Khoa học về ánh sáng và màu sắc trong hội họa thế kỷ 19

Trong tiếng Hy Lạp cổ, từ chỉ “nghệ thuật” là techne, chính là nguồn gốc của các từ technique (kĩ thuật) và technology (công nghệ) - những thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong cả ngành khoa học và nghệ thuật. Nhìn vào hội họa thế kỷ 19, ta nhận thấy các họa sĩ thực sự là những kỹ sư ánh sáng và màu sắc tài tình.

Khoa học và nghệ thuật đều là những phương tiện nghiên cứu. Cả hai đều liên quan đến các ý tưởng, lý thuyết và giả thuyết được kiểm chứng ở những nơi mà cả trí óc và tay chân cùng được vận dụng: phòng thí nghiệm và studio. Nghệ sĩ, cũng như nhà khoa học, nghiên cứu tư liệu, thiên nhiên, con người, văn hóa, lịch sử, tôn giáo v.v, và biến những thông tin đó thành một thành phẩm khác.

Vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, những hiệu ứng sinh lý, tâm lý và giác quan về màu sắc và ánh sáng trở thành mối bận tâm chính của các họa sĩ trường phái Ấn tượng và Hậu Ấn tượng như Edgar Degas, Vincent van Gogh, Auguste Renoir, Paul Gauguin và Claude Monet. Được cho là họa sĩ tranh thiên nhiên vĩ đại nhất trong lịch sử hội họa hiện đại, Monet đã gợi ý rằng cảm giác của chúng ta về môi trường vật chất thay đổi liên tục cùng với những thay đổi trong nhận thức của chúng ta về ánh sáng và màu sắc.

Trong bức “Bên bờ sông Sein, Bennecourt” (On the Bank of the Seine, Bennecourt, 1868), Monet đã nắm bắt được cái “ấn tượng” thoáng qua của phong cảnh nhờ một phong cách vẽ và bố cục phóng khoáng. Ấn tượng này của ông là “tiền nhận thức” – trước khi tâm trí có thể dán nhãn, xác định và chuyển đổi những gì nó thấy vào bộ nhớ. Đặc biệt, người phụ nữ trong bức họa (chính là vợ tương lai của Monet) không nhìn thẳng vào những ngôi nhà và cây cối bên kia dòng sông mà nhìn vào hình ảnh phản chiếu dập dờn, lộn ngược của khung cảnh đó trên mặt nước. Góc nhìn này giống như bản chất quá trình nhận thức hình ảnh vậy: các hình ảnh đi vào mắt dưới dạng ánh sáng; khi ánh sáng thâm nhập, hình ảnh được đảo ngược lại và chiếu lên mặt sau của nhãn cầu, nơi các thông tin sẽ được não bộ xử lý. Bức tranh của Monet đã nắm bắt được sự dao động giữa ấn tượng và nhận thức – một khoảnh khắc ngẫu nhiên. Nó chuyển tải một cảm giác run rẩy khi ánh sáng và màu sắc phong cảnh thay đổi và thời gian trôi đi.

Monet còn khai thác một hiện tượng thị giác nữa gọi là afterimage (hậu ảnh), một hiện tượng thường gặp nhưng lại ít được chú ý. Hiện tượng này xảy ra khi ta nhìn chăm chú vào một khối màu đơn nào đó, ví dụ như màu đỏ, trong một khoảng thời gian dài ít nhất một phút, ta sẽ thấy xuất hiện một quầng màu bổ trợ cho màu đỏ (trong trường hợp này là màu xanh lục) ở xung quanh. Quầng màu sẽ trở nên rõ rệt hơn khi ta chuyển thật nhanh sang nhìn vào một khoảng màu trắng.

Trong chùm tranh về những đống cỏ khô (Haystacks, 1890–1891) của Monet, gần như tất cả các đống cỏ đều được viền bởi những quầng màu bổ trợ, tạo nên một vầng sáng mơ hồ.  Monet tuyên bố rằng mình đã trải nghiệm hiện tượng afterimage thì phải vẽ lại được hiện tượng đó. Như vậy, trong khi các nhà khoa học nghiên cứu hiện tượng này để tìm hiểu về chức năng và cơ chế của võng mạc thì các họa sĩ sử dụng hiệu ứng đó để tạo nên những tuyệt tác thị giác trong tranh của mình.

Cũng bị lôi cuốn bởi khoa học về màu sắc, Georges Seurat đã bắt đầu vẽ bức họa nổi tiếng “Một chiều Chủ nhật trên đảo La Grande Jatte” (A Sunday Afternoon on La Grande Jatte) từ năm 1884. Lúc bấy giờ là sinh viên Học viện Mỹ thuật tại Paris, Seurat nghiên cứu vật lý học màu sắc, và bức họa khổng lồ này thực sự là một bài tập về lý thuyết màu sắc.

Khác với các họa sĩ thời Phục Hưng và những họa sĩ Hà Lan ở những thời kỳ trước, Seurat hay Monet không tự trộn màu vẽ mà hưởng thành quả từ những đột phá của các nhà hóa học Pháp đầu thế kỷ 19. Tiến bộ khoa học đã giúp phát minh ra màu vẽ trộn sẵn đóng trong tuýp và các chất màu tổng hợp, ví dụ như màu xanh biếc (trước đó phải tốn rất nhiều tiền mới sản xuất được). Sử dụng những chất màu mới này, Seurat đã phát minh ra một kỹ thuật gọi là Pointillism để tìm hiểu các màu đặt liền kề nhau sẽ hòa trộn với nhau như thế nào trong mắt nhìn của con người. Nhìn gần thì bề mặt bức tranh này của Seurat chứa hàng nghìn những chấm và nét màu – những khoảng màu riêng biệt. Nhưng Seurat đặt những chấm màu có tính chất bổ trợ cho nhau cạnh nhau – tím cạnh vàng, cam cạnh xanh lam, xanh lục cạnh đỏ – để khi nhìn từ xa, các màu tương tác và tạo ra những sắc màu pha rực rỡ.

Mỹ Anh tổng hợp

Nguồn: http://www.artic.edu/aic/education/sciarttech

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)