JAZZ, một câu chuyện về toàn cầu hóa

GS Mart Stewart (Khoa lịch sử, ĐH Western Washington) cùng phu nhân - nhà văn, dịch giả Lý Lan - đã đến toà soạn Tia sáng trò chuyện thân mật về vấn đề toàn cầu hóa thông qua một hiện tượng văn hóa thú vị của thế kỉ XX mà ông hết sức say mê: Nhạc Jazz.

1. Ở Mỹ hiện có rất nhiều kênh radio chuyên phát nhạc Jazz và Jazz đã được đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều trường đại học ở Mỹ. Dầu vậy, số lượng người nghe Jazz và say mê Jazz chắc chắn không thể nhiều bằng số lượng người nghe Britney Spears. Theo tôi, đó là điều tất yếu. Nghe Jazz tương đối khó. Trong khi Pop dụ dỗ và “nịnh tai” thì Jazz lại thách thức tâm hồn người nghe. Nhạc pop có tính tiêu khiển mạnh mẽ hơn Jazz rất nhiều trong khi đó Jazz lại có tính hướng thượng. Và tôi cũng nhớ đến một câu chuyện về Chick Corea, một nghệ sĩ da trắng chơi Jazz fusion  rất nổi tiếng. Trong những năm 70 của thế kỉ trước, trong một buổi hòa nhạc, khi có người hỏi anh ấy về số phận của Jazz, Chick Corea trả lời đại ý rằng Jazz sẽ trở thành âm nhạc cổ điển của tương lai. Ở thời của mình, chưa chắc đã có nhiều người biết đến Mozart hay Beethoven. Hoặc ít nhất, chắc gì có ai nghĩ rằng họ sẽ trở thành bất tử. Số phận của Jazz cũng sẽ là như thế. Đến một ngày, nó sẽ trở thành kinh điển. Tôi đồng cảm với cái nhìn lạc quan của Chick Corea. Một ngày nào đó, Jazz cũng sẽ trở thành một thứ âm nhạc cổ điển mới của thế kỉ XX bởi lẽ, trong bản chất của thể loại âm nhạc này đã tiềm ẩn tố chất của điều đó và hơn thế nữa, số phận của Jazz chính là một hình mẫu của một tiến trình nổi bật nhất của thế kỉ XX: toàn cầu hóa.

 
Louis Armstrong chơi Jazz cho vợ ở Giza, Ai Cập

2. Jazz chính là một sản phẩm của toàn cầu hóa. Tổ tiên xa xưa của Jazz là âm nhạc lao động và âm nhạc tôn giáo – negro spiritual, gospel – của người da đen. Đến đầu thế kỉ XX, cũng chính người da đen là những người đã làm một cuộc pha trộn giữa nhạc blues, ragtime và âm nhạc châu Âu để khai sinh ra Jazz. Có lẽ chính vì nguồn gốc pha trộn và “địa vị” xuất thân như thế nên cho đến giờ, chưa có một lời giải thích thật sự thuyết phục cho cái tên Jazz. Vậy là Jazz chính là sản phẩm của một cuộc gặp gỡ và pha trộn văn hóa trên một vùng đất mới. Toàn cầu hóa là một tiến trình tự nhiên đã diễn ra một cách nổi bật từ mấy trăm năm nay, tuy nhiên, phải đến thế kỉ XX, toàn cầu hóa mới bắt đầu trở thành một vấn đề thời sự nóng bỏng bởi sự gia tốc khủng khiếp của nó nhờ sự hỗ trợ của những phương tiện kĩ thuật hiện đại. Điều này cũng đúng với Jazz. Theo nhiều nhà nghiên cứu về Jazz thì tiến bộ kĩ thuật đóng vai trò quan trọng trong quá trình biến Jazz trở thành một thể loại có tính toàn cầu. Chính những nhạc cụ biểu diễn và những phương tiện truyền bá hiện đại đã khiến cho Jazz trở thành một thứ âm nhạc được phổ biến trên toàn thế giới rất nhanh. Với một bức tranh, người ta có thể cảm nhận ở những thời điểm khác nhau. Nhưng với một bản Jazz thời kỳ sơ khai lại khác, nó chỉ là một sản phẩm phù du. Công nghệ ghi âm đã khiến Jazz “bất tử hóa”. Tất nhiên nghe Jazz “sống” vẫn là một lạc thú.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến Jazz trở nên phổ biến là khoảng từ 1930 trở đi, các ban nhạc Jazz bắt đầu đi lưu diễn nhiều nơi. Trên hành trình ấy, Jazz  đã vay mượn và thu nhận những yếu tố ngoại lai để làm phong phú chính mình. Chính quá trình thoát khỏi ranh giới tồn tại có tính địa phương tiếp xúc và đối thoại với bên ngoài để làm mới chính mình mới là một hình ảnh điển hình của toàn cầu hóa. Theo con đường ấy, Jazz đã dần chiếm địa vị quan trọng trong đời sống văn hóa ở Mỹ. Trong khoảng 40 năm gần đây, các đại học Mỹ đều có dạy Jazz nhưng nổi tiếng nhất là ở Berkeley nơi đã có người Việt đến học Jazz. Chính những du học sinh học đó đã mang theo nền văn hóa của nước mình và làm phong phú cho Jazz Mỹ.
3. Trước thập niên 60 – 70 của thế kỉ trước, Jazz là một thể loại underground, một thể loại nhạc “ngoài lề”.  Sau đó, chính phủ Mỹ có chủ trương giúp các Jazz band ra biểu diễn nước ngoài, đặc biệt là đến châu Phi để thuyết phục họ đứng về phe Mỹ. Như vậy, việc toàn cầu hóa âm nhạc, ở một khía cạnh, có vấn đề chính trị. Thật cay đắng, mỉa mai là những nghệ sĩ Jazz Mỹ trước đó rất nghèo khó nhưng lại được chính phủ Mỹ đưa ra các nước khác như một hình mẫu tiêu biểu của văn hóa Mỹ và nước Mỹ. Tất nhiên Jazz quá hay, và người ta yêu Jazz mà không nhất thiết phải yêu nước Mỹ. Ở  Éthiopie, một nước nghèo, trong những năm 60, người ta mê Duke Ellington như điếu đổ. Và từ đây, xuất hiện một hiện tượng đặc biệt: Jazz được “xuất khẩu” sang châu Phi vì mục tiêu chính trị, thế nhưng những người châu Phi lại tiếp nhận Jazz như loại âm nhạc “nội địa” được sáng tạo bên ngoài châu lục này. Đó cũng là thời điểm Jazz mở cửa tiếp nhận những ảnh hưởng của nhiều phong cách âm nhạc trên thế giới, của nhạc châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, để trở thành loại nhạc toàn cầu với những tour biểu diễn vòng quanh thế giới của các nghệ sĩ và nhóm nhạc Jazz. Từ đó bắt đầu khuynh hướng World jazz pha trộn nhiều phong cách âm nhạc khác nhau trên thế giới vào Jazz. Ở Việt Nam, theo như tôi biết thì hai cha con các ông Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc là những người kiên trì khuynh hướng này. Ở Mỹ, trong những năm 1970, Miles Davis đã vay mượn Rock&Roll để sáng tác Jazz. Ông là nghệ sĩ Jazz lớn nhất ở Mỹ. Ông tạo ra một thứ nhạc pha trộn Rock&Roll  và những hình thức âm nhạc khác sử dụng âm thanh điện tử tổng hợp. Ông sử dụng đồng thời nhiều loại nhạc cụ. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, nhiều nhạc sĩ Jazz bắt đầu dùng nhạc cụ điện tử. Ý thức khám phá, thám hiểm trong lĩnh vực Jazz đã khiến Miles Davis tìm tòi những phương tiện, những ảnh hưởng từ những nền âm nhạc ngoại lai. Trong bản thân việc trình diễn âm nhạc của nhạc sĩ đã có sự toàn cầu hóa.
4. Vìsao Jazz lại lan tỏa nhanh đến vậy? Có lẽ trước hết bởi một chân lí vô cùng xưa cũ: âm nhạc cuối cùng phải là âm nhạc, tài năng của người nhạc sĩ là điều quyết định. Âm nhạc phát triển bằng giá trị tự thân của mình. Âm nhạc có tính hấp dẫn toàn cầu. Điểm thứ hai là tính linh hoạt của Jazz, Jazz vừa là ban nhạc tập thể nhưng lại có khoảng trống cho từng cá nhân ứng tác (improvisation). Việc Jazz phát triển cùng với quá trình toàn cầu hóa chính là nhờ tính mở thuộc về bản chất của Jazz. Jazz hàm chứa một tiềm năng lật đổ, phản kháng âm thầm. Năm 40, Charlies Parker lấy những hình thức nhạc truyền thống, tháo ra, ráp lại tạo thành bebop music. Thứ âm nhạc ấy có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Ông lấy nhạc truyền thống châu Âu, tách ra, ráp lại theo một hòa âm (harmonie) mới. Từ giai đoạn đó về sau người ta thường chia thành Classic jazz và những loại Jazz có tính cách tân. Có những nhạc sĩ cổ điển như Charlies Parker, Miles Davis, Dizzy Gillespie… mà những người sau chỉ việc ứng tác, ứng biến ra thêm trên những bản nhạc của họ.
5. Năm 2000, lần đầu tiên đến Việt Nam, khi nghe âm nhạc truyền thống  Việt nam, tôi thấy rằng những giai điệu của dân ca Việt Nam có thể dùng nhạc cụ Jazz để biểu diễn. Tìm hiểu kĩ hơn, tôi biết rằng đã có những nghệ sĩ Việt Nam cách tân Jazz theo hướng đó. Sau đó tôi phát hiện ra câu lạc bộ của cha con ông Minh, Đắc. Họ đã làm việc đó và làm rất tốt. Vài năm sau, năm 2003 khi tôi quay lại Việt Nam, ở đây đang có một festival Jazz. Trong Festival đó có nhiều người trẻ, và cả những người Âu trình diễn Jazz. Nhìn xuống khán giả tôi cũng thấy rất nhiều người trẻ. Nhiều buổi biểu diễn diễn rà vào ban ngày. Có thể, họ đã bỏ công việc để đi xem. Nhìn họ nói chuyện về âm nhạc, giao lưu với nhạc sĩ, hào hứng và thú vị, tôi tin vào sức sống của Jazz trên đất nước này. Đó cũng chính là một hình ảnh cụ thể của toàn cầu hóa về văn hóa.
6. Không chỉ có vậy, nhạc Jazz còn là một thành tố góp phần vào những thay đổi tích cực của xã hội. Ở Mỹ, nhạc Jazz gắn với những thay đổi về địa vị của người da đen trong xã hội. Nó góp phần xóa nhòa ranh giới đen – trắng. Năm 1920, Bix Beiderdecke và L. Amstrong, một trắng một đen, gặp nhau. Hai người cùng chơi nhạc và thứ âm nhạc đó được cả người da đen và người da trắng yêu thích. Đó là một thứ âm nhạc đa sắc tộc. Tuy Jazz là nhạc của người da đen nhưng cũng có cả những người da trắng tài hoa chơi Jazz. Trong nhạc của Minh và Đắc chơi có cả nhạc Jazz của người da trắng. Điều thú vị là nhiều người ở ngoài nước Mỹ coi Jazz là nhạc của người da đen nhưng thực ra đó là một thứ âm nhạc đa sắc tộc. Jonh McLaughlin vừa chơi với Miles Davis vừa chơi với các nhóm nhạc Ấn Độ và biểu diễn ở Nhật Bản. Ông này là người da trắng. Khi lên sân khấu người Nhật không cho ông lên vì họ nghi ngờ tài năng của ông ta. Vậy nên nếu như nguyên thủy Jazz là âm nhạc của người da đen thì giờ đây, nó không còn là thế nữa. Thật khó để nói Jazz hay cuộc đấu tranh vì quyền của người da đen cái nào là tiền đề của nhau nhưng rõ ràng, hai điều đó có mối quan hệ thật gắn bó. Một trong những lí do mà thanh niên Mỹ trong thập niên 60 thích nghe Jazz, Blues vì phong trào đấu tranh cho người đen rất mạnh.
Hãy trở lại điểm bắt đầu. Tôi vẫn tin rằng, Dù ngày nay, số người nghe Jazz có thể không nhiều như số người nghe nhạc Pop nhưng tôi vẫn không tin rằng Jazz có thể biến mất. Tôi vẫn nhớ khi tôi còn nhỏ, không radio, không internet, chỉ một lần duy nhất, tôi được nghe Modern Jazz Quarter biểu diễn ở làng. Lần ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi vẫn tin rằng Jazz có khả năng giáo dục con người. Và ngày nay, nhiều nghệ sĩ Jazz đang nỗ lực cho điều đó. Là một nghệ sĩ Jazz lớn, có giọng hát đặc biệt, ông đã tiến hành các nghiên cứu về nguồn gốc nhạc Jazz từ thời Louis Amstrong, Ông bắt đầu làm những chương trình trên Radio, đưa nhạc Jazz đến dạy cho dân. Với những người như Wynton Marsaliss, chúng ta tin rằng, rồi một ngày kia Jazz sẽ trở thành một thứ âm nhạc cổ điển của thế kỉ XX.

Lương Xuân Hà ghi

1. Jazz fusion : một thể loại nhạc Jazz được phát triển bắt đầu từ những năm 70 của thế kỉ trước. Nó pha trộn Jazz với những yếu tố thuộc những phong cách âm nhạc khác, chủ yếu là Funk, Rock, R&B, nhạc điện tử nhưng đôi khi cả pop, nhạc cổ điển…. Jazz fusion chủ yếu là một thể loại nhạc hòa tấu với những tác phẩm tương đối dài. Trong số những người chơi Jazz fusion có cả những nhạc sĩ Jazz như Miles Davis, Chick Corea … và cả những nghệ sí thuộc những thể loại khác như nghệ sĩ Rock Frank Zappa.

Mart Stewart

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)