Khoa học trong những bức vẽ mây

Những bức vẽ bầu trời và đám mây của họa sĩ John Constable khiến các học giả thế hệ sau phải tranh cãi về ý đồ mà họa sĩ Anh sống vào thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất này muốn gửi gắm.

Bức “Hampstead Heath with Bathers” được John Constable vẽ trong năm 1821–1822.

Người am hiểu tự nhiên

Khi ngắm nhiều bức vẽ cổ điển, chúng ta thường đi tìm những cảm giác mơ hồ và giàu sức khơi gợi mà chúng mang lại, ví dụ như những bông hoa tulip Hà Lan gắn liền với sự thịnh vượng, những bức tĩnh vật vẽ vài thứ quả trên bàn gợi vẻ thanh bình, tĩnh lặng, và hiếm có những bức tranh phong cảnh đơn thuần chỉ mô tả cái đẹp của thiên nhiên, như của danh họa Rembrant hay van Gogh.

Trong khi đó, nhiều bức họa của John Constable, họa sĩ Anh sống vào đầu thế kỷ 19 lại hướng đến mô tả những thực tại đang diễn ra, và ông đơn giản là muốn “nắm bắt những con ngỗng đang khua khoắng trên mặt nước, những lâu đài nằm rải rác, một người chăn cừu đang tư lự và cả con chó của anh ta”. Một số bức họa của ông trong đó là những bức đặc tả bầu trời – ánh nắng chiếu xuống mặt đất, sự thay đổi của thời tiết và cả những đám mây. Ông không học hỏi gì từ họa sĩ Ấn tượng Claude Monet cách vẽ những đám mây như thế nào mà chỉ quan tâm đến cấu trúc về mặt khoa học của chúng, một điều thật kỳ lạ ở thời điểm đó. Và rút cục, không giống nhiều đồng nghiệp Anh, ông lại được ngưỡng mộ bởi những người Pháp, dù chưa bao giờ bước qua eo biển Manche. Bức The hay wain (vẽ năm 1821) của ông được triển lãm tại Salon Paris Pháp vào năm 1824 diễn tả cái tươi mới, thanh thoát của cảnh vật đã được nhà văn nổi tiếng thời đó là Stendhal gọi là “tấm gương của tự nhiên” còn với họa sĩ Eugène Delacroix, những bề mặt lung linh và phong phú trong tranh của Constable khiến ông cảm thấy bất ngờ.

Thành công của John Constable xuất phát từ thói quen thích đi ra ngoài đồng cỏ để “có được một khung cảnh tươi mới và vẽ cho đến khi chiều tà”. Đó là một thế giới hoàn toàn khác so với cách thực hành của nhiều họa sĩ thế hệ trước. Có lẽ, những mối quan hệ mật thiết của Constable với các nhà thực vật học và khí hậu học đã ảnh hưởng đến quan điểm sáng tác của ông. Mặt khác, Constable là con của một chủ cối xay kiêm nhà buôn ngô và lớn lên bên sông Stour ở Suffold. Mặc dù gia đình muốn Constable kế nghiệp cha nhưng ông lại chọn hội họa, dành một nửa thời gian trong năm, chủ yếu là mùa xuân và hè ở Suffold và mùa đông lên London, nơi triển lãm các bức sơn dầu của mình.

Những hình ảnh trong tác phẩm của ông hoàn toàn trùng khớp với hiểu biết về các điều kiện thời tiết mà ông ghi lại phía sau.

Giữa những năm 1811 đến 1929, Constable đến Salibury để gặp gỡ người bảo trợ nghệ thuật của mình, giám mục John Fisher, và phác thảo nhiều bức thể hiện bầu trời trong những điều kiện thời tiết khác nhau. Đây là những bản thảo đầu tiên để sau này ông vĩnh cửu hóa Nhà thờ Salibury khi chống chịu với những cơn bão vần vũ, giữa những đám mây hoặc dưới bóng một cây cầu vồng.

Nhưng đó mới chỉ là những khởi điểm về mây của Constable. Vào hai mùa hè từ năm 1821 đến 1822 ở Hampstead, London, Constable phác thảo bằng sơn dầu trên giá vẽ của mình rất nhiều bức về các đám mây, riêng trong mùa hè năm 1822 đã là 50 bức, mỗi bức đều có nhiều ghi chú ở mặt sau về các điều kiện khí quyển, hướng và tốc độ gió. Sau đó, Constable đã vẽ hoàn tất một trong những bức đầu tiên của mình vào tháng 9/1821, với ghi chú: “Một giờ chiều. Gió nhẹ thổi từ hướng Tây Bắc, và chuyển một buổi chiều thành mưa gió dữ dội đến suốt đêm”. Đó là những mùa hè nhiều mây chất đống trên bầu trời. Những đám mây tích hình tháp bồng bềnh trông như những chiếc súp lơ trắng khổng lồ rồi thay đổi hình dạng dưới ánh chiều tà, ánh lên những màu rực rỡ và làm tăng độ sâu cho bầu trời như trong một bức họa của Constable. Đặc biệt, mùa hè năm 1821 có đủ điều kiện để hình thành những đám mây tích. “Chúng ta có những đám mây đẹp đẽ và những hiệu ứng của ánh sáng và bóng tối, sắc màu”, Constable ghi lại. “nó luôn luôn là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau”.

Trên thực tế thì những hình ảnh trong tác phẩm của ông hoàn toàn trùng khớp với hiểu biết về các điều kiện thời tiết mà ông ghi lại phía sau. Constable tự hào về thành công dựa trên hiểu biết về khí hậu trong những bức họa này. “Có thể là anh không bao giờ hiểu về những đám mây, còn tôi chính là người hiểu chúng”, ông từng nói như vậy với bạn mình vào năm 1823.

Khám phá bí ẩn của những đám mây

“Mây là một vật thể vô diện nhưng không vì thế mà không có thực chất… Và dẫu mây vô diện nhưng lại hữu hình”. Có lẽ về góc độ nghệ thuật, chưa có câu nói nào phản ánh bản chất và sự khó nắm bắt của mây một cách sát thực như nhà triết học về mỹ học và lịch sử nghệ thuật Hubert Damisch. Tới giờ, chúng ta vẫn còn chưa biết đủ nhiều về mây, dù đã quan sát chúng cả ngàn năm.

Bức “Hadleigh Castle, The Mouth of the Thames–Morning after a Stormy Night” được John Constable vẽ năm 1829.

Những đám mây không có sự gắn bó mật thiết với toàn vũ trụ mà còn cả những trạng thái nội tại của vũ trụ. Vì còn nhiều bí ẩn tồn tại nên các đám mây thu hút sự chú ý của những người yêu thích quan sát bầu trời với rất nhiều câu hỏi về sự hình thành, di chuyển, khối lượng, phân tán thành các vệt và dải, sự lộng lẫy vào lúc mặt trời mọc hoặc hoàng hôn… Dường như mây khiến chúng ta liên tưởng đến sự vô cùng của không gian, tính biến đổi liên tục và sự khó nắm bắt của thời tiết – “một chủ thể vô cùng thú vị. Nó là một trạng thái hiện diện trên bầu trời và Trái đất, trong đó mọi sự phức tạp và đơn giản đều là phù du nhưng hàng triệu triệu sinh mạng đều phụ thuộc để tồn tại”, một nhà văn cùng thời với John Constable đã đề cập như vậy về thời tiết.

Trước John Constable có một số ít họa sĩ quan tâm đến bầu trời và mây, ví dụ danh họa Ý Giorgione vẽ bức La Tempesta (Giông tố) vào khoảng năm 1506 và 1508, trong đó miêu tả ánh chớp lóe lên trên bầu trời sẫm lại giữa những đám mây nhạt màu hay danh họa Hà Lan Johannes Vermeer với View of Delft (Quang cảnh thành Delft) vẽ vào khoảng năm 1660-1661 trong một ngày nắng đẹp nhưng đã có dấu hiệu của mưa do những đám mây giông đang chiếm lĩnh bầu trời dự báo đem tới. Tuy nhiên chưa có ai quan tâm đến mây dưới góc độ khoa học như Constable.

Người ta nói rằng, những hiểu biết về các đám mây của John Constable là từ công trình của Luke Howard, nhà hóa công nghiệp Anh và một nhà khí tượng học tay ngang nhưng được mệnh danh là “cha đẻ của khí tượng học”. Với những ghi chép toàn diện về thời tiết ở London trong vòng 40 năm và các bài viết khác, ông đã làm thay đổi ngành khí tượng học. Khi thiết lập hệ thống danh pháp khoa học cho mây, tương tự như hệ thống phân loại Linnaeus do nhà phân loại học sinh vật Carl von Linne phát triển, trong cuốn Essay on the Modification of Clouds (Tiểu luận về sự biến đổi của mây), được xuất bản vào năm 1803. Howard đã đặt tên cho ba loại mây chính – mây tích (cumulus), mây tầng (stratus) và mây ti (cirrus), cũng như những biến đổi trung gian và phức hợp như mây ti tầng (cirrostratus), mây ti tích (cirrocumulus) phù hợp với sự chuyển đổi giữa các hình thái của mây. Người ta tin rằng, Constable cũng đã đọc khá kỹ bộ dữ liệu khí tượng của Howard trong tập The Climate of London (1818-1820), xuất bản đúng vào thời kỳ họa sĩ thực hiện các bản phác thảo mây.

Bên cạnh đó, Constable cũng chịu ảnh hưởng của một người cùng thời là nhà thiên văn học và tự nhiên học Thomas Forster với cuốn Researches about atmospheric phaenomena (Nghiên cứu về các hiện tượng khí quyển). Cuốn sách này được xuất bản lần đầu vào năm 1813 với câu mở đầu ở chương một không thể khái quát hơn “Một đám mây là sự kết tụ có thể quan sát được của những hạt siêu nhỏ của nước được ngưng tụ trong bầu khí quyển”.

Các nghiên cứu về mây của ông, theo nghĩa đó, tương đương với những bài thơ trữ tình và các hình thái mây là những khổ thơ. Có học giả còn so sánh những bức phác họa mây của Constable tương đương với các bản etude của Chopin.

Goethe, một người yêu thích khoa học, đặc biệt về cây cỏ và màu sắc, cũng ấn tượng với công trình Essay on the Modification of Clouds của Howard, và thậm chí còn viết thư cho Howard để đề nghị gửi cho ông một cuốn. Goethe còn sáng tác một bài thơ sau khi đọc tiểu luận này, rồi cố gắng bỏ tiền nhờ Caspar David Friedrich, một họa sĩ Đức chuyên vẽ về ánh trăng và nỗi cô đơn, họa theo một số khái niệm về mây theo phân loại của Howard “cho mục đích khoa học”. Friedrich đã từ chối bởi nhìn thấy “cái sụp đổ ngay lập tức của phong cảnh nếu vẽ theo cách này” và sợ hãi trước nguy cơ “những đám mây tự do trên bầu trời có thể sẽ bị buộc phải minh họa cho sự phân loại này”.

Vậy những bức phác họa đậm chất khoa học của Constable đủ đạt yêu cầu của Goethe? Nhà lịch sử nghệ thuật người Áo Ernst Gombrich trong chương “Hình ảnh mây” (Art and Illusion, xuất bản năm 1960) cho rằng “Không có những hình ảnh về mây sát thực hơn những bức họa của Constable”. Tuy nhiên không ai có thể hiểu được là việc phác họa những đám mây có ý nghĩa lớn nào với nghệ thuật của Constable không. Bởi trong thời kỳ tập trung vẽ mây thì ông cũng có những tác phẩm lớn như The Hay WainStratford Mill, những bức ông vẽ những cảnh nhộn nhịp trên kênh đào, những người đánh cá lười nhác, những con ngựa kéo thuyền… Những bức vẽ mây, tương phản hoàn toàn, chỉ như những bức vẽ trống rỗng với những vệt mây lơ đãng. Constable chưa bao giờ đưa những đám mây đó vào trong những bức phong cảnh lớn của mình. Do không có sự kết nối rõ ràng giữa chúng nên một số nhà nghiên cứu nghệ thuật cho là, có thể đơn giản ông chỉ vẽ theo những khái niệm mà Luke Howard đã gợi ra.

Nhưng nhiều người khác lại không nghĩ như vậy. Mary Jacobus, một nhà nghiên cứu văn học Anh, trong tiểu luận Clouds Studies: The Visible Insvisible (Những nghiên cứu về mây: Cái vô hình hiển thị) lập luận là tất cả những bức phác họa mây của Constable chắc chắn đều có thông điêp nào đó. Việc truyền đạt một chiều hướng tâm trạng liên quan đến thời tiết dường như ẩn trong cái mà ông gọi là “tâm trạng của tinh thần” – tính trữ tình gắn bó chặt chẽ với thời gian, nơi chốn, nguyên nhân cụ thể: những ý nghĩ thoáng qua hay những biểu cảm của từng khoảnh khắc, sự đổi thay của gió và quang cảnh… Những đám mây của ông thể hiện sự chảy trôi của tâm trạng, ý nghĩ, cảm giác khi chúng lần lượt trôi qua trí óc ông. Các nghiên cứu về mây của ông, theo nghĩa đó, tương đương với những bài thơ trữ tình và các hình thái mây là những khổ thơ. Có học giả còn so sánh những bức phác họa mây của Constable tương đương với các bản etude của Chopin.

Constable từng nói về thể loại tranh phong cảnh với cách tiếp cận khác những họa sĩ đương thời “Tranh phong cảnh là một khoa học và phải nên như một cuộc khám phá những quy luật của tự nhiên. Mary Jacobus cho rằng, ông là một nhà triết học theo nghĩa quan tâm đến những hình thái của hiểu biết liên quan đến sự cảm nhận bởi ông từng viết “Chúng ta không thấy sự thật cho đến khi chúng ta hiểu nó”. Với ông, sự nhìn cũng là một phương thức của nhận thức.

Có một đường liên kết mờ nhạt trong các bức họa của Constable với đời sống riêng tư của ông. Người vợ mà ông hết mực yêu thương qua đời vào tháng 11/1828, trùng với thời điểm ông vẽ lâu đài Hadleigh. Bầu trời trong phiên bản cuối cùng thể hiện một không khí ảm đạm, không còn phong phú như những phiên bản trước. Người chăn cừu và con chó của anh ta vẫn còn nhưng những con cừu đã biến thành những tảng đá và mây xám vần vũ nhiều hơn. Tiêu đề bức tranh của Constable cho thấy quang cảnh sau một sự kiện thời tiết “The mouth of the Thames-morning, after a stormy night” (Cửa sông Themes – buổi sáng, sau một cơn bão đêm).

Người của những đám mây ấy cuối cùng đã nhìn thấy những đám mây với cả hai mặt của nó. □

Tô Vân tổng hợp

Nguồn:

https://www.artinside.space/post/john-constable-clouds

https://romantic-circles.org/sites/default/files/imported/reference/wcircle/wood.pdf

https://www.enl.auth.gr/gramma/gramma06/jacobus.pdf

Tác giả