Khủng bố sinh học của Tự nhiên
Đó là một hành trình dài và đầy căng thẳng của Michael Specter với những người trên tiền tuyến cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch cúm gia cầm. Bài phóng sự đăng lần đầu tiên trên The New Yorker và được tuyển chọn trong "The best American science writing 2006"
Tháng9/ 2004, một cô bé 11 tuổi ở Kamphaeng Phet (Thái Lan) đột nhiên bị sốt cao, ho nặng và đau họng. Cô sống cùng với chú và dì trong một ngôi nhà gỗ một gian. Gia đình họ có 15 con gà, được thả rông chạy trên sàn nhà, nơi cô bé vẫn chơi đùa và thậm chí còn ngủ ở đó. Khi các con gà đột nhiên lăn ra chết cũng là lúc cô bé bị ốm. Người dì đã đưa cô đến bệnh viện nhưng cô vẫn sốt ngày càng cao. Mẹ của cô bé khi ấy đang làm việc trong một nhà máy gần Bangkok đã lập tức trở về với con gái. Nhưng chỉ sáu giờ sau khi gặp được mẹ, cô bé đã qua đời. Theo phong tục của người Thái, cô đã được hỏa táng ngay lập tức.
Dịch cúm gia cầm không phải là hiện tượng mới ở Thái Lan, cũng như ở bất cứ nơi nào có gia cầm được nuôi. Các bác sỹ thú y vẫn thường coi nó như nạn dịch gà, một loại dịch đã từng giết chết hàng triệu con gà và các loài chim khác trong nhiều năm. Năm 1983, loại virus gây dịch ở gà này đã lây lan khắp vùng Pennsylvania (Mỹ) và nguy hiểm đến mức các cơ quan y tế đã buộc phải tiêu hủy gần như toàn bộ số gà ở bang này. Tuy nhiên, cho đến những năm gần đây, loại virus này mới bắt đầu có trường hợp gây bệnh cho con người. Thực ra từ năm 1959 cũng đã có trường hợp người bị nhiễm bệnh, khi ấy hiện tượng này là cực kỳ hiếm, hơn nữa những biểu hiện bệnh lại rất nhẹ và không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Nhưng, căn bệnh đã giết chết cô bé ở Kamphaeng Phet lại hoàn toàn khác; chỉ trong hai năm, nó đã làm chết hàng trăm triệu vật nuôi ở hơn mười nước châu Á. Chưa từng có loại virus nào từng lây lan nhanh qua một khu vực địa lý rộng như thế. Hầu hết các virus chỉ tấn công một loài hoặc một nhóm loài. Nhưng loại virus này lại gây bệnh cho quá nhiều loài. Nó đã từng giết chết gà lôi xanh, thiên nga đen, chim cu gáy, báo, chuột, lợn, mèo nhà và hổ. Đầu tháng 2/2005, gần 500 con cò đã chết tại Boraphet, vùng đầm nước sạch lớn nhất của Thái Lan. Bệnh dịch này theo nhiều con đường khác nhau đã ngày càng lan rộng và vượt ra khỏi châu Á. Tháng 10/2004, hải quan ở sân bay Brussels đã thu giữ hai con đại bàng buôn lậu từ Thái Lan bị nhiễm bệnh. Người ta đã phải tiêu hủy chúng ngay lập tức đồng thời giữ cách li toàn bộ động vật trong khu vực sân bay.
Virus này vẫn tiếp tục giết người. Chỉ trong một thời gian ngắn, 42 người đã chết, trong đó có 13 người Việt Nam. Hơn ba phần tư số người chết này được xác nhận chắc chắn là nhiễm cúm gia cầm. Tác nhân gây cúm (H5N1) được đặt tên theo hai protein của nó, những protein này giúp nó xâm nhập được vào các tế bào của cơ quan hô hấp. Nếu virus H5N1 này có thể lây lan nhanh từ người này sang người khác thì nó sẽ gây ra một đại dịch giết chết hàng triệu người. Các cơ quan y tế ở châu Á vẫn còn chưa hết choáng váng từ cuộc khủng hoảng dịch SARS hồi năm 2003 đã lại phải đối đầu với một nạn dịch mới còn ghê gớm hơn. Hóa ra virus gây dịch SARS vẫn còn được coi là kém nguy hiểm và kém lây lan hơn so với virus cúm. Có tới sáu tỷ con gà ở vùng Nam Á, nguồn thu nhập của hàng triệu hộ gia đình phụ thuộc vào chúng. Ngăn chặn sự lây lan cúm gia cầm là vấn đề sống còn, nhưng lại vô cùng khó.
Sự cảnh giác cao độ là một trong số ít những vũ khí mà người ta có trong tay. Hai tuần sau cái chết của cô bé ở Kamphaeng Phet, các nhà dịch tễ học đã được mời đến một bệnh viện gần Bangkok, nơi đang giữ cách li một phụ nữ có triệu chứng bệnh giống với bị nhiễm virus. Hóa ra đó là một báo động sai. Tuy nhiên, cùng lúc ấy, một y tá đã thông báo với các bác sỹ rằng, có một phụ nữ khác vừa chết sau những triệu chứng bệnh giống như cúm. Cái chết này đã không được báo cáo chính, nhưng họ của nạn nhân lại nghe quen quen, thực ra đó chính là tên làng của cô bé 11 tuổi.
“Đó chỉ là một sự trùng hợp”, Scott Dowell đã nói. “Người phụ nữ vừa chết chính là mẹ của cô bé 11 tuổi. Chúng tôi sẽ không biết được điều đó nếu cô y tá không kể”. Dowell là giám đốc văn phòng Thái Lan của một chương trình quốc tế chống bệnh truyền nhiễm. Thái Lan không phải là một nước nghèo nếu so với các nước láng giềng. Nhưng khí hậu thuận lợi của nước này cùng với các đường biên giới dài với Lào và Cam-pu-chia đã tạo điều kiện cho sự du nhập và phát tán những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Trường hợp hai mẹ con ở làng Kamphaeng Phet là trường hợp rõ ràng đầu tiên về sự lây lan từ người sang người. Và đây có thể là khởi đầu cho một điều gì đó rất trầm trọng, một điều gì đó rất khủng khiếp. Cô bé đã được hỏa táng, còn người mẹ thì được ướp xác để các bác sỹ có thể lấy mẫu xét nghiệm.
Một dịch bệnh về cơ bản là tương đương với một cơn bão. Có tất cả ba điều kiện cần thiết. Các điều kiện này không có khả năng được dự báo và hiếm khi chúng hội tụ đầy đủ. Thứ nhất, một loại virus cúm mới phải phát sinh từ cơ thể động vật, nơi luôn luôn tạo ra và tàng trữ các virus. Loại virus đó chưa từng lây nhiễm sang người và do đó không người nào có sẵn các kháng thể để chống lại nó. Thứ hai, virus phải thực sự gây bệnh cho người. (Hầu hết các virus không gây bệnh cho người). Cuối cùng, nó phải có khả năng phát tán nhanh và hiệu quả – chẳng hạn qua đường ho, hắt hơi hoặc bắt tay. Tôi và Dowell đã lên đường đến Kamphaeng Phet, trên đường đi, Dowell đã không ngừng phân vân không biết liệu loại virus này có thỏa mãn điều kiện thứ ba hay không.
Nếu điều kiện thứ ba được thỏa mãn thì thực sự là có quá ít thời gian để cung cấp thuốc, chế tạo vaccine và thực hiện cách li. “Đó là lý do tại sao mà việc lấy các mẫu máu và mô lại quan trọng đến vậy, chúng tôi cần phải biết được người phụ nữ này đã chết như thế nào”, Dowell nói. “Chúng tôi đã đến bệnh viện, nơi cô bé và mẹ của cô đã chết. Ở đây, dì của cô bé đã có triệu chứng ho và sốt được năm ngày, cô ấy cũng đang kêu đau họng”. Dowell và các đồng nghiệp trở nên ngày càng lo ngại. Đầu tiên, họ đã cố gắng hy vọng rằng đây chỉ là một sự trùng hợp, nhưng bây giờ, tất cả ngày càng giống như sự khởi đầu cho một nạn dịch. “Đây chắc chắn là một sự lây nhiễm từ người sang người, bởi vì trong làng không còn trường hợp nào khác”, Dowell đã nói với tôi như vậy. “Không ai có kết quả thử nghiệm dương tính đối với virus. Tất cả số gà đều đã bị giết, và người mẹ thậm chí đã không sống ở đó; bà ấy không hề động vào con gà nào cả”.
Dịch cúm lớn năm 1918 đã giết chết ít nhất năm mươi triệu người và gây bệnh cho hàng trăm triệu người khác. Ở Mỹ, bệnh dịch giết nhiều người hơn tất cả các trận đánh trong thế kỷ 20. Thật may là, điều kiện thứ ba cho một đại dịch đã không được thoả mãn: người dì cuối cùng đã được chữa khỏi. Còn người mẹ thì không may mắn như thế, bà đã ở bên con gái mình quá lâu, và do đó việc nhiễm bệnh là gần như chắc chắn. Virus đã không đột biến đến mức có thể dễ dàng truyền từ người này sang người khác.
Ngày 14 tháng 10/2004, 441 con hổ vằn đen Bengal ở vườn hổ Sriracha gần Bangkok bắt đầu chết. Chúng đã được cho ăn các xác gà sống từ một lò giết mổ địa phương. Cứ mỗi ngày lại có thêm bốn hoặc năm con có triệu chứng bị cúm nghiêm trọng. Đến cuối tháng đã có 45 con chết; hơn một trăm con khác đang bị nhiễm bệnh. Chúng lại trở thành mối đe dọa đối với những con khác cũng như những người chăm sóc chúng. Cho đến năm 2003, những con hổ chưa từng bị nhiễm cúm gia cầm. H5N1 đã tiến hóa quá nhanh với những biểu hiện rất đáng lo ngại.
“Chúng ta biết rằng, trong ba vụ dịch gần đây nhất – 1918, 1957, 1968 – tất cả virus đều có gene được bắt nguồn từ động vật. Năm 1918, các virus được tạo bởi hầu như là các gene của loài chim. Bây giờ chúng ta đang phải đối mặt với một loại virus động vật rất nguy hiểm ở châu Á, và nó đã chuyển sang gây bệnh cho con người. Nó đã thay đổi các đặc trưng từ vài tháng trước. Nó đang gây bệnh cho ngày càng nhiều các loài – bây giờ chúng tôi biết rằng mèo cũng bị nhiễm bệnh”. Người phụ trách chương trình chống dịch cúm của WHO, Klaus Stohr lo lắng.
Ông nói tiếp, “Bây giờ chúng tôi biết rằng virus có thể gây bệnh ở loài vịt, nhưng nhiều con vịt có vẻ vẫn khoẻ mạnh. Đó là tin tốt cho loài vịt, nhưng lại là tin rất xấu đối với chúng ta, bởi vì việc kiểm soát một loại bệnh lây lan trên các hồ nước với nhưng loài chim lưu động cao là khó hơn nhiều.” Các con vịt là đặc biệt nguy hiểm, bởi vì chúng có thể mang trong hệ tiêu hóa các chủng virus gây hại cho con người. Stohr đã ví chúng như những “con ngựa gỗ” xâm nhập vào mọi quốc gia trên thế giới. Tôi đã hỏi ông liệu thông tin này có cho thấy rằng loài virus đã dàn quân chuẩn bị một cuộc tấn công toàn cầu đối với con người hay không. “Tôi không thể nói chắc chắn,” ông trả lời. “Nhưng hãy xét ví dụ một cầu thủ bóng đá, giả sử là một cầu thủ tồi. Anh ta phải đá 10, 15, 20 quả thì bóng mới chui vào lưới trong khi một cầu thủ tốt chỉ cần đá một lần. Virus không phải là một kẻ ghi bàn tốt. Nhưng thậm chí ngay cả một kẻ ghi bàn tệ nhất thì rồi cũng sẽ đá vào lưới sau nhiều lần đá. Và trong cuộc chơi này, virus chỉ cần ghi một bàn là nó thắng!”
Michael Specter