Kenzaburo Oe và “Tiếng thét câm lặng”: Làm sao để lại làm người?
"Tiếng thét câm lặng" của Kenzaburo Oe ra mắt năm 1967. Ở Pháp, Jean-Luc Godard phát hành bộ phim "Pierrot Le Fou" năm 1965.
Cuốn tiểu thuyết của Oe bắt đầu với một người đàn ông ngẫm nghĩ về cái chết của người bạn thân: bôi sơn đỏ khắp mặt và đầu, trần truồng, nhét trái dưa chuột vào hậu môn rồi treo cổ tự sát; đi đến hồi kết bằng một người đàn ông khác tự nổ cò súng, gương mặt được “sơn” đỏ thẫm bằng chính máu anh – bên cạnh là dòng cuối cùng anh viết: “tôi đã nói sự thật”. Trong khi đó Pierrot Le Fou kết thúc bằng cảnh nhân vật chính cũng lấy sơn bôi khắp mặt, chỉ khác ở chỗ anh bôi sơn màu xanh lét, rồi quấn thuốc nổ quanh đầu, châm lửa, và rồi nổ bùng như một ngọn núi lửa. Cả ba đều là những khối khủng hoảng hiện sinh ngùn ngụt không hòa nhập được với cái thế giới mà mình được đặt vào trong.
Chết theo cách cuồng nộ ấy để làm gì? Họ đã muốn nói điều gì qua những cái chết như thế? Chẳng nhẽ chỉ vì, như mẹ của người đã chết trong Tiếng thét câm lặng, đã nói: “Con người rồi ai cũng phải chết. Một trăm năm sau, sẽ chẳng còn ai bận tâm tìm hiểu xem chúng ta đã chết như thế nào nữa. Thế nên tốt nhất là hãy chết theo cách mình muốn cháu ạ”? Chẳng nhẽ chỉ để minh chứng rằng, nếu không thể nổi loạn đến cùng trong khi sống, người ta có thể nổi loạn đến cùng khi chết đi? Và nếu không thể phá hủy được gì trong xã hội này thì chẳng phải ta chỉ có cách duy nhất là hủy hoại chính mình?
Có một nội lực tự hủy bên trong những nhân vật trong Tiếng thét câm lặng: Mitsusaburo – một dịch giả chột mắt thường ôm con chó của mình ngồi trong một cái hố sâu dưới lòng đất vốn là bể tự hoại (đây không phải nhân vật duy nhất có vấn đề về thị lực trong các tác phẩm của Kenzaburo Oe); vợ anh – Natsumi – một người phụ nữ chìm trong men rượu; đứa con ra đời với khối u dị dạng bị vợ chồng anh bỏ rơi; người anh trai S. tự nguyện chết để làm dịu cơn căm tức của những người Triều Tiên bị đàn áp; người em trai Takashi từ Mỹ trở về muốn kích động đám thanh niên trong làng cùng nhau nổi dậy theo gương một cuộc nổi dậy của bần cố nông năm 1860; tất nhiên là cả người bạn đã tự dựng lên cảnh chết quái đản của mình.
Xin phóng tác câu văn bất tử của Tolstoi: những người bình thường thì đều giống nhau, còn những người điên thì muôn màu muôn vẻ.
Khi Kenzaburo Oe trở thành nhà văn Nhật Bản thứ hai được trao giải Nobel Văn chương, trong bài diễn từ của mình, ông kể về những kỷ niệm văn chương đầu đời khi sống trong một ngôi làng trên hòn đảo xa xôi, đọc Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils, và cậu bé Kenzaburo Oe khi ấy đã nhớ mãi một câu nói của chú bé Nils ngỗ ngược bị biến thành một sinh vật tí hon, sau khi được lớn lại làm một cậu bé bình thường, cậu thốt lên: “Je suis de nouveau un homme.” Con đã lại được làm người.
Được làm người không phải một điều tất yếu đến thế. Những dị dạng thể chất, những móp méo tinh thần khiến trải nghiệm làm người trong Tiếng thét câm lặng rất đỗi khuyết tật. Có gì đó ghê tởm và nát bấy trong chính việc phải làm người, ta cảm thấy điều đó khi đọc những đoạn văn hay nhất của tiểu thuyết này – những đoạn Kenzaburo Oe như siêu âm và xuyên chiếu những kinh nghiệm xác thịt, từ một khối u nâu đỏ chứa đầy máu và dịch tủy đến những con mắt của một chàng trai bị đàn kiến ăn thịt, từ những tế bào vữa tan mất đi ý nghĩa của một xác chết đến một cơ thể đàn bà phát phì phải ngốn thật nhiều thức ăn để duy trì cái thể tích kềnh càng mà vô nghĩa của bản thân.
Con người trong câu chuyện này thường xuyên thấy mình, khi thì như một con giun đất nằm co ro, khi thì như một con cá thầy tu đã chết, khi thì như một con gà bị vặt hết lông, khi thì giống hệt một con chuột, khi thì hòa nhập vào đám vi khuẩn phân hủy, khi thì như một con ruồi vừa chết, khi thì có hàm răng vàng khè như động vật vì nhiều tháng từ chối đánh răng; nhưng hiếm khi họ thấy mình là người, hoặc khi cảm thấy được làm người, thì nhân vật lại thấy như “nỗi cực nhọc của một con người […] nhuộm đen mọi ngóc ngách cơ thể tôi, khiến tôi bất chợt muốn khóc.” Một câu văn đầy chất thơ mà cũng đầy mật đen đau khổ…
Trước Tiếng thét câm lặng, trong Một nỗi đau riêng, dựa vào đứa con trai bẩm sinh dị tật vì tàn dư phóng xạ vụ đánh bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Kenzaburo Oe đã viết thế này: “Con trai tôi quấn băng trên đầu và nhà thơ Apollinaire cũng vậy khi ông bị thương ngoài mặt trận. Trên một mặt trận tăm tối và cô đơn mà tôi chưa bao giờ gặp, con trai tôi đã bị thương như Apollinaire và bây giờ nó đang kêu gào không ra tiếng.” Phải thi tính hóa cái tật nguyền và biến dạng của đời sống để mà còn sống được trong đời sống.
Có một bức tranh vẽ cảnh địa ngục được trở đi trở lại đôi lần trong Tiếng thét câm lặng, và Mitsusaburo, khi ngắm nghía tình cảnh thê thiết của những nhân vật trong tranh bị đọa đày suốt một vạn sáu ngàn năm, bỗng chợt thấy yên bình, bởi anh đinh ninh, một khi người ta phải chịu đọa đày lâu đến thế thì đọa đày hẳn phải trở thành lẽ tự nhiên, là chuyện thường ngày, người ta quên mất mình đang mắc đọa. Đó cũng là thái độ của Mitsusaburo với nước Nhật tai ương của anh, anh miễn phấn đấu và không có nhu cầu đổi thay nó. Nhưng cậu em trai Takashi thì khác, cậu đối đầu và đối đầu đến cùng. Nhưng thái độ dù theo cách nào thì cả hai anh em cũng không tránh khỏi tự cô lập, tự hủy mình. Họ cũng không phải những kẻ duy nhất tự cô lập và hủy mình, đó thậm chí dường như là cách sống không thể tránh khỏi trong một đất nước mà suốt chiều dài lịch sử, cũng thường tự cô lập và tự hủy mình.
Hãy nhớ rằng năm 1860, ở Nhật Bản đã diễn ra sự kiện Sakuradamon, vụ ám sát Thủ tướng Nhật đương thời, Ii Naosuke, người đã chủ trương mở cửa đất nước sau hàng trăm năm bế quan toả cảng. Trong hư cấu, cụ cố của hai anh em, một người có vai vế trong làng, đã xây lên một nhà kho vững chắc như pháo đài để cố thủ bên trong, chống chọi những cuộc bạo động nông dân từ phía ngoài. Em trai cụ cố tự nhốt mình 20 năm sau khi lãnh đạo cuộc bạo động bất thành, không hề băng rừng chạy trốn như người ta vẫn nghĩ. Về phần Takashi, anh từ nước ngoài về Nhật Bản và rồi từ đô thị Nhật Bản về nông thôn Nhật Bản, kêu gọi đám thanh niên chống lại hệ thống của Vua Siêu thị, một doanh nhân Triều Tiên, một người ngoại quốc đang thay đổi trật tự một ngôi làng bấy nay đã ngủ vùi trong quá khứ. Ngay cả tội lỗi tuổi thiếu niên của anh – tội loạn luân cùng em gái, và sau đó, tội ngoại tình cùng người chị dâu – chẳng phải cũng là những hành động thu vào bên trong nội tộc để truyền giống, hay nói cách khác, cũng là một dạng thức tự cô lập và tự hủy. Bản thân ngôi làng quê hương Takashi và Mitsusaburo cũng là một nơi chốn dường như không có nhiều mối liên hệ với thế giới bên ngoài, một ngôi làng lẻ bóng, như một nước Nhật thu nhỏ, khép mình và tránh giao du cùng hải ngoại. Nói cách khác, tất cả các nhân vật này và những nơi chốn này dường như đều tự dựng lên những thành quách quanh mình, tự dồn mình vào chân tường, để cảm thấy mình đang tồn tại.
Và trong số họ, nếu như đã có ai lựa chọn tìm đến cái chết, thì đó là bởi, tự sát là hành động cô lập nhất, tự hủy nhất, tự chập mình vào chính mình, để người giết cũng đồng thời là kẻ bị giết, kẻ chịu đau đồng thời cũng là kẻ gây đau. Trớ trêu thay, để muốn lại được làm người, được như cậu bé Nils hô vang “Je suis de nouveau un homme”, thì con đường duy nhất họ có thể đi, chẳng gì hơn, là kết thúc cuộc đời con người mà mình đã bám víu.□
Bài đăng Tia Sáng số 10/2024