Khi hạnh phúc là chiếc chăn hẹp

Bản Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm nay bổ sung thêm một phân tích mới: sự bất bình đẳng về hạnh phúc.

Thường thì chúng ta nói đến sự bất bình đẳng trong những vấn đề như kinh tế, thu nhập hay tài sản. Nhưng trong trường hợp này, “bất bình đẳng” là thước đo phổ điểm câu trả lời của người dân các nước đối với câu hỏi:

Hãy tưởng tượng trước mắt anh/chị là một chiếc thang được đánh số từ 0 là bậc dưới cùng tới 10 là bậc trên cùng. Bậc thang cao nhất thể hiện cuộc sống tốt đẹp nhất, còn bậc thang thấp nhất thể hiện cuộc sống tồi tệ nhất mà anh/chị có thể có. Tại thời điểm này, cá nhân anh/chị cảm thấy mình đang đứng ở bậc nào?

Thông thường, việc xếp hạng chỉ số hạnh phúc của thế giới được tính dựa trên mức điểm trung bình của từng quốc gia đối với câu hỏi trên. Theo đó, quốc gia đứng đầu là Đan Mạch (7,526 điểm), tiếp đó là Thuỵ Điển, Iceland, Na Uy, và Phần Lan. Năm quốc gia xếp cuối là Benin, Afghanistan, Togo, Syria, và Burundi đứng cuối cùng với 2,905 điểm.

Nhưng khi nhìn kỹ hơn vào phổ điểm các câu trả lời, các nhà nghiên cứu lại nhận thấy một bức tranh khác.

Câu trả lời phổ biến nhất là năm, ngay chính giữa thang điểm. Tuy vậy, tại các khu vực khác nhau, phổ điểm này cũng có sự chênh lệch.

Năm quốc gia có mức độ hạnh phúc đồng đều nhất là Bhutan, Comoros, Hà Lan, Singapore, và Iceland (Iceland là quốc gia duy nhất lọt vào top năm xét cả về điểm số trung bình và mức độ đồng đều). Năm quốc gia có chỉ số hạnh phúc không đồng đều nhất là Honduras, Cộng hòa Dominica, Liberia, Sierra Leone, và Nam Sudan.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sự không đồng đều về phổ điểm hạnh phúc ở phần lớn các quốc gia đang ngày càng gia tăng. So sánh giữa giai đoạn 2005-2011 và giai đoạn 2012-2015 cho thấy, “về độ bất bình đẳng trong chỉ số hạnh phúc, chỉ có khoảng 1/10 quốc gia có sự sụt giảm đáng kể, trong khi đó tới hơn một nửa có sự gia tăng mạnh. 1/3 quốc gia còn lại không có thay đổi lớn nào,” bản báo cáo viết.

Rõ ràng, đây không phải là thước đo hoàn hảo về hạnh phúc của một quốc gia. Chẳng hạn, Afghanistan là quốc gia có phổ điểm đồng đều thứ chín trên thế giới, nhưng chỉ số hạnh phúc tổng lại nằm trong top bốn quốc gia thấp nhất. Có vẻ người dân Afghanistan không hạnh phúc một cách đồng đều. Vì vậy, theo John Helliwell, Giáo sư kinh tế học tại trường Đại học British Columbia và là một trong những người thực hiện bản Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, cần phải nghiên cứu kỹ hơn để tìm hiểu xem bản chất của những sự bất bình đẳng này là gì; sự bất bình đẳng về hạnh phúc có mối liên hệ ra sao đối với sự bất bình đẳng về thu nhập? Giáo sư Helliwell cho rằng, thu nhập là một phần làm nên sự mãn nguyện trong đời sống, nhưng bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố khác tác động đến sự bất bình đẳng về hạnh phúc. Trong một báo cáo khác viết về bất bình đẳng trong chất lượng cuộc sống, Helliwell và các đồng nghiệp viết: “Một xã hội có độ bất bình đẳng cao về hạnh phúc… là xã hội trong đó có nhiều người có được một cuộc sống mà họ đánh giá rất cao và có nhiều người bị mắc kẹt trong cuộc sống mà họ cảm thấy rất bất mãn. Nguyên nhân có thể là do xã hội đó có người giàu, người nghèo, nhưng cũng có thể vì bất kỳ nguyên nhân nào khác.”

Emiliana Simon-Thomas, Giám đốc Khoa học thuộc Trung tâm Khoa học vì Sứ mệnh Cao cả tại trường Đại học California, Berkeley, cho rằng để vẽ nên được một bức tranh toàn thể hơn, chúng ta sẽ phải tính đến nhiều yếu tố hơn liên quan đến “khả năng trải nghiệm những cảm xúc tích cực và khả năng phục hồi sau những cảm xúc tiêu cực của con người.” Cũng theo Simon-Thomas: “Nếu chỉ tập trung chính sách vào việc đạt được mức độ bình đẳng trong thu nhập thì chúng ta đang để lỡ cơ hội tập trung vào những khía cạnh khác có ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng đời sống như cộng đồng, mối liên hệ, sự tử tế… Những khía cạnh này quan trọng là vì nó liên quan đến khả năng tồn tại của chúng ta trong tập thể mà không phải gây tổn hại cho ai, không phải chịu đựng những sự khác biệt quá lớn trong cơ hội hoặc khả năng tiếp cận các nguồn lực.”

Một câu hỏi để ngỏ khác: một quốc gia bất bình đẳng về hạnh phúc là như thế nào? Xã hội đó ra sao? Shigehiro Oishi, Giáo sư tâm lý học chuyên nghiên cứu về chất lượng cuộc sống và văn hóa tại trường Đại học Virginia, chia sẻ: “Tôi hình dung xã hội nơi có những người rất hạnh phúc và những người rất không hạnh phúc là xã hội trong đó kẻ thắng sẽ chiếm tất cả (bất bình đẳng về thu nhập cao). Nhưng bên cạnh đó, đây cũng là xã hội nơi nạn tham nhũng hoành hành và có nhiều sự bất công.” 

Tuy không đúng hết với tất cả các quốc gia, song các nhà nghiên cứu thực hiện Báo cáo Hạnh phúc Thế giới cũng nhận thấy rằng nhìn chung, độ bất bình đẳng hạnh phúc tỉ lệ nghịch với chỉ số hạnh phúc trung bình, tức là các xã hội bình đẳng hơn thì hạnh phúc hơn. Lý giải về hiện tượng này, Simon-Thomas nói: “Con người tiến hóa trong một bối cảnh xã hội khiến chúng ta phải đề cao sự công bằng. Do đó, khi chúng ta sinh sống trong một bối cảnh nơi sự bất công tràn lan thì điều đó quả là đáng thất vọng.”

Chi Nhân dịch

Nguồn:
http://www.theatlantic.com/health/archive/2016/04/the-inequality-of-happiness-countries-iceland-world-happiness-report/477180/

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)