Khi nỗi cô đơn ngày một bị bức tử trên hành tinh Trái đất

Suốt cả cuộc đời, người ta cứ không ngừng nói vào tai bạn rằng điều bạn đang kiếm tìm là không thể. Họ bảo bạn rằng nó không còn tồn tại trên đời nữa. Nhưng với những dòng nhắn gửi này, tôi muốn chứng minh cho bạn thấy là họ đã sai hoàn toàn.


 Minh họa của Nature.

Công cuộc kiếm tìm của tôi bắt đầu từ năm lên sáu, ngay sau khi vừa được cài đặt chế độ quản lí tăng cường. Vào một buổi sáng đẹp trời, tôi lách người qua hàng rào sau nhà và cứ thế đi không ngừng nghỉ, quyết tâm cuốc bộ cho tới khi nào không nhấc chân nổi nữa mới thôi.

 

Có lẽ bạn đã từng thử cách này. Và rất có thể, hệt như tôi, bạn chẳng đi được bao xa. Gắng hết sức, tôi cũng chỉ đi được chưa tới một dặm: chẳng đủ xa để kích hoạt chuông báo hay tín hiệu tăng cường nhắc nhở tôi rằng nhà mình ở hướng khác, và chỉ cần tôi có yêu cầu, nó sẽ chuyển sang chế độ chỉ đường tự động.

 

Các bác sĩ bảo đảm với bố mẹ tôi rằng việc tôi có hành động hơi chút quá khích khi đang phải tập làm quen dần với việc học cách xử lí luồng thông tin không ngừng cập nhật từ hệ thống mạng điện tử là hết sức bình thường. Nhưng sự thực không phải như thế. Không phải tôi muốn trốn chạy khỏi mạng lưới quản lí, cũng không phải tôi tìm cách trốn khỏi nhà. Chỉ là tôi đang cố sức chạy về hướng một điều gì đó khác đang vẫy gọi. Điều ấy, chính tôi, chưa một lần được biết.

 

***

Nỗ lực tiếp theo của tôi là vào quãng thời gian theo học ở trường cao đẳng. Lần này, sự trốn chạy đã khó hơn rất nhiều: mạng lưới quản lí đã tỏa rộng hơn, hình phạt dành cho sự cố ý ngắt kết nối cũng hà khắc hơn. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên tôi gặp được những người có cùng chung khát vọng. Bạn bè cùng lớp tẩy chay chúng tôi, gọi chúng tôi là những kẻ chống đối hoang tưởng, nhưng chính tình yêu dành cho nỗi cô đơn, chứ không phải nỗi căm ghét công nghệ, đã kéo chúng tôi lại gần nhau. Cùng nhau, chúng tôi thành lập một nhóm nghe có vẻ hơi kì cục: câu lạc bộ những người hướng nội cùng chung lí tưởng xã hội hóa ước muốn được một mình.   

 

Phải mất nhiều tháng để lên kế hoạch cho cuộc tìm kiếm ấy: trước tiên, tôi và các bạn phải định vị được một nơi chốn xa xôi, tách biệt thuộc vùng Thung lũng Chết, nơi mạng quản lí chưa đủ rộng để phủ sóng tới. Còn phải lên chi tiết kế hoạch hậu cần. Làm sao để xin được quỹ cho chuyến đi ấy dưới danh nghĩa tổ chức một lớp dã ngoại về nghiên cứu khoa học.

 

Nhưng chúng tôi đã làm được. Chúng tôi đã lên đường. Trong ánh mặt trời nóng như thiêu đốt của vùng sa mạc, tôi đã được đắm mình trong sự rỗng không, giải phóng bản thân hoàn toàn khỏi mọi âm thanh hỗn độn của mạng lưới, bộ não tôi không phải tiếp nhận thêm bất cứ một thông tin gì khác ngoài những cảm nhận của riêng tôi.

Với tôi, đó là những thời khắc huy hoàng nhất trong đời.

 

Người ta nói rằng một khi tư duy và ý tưởng không đến, đó sẽ là lúc khủng khiếp nhất. Họ bảo bạn rằng sự cạn kiệt ấy sẽ đẩy bạn vào cô độc, bởi chỉ trong sự kết nối không ngừng với những ý tưởng bên ngoài, chúng ta mới thực sự có được giá trị của chính mình. Nhưng giữa cái nóng dữ dội và sự trống trải mênh mang của sa mạc, tâm trí bị bó chặt bấy lâu nay của tôi mới tìm được không gian để rộng mở hơn. Những suy nghĩ của tôi nhen nhóm và bung nổ, lấp đầy dần tâm trí, rồi nhờ một sức mạnh lan tỏa vô biên, chúng làm đầy dần cả một vùng không gian chung quanh. Trong cái lặng yên sâu thẳm và nguyên khởi ấy, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình thực sự tồn tại.

Tôi như đang trên con đường trở về ngôi nhà của chính mình mà lại chưa từng được thăm viếng trước đây.

 

Một tiếng đồng hồ. Đó là tất cả những gì chúng tôi có được trước khi máy bay tầm soát mạng lưới tìm thấy chúng tôi và yêu cầu tái-thiết lập chế độ gia nhập mạng lưới, một lần nữa giam cầm chúng tôi vào giữa những luồng thông tin dày đặc. Chúng tôi đã phải chịu kỉ luật, và trường học buộc chúng tôi phải nghe các bài giảng giáo huấn về nghĩa vụ công dân của việc liên tục duy trì kết nối.

 

Đương nhiên, những tràng giáo huấn ấy chẳng có nổi một tác động nào tới tôi nữa, bởi giờ đây, tôi đã hiểu rõ mình còn thiếu và đang khao khát điều gì. Tôi nhớ như in những gì mình vừa bị tước mất.

 

***

Vừa như một cuộc chơi, vừa như một đòi hỏi khôn nguôi, tôi không ngừng kiếm tìm niềm cô độc ngọt ngào bất hợp pháp bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, miễn rằng tôi cảm thấy có hi vọng tìm được nó. Tôi từng lái xe sâu hết mức có thể vào một vùng hẻo lánh nước Úc, cho tới khi xe không còn truy cập nổi vào hệ thống dữ liệu trên bản đồ được nữa và tự động tắt máy. Hay lén một mình rời khỏi đoàn du lịch trong chuyến tham quan Nam Cực. Hay tự chèo thuyền ra giữa biển, rồi ngồi đó, nơi vùng trời nước mênh mang giữa các quốc gia, nổi trôi, vô định, và cô độc, trong nguy cơ bị cáo buộc vi phạm pháp luật từ mọi vùng lãnh thổ.

 

Nhưng dẫu tôi có cố đi tới đâu chăng nữa, tôi cũng bị hệ thống quản lý tìm thấy chỉ trong vòng vài giờ, và buộc tôi phải kết nối lại vào mạng lưới – tất cả chỉ là vì quyền lợi của tôi mà thôi, bất cứ lần nào họ cũng quả quyết với tôi như thế.     

 

Luật Kết Nối đã hứa hẹn sẽ đưa đến cho chúng tôi một thế giới kết nối toàn cầu. Nhưng ngay khi vừa tin rằng luật này được đặt ra vì lợi ích của chính mình, chúng ta đã vô tình quên mất mục tiêu ban đầu của nó: đòi hỏi thiết lập một thị trường toàn cầu. Một công dân tốt đồng nghĩa với một người tiêu dùng tuyệt vời, và một người tiêu dùng tuyệt vời phải là một người tiêu dùng trong mạng lưới. Họ đã rao giảng với bạn rằng bạn đang thực hiện nghĩa vụ công dân khi tham gia thúc đẩy nền kinh tế từ từng tế bào thần kinh của mình. Đổi lại, họ đưa ra những lợi ích khác, được xác nhận qua nghiên cứu của các công ty nhận tài trợ, khẳng định sự kết nối giúp thúc đẩy trí tuệ, năng suất và hạnh phúc xã hội đến thế nào. Nhưng ngầm bên dưới tất cả những luận điệu ấy là một thực tế: họ sẽ không thể tiếp thị cho bạn nếu bạn không gia nhập mạng.

 

Chiến thắng đã thuộc về các tập đoàn, virus kết nối lan tỏa và thống lĩnh toàn cầu cho tới khi không một ai có thể ở bên ngoài mạng lưới. Chắc hẳn bạn sẽ choáng váng vô cùng khi biết nhân loại đã hao tốn bao nhiêu năng lượng chỉ hòng ngăn chặn bằng được việc để cho mỗi người có một khoảng trống của riêng mình. Quốc gia này quốc gia kia có thể từ chối tham gia Hiệp định bảo vệ khí hậu hay Hiệp định thương mại, nhưng không một nước nào khước từ việc tham gia Hiệp định kết nối quốc tế.

 

Không có bất cứ một tiếng nói bất đồng nào, trừ những người còn khao khát kiếm tìm cho mình sự đơn độc riêng tư. Chúng tôi, những thành phần nhỏ bé của một quốc gia, chúng tôi đòi quyền được có lại sự cô độc của riêng mình.

***

Điều đưa chúng tôi đến với nỗ lực gần đây nhất, và cũng là nỗ lực cuối cùng chính là vào dịp đi cắm trại trong một chiếc lồng Faraday1 bên hồ Catatumbo, Venezuela. Vì điều kiện địa lý đặc thù, nơi đây phải hứng chịu những cơn bão dồn dập, với tỉ lệ có sét lên tới 280 lần/giờ. Chính quyền kiểm soát được việc chúng tôi ở lại đây, nhưng máy bay không người lái và lực lượng đặc vụ đều phải rút đi cho tới khi cơn bão dịu bớt. Chính tại nơi này, tôi đã đặt ra kỉ lục đời mình: 11 giờ cô độc không bị bất cứ điều gì xâm phạm.

 

Lần này, khi họ bắt được tôi, trước một sự phạm tội cả gan và công khai đến như thế, chắc chắn tôi phải chịu án tù chung thân. Tôi sẽ bị giam cầm trong một nơi không bao giờ cho mình bất cứ một cơ hội nào để thoát khỏi mạng lưới dù chỉ một giây. Đó là lí do vì sao tôi viết những dòng này để gửi tới các bạn. Tôi sẽ lập tức tải nó lên mạng ngay khi chế độ kết nối cá nhân được phục hồi. Ngay trong khi bạn đang đọc điều này, cũng là lúc những gì tôi viết đang bị kiểm duyệt, tìm cách gỡ bỏ và xóa sổ. Nhưng đã quá muộn. Những nhắn gửi của tôi đã đến được với bạn trước.

 

Nếu bạn cũng mang trong mình mơ ước được một lần tận hưởng hương vị của sự lặng lẽ, được ngắm nhìn những vùng không gian mênh mông không chia cắt, và được nếm thử cảm giác ngọt ngào đẹp đẽ của nỗi cô đơn để một lần cảm nhận được đến tận cùng sự tồn tại của bản ngã… Vâng, nếu bạn là một người như thế, xin hãy nghe tôi mà níu giữ lấy sự thật này: dẫu người ta có nói gì đi nữa, thì nỗi cô đơn vẫn tồn tại. Và nó vô cùng xứng đáng để bạn đứng lên chiến đấu giành lại cho riêng mình.

 

Thái Hà (dịch)

Nguồn: “Your guide to the ever-shrinking solitude on planet earth”, Nature, 27/11/2019.

1Lồng Faraday: một vật dẫn rỗng, điện trường tại mọi điểm bên trong lồng đều bằng 0. Lồng Faraday có thể ví như như một “màn chắn điện” khiến người ở bên trong không chịu bất cứ lực điện nào do bên ngoài tác động.

Ngoại truyện: Ở đây, Jo Miles muốn bộc bạch với chúng ta niềm cảm hứng đã đưa cô tới việc cầm bút viết tác phẩm khoa học viễn tưởng mới nhất của mình – “Chỉ dẫn dành cho bạn: Khi nỗi cô đơn ngày một bị bức tử trên hành tinh Trái đất”: Chúng ta đang thực sự sống trong thời đại của sự bùng nổ dữ liệu và quyền riêng tư. Những dữ liệu cá nhân là hết sức riêng tư và mật thiết đối với mỗi người, nhưng đồng thời, đó cũng là một mặt hàng có giá trị tài chính. Công nghệ đã đặt chúng ta trước những chọn lựa mà loài người chưa từng phải đối diện trong toàn bộ lịch sử sinh tồn, và những lựa chọn chúng ta vừa đưa ra trong những năm gần đây về quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân đang dần định hình con đường tương lai tất yếu của thế giới trong nhiều năm tới. Những tranh luận về quyền riêng tư, đối với tôi, là hết sức phức tạp. Việc thu thập dữ liệu cá nhân không phải chỉ phô ra những mặt tệ hại: nghề nghiệp hàng ngày của tôi xoay quanh công việc tiếp thị, đó là lí do khiến tôi đánh giá cao sự hữu dụng của việc thu thập dữ liệu, nó giúp cho công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nó khiến tôi có thể hỗ trợ tốt hơn cho những khách hàng phi lợi nhuận, những người thực sự tôn trọng dữ liệu của những bên liên quan và muốn dùng dữ liệu ấy vào những việc tốt đẹp cải thiện thế giới.
Nhưng tôi cũng nhận thức sâu sắc được việc dữ liệu cá nhân có thể bị (và đã bị) lợi dụng cho những mục đích thấp kém hơn như thế nào. Dù vậy, hơn hết, tôi vẫn là một người yêu thiên nhiên và đam mê những chuyến đi bộ đường dài, và điều thích thú hơn cả là được một mình đi bộ vào rừng, cho tới khi đã mất hết các kết nối trên màn hình điện thoại. Sự tách biệt riêng tư khỏi cả những va chạm vật lý lẫn những công nghệ kĩ thuật số là một phương thuốc hồi phục tuyệt vời dành cho tôi cũng như dành cho rất nhiều người. Nhưng tôi có thể hình dung trước một tương lai, như trong câu chuyện này chẳng hạn, khi các tập đoàn công ty giành toàn quyền kiểm soát các dữ liệu cá nhân, và đẩy chúng ta vào một tình thế bức bối mới.
Cũng xin nói thêm rằng, hồ Catatumbo, nơi phải hứng chịu những cơn bão sét tôi nhắc tới trong truyện này, là hoàn toàn có thực. Nếu bạn chưa từng nghe tới trước đây, chỉ cần lên mạng và bạn sẽ tìm được cả một video về nó. Và chắc hẳn nó sẽ khiến bạn phải sửng sốt.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)