Khái niệm nghệ thuật

Mỗi thời đại, nơi chốn, cộng đồng, hoàn cảnh cụ thể nào đó, sở hữu những khái niệm nghệ thuật khác nhau. Và chính những khái niệm nghệ thuật khác nhau đó, sẽ tổ chức các thực hành nghệ thuật khác nhau của mỗi thời đại, nơi chốn, cộng đồng và hoàn cảnh khác nhau.

Mới gần đây, khi giới thiệu với một số bạn trẻ các tác phẩm của hai nghệ sĩ Christo và Jeanne-Claude, vào lúc chấm dứt buổi giới thiệu, một số người gặp tôi và  hỏi,“thế rốt cục, cái đẹp của những tác phẩm đó ở đâu?”. Cũng một lần khác, nói chuyện với một số bạn trẻ, là sinh viên của một số trường đại học, khi tôi đề cập tới tác phẩm Fountain (Vòi nước) của Marcel Duchamp, một sinh viên đã nói với tôi: “nếu nghệ thuật mà dễ như vậy thì ai mà chả làm được nghệ thuật”, và “cái tác phẩm này chả khác gì những thứ mà tôi thấy xuất hiện đầy ngoài các tiệm bán vật liệu xây dựng”. Nhưng dạng câu hỏi và ý kiến nêu trên, và thậm chí còn nhiều dị bản tương tự nữa hướng về các nghệ phẩm hiện đại, hậu hiện đại, và đương đại khác nữa, đã phản ánh rất rõ việc, hình như có một khoảng trống trong giáo dục mỹ học, hay nói cách khác, giáo dục về triết học nghệ thuật ở Việt Nam. Vậy, chính xác, những gì được gọi là triết học nghệ thuật? Và tại làm sao mà sự thiếu thốn của nó lại gây ra những câu hỏi như vừa được dẫn ở trên?


Tác phẩm Fountain (Vòi nước)
của Marcel Duchamp

Trong cuốn sách, triết học nghệ thuật, một dẫn luận đương đại, tác giả Noel Carroll, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ học Hoa Kỳ, đã viết: “Thật ra, cuốn sách này cũng có thể được đặt tên là Triết học phân tích về nghệ thuật: Một dẫn luận đương đại (Analytic Philosophy of Art: A Contemporary Introduction). Có thể hiểu rằng, qua cái nhan đề giả định trên- Noel Carroll đã coi triết học về nghệ thuật thuộc mô hình triết học phân tích. Tiếp theo, ông lại đặt câu hỏi, vậy nếu đó là triết học phân tích thì: “Chính xác là dạng triết học này sẽ phân tích điều gì?”. Đối tượng phân tích của dạng triết học này cũng được Noel Carroll trả lời ngay sau đó, là “những khái niệm” (concepts). Những khái niệm chi phối toàn bộ đời sống của con người, tổ chức các thực hành của họ, bao gồm khái niệm chính trị, khái niệm luân lý, khái niệm luật pháp…và lẽ dĩ nhiên, khái niệm nghệ thuật, tức khái niệm tổ chức các thực hành thưởng lãm và sáng tạo nghệ thuật. Và như vậy, ở đây, chúng ta hiểu triết học phân tích về nghệ thuật chính là triết học phân tích về các-khái-niệm-nghệ-thuật.
Thật vậy, lịch sử nghệ thuật, nói một cách nào đó, chính là một lịch sử của những khái niệm nghệ thuật. Mỗi thời đại, nơi chốn, cộng đồng, hoàn cảnh cụ thể nào đó, sở hữu những khái niệm nghệ thuật khác nhau. Và chính những khái niệm nghệ thuật khác nhau đó, sẽ tổ chức các thực hành nghệ thuật khác nhau của mỗi thời đại, nơi chốn, cộng đồng và hoàn cảnh khác nhau. Lấy ví dụ, một trong những khái niệm nghệ thuật xưa nhất từng được biết tới của nghệ thuật phương Tây, đó là khái niệm “nghệ thuật là sự mô phỏng” (Art as Imitation), do Plato, và học trò của ông là Aristotle đưa ra. Lẽ dĩ nhiên, với người Hy Lạp cổ đại, khái niệm nghệ thuật mà họ hiểu và bàn tới, khác với khái niệm nghệ thuật như chúng ta hiểu ngày nay – nó có một trường rộng hơn- là bất kỳ thực hành nào đòi hỏi kỹ năng, và bởi thế, nó còn bao gồm cả nghề làm thuốc và quân sự. Vì lẽ đó, không phải đối với Plato và Aristotle, mọi loại hình nghệ thuật theo cảm năng đòi hỏi một kỹ năng đều là sự mô phỏng, mà với hai triết gia này, khi nói nghệ thuật là sự mô phỏng, họ chỉ nói tới thi ca, bi kịch, hội họa, điêu khắc, vũ đạo và âm nhạc, mà thôi. Tuy nhiên, khái niệm mô phỏng, theo Plato, khi ông nói về bi kịch (cũng như hội họa), có một ý nghĩa xấu. Theo ông, bản chất của bi kịch là sự mô phỏng – là vẻ bề ngoài đội lốt. Các diễn viên trong bi kịch mô phỏng nhân vật mà họ sắm vai. Với Plato, điều này là có vấn đề bởi ông tin rằng sự quyến rũ và khích gợi cảm xúc thông qua vẻ bề ngoài sẽ tạo ra sự nguy hiểm về mặt xã hội. Một cộng đồng công dân (citizenry) duy cảm là một cộng đồng công dân nông nổi (unstable), dễ bị ảnh hưởng bởi những phương pháp mị dân hơn là bởi cảm năng về cái thiện hảo. Theo Plato: “Mọi nhà mô phỏng thi ca, bắt đầu từ Homer, chỉ mô phỏng các hình ảnh của đạo đức cũng như của các sự vật khác khi họ viết, và không có mảy may chân lý nào ở trong những mô phỏng ấy hết” (sách Cộng hòa Quyển XI Republic X). Và thậm chí trong loạt sách Cộng hòa của mình – hình dung về một quốc gia lý tưởng, Plato còn thẳng tay đưa các nhà bi kịch (cũng là các nhà thơ) ra ngoài vòng pháp luật.


Theo Plato và Aristotle mô phỏng là điều kiện cần và đủ cho những dạng kiểu thực hành nào đó được gọi là nghệ thuật.

Cũng coi nghệ thuật là sự mô phỏng, song Aristotle, học trò của Plato, lại cho rằng, dẫu các bi kịch khơi gợi cảm xúc và nỗi sợ hãi của người xem, song chúng làm thế cho mục đích Karthasis (thanh tẩy), và bởi vậy, có lợi cho người xem. Hơn nữa, Aristotle còn cho rằng, con người có thể học được từ sự mô phỏng và việc thụ đắc hiểu biết từ sự mô phỏng là nguồn mạch thỏa mãn chủ yếu công chúng có được khi tới nhà hát. Trong cuốn Thi pháp (Poetics) nổi tiếng của mình, ông viết, “Sự mô phỏng (mimesis) vốn sẵn có ở con người từ thuở nhỏ, và con người khác giống vật ở chỗ họ có tài mô phỏng. Nhờ có sự mô phỏng mà họ thu nhận được những kiến thức đầu tiên, và trong cuốn Siêu hình học (Metaphysics) của mình, ông cũng cho rằng “con người luôn yêu mến sự học hỏi”.
Như vậy, ở đây chúng ta thấy, dù có khác nhau trong cách đánh giá sự mô phỏng, song khái niệm về nghệ thuật của cả Plato và Aristotle là giống nhau. Có nghĩa là, với họ, nghệ thuật chính là sự mô phỏng. Hay nói cách khác, mô phỏng là điều kiện cần và đủ cho những dạng kiểu thực hành nào đó được gọi là nghệ thuật. Mô phỏng là cái đặc trưng chung, mà một con người, một địa điểm, một vật thể, một hành vi, hay một sự kiện- nếu muốn được coi là nghệ thuật thì phải trưng ra. Ở đây, mệnh đề của Plato và Aristotle sẽ là:
“X là một nghệ phẩm khi và chỉ khi nó là sự mô phỏng”.
Như ta thấy, chính cái khái niệm nghệ thuật là sự mô phỏng trên, đã tổ chức toàn bộ các thực hành thưởng lãm và sáng tạo nghệ thuật trong thời đại của Plato và Aristotle. Có nghĩa là, vào thời đó, những thực hành như vẽ tranh, làm tượng, viết bi kịch, các thi thoại và vũ điệu trong bi kịch- chỉ khi mang theo tính chất mô phỏng mới được gọi là nghệ thuật và mới xứng đáng để quan tâm, tư duy, sưu tầm và thưởng thức. Tất cả những thực hành không chứa đựng sự mô phỏng, không được coi là nghệ thuật và sẽ bị đối xử một cách thờ ơ, không đáng quan tâm.
Khái niệm về nghệ thuật là sự mô phỏng này có ảnh hưởng lớn đến cách quan niệm nghệ thuật ở phương Tây, thậm chí kéo dài cho tới đầu thế kỷ 19, mãi cho tới khi có sự ra đời của nhiếp ảnh. Tuy nhiên, khái niệm nay đã thực sự trở nên bế tắc khi bắt đầu có sự xuất hiện của hội họa trừu tượng (Abstract Paintings), với các nghệ sĩ khởi đầu như Vassily Kandinsky (1866-1944), Paul Klee (1879-1940), Piet Mondrian (1872-1944) hay Kasimir Malevich (1878-1935).
Thật vậy, bằng việc rời bỏ hoàn toàn thế giới hiện tượng khách quan để chỉ quan tâm tới các thể dạng lý tưởng, tác phẩm của các nghệ sĩ nói trên đã triệt tiêu đi toàn bộ tính chất mô phỏng của nghệ thuật theo quan điểm của Plato-Aristotle, để thay vào đó trình ra những đường  nét và màu sắc thuần túy. Thậm chí với Piet Mondrian, trong một phát ngôn của mình, còn cho rằng các tác phẩm của ông “tìm cách vượt xa hơn hệ thống giá trị của con người để đạt tới sự vô tận và vĩnh cửu”. Ngay tại đây, ta thấy khái niệm nghệ thuật là sự mô phỏng với mệnh đề, “X là một nghệ phẩm khi và chỉ khi nó là sự mô phỏng” đã gặp bế tắc, bởi nó sẽ không thể quan niệm nổi những tác phẩm của những nghệ sĩ kể trên là nghệ thuật, vì thế, sẽ đối xử một cách thờ ơ, và không chiếu vào đó bất kỳ một mối quan tâm nào.


Tranh của Vassily Kandinsky


Tranh của Paul Klee

Rõ ràng các tác phẩm của các họa sĩ trừu tượng là những thực hành tuân theo các cách tổ chức khác, và một khái-niệm-nghệ-thuật-khác. Khái niệm nghệ thuật này có lẽ phải truy ngược lại cho tới thời Khai minh, với một triết gia quan trọng là Immanuel Kant (1724 -1804). Theo Kant, một điều đẹp đẽ luôn sở hữu cái gọi là “tính hợp mục đích không có mục đích” (purposiveness without a purpose), hay nói cụ thể hơn, theo Kant: “Vẻ đẹp (Shoenheit) là hình thức của tính hợp mục đích của một đối tượng, trong chừng mực tính hợp mục đích ấy được tri giác mà không có hình dung nào về một mục đích (khách quan) nơi đối tượng”. Có nghĩa là với Kant, bất kể một vật thể nào, dù có sở hữu sự mô phỏng hay không, nếu như nó mang những đặc trưng nào đó, về đường nét, màu sắc, lối kiểu đan dệt, bố cục, gây ra được cho người thưởng ngoạn một xúc động về mặt thẩm mỹ – thúc đẩy một trò chơi tương tác tự do giữa các quan năng nhận thức, là trí tuệ, tri giác, và sự tưởng tượng của họ – vật thể ấy đã sở hữu một tính chất quan trọng nhất- đó là cái Đẹp (Beauty). Bản thân Kant không cho


“Vẻ đẹp (Shoenheit) là hình thức của tính hợp mục đích của một đối tượng, trong chừng mực tính hợp mục đích ấy được tri giác mà không có hình dung nào về một mục đích (khách quan) nơi đối tượng”.
                            Kant

Đường  nét, màu sắc được liên gộp theo một cách nào đó, cùng với các mô dạng và mối liên hệ của các mô dạng, gợi nên được các xúc động thẩm mỹ cho chúng ta. Sự liên gộp này tôi gọi là “Mô dạng tạo Nghĩa”, và đó chính là chất lượng chung cho mọi nghệ phẩm thuộc nghệ thuật thị giác.
                  Clive Bell

rằng, nghệ thuật là phái đẹp, tuy nhiên, ý tưởng về cái Đẹp của ông đã có nhiều ảnh hưởng tới các triết gia về nghệ thuật sau này, đặc biệt là các nhà hình thức luận (Formalists), với khái niệm nghệ thuật là hình thức (Art as Form), hay nói một cách cụ thể hơn, ý tưởng về cái Đẹp của Kant đã có ảnh hưởng lớn tới lý thuyết gia hình thức Clive Bell (1881-1964), với khái niệm về “Nghệ thuật là Mô dạng tạo Nghĩa” (Art as Significant Form), một khái niệm sẽ giúp quan niệm được các thực hành trừu tượng là nghệ thuật. Theo Bell: “Những gì là chất lượng chung cho kiến trúc nhà thờ thánh Sophia và các cửa sổ kính ghép màu tại nhà thờ Chartres, điêu khắc Mexico, bát thuộc nền nghệ thuật Ba Tư, các tấm thảm Trung Hoa, tranh tường của Giotto ở Padua, và các nghệ phẩm bậc thầy của Poussin, Piero della Francesca, và Cézanne?, chỉ có một câu trả lời khả dĩ ở đây, đó là – Mô dạng tạo Nghĩa. Trong mỗi tác phẩm ấy, đường  nét, màu sắc được liên gộp theo một cách nào đó, cùng với các mô dạng và mối liên hệ của các mô dạng, gợi nên được các xúc động thẩm mỹ cho chúng ta. Những mối liên hệ và sự liên gộp này của đường nét, màu sắc, cùng những mô dạng chuyển vận một cách thẩm mỹ này, tôi gọi là “Mô dạng tạo Nghĩa”; và “Mô dạng tạo Nghĩa” chính là chất lượng chung cho mọi nghệ phẩm thuộc nghệ thuật thị giác. Và ở đây, định đề của Bell về nghệ phẩm, thay vì, X là một nghệ phẩm khi và chỉ khi nó là sự mô phỏng, đã trở thành X là một nghệ phẩm khi và chỉ khi nó thể hiện ra Mô dạng tạo Nghĩa. Các nghệ phẩm trừu tượng hoàn toàn thỏa mãn đòi hỏi ấy từ khái niệm Nghệ thuật như Mô phỏng tạo Nghĩa của Clive Bell.
Trở lên trên, là hai ví dụ tôi nêu ra để cho thấy một sự thật là, mỗi khái niệm nghệ thuật khác nhau, sẽ đem lại những câu trả lời khác nhau cho những sự vật hiện tượng khác nhau, và việc dùng khái niệm nghệ thuật này để đánh giá một thực hành thuộc khái niệm khác sẽ luôn dẫn người đánh giá rơi vào bế tắc. Quay trở lại những câu hỏi và ý kiến đặt ra với tôi ở đầu bài viết về tác phẩm của Christo và Jeanne-Claude hay của Duchamp, qua hai thí dụ vừa dẫn, có lẽ chúng ta đã đều nhận thấy – các câu hỏi và ý kiến đó đã đến từ một khái niệm nghệ thuật khác với khái niệm nghệ thuật tạo ra tác phẩm của Christo và Jeanne-Claude và của Duchamp. Nói một cách cụ thể hơn, cả câu hỏi đầu: “thế rốt cục, cái đẹp của những tác phẩm đó ở đâu?” đặt ra cho các dự án của Christo và Jeanne-Claude, lẫn ý kiến sau “nếu nghệ thuật mà dễ như vậy thì ai mà chả làm được nghệ thuật”, và “các tác phẩm này chả khác gì những thứ mà tôi thấy xuất hiện đầy ngoài các tiệm bán vật liệu xây dựng”, đặt ra cho chiếc bồn tiểu của Duchamp – là một vật thể làm sẵn hàng loạt (mà Duchamp gọi là ready made) và chả mô phỏng cái gì hết vì bản thân nó chính là một cái bồn tiểu trong-đời-thực – có lẽ đều bắt nguồn cả từ khái niệm về cái Đẹp của Kant – chi phối các lý thuyết hình thức về nghệ thuật sau này, lẫn từ (trong nhiều nguồn khác nữa) quan niệm của người Hy Lạp Cổ đại về nghệ thuật, khi coi nó phải là sự mô phỏng và đòi hỏi kỹ năng tạo chế.
Rõ ràng là, để trả lời (hoặc tự trả lời) những câu hỏi và ý kiến dạng này, cần tới một sự giáo dục về thẩm mỹ (về triết học nghệ thuật) ở các tầm mức và tầm cấp khác nhau trong xã hội. Trong đó, ngoài các mô hình giáo dục theo kiểu định chế- thông qua nhà trường (chuyên nghiệp và không chuyên), các bảo tàng, các hệ thống gallery, những địa điểm mà nhìn một cách thẳng thắn, ở Việt Nam hiện tại, là chưa hiệu quả – còn là các mô hình giáo dục mang tính xã hội hóa, như xuất bản, dịch thuật và giới thiệu các sách về triết học nghệ thuật, cũng theo các tầm mức và tầm cấp khác nhau trong xã hội.

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)