, Heifetz qua đời ở tuổi 86 tại trung tâm y tế Cedars-Sinai, Los Angeles. Theo nguyện vọng của Heifetz, gia đình không tổ chức tang lễ. Nhận được tin buồn này, rất nhiều nghệ sĩ đã dành cho người nghệ sĩ vĩ đại những lời tôn vinh. Zubin Mehta nói: “Tôi biết rằng ông ấy chỉ muốn được mọi người nhớ đến bằng âm nhạc của mình. Cảm ơn Chúa, chúng ta có toàn bộ kho lưu trữ được ghi lại của ông, để ông ấy sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta”. Còn Glenn Dicterow, concertmaster của New York Philharmonic, một học trò của Heifetz tưởng nhớ người thầy của mình: “Chúng ta đã đánh mất mối liên hệ đó với một kỷ nguyên chơi violin tuyệt vời. Đối với tôi, ông ấy là con người nhất trong tất cả những người chơi violin. So với ông ấy thì chúng ta đều là những đứa trẻ. Ông ấy chưa bao giờ có bất kỳ sự cạnh tranh nào ngoài cạnh tranh với chính mình”.

Trong một cuộc phỏng vấn, Heifetz từng cho biết: “Tôi không muốn viết cáo phó của riêng mình. Tôi ước gì nó sẽ ngắn gọn. Chỉ cần viết: sinh ra ở Nga, bài học đầu tiên lúc 3 tuổi, ra mắt lúc 7 tuổi, ra mắt ở Mỹ năm 1917. Đó là tất cả những gì thực sự có, khoảng hai dòng”. Tất nhiên, với những người yêu nhạc, Heifetz vượt xa hơn rất nhiều những thứ đó. Ông đã nâng tầm nghệ thuật chơi violin lên một tầm cao không tưởng. Sở hữu một ma thuật diệu kỳ, Heifetz là hiện thân của một kỷ nguyên mới, hiện đại và hoàn hảo. Lắng nghe ông, dù chỉ là qua những bản thu âm, người nghe nhạc cũng có thể hiểu được tại sao nhà phê bình Deems Taylor đã nhận xét về ông: “Chỉ có một đối thủ, một nghệ sĩ violin mà ông ấy cố gắng đánh bại: Jascha Heifetz”.□

——

Nguồn tham khảo

https://jaschaheifetz.com/about/biography/

https://www.nytimes.com/1987/12/12/obituaries/jascha-heifetz-is-dead-at-86-a-virtuoso-since-childhood.html

https://www.washingtonpost.com/archive/local/1987/12/12/renowned-violinist-jascha-heifetz-dies/c76736e9-9a64-4dee-a62d-9f678a6bc4d3/

https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1987-12-12-mn-6735-story.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)