Khúc độc hành

²...Nhưng tại sao kiến trúc vẫn cứ thế? Liệu chúng ta đã tự hỏi tiếp theo những cuộc hội thảo, những đề tài, những bài báo... là những gì, phương thức nào để chúng tiếp cận và sống được trong đời sống xã hội một cách thực chất hơn, sống động hơn ? Vì chúng ta tự coi mình là một thế giới riêng, chúng ta tự độc thoại, chúng ta đang độc hành...²

Ai cũng thừa biết kiến trúc sinh ra là dốc lòng phục vụ con người, xã hội, là tấm gương chân thực phản ánh văn hóa, xã hội. Không những thế, dù trong một cuộc đời ngắn ngủi hay suốt một chặng đường dài, thậm chí đứng trước cái chết của một trường phái, một xu hướng, một trào lưu, hay vô cùng nhỏ bé như một công trình kiến trúc thì điều đó cũng vì xã hội, vì sự phát triển của xã hội.
Đã có nhiều chuyên gia, tổ chức, đã có nhiều đề tài, bài báo, đã có nhiều hội thảo, tọa đàm, đã có nhiều niềm vui và cả sự đau khổ, đã có nhiều hy vọng và cả những tuyệt vọng, đã có… và đã có… những cảm nhận, suy nghĩ, nhận định, đánh giá, tổng kết, kinh nghiệm… về tình hình phát triển kiến trúc của nước nhà trong mấy mươi năm lại đây như: chưa định hình trường phái, mới chỉ là xu hướng… với các biểu hiện của những căn bệnh trầm kha: nhại cổ, nhại tân, thiếu hồn nơi chốn… Và sự mổ xẻ các nguyên nhân để quy chụp trách nhiệm, sự dính dáng từ nhiều phía: người sáng tác, chủ đầu tư, nhà quản lý, nhận thức xã hội. Kết quả là những đề xuất, phương hướng, giải pháp, khuyến nghị… thậm chí cả những định hướng, tuyên ngôn được đưa ra. Cuối cùng thì người nói cứ nói, người nghe cứ nghe, nhà nghiên cứu cứ nghiên cứu, nhà quản lý cứ quản lý, chủ đầu tư cứ bỏ tiền và kiến trúc vẫn cứ thế.
 


Giải pháp cơi nới – cứu cánh của sự thiếu thốn diện tích, không gian, nơi đây kiến trúc phải nhường bước

Kiến trúc thiếu địa chỉ*
Địa chỉ thiếu kiến trúc
Tôi hiểu rằng tất cả những nỗ lực đó của chúng ta không chỉ để điều chỉnh và hướng cho mình tốt lên mà cao cả hơn là vì nền kiến trúc Việt Nam. Nhưng tại sao kiến trúc vẫn cứ thế? Liệu chúng ta đã tự hỏi tiếp theo những cuộc hội thảo, những đề tài, những bài báo… là những gì, phương thức nào để chúng tiếp cận và sống được trong đời sống xã hội một cách thực chất hơn, sống động hơn? Vì chúng ta tự coi mình là một thế giới riêng, chúng ta tự độc thoại, chúng ta đang độc hành.
Liệu xã hội, công chúng biết, hiểu, nhìn nhận, đánh giá như thế nào về kiến trúc?
Chúng ta nên mở lòng ra.
Ngày nay, thế giới đang đề cập nhiều và mức độ ngày càng cao về vấn đề ứng xử, sự thân thiện với môi trường. Còn ở ta ngoài sự lôi cuốn không thể cưỡng lại về sự hòa hợp giữa kiến trúc với môi trường, văn hoá thì còn thêm nữa là sự thân thiện, gần gũi với chính cuộc sống, xã hội hiện hữu.

 
Không thể bình luận về kiến trúc trên mái của ngôi nhà này

Trong khi chúng ta còn đang tranh luận chưa ngã ngũ về các biểu hiện, trào lưu, trường phái, chủ nghĩa (ism)… trong kiến trúc của Việt Nam, thì có một sự thật, một thực tế đang xảy ra hàng ngày. Đó là ngay cả sự biết đến và hiểu đúng từ “kiến trúc” vẫn còn xa lạ, thậm chí bị méo mó trong một bộ phận không nhỏ những người đang trú ngụ trong nó.
Thật vậy, có những gia đình mấy thế hệ cùng chung sống trong căn hộ chật chội vẻn vẹn ba chục thước vuông, thì việc cơi nới, tăng diện tích sử dụng là hơn hết, kiến trúc trở thành món đồ quá xa xỉ với họ. Có những gia đình còn đang bươn chải với miếng cơm, manh áo hàng ngày, chỉ cần biết vẫn còn chỗ ngả lưng buổi tối, đâu có quan tâm đến cái gọi là “kiến trúc”… Họ còn đang bị hối thúc bởi cái khó, cái nghèo.
Có những ông chủ “hiểu, biết” kiến trúc qua mấy bức ảnh, bài báo, những chuyến tham quan chớp nhoáng đã lấy đó để yêu cầu, đặt hàng, để chi phối, áp đặt. Với sức lôi cuốn của thương trường, những tấm biển quảng cáo đồ sộ có thể choáng hết mặt nhà mà không cần biết phía sau là gì… Họ đang bị hối thúc bởi sự giàu có về mặt vật chất mà nghèo khó về văn hóa.
Có người quản lý chỉ biết đến kiến trúc qua văn bản, quy định, con số, chỉ tiêu… Họ đang bị hối thúc bởi những bộ khung vừa cứng nhắc lại xộc xệch.

 
Kiến trúc mới xây dựng nhưng tưởng chừng như kéo thời gian lùi xa hàng thế kỷ

Muôn mặt của đời thường với đa dạng đối tượng và vô số cách hiểu, biết, tạo dựng kiến trúc khác nhau, nhưng nhìn chung là rất khác thậm chí khác xa so với các kiến trúc sư.
Rất cần có sự thấu hiểu, chia sẻ, đối thoại từ các phía.
Nếu chúng ta chỉ loay hoay với vấn đề học thuật, cơ chế – môi trường sáng tác, nếu chúng ta vẫn còn tự co mình trong ốc đảo, vẫn độc thoại, độc hành, không sớm mở lòng với xã hội thì một kết cục tất yếu đã và sẽ đến: kiến trúc vẫn thế: lúng túng, dở dang, còn sự khác biệt và khoảng cách với thế giới, khu vực vẫn thế, thậm chí có phần xa cách hơn.
Qua thực tế đời sống, có thể thấy rằng: Người dân, xã hội rất mong có kiến trúc; Nhà quản lý cũng rất mong có kiến trúc; còn kiến trúc sư càng mong có kiến trúc. Chúng ta đều mong muốn và chúng ta đều hiểu và thực thi kiến trúc theo cách riêng của mình, chính vì lẽ đó chúng ta đang đi trên những con đường song song với nhau, đáng lẽ phải quyện hòa mà thực chất chẳng cần biết nhau.
Tôi mong muốn rằng bên cạnh vấn đề học thuật kiến trúc đang được giới chuyên môn cân đo, mổ xẻ, chúng ta nên bàn phương cách nào để công chúng, xã hội tiếp cận, nhận thức được kiến trúc đích thực. Cùng với các cuộc hội thảo, tọa đàm là sự lắng nghe, trao đổi, thu thập ý kiến từ phía nhân dân về kiến trúc nước nhà. Song song với hoạt động sáng tác là những hành động đưa người dân gần gũi hơn với kiến trúc.
—————–
* Địa chỉ được dùng ở đây với hàm ý có thể là xã hội, văn hóa, môi trường, địa phương

Hình trên cùng: Nơi cư ngụ của dân vạn đò – chắc không xuất hiện từ: kiến trúc ở đây

Nguyễn Thanh Sơn

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)