Khi di sản luôn phải nhường bước

Trả lời phỏng vấn của Tia Sáng, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng, từ trước đến nay, di tích/di sản luôn luôn bị xây dựng/phát triển lấn át, mà trường hợp Hoàng thành Thăng Long bị xâm phạm bởi công trường Nhà Quốc hội là bằng chứng mới nhất.

Mới đây, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, và Hội Khảo cổ học Việt Nam đã phải cùng đứng tên Kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hữu quan về việc công trường Nhà Quốc hội đang có những xâm phạm nghiêm trọng đến Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Khu di sản). Là người đang trực tiếp khai quật tại khu vực điện Kính Thiên thuộc Khu di sản, ông đánh giá mức độ của sự việc này như thế nào?

TS. Nguyễn Hồng Kiên: Nếu không nghiêm trọng, chắc chắn ba Hội đã không phải đồng kiến nghị khẩn cấp. Tôi xin được dẫn lại một đoạn từ Kiến nghị khẩn cấp:

“Ngày 15/7/2014 theo yêu cầu của chúng tôi, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã mời tới thăm khu C-D thì thấy đang diễn ra những hiện tượng vi phạm Khu di sản rất nghiêm trọng:

1- Tại khu giáp ranh giữa Nhà Quốc hội và Khu di sản, đã xây dựng xong phần lớn các thành phần của con đường cứu hỏa với một bức tường bằng bê tông cốt thép nằm trong phạm vi di sản, có chỗ cao đến 3-4m ở sát thành hố khai quật và một số đoạn đường ống thoát nước cũng đào sâu vào phần đất của Khu di sản. Như vậy là một bộ phận của di sản khảo cổ nằm dưới con đường này đã bị phá hủy nghiêm trọng.

2- Toàn bộ khu C-D đã biến thành công trường xây dựng vô cùng ngổn ngang với những container, vật liệu xây dựng, phế thải, xe máy, nhà ở của công nhân… và đặc biệt phản cảm là một dãy nhà vệ sinh công cộng đặt ngay trên mặt bằng của Di sản Thế giới.

3- Sau khi bàn giao khu C-D cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội gần như bị vô hiệu hóa, cán bộ ra vào tác nghiệp bảo tồn phải xin phép và gặp nhiều khó khăn. Điều đó gây ra hậu quả tai hại như sau:

– Thứ nhất: Các hố khảo cổ bị ngập nước, thành hố bị xói lở, các di tích trong lòng hố bị xâm hại cực kỳ nghiêm trọng.

– Thứ hai: Công nhân xây dựng tự do ra vào trong khu di sản, quanh các hố khảo cổ trong điều kiện không có cán bộ bảo tồn giám sát nên không tránh khỏi những va chạm làm một số di tích, di vật trong các hố khảo cổ bị xê dịch và có thể bị mất mát.

– Thứ ba: Nhiều hố khảo cổ bị rác, vật liệu xây dựng vứt ném bừa bãi, làm hư hỏng các di sản khảo cổ đã xuất lộ

Những việc làm trên là sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa và Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản Thế giới của UNESCO.”

Để đánh giá chính xác, cụ thể các xâm phạm và ảnh hưởng thì phải được phép vào tận nơi, như công văn của ba Hội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “cử đoàn thanh tra, đánh giá tình hình xây dựng vi phạm Luật di sản văn hóa tại khu Di sản, đánh giá nguyên nhân để xảy ra tình trạng đáng tiếc nói trên tại khu di sản C-D”.

Hiện tôi đang trực tiếp tham gia khai quật khảo cổ học tại khu vực điện Kính Thiên, nhưng cũng như nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, tôi không được lai vãng đến khu vực kia. Vì thế tôi không thể nói gì cụ thể về mức độ ảnh hưởng của công trường Nhà Quốc hội đối với Khu di sản.

Khi đi chụp ảnh, quay phim ghi nhận các sai phạm của công trường xây Nhà Quốc hội với Khu di sản, tôi và các phóng viên phải tìm các khe hở hàng rào ngăn giữa hai khu, chui nhủi như kẻ trộm, chứ đâu được đàng hoàng vào đó. Đã từng có anh em chỉ đứng chụp từ ngoài đường, khu vực các container chất đống ngổn ngang… mà cũng bị bảo vệ công trường ra làm khó dễ.

Chỉ biết rằng, tại các hố hiện đang khai quật, chúng tôi luôn phải bơm nước hằng ngày, trong khi các di tích-di vật trong các hố đã khai quật ở khu C-D đã bị ngập nước hàng tháng trời, không thể không bị hủy hoại.

Kiến nghị khẩn cấp nhận định rằng các xâm hại vừa qua từ công trường Nhà Quốc hội đã vi phạm nghiêm trọng các cam kết bảo vệ tính toàn vẹn và nguyên trạng vùng lõi của Khu di sản, theo ông liệu điều này có dẫn đến nguy cơ Hoàng thành Thăng Long bị UNESCO rút lại danh hiệu Di sản Thế giới?

Nguy cơ đó là hiển hiện.

Khi chấp nhận hồ sơ xin công nhận, UNESCO đã có năm khuyến cáo với Việt Nam, tôi xin được dẫn nguyên văn hai điều: “a) Tăng cường và mở rộng nghiên cứu khảo cổ học về di sản này; b) Xem xét một vùng đệm rộng hơn cho di sản và đảm bảo rằng các quy định quản lý cho những dự án xây dựng tư nhân được tuân thủ. Và Chính phủ đã phải “cam kết mạnh mẽ” tám điều, trong đó có: “4. Bảo đảm xây dựng nhà Quốc hội như phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giữ gìn sự hài hòa với di sản đề cử cũng như các di tích lịch sử văn hóa trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình và trong khi thi công xây dựng nhà Quốc hội không gây tác động ảnh hưởng đến sự an toàn của di sản.”

Ngày 25/7/2014,  Ủy ban UNESCO Việt Nam ra công văn về việc các kiến nghị khẩn cấp của ba Hội,  nêu rõ: “Do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã báo cáo Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO tại Paris về những vi phạm hiện nay đối với Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, UBQG UNESCO Việt Nam lưu ý nếu không sớm khắc phục hậu quả, khả năng Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO cử đoàn chuyên gia quốc tế đánh giá những vi phạm tại chỗ và đưa ra khuyến nghị cảnh báo tại kỳ họp thứ 39 của Ủy ban Di sản thế giới tại Đức (tháng 7/2015) đối với Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội là rất cao”.

Theo tôi được biết, sau cảnh báo lần một, UNESCO sẽ đến kiểm tra, và nếu tiếp tục không thực tâm khắc phục hậu quả, để bị cảnh báo đến lần thứ ba, thì sẽ bị rút danh hiệu.

Ba Hội đã gửi đi Kiến nghị khẩn cấp như một lời kêu cứu, theo ông giờ đây ai có thể cứu di tích Hoàng thành?

Theo tôi thì chính bên đã xâm phạm mới cứu được di tích Hoàng thành. Đã, đang và sẽ có những phát ngôn mang tính bào chữa rằng đó không phải là các hành động xâm hại di sản.

Có bao nhiêu kiến nghị đi nữa mà các hành vi xâm hại không ngưng, không được nhận thức là xâm hại thì cũng không cứu được gì.

Xin lưu ý là công văn kiến nghị được gửi từ cách đây hơn 10 ngày rồi!

Sự việc này nói lên mâu thuẫn gì giữa bảo tồn và xây dựng/phát triển, thưa ông?

Sự việc này không nói lên mâu thuẫn nào cả vì từ trước đến nay di tích/di sản luôn luôn bị xây dựng/phát triển lấn át.

Cho đến nay, khu di tích Hoàng thành Thăng Long là khu duy nhất sau khi khai quật khảo cổ học được giữ lại để bảo tồn. Vậy mà có quan chức Hà Nội từng bảo: “Cứ khai quật, đâu cũng đòi bảo tồn thì lấy đất đâu mà phát triển”.

Và với chuyện di tích duy nhất được bảo tồn cũng bị xâm hại nốt thì rõ ràng là chẳng có mâu thuẫn nào giữa bảo tồn và xây dựng/phát triển cả!

Theo ông, có giải pháp nào hài hòa việc xây dựng/phát triển và bảo tồn, cụ thể trong trường hợp nhà Quốc hội và Di tích Hoàng thành Thăng Long không? Đối với những công trình xây ở những khu vực nhạy cảm về mặt bảo tồn, có nên thiết lập một quy trình làm việc có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý di sản không?

Hội đồng Tư vấn khoa học của UBND Hà Nội từng “đưa ra một giải pháp dung hòa là thiết kế xây dựng một ranh giới mềm giữa Nhà Quốc hội và Khu Di sản, phần trên rải cỏ, với điều kiện khi thi công đơn vị xây dựng không được đào sâu vào lòng đất vượt quá 1m để không xâm hại di sản.”

Vậy mà rồi, vì “cần có con đường cứu hỏa (có khi gọi là đường nội bộ) giáp với khu di sản đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới”, người ta đã “lấn sang mốc giới phía Đông khu di sản là 3m, phía Bắc không đều, khoảng 1,5m. Diện tích lấn sang khoảng 450m2”.

Xin được nhắc lại là trước khi làm hồ sơ xin xếp hạng Di sản Thế giới UNESCO, Hà Nội đã cẩn thận thu hẹp một phần di tích, nhường đất cho Nhà Quốc hội.

Vậy nên, tôi không thấy có “giải pháp nào hài hòa” hơn nữa cả. Giải pháp hay quy trình… chỉ có thể có khi di sản được coi trọng đúng như cần phải coi trọng và đúng như Chính phủ đã “cam kết mạnh mẽ” với thế giới, tức là khi Di sản Thế giới không bị coi như một bãi đất trống, bị “mượn” làm nơi để tập kết nguyên vật liệu, làm nhà ở cho công nhân… rồi lấn chiếm…!

Trân trọng cảm ơn ông.

 TT thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)