Kazuo Ishiguro: Gõ cửa này, cửa khác lại mở ra

Nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro, Nobel Văn chương 2017, nói về biệt danh “samurai tỉnh lẻ”, về bước khởi đầu sự nghiệp đầy bất ngờ từ âm nhạc, về vị trí của đề tài phương Đông-phương Tây trong ông, và về những mối quan tâm lớn nhất của ông với tư cách nhà văn, trong cuộc trả lời phỏng vấn sâu với nhà báo người Hungary Lévai Balázs.


Ishiguro, 62 tuổi, nổi tiếng nhất với hai tiểu thuyết The Remains of the Day (1989) và Never Let Me Go (2005), đã được dịch sang tiếng Việt thành Mãi đừng xa tôi hồi năm 2010. Tiểu thuyết mới nhất của ông là The Buried Giant (2015) cũng đã được dịch sang tiếng Việt thành Người khổng lồ ngủ quên hồi đầu năm nay.

Bạn bè ông, theo lời đồn đại, thường gọi ông là samurai tỉnh lẻ, nhưng tôi đọc thấy trong đó có chút ít sự thật, vì gia đình ông có gốc gác thuộc một dòng họ samurai cổ xưa ở Nhật. Có đúng vậy không hay chỉ là lời đồn thổi?

Xét cho cùng, đúng là như vậy, nhưng không nên gán cho nó một ý nghĩa quá quan trọng. Tổ tiên tôi không phải là hậu duệ của một gia đình quý tộc nổi tiếng đâu. Cho phép tôi kể lại một cách thật sơ lược chuyện liên quan đến những samurai này. Chắc ông cũng biết về cơ bản người Nhật có một xã hội phân tầng giai cấp rất chặt chẽ, xét về mặt cấu trúc nó không khác các xã hội phương Tây thời Trung cổ bao nhiêu. Có tầng lớp quý tộc, tầng lớp trung lưu, những thương gia, và tầng lớp hạ lưu, những người nông dân. Và bên cạnh trật tự đẳng cấp đó, tồn tại một giai tầng đặc biệt, các chiến binh, họ khác hẳn những tầng lớp kể trên. Khó tìm thấy một giai tầng tương tự như vậy ở phương Tây. Vì nước Nhật trải qua nhiều thế kỷ nội chiến, đã hình thành một đẳng cấp chiến binh của những võ sĩ samurai. Và tới tận ngày nay vẫn còn khá nhiều những người bảo thủ, hoài cổ, họ rất tự hào vì nguồn gốc cổ xưa, quý phái của mình. Cho dù trong đời sống thường nhật, điều này hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Sự thật là có một vị tổ nào đó của tôi đã từng chiến đấu như một samurai… Về phần mình, tôi không thích cái mốt hiện tại của hình tượng này, vì núp dưới cái vỏ mặt nạ của hệ tư tưởng samurai cao thượng, người ta đã phạm bao nhiêu tội ác bẩn thỉu, nhưng đúng là không thể hoài nghi: nó có mặt kỳ quái, nhưng tích cực. Cụ thể là các samurai không bao giờ quan tâm đến tiền bạc, vì họ cho rằng tiền sẽ làm nhơ bẩn bàn tay họ. Nghĩa là trong cái thế giới quan lỗi thời đó vẫn có một chút gì dễ cảm thông.

Ông có thể kể một chút gì đó về thuở ban đầu không? Nếu đã không trở thành một samurai, phải chăng ông luôn chuẩn bị để trở thành một nhà văn?

Thú thực, tôi chưa bao giờ có những dự định lớn, như một ngày nào đó sẽ trở thành nhà văn. Ở tuổi teen, những ca-nhạc sĩ Mỹ nổi tiếng như Bob Dylan và Leonard Cohen là thần tượng của tôi, và tôi cũng nghĩ mình là một nghệ sĩ lớn, có lẽ tự đáy tâm hồn tôi muốn trở thành một ngôi sao nhạc rock. Cuối những năm sáu mươi, đầu những năm bảy mươi tôi đang ở tuổi thiếu niên, đó là thời của các ca sĩ hát những ca khúc tự sáng tác. Chắc ông cũng nhớ, họ là những người một mình một ghi ta gỗ đứng trên sân khấu, và với vẻ cực nghiêm trang họ nói về những ý tưởng lớn, và hát những ca từ gần giống những bài thơ. Tôi cũng coi mình là người như thế. Tôi rất mê âm nhạc, thậm chí bản thân tôi cũng chơi hai loại nhạc cụ.

Đó là điều tôi chưa từng hình dung về ông. Thế ông đã chơi những nhạc cụ gì vậy?

Ghi ta và dương cầm. Tôi từng mơ ước sẽ trở thành một trong những nhạc sĩ lớn trên thế giới, đến với trái tim mọi người bằng âm nhạc. Tôi đã viết trên một trăm ca khúc và liên tục gõ cửa các nhà phát hành đĩa, mời chào khắp nơi những bản nhạc ghi thử. Việc này kéo dài mãi tới năm tôi hai mươi hai, hai mươi ba tuổi.

Thật may mắn cho độc giả, cuối cùng ông đã không trở thành ngôi sao nhạc rock. Thế chuyện viết văn đã bắt đầu thế nào?

Tôi có một khiếm khuyết nghiêm trọng, đó là, đáng tiếc, tôi không có giọng. Đồng thời khi nghe những thần tượng của mình hát, tôi bắt đầu quan tâm đến lời ca và nghĩ làm thế nào có thể sử dụng từ ngữ một cách nghệ thuật. Điều quan trọng với tôi là tạo ra những thế giới mới thông qua âm nhạc và ca từ. Thực chất, tôi đã viết văn một cách vô thức ngay khi sáng tác nhạc, trong thời kỳ đầu ấy, trong tôi đã hình thành một cái gì đó. Chỉ có điều, khi đó tôi còn mang khát vọng cháy bỏng muốn trở thành người viết nhạc và ca từ. Nhiều người đã trải qua giai đoạn tương tự như vậy. Dần dần tôi mới vỡ lẽ: số phận không muốn mình trở thành ngôi sao nhạc rock. Như vậy tôi không có hoài bão, hay sự thôi thúc phải trở thành nhà văn như một vài đồng nghiệp khác, tôi không hề suốt đời cố gắng làm chuyện đó. Ông biết đấy. Ta gõ một cánh cửa, nhưng nó không mở ra, rồi bỗng nhiên một cánh cửa khác bật mở. Với tôi sự việc đã diễn ra như thế. Thay cho những ca từ, tôi bắt đầu viết truyện ngắn, và xin vào học một khóa dạy sáng tác ở đại học. Đó là khóa học sau đại học của tôi, lúc đó tôi khoảng hai mươi lăm tuổi, và sau khóa học này tôi bắt đầu gửi đăng các sáng tác ngay. Những truyện ngắn đầu tay của tôi lập tức được đăng trên các tập san. Tôi có may mắn cực lớn: chỉ sau chưa đầy nửa năm, tôi đã ký hợp đồng với nhà xuất bản tới nay vẫn in sách của tôi, đó là một hãng có tên tuổi ở Anh, hãng Faber & Faber. Họ ký hợp đồng in cuốn tiểu thuyết tôi đang viết dở, lại còn chi một khoản tạm ứng nhỏ.

Và từ đó ông bỏ hẳn viết ca từ?

Điều này cũng rất lạ. Nhiều năm trước đây, khi mới bắt đầu viết văn, thì tôi bỏ hẳn. Tôi cảm thấy tất cả những lời bài hát tôi viết, một lúc nào đó, đã chuyển sang văn học. Bây giờ nói về chuyện này tôi có thể tự hào nói rằng mới đây tôi lại bắt đầu viết ca từ. Một số ban nhạc jazz nổi tiếng mời tôi viết lời cho họ, theo họ lời tôi viết có thể hợp với ca khúc của họ. Tôi cảm thấy đây là công việc rất lý thú và đã nhận lời, nhưng tất nhiên tôi không chuyển nghề đâu. Ngày nay, viết ca từ chỉ còn là thú vui thôi.

Văn nghiệp của ông đã bắt đầu như thế nào, khi ông bước ra thế giới rộng lớn? Vì nguồn gốc của mình chắc hẳn ông phải đối diện với sự lựa chọn, ông sinh ra trong một nền văn hóa khác, nhưng từ nhỏ lại sống trong môi trường Anh. Việc làm rõ tổ quốc đối với ông khó khăn tới mức nào?

Trước đây nhiều khi tôi cảm thấy như mình đang buộc phải sắm vai một phóng viên ngoại quốc, phải kể cho người London biết nước Nhật là gì. Như người có sứ mạng giải thích phương Đông cho phương Tây. Hai tiểu thuyết đầu tay của tôi đúng là nói về nước Nhật, hay về Nagasaki, thời kỳ sau Thế chiến thứ hai. Điều này có những lý do cá nhân, tôi phải tự giải quyết những vấn đề như câu hỏi về bản sắc, hay như tôi là đứa trẻ sống sót qua Thế chiến tới mức nào, của thế hệ đã trải qua suốt thời kỳ mà người ta gọi là chủ nghĩa phát-xít Nhật. Nhưng sau đó, dần dần tôi đã phải làm sáng tỏ một loạt câu hỏi về quan hệ của tôi với Nhật Bản và về những truyền thống gắn bó tôi với đất nước. Tới nay tôi đã sống quá lâu ở phương Tây, cuộc đời tôi đã gắn bó tới mức tôi cảm thấy rất thoải mái ở London, mà không cần phải ngày nào cũng nghĩ tới nước Nhật. Thậm chí, hiện nay những đề tài từng đeo đẳng tôi trước đây như phương Đông-phương Tây, bản sắc lai tạp…, ngày càng lùi xa…

Thế ở Nhật người ta nhìn nhận ông thế nào? Ông có biết họ coi ông là nhà văn Nhật hay nhà văn nước ngoài?

Có một dấu hiệu không thể nhầm lẫn. Trên bìa sách tên của các tác giả Nhật Bản được viết với chữ viết Nhật truyền thống, kiểu kanji (Hán tự), giống chữ tượng hình của Trung Hoa. Tên các tác giả nước ngoài, nghĩa là không phải người Nhật, được viết theo một bộ ký tự khác, kiểu katakana, dưới dạng phiên âm. Ai đó lạc vào một hiệu sách ở Nhật có thể biết ngay một cuốn sách nào đó là của nhà văn Nhật hay của tác giả Tây phương. Tên tôi được viết nhất quán theo kiểu katakana, nghĩa là các nhà xuất bản chính thức coi tôi là nhà văn nước ngoài. Tuy nhiên khi về Nhật, trong những dịp ra mắt sách, gặp gỡ độc giả, qua các câu hỏi tôi cảm thấy từ nột tâm, dù thế nào, họ vẫn coi tôi là người Nhật vì tôi mang trong mình dòng máu Nhật.

Nhiều lần ông nói, mặc dù hai tiểu thuyết đầu tiên1 cũng nói về đề tài tương tự như cuốn Tàn ngày [The Remains of the Day], nhưng chỉ có tác phẩm này là thành công, còn hai cuốn đầu được coi là quá Nhật Bản. Trên cơ sở nào ông nghĩ như vậy?

Ông biết không, khi viết hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên, tôi khá thất vọng. Cả hai câu chuyện đều diễn ra ở Nhật Bản, nhưng thực chất trong đó tôi muốn đưa ra những kết luận phổ quát về con người, về trạng thái con người. Tôi muốn nói về việc con người có thể nhìn nhận lại những quyết định sai lầm của họ trong quá khứ như thế nào. Tôi muốn khảo sát xem con người thay đổi ra sao dưới áp lực to lớn của xã hội. Vì như thường thấy, nếu không phải là một tính cách nổi trội đặc biệt, thì con người thường đi theo bầy đàn một cách vô thức… Tôi đã đưa hiện tượng này vào tầm ngắm, trong môi trường Nhật Bản. Nhưng rất tiếc tôi phải nhận ra rằng độc giả luôn nghĩ đó là những cuốn sách Nhật Bản, họ nhìn nhận chúng như chúng chỉ nói về xã hội Nhật và lịch sử nước Nhật, điều này làm tôi – với tư cách nhà văn – khá thất vọng. Tôi nghĩ, nếu khoác cho những đề tài này một trang phục Anh, có thể người ta sẽ nhận ra ý tưởng của tôi. Đó là một phép ẩn dụ phổ quát, một trạng thái phổ quát của con người. Với cuốn Tàn ngày, đã xảy ra chuyện tương tự như thế, nó rất giống hai cuốn trước đó, có cốt truyện diễn ra ở Nhật, chỉ khác bối cảnh là nước Anh.

Tôi xin trở lại câu hỏi đầu tiên liên quan đến các chiến binh samurai, vì hình tượng viên quản gia [trong Tàn ngày] – như một nghịch lý – gợi lên trong tôi những phẩm chất giống với những gì chúng ta có thể nghĩ về samurai. Đó là trung thành, gắn bó, có kỷ luật, kiên nhẫn, tin cậy cao độ ở bề trên, tin vào sứ mạng của mình. Ông muốn diễn đạt điều gì qua nhân vật này?

Đó là một nhân vật rất quan trọng vì đã mang tới hai điều. Trước hết, qua đó tôi có thể nói: khi về mặt tình cảm người ta kìm nén, hạn chế bản thân mình thì sẽ như thế nào. Điều này gần như trong mỗi chúng ta đều có: nỗi sợ hãi vì ta sẽ liên lụy tới một việc gì đó; nỗi sợ tình thương yêu và sợ một người nào đó yêu thương ta. Mặt khác, là điều mà viên quản gia đại diện – có thể lúc này tôi nói hơi quá – đó là cách chúng ta ứng xử với quyền lực chính trị. Quan hệ của đa số chúng ta với chính trị đúng như của viên quản gia. Chúng ta không ở trong bộ máy quyền lực, nhưng cũng như viên quản gia với chủ nhân của ông, chúng ta cũng ở rất gần, gần về mặt vật lý, những người đưa ra các quyết định. Chúng ta ở gần, nhưng không phải ở chỗ người ta thực thi quyền lực. Chúng ta có khuynh hướng cho rằng: tất nhiên những việc như thế phải để cho những người thực sự biết phải làm gì với quyền lực, với sự điều hành. Viên quản gia làm thế và chúng ta cũng làm điều đó. Chúng ta bảo: đã có những nhà chuyên môn, những người có trách nhiệm, cứ để họ quyết định những vấn đề lớn. Nhiệm vụ của ta là hoàn thành những việc nhỏ được giao. Và thế là ta làm hết khả năng của mình, qua đó biểu hiện sự đồng thuận với ai đó trên kia, và ta hy vọng rồi họ sẽ xử lý đúng. Nhưng đó không còn là trách nhiệm của ta. Nghĩa vụ của ta là hoàn thành công việc của mình. Tôi nghĩ nhân vật quản gia đã cho tôi khả năng rất tốt để luận bàn về hai vấn đề này, những vấn đề mà trong các tác phẩm trước đó tôi cũng đã từng lưu tâm tới.

Tôi biết năng suất không phải là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá một văn nghiệp, nhưng ở ông dễ nhận thấy rằng trong gần hai mươi lăm năm cầm bút ông chỉ cho ra mắt tất cả có sáu tiểu thuyết. Ông viết chậm như thế hay chỉ do ông có những thời gian nghỉ viết kéo dài?

Mỗi cuốn sách đều có lai lịch ly kỳ của nó. Tôi xin kể về trường hợp cuốn gần đây nhất – Mãi đừng xa tôi – hy vọng nó sẽ đưa ra lời giải thích về tốc độ sáng tác của tôi. Từ năm 1990 tôi đã bắt đầu viết tác phẩm này, nhưng lúc đó trong cuốn sách chưa hề có nhân bản, cũng không có công nghệ sinh học. Trong đầu tôi chỉ có một nhóm người trẻ tuổi sống ở một vùng nông thôn nào đó của nước Anh… Tôi chỉ biết rằng có một kết cục nào đó đang treo trên đầu họ, rằng cuộc sống của họ sẽ ngắn hơn so với những người khác, nhưng khi ấy tôi muốn giải quyết bằng vũ khí hạt nhân. Tôi không rõ, có lẽ tôi có ý tưởng đó vì tôi cũng thuộc thế thế hệ mà vũ khí hạt nhân là mối đe dọa lớn. Thế là tôi trăn trở mãi với ý tưởng này, nhưng rồi tôi phải bỏ, đơn giản vì tôi không thể viết tiếp nổi.

Thế vấn đề nhân bản đã được đưa vào như thế nào?

Chỉ mãi sau này, khoảng năm 2001, sáng kiến về nhân bản mới nảy sinh ra. Lúc đó ở Anh diễn ra cuộc tranh luận xã hội gay gắt về nhân bản, ông nhớ chứ, khi đó chú cừu Dolly ra đời. Một buổi sáng tôi đang ngồi trước radio, trên đó người ta đang tranh luận về nhân bản, tôi đột nhiên nảy ra ý nghĩ có thể thử viết câu chuyện này theo hướng bỏ chi tiết vũ khí hạt nhân, không phải vũ khí hạt nhân đã khiến những thanh niên kia đoản mệnh mà tôi sẽ thay đổi câu chuyện: họ thực chất là những người được nhân bản. Và thế là câu chuyện bỗng bắt đầu khởi động. Đó là quân bài cuối cùng của trò chơi xếp hình, có thể nói như vậy. Nhưng để quay trở lại điều tôi đã nói, trong tác phẩm này tôi cũng đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi rất phổ quát, đó là nếu anh biết chắc chắn cuộc đời anh sẽ sớm kết thúc và sự sống của anh trên trái đất này chỉ còn tính từng ngày, thì tình yêu, tình bạn, sự nghiệp, hay đạo đức đóng vai trò như thế nào trong cuộc đời anh. Trong khi đó, ngoài ý muốn, tôi đã tạo ra một tình huống trong đó mỗi người đều có thể tìm thấy lời giải đáp cho riêng mình qua cuốn sách. Tôi muốn, mặc dù cuốn sách nói về những nhân vật kỳ lạ và về một thế giới rất kỳ lạ, nhưng độc giả vẫn nhận ra bản thân mình và phát hiện ra rằng cái thế giới ấy quả thực rất giống với thế giới của chúng ta.

(Trích từ cuốn “Thế giới là một cuốn sách mở” của Lévai Balázs do Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary, Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành năm 2009, tiêu đề do Tia Sáng đặt lại)
———
1 “A Pale View of Hills” (1982) và “An Artist of the Floating World” (1986).

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)