Jean Valjean: Cái tên là một cái tôi

Tầm vóc của Jean Valjean không chỉ là tầm vóc của một tù khổ sai vươn lên thành một vị thánh chí thiện. Vị thánh đó thực ra chỉ muốn làm một người bình thường, muốn cái tên tầm thường và cái tôi nhỏ bé của mình được thừa nhận. Từ góc độ của vấn đề mà bài viết này sẽ xử lý thì Những người khốn khổ của V. Hugo là cuốn tiểu thuyết về cuộc đấu tranh cho cái tên và qua đó, cho cái tôi trong đời một con người khốn khổ.

Cái tôi ở Jean Valjean là sự hoàn chỉnh của một nhân cách không theo quy luật thông thường mà theo một tiến trình đặc biệt: được xác lập nhờ tác động bên ngoài (của linh mục Myriel), tự xóa bỏ mình vì người khác (Jean Valjean khẳng định bản ngã bằng cách vừa đối lập mình với người khác vừa hòa tan vào người khác), và cuối cùng là tự xác lập lại (khi không còn ai cần đến mình nữa). Bi kịch của Jean Valjean là ở chỗ dù nhân cách có được hoàn thiện tới mức độ nào thì nó cũng bị cái tên làm cho trở thành vô hiệu. Mối quan hệ giữa cái tên và cái tôi ở Jean Valjean phản ánh cấu trúc phức tạp của tư tưởng Hugo và tham vọng muốn xóa bỏ không chỉ án tử hình của pháp luật đối với tử tù mà cả án tử hình của thành kiến xã hội đối với các cựu tù.

Cái tên và ý thức về cái tôi của nhân vật

Gần mười chín năm kể từ lúc ra tù đến lúc chết (đúng bằng quãng thời gian trong tù!), đó là hành trình của Jean Valjean từ chỗ cố che giấu họ tên cho đến chỗ tự trả lại tên cho mình. Trong mười chín năm ấy, Jean Valjean đã tồn tại nhờ những cái tên giả và giành được sự kính trọng của xã hội với những cái tên giả đó. Có hai lần Jean Valjean quay về với tên thật của mình. Lần thứ nhất, tự nguyện đến tự thú ở tòa Arras, và lần thứ hai tình nguyện tự thú với luật sư Marius. Sau lần thứ nhất ông trở lại nhà tù để rồi tự giải thoát và tiếp tục sống với những tên mới. Lần thứ hai ông cũng vào tù nhưng lần này là nhà tù vĩnh viễn: cái chết. Giữa hai lần tự thú đó là bước phát triển nhảy vọt của ý thức về cái tôi (gắn với cái tên) ở nhân vật.

Không phải ngay từ đầu ý thức về cái tôi, về giá trị cá nhân đã có sẵn trong Jean Valjean. Sau khi được cha Myriel cảm hóa, Jean Valjean quả thực đã luôn nỗ lực để trở thành một người lương thiện đúng nghĩa. Và để làm được điều này, ông buộc phải sử dụng tên giả. Vụ Champmathieu buộc ông phải đối diện với nó, với cái tên mà ông ghê tởm. Sau cuộc đấu tranh nội tâm khốc liệt, ông đã đến tòa án Arras, không phải với ý thức khôi phục tên tuổi mà với cái lương tâm thánh thiện không muốn một người vô tội phải bị hàm oan. Jean Valjean tự thú lần này là vì trách nhiệm đối với Champmathieu.

Còn lần tự thú với Marius là vì trách nhiệm đối với chính bản thân mình. Điều này khiến sự việc trở nên giản dị, sáng rõ.

Hugo đã làm cho mọi chuyện rối tung khi đặt độc giả trước những giằng xé nội tâm và những lý do thiếu sức thuyết phục mà Jean Valjean đưa ra để giải thích với Marius về hành động của mình.

Thực ra động cơ thúc đẩy Jean Valjean tự thú chính là: “bây giờ, để sống tôi không muốn ăn cắp một cái tên” (V, VII, I)1. Marius không hiểu được điều này, mặc dù trước đó Jean Valjean đã giải thích tương đối rõ: “Fauchelevent đã cho tôi mượn tên một cách vô ích, tôi không có quyền sử dụng nó, ông ta có thể cho tôi tên, nhưng tôi không thể nhận. Mỗi cái tên, đó chính là một cái tôi2“ (V, VII, I). Đằng sau câu nói của Jean Valjean rằng ông không có quyền nhận cái tên của Fauchelevent dường như vang lên một tiếng gào thống thiết trong im lặng: “tôi có quyền có cái tên của mình”. Tội nghiệp Jean Valjean, Marius đã không nghe thấy tiếng gào câm lặng đó và vì thế mà không hiểu được cái quyền chính đáng ấy của ông, quyền được là chính mình. Marius đã không hiểu rằng cái tên là một cái tôi, một giá trị. Jean Valjean còn tiếp tục lý giải cặn kẽ hơn: “tuy là một nông dân, tôi cũng có suy nghĩ chút ít, có đọc chút ít; và ông thấy đấy, tôi nói năng nghe cũng được. Tôi hiểu được nhiều điều. Tôi đã tự giáo dục tôi3. Thật thế, lấy một cái tên và dấu mình dưới cái tên ấy, là không lương thiện” (V,VII,I).

Jean Valjean là nhân vật chính nhưng tên ông chỉ được đặt cho phần cuối cùng của tác phẩm. Chỉ đến lúc ấy ông mới thực sự là một Jean Valjean trọn vẹn. Tự thú với Marius không phải là một hành động bất ngờ, đột ngột. Nó được khởi nguồn từ quyết định lên chiến lũy cứu Marius, đồng nghĩa với quyết định sẽ trao Cosette cho chàng. Trên chiến lũy, Jean Valjean đã có một hành vi khó hiểu ngang với việc tự thú: Jean Valjean không chỉ tha chết cho Javert mà còn cho hắn biết tên giả và địa chỉ của mình, để hắn đến tìm bắt ông trong trường hợp ông còn sống sót! Điều đó có nghĩa là Jean Valjean quyết định nộp mình cho Javert, quyết định quay trở lại với chính mình.

Cuộc gặp gỡ với Myriel là một cú hích quan trọng, nhưng sự tự giáo dục mới là điều kiện thiết yếu để Jean Valjean xây dựng nhân cách. Giám mục đưa Jean Valjean ra khỏi bóng tối của tội ác để đến với ánh sáng chói lòa của lòng lương thiện. Quá trình tự giáo dục đưa Jean Valjean từ sự tối tăm vô học đến với ánh sáng hiểu biết của trí tuệ, biến ông thành một ý thức hoàn chỉnh về cái tôi cá nhân. Cái tôi của ông, một mặt, vượt lên trên tính ích kỷ, tự xóa mình vì người khác, nhưng đồng thời đó cũng là một ý thức đầy đủ về các giá trị riêng của mình. Myriel cho ông cái ảo tượng về thế giới bên kia – cái chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp ông vượt qua những nỗi đau khổ trên trần thế. Sự tự giáo dục, sự hiểu biết giúp ông nhận thức về cái bản ngã có một không hai của mình trên chính thế giới này.

Hugo, trong các tác phẩm của mình, không chỉ xây dựng những cái tôi lãng mạn độc đáo hoặc những anh hùng có tham vọng “phải có danh gì với núi sông”. Hugo còn đấu tranh cho những cá nhân thuộc về cái tầng lớp vô danh đông đảo trong xã hội, những phận mỏng cánh chuồn, những kiếp người khốn khổ.
 
Cái tên và sự phán xét của xã hội đối với cái tôi của nhân vật

Gauguin đã tự họa chân dung mình trong lốt Jean Valjean, nhân vật chính trong tiểu thuyết Les Misérables của Victor Hugo

Đối với Jean Valjean đã quy thiện, mười chín năm tù không chỉ là quá khứ, đó còn là một thứ tội nợ đè nặng lên hiện tại và tương lai của nhân vật. Tâm hồn cao quý không thể cứu chuộc cho cái tên nhục nhã. Nỗi nhục đeo vào cái tên dai dẳng. Jean Valjean đã không thể dùng con người mới đáng trọng để xóa đi sự ghê tởm của người đời đối với cái tên, tức là quá khứ, của mình. Hơn nữa, tình hình còn bi đát hơn khi quá khứ đó lại trở thành hiện tại: tù khổ sai tái phạm và vượt ngục.

Nghịch lý của Jean Valjean: ông là một con người duy nhất nhưng lại phải chịu những đánh giá hết sức trái ngược của xã hội, mà những đánh giá ấy chỉ dựa vào cái tên chứ không dựa vào bản chất đích thực của ông.

Con người lương thiện, nhân cách thực sự của Jean Valjean được xã hội công nhận và tôn trọng khi ông khoác lên đó những cái tên giả.

Nhưng cũng con người ấy, nhân cách ấy mà được gọi bằng cái tên Jean Valjean, tức là tên thật, thì ngay lập tức biến thành quỷ dữ, bị khinh bỉ, bị lên án.

Điều trớ trêu là ở tòa án Arras, phải nhờ vào uy tín của cái tên giả Madeleine thì ông mới có cơ hội để quay trở lại với cái tên thật Jean Valjean. Thật đau xót cho nhân vật khi ông được chứng kiến sự nổi tiếng và uy danh Madeleine ngay trước cánh cửa dẫn ông trở về với Jean Valjean. Xã hội đã phân biệt rất rõ Jean Valjean và Madeleine, không muốn thừa nhận hai người đó là một. Và thực tế Jean Valjean đã giết chết Madeleine trong ký ức xã hội chứ không phải là ngược lại: Madeleine không cứu được Jean Valjean khỏi sự phán xét của xã hội. Hành vi cao thượng của Jean Valjean làm người đời xúc động, nhưng sự xúc động đó chỉ kéo dài trong khoảnh khắc, vừa đủ để ông nhận ra mình thật là ảo tưởng.

Như vậy, bao giờ cũng có một độ lệch nghiêm trọng trong nhận thức của xã hội về con người thật và cái tên thật của Jean Valjean. Tên giả là biện pháp bất đắc dĩ mà tạm thời Jean Valjean phải dùng để có cơ hội hoàn lương và để buộc xã hội phải thừa nhận giá trị chân chính của con người ông, kết quả của những nỗ lực đầy đau đớn. Ước vọng của Jean Valjean trong lần tự thú cuối cùng là muốn trả tên mình về với những giá trị đó. Tuy nhiên ông không dựa vào việc khoe khoang thành tích (ông đã giấu Marius tất cả những việc tốt đã làm) mà mong muốn một cái nhìn công bằng của người đời. Nhưng Marius đã bị cảm giác ghê tởm thiên kiến che lấp mất sự sáng suốt của lẽ phải, mặc dù không phải Marius không hiểu rằng: “Một lương tâm trỗi dậy là một tâm hồn cao cả”. Ít nhất Marius cũng có thể nhận thấy trong hành động tự thú của Jean Valjean những biểu hiện của một con người chân chính: sự trung thực, sự can đảm, đức hy sinh. Nhưng sự thức nhận đó không đủ mạnh để át đi cái ấn tượng khủng khiếp mà cái tiếng “cựu tù khổ sai” mang lại.

Thực ra Jean Valjean không muốn ăn cắp lòng kính trọng, bởi vì ông xứng đáng được nhận nó một cách đàng hoàng, điều mà ông đã không có được. Những trải nghiệm suốt cuộc đời đủ để ông cay đắng nhận ra rằng người ta không thể nào kính trọng ông thực sự khi họ biết quá khứ của ông.

Một phiên bản “Những người khốn khổ trên sân khấu kịch.

Cái tên và sự quên lãng cái tôi của nhân vật

Hugo quan niệm: cái tôi được xác lập trong lúc nó tự hủy diệt vì người khác. Mặc dù thế, bị quên lãng cũng chẳng dễ chịu chút nào. Jean Valjean trước khi chết có nói: “chết có sao đâu, không sống được mới thật là đau đớn”. Đó chính là toàn bộ trải nghiệm của đời ông, một cuộc đời bị quên lãng, cuộc đời của một người “không sống được”. Tự thú có thể được xem là hành vi phản kháng cuối cùng của ông chống lại sự lãng quên. Để được sống. Và ông đã thành công hay thất bại?

Trước khi chết, Jean Valjean đã yêu cầu Cosette một điều: “hãy nhớ lấy tên của mẹ mình: Fantine”. Mỗi cái tên là một cái tôi. Quả thật Jean Valjean nhận thức về điều đó vô cùng rõ ràng. Fantine cũng là một cái tôi bị quên lãng. Ông muốn trả lại cho cái tôi đó, cái tên đó, một chỗ trong lòng Cosette. Nhưng rút cuộc Hugo chẳng cho chúng ta biết liệu cái tên nọ sống được trong lòng cô tiểu thư hạnh phúc ấy bao lâu. Khả năng nó tiếp tục bị lãng quên là rất lớn. Jean Valjean còn đề nghị Cosette và Marius thêm một điều: “thỉnh thoảng hãy nhớ đến ông già đã chết ở đây”. Ông còn nhắc lại điều đó một lần nữa: “hãy nhớ đến cha một chút”. Jean Valjean đã từng đau khổ vì bị lãng quên ngay trong lúc còn sống, hẳn ông muốn chuẩn bị cho cái tương lai sau khi chết của mình: thỉnh thoảng được gợi lại trong ký ức của những người ông yêu quý. Mong muốn đó của ông có phải là quá nhiều chăng?

Những người như Jean Valjean và Fantine có chung một bà mẹ: Đất, và một đứa con: Quên lãng.

Con người hy sinh hạnh phúc cho cái tên của mình (cái tên mà trước đó ông đã hy sinh cho hạnh phúc của người khác) cuối cùng đã trăng trối lại các con rằng không được khắc tên ông trên đá. Cái tên khắc trên đá thì có ý nghĩa gì nếu nó không khắc được vào lòng người. Sau khi linh hồn Jean Valjean được thiên thần đón lên trời thì dưới trần phiến đá trần trụi vừa đủ che một con người vô danh đã bị cỏ che mưa xóa. Cỏ và mưa của thiên nhiên chính là biểu tượng của sự quên lãng trong lòng người. Vậy, những nỗ lực, những đau khổ của Jean Valjean liệu có ý nghĩa gì không?

Jean Valjean không chỉ là hình mẫu của sự tu thiện cá nhân. Jean Valjean còn là bi kịch của một con người phạm tội đã nỗ lực để trở thành một giá trị nhưng không được thừa nhận như một giá trị. Cái tạo nên tính chất phản anh hùng của nhân vật là sự đối lập giữa con người thật đạo đức cao cả và hình ảnh quỷ dữ mà xã hội gán cho người đó. Giám mục Myriel đã mua được cho linh hồn Jean Valjean một chỗ trong lòng Chúa, nhưng không mua nổi cho con người bằng xương bằng thịt Jean Valjean và cái linh hồn đã được cứu rỗi đó cùng với cái tên của anh ta một chỗ trong lòng xã hội loài người. Cho tới tận khi chết Jean Valjean mới được thấu hiểu.
————————————————

1 Những con số này lần lượt chỉ: quyển, chương, mục trong cuốn “Les misérables” của Victor Hugo.

2 Tôi nhấn mạnh –NTTH. Câu này trong bản dịch tiếng Việt của Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiều, nxb Văn học, 1977, được dịch là “Mỗi cái tên là một con người” (tr.473)

Tác giả

(Visited 180 times, 1 visits today)