Khủng bố sinh học của Tự Nhiên (Phần 2)

Thật khó có thể nói hết mức độ thiệt hại của ngành chăn nuôi Thái Lan. Tính đến năm 2004, nước này vẫn là nước xuất khẩu gia cầm lớn thứ tư thế giới. Nhưng điều đó đã chấm hết kể từ những báo cáo chính thức đầu tiên về dịch cúm. Cả Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đều ngừng nhập khẩu gia cầm từ một số nước Nam Á. (Có thể ở Trung Quốc tình hình còn nghiêm trọng hơn.) Ở Thái Lan, ngoài phần lớn là các cơ sở chăn nuôi thương mại thì vẫn còn có nhiều gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp Quốc đã ước tính rằng có hai triệu nông dân trong khu vực này đang nuôi gia cầm, mỗi người có trung bình 15 con gia cầm - bao gồm vịt, gà, ngỗng, gà tây, chim cút. Hầu hết những vật nuôi này được thả cho kiếm ăn tự do trong bãi rào, chúng rất dễ bị lây nhiễm từ các loài chim di cư bay đến từ Siberia và miền bắc Trung Quốc.

Sự căng thẳng giữa những người chịu trách nhiệm về nền sản xuất nông nghiệp quốc gia và những người bảo vệ sức khoẻ cộng đồng là khó tránh khỏi. Ở Trung Quốc, người ta đã từng che dấu những thông tin về dịch SARS hàng mấy tháng trời vì sợ ảnh hưởng đến thương mại và du lịch. Thái Lan đã từng chi hơn một trăm triệu đô la để chống cúm gia cầm, nhưng thực ra là chính phủ nước này đã hành động một cách miễn cưỡng chậm chạp.

“Rất là khó để thuyết phục các quan chức của nước này thừa nhận sự nghiêm trọng của đại dịch,” Prasert Thongcharoen, một trong những nhà vi sinh nổi tiếng nhất Thái Lan đã nói với tôi như vậy khi tôi vừa đặt chân đến Bangkok. Chúng tôi đã gặp nhau vào một buổi sáng trong phòng làm việc giản dị của ông ở bệnh viện Sirijai, bên bờ sông Chao Phraya. “Tôi tin là Bộ Vật nuôi lúc đầu đã che đậy chuyện này. Tôi đã nói chuyện với những người nông dân. Khi có những dấu hiệu đầu tiên của dịch cúm, bộ này đã công bố trước công chúng là những con gà chỉ đơn giản là bị dịch tả. Nhưng những nông dân nói rằng, đó không phải dịch tả. Nếu một con gà bị dịch tả, bạn có thể chữa cho nó bằng kháng sinh và nó sẽ khá hơn. Đằng này, những con gà bị ốm vào ngày hôm trước và hôm sau chúng chết luôn. Chắc chắn không phải dịch tả, tôi tin là bệnh này đã xuất hiện và lây lan ít nhất là từ tháng 10 năm 2003. Tại sao các bác sỹ thú y lại không nhận ra được? Thực hiện chẩn đoán không phải là việc khó. Họ đã làm không đúng. Tôi không nói là nếu làm đúng thì nhất định sẽ ngăn chặn được dịch bệnh, nhưng họ đã không làm những điều mà họ cần phải làm.”


Sáng hôm sau, tôi cùng với một đại diện của WHO đến thăm một số gia đình nông dân ở Suphan Buri, một tỉnh cách Bangkok khoảng sáu mươi nhăm dặm. Đường đi rất trống trải, những con trâu nước vẫn thản nhiên gặm cỏ bên những lũy tre ven đường, những đồng lúa xanh mơn mởn vẫn rung rinh trong gió. Suphan Buri là một tỉnh tương đối thịnh vượng, nó vốn là quê của cựu thủ tướng Banharn Silpa-archa, người đã một thời gian cùng với đảng của mình nắm quyền điều phối việc phát triển nông nghiệp. Đây cũng là trung tâm công nghiệp gia cầm của Thái Lan và đã bị tàn phá bởi dịch bệnh. Ở Suphan Buri, gà và vịt được nuôi thành các đàn đông từ năm đến mười nghìn con. Chúng thường được nhốt vào các chuồng gỗ đặt trên mặt ao.
Hầu hết những đàn gia cầm của nông dân đã bị tiêu huỷ. Chính phủ đã đền bù cho họ rất thỏa đáng. Nhưng tiền đã không thuyết phục được nhiều người chuyển sang cách nuôi gia cầm an toàn hơn (các chuồng phải được đặt trên mặt đất để các chất thải của gia cầm không làm ô nhiễm nguồn nước). Khó mà có thể làm thay đổi những thói quen của một dân tộc, công việc này thường đòi hỏi sự nỗ lực quá lớn và nhiều khi là vô hiệu.
Sau khi lái xe được khoảng một giờ, chúng tôi đến gặp một người nông dân 70 tuổi đang làm việc ở một ao cá cạnh một trại gà bỏ hoang. Người nông dân này có làn da nâu sẫm và một gương mặt khá trẻ trung so với tuổi. Ông mặc một chiếc áo sơ mi trắng dài tay, đi một đôi ủng cao su cao tới đầu gối và đội một chiếc mũ lưỡi trai màu xanh xẫm. Ông nói với tôi rằng, bệnh cúm đã báo hại ông nặng nề; bốn mươi nghìn con gà mà ông nuôi đều đã chết sạch. Ông đã phải thuê cả một cái máy xúc để chôn chúng. “Tôi đã nhét 30 con gà vào mỗi túi đựng thức ăn,” ông kể. Sau đó những chiếc túi được chôn xuống những cái hố lớn gần bãi tre. “Thật là tồi tệ khi tôi phải nhìn cảnh ấy,” ông nói. “Mới tuần trước, các bác sỹ thú y đã đến và kiểm tra, tất cả chúng đều khoẻ mạnh. Thế mà chỉ sau một ngày, cả nghìn con đã lăn ra chết. Tất cả chúng đã chết quá nhanh.” Ông kể rằng, ông đã thôi không nuôi gà nữa và cũng chán chính phủ rồi. Ông không đủ vốn để chuyển sang hệ thống nuôi khép kín theo yêu cầu của chính phủ. “Tôi đã quá già rồi, không nuôi theo kiểu đó được,” ông nói với tôi. “Thật là buồn cười, luật lệ mới bắt phải thay quần áo khi bước vào trại gà. “Anh nghĩ là ai sẽ làm việc đó ?”
Tôi đã hỏi ông lão rằng theo ông thì ai phải chịu trách nhiệm cho tình trạng này. “Ờ, bệnh cúm chim đến từ Hồng Kông, như hầu hết các loại bệnh,” ông nói. “Cả SARS cũng thế. Nhưng một khi nó đã ở đây thì tôi không chắc là làm thế nào anh trừ bỏ được nó. Tôi cũng không chắc là làm thế nào anh phòng ngừa được nó.”
Người nông dân chưa hoàn toàn mất nghề; ông vẫn tiếp tục nuôi gà chọi  (chọi gà là một môn thể thao lớn ở Thái Lan). Những con vật này vẫn thường được bán ở các chợ. Chuồng của chúng hiếm khi được khử trùng. Người buôn thường đi hết trang trại này đến trang trại khác để mua chúng. Có hàng nghìn người chơi chọi gà. Chính phủ đã cố gắng hạn chế những nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các chợ gà chọi nhưng công việc này đã không thành công cho lắm.                
Bây giờ người nông dân này đang chuyển sang nuôi cá. “Nuôi gà chỉ cần 40 ngày là bán được,” ông nói, “nhưng nuôi cá phải mất 5 tháng.” Ao của ông lão có sáu mươi nghìn con cá. Vấn đề khó khăn là không biết cho cá ăn bao nhiều thì vừa và cũng không biết làm thế nào để ngăn không cho bọn chim bắt cá.
Sau khi tạm biệt ông nông dân, chúng tôi tiếp tục gặp thêm một vài người nữa. Cuối cùng, với 40 baht (tương đương với hơn 1USD một chút), tôi đã thuyết phục được một người đi xe máy dẫn chúng tôi đến một đồng cỏ màu xanh sẫm, bên cạnh một con suối. Phủ kín cánh đồng là khoảng hai nghìn con vịt mỏ dài, được quây trong những cọc rào màu trắng. Thậm chí ngồi trong xe kín chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng ồn ào ghê gớm của những con vật.
Người bảo vệ ở đây đã chỉ cho chúng tôi đến tìm người chủ của lũ vịt. Saijai Phetsringharn là một phụ nữ 40 tuổi với những ngón tay, cổ tay lấp lánh nhẫn kim cương và vòng vàng. Phetsringharn thuộc về kiểu người kinh doanh gia cầm, bà ấy đã từng có những phát biểu mạnh mẽ trước công chúng về việc chống dịch. “Phải tiêm phòng cho vật nuôi,” bà nói. “Chính phủ nhất định phải tiêm chủng cho các đàn gà.”
Các vaccine cho gà là có, nhưng các hướng dẫn sử dụng cho đúng thì lại không có. Cả Trung Quốc và Indonesia (hai nước này không xuất khẩu gia cầm) đều tiêm phòng cho những con chim. Nhưng chính phủ Thái Lan đã từ chối làm điều đó. Các lý do là: sẽ mất nhiều thời gian để các vaccine có hiệu lực, và có lẽ không phải lúc nào chúng cũng miễn dịch được cho chim hoặc ngăn chặn sự lây nhiễm. Về lý thuyết, điều đó nghĩa là con người có thể tiếp xúc với những con chim trông có vẻ khoẻ nhưng không có nghĩa là chúng không mang virus. Nhiều cán bộ sức khoẻ cộng đồng vẫn nói với tôi rằng, đã đến lúc chính phủ Thái Lan phải xem xét lại các chính sách. Một số làng ở Thái Lan vẫn nghĩ rằng họ có thể tự bảo vệ được đàn gà của mình bằng việc sử dụng các thảo dược.
“Có vẻ như chính phủ nghĩ rằng họ có thể giải quyết được vấn đề bằng việc tàn sát những con chim,” Phetsringharn nói, bà cũng nhắc đến việc tám nghìn con vịt của mình vừa bị giết. “Họ sai rồi. Nếu họ làm thế, virus sẽ vẫn còn nhưng việc làm ăn kinh tế của chúng tôi thì chết.”
Có lẽ bà ấy đúng, nhưng các nghiên cứu về gene gần đây đã xác nhận rằng, trong khi các con vịt vẫn khoẻ, chúng làm vung vãi rất nhiều virus. Mấy ngày trước đó, chính phủ đã nghĩ đến việc phải làm gì đó để xử lý ba triệu con vịt thả rông. “Vịt không giống như gà,” Phetsringharn nói. “Chúng cần sự tự do của chúng.” Bà ấy đang đứng trong một nhà kho có những chồng cao các khay trứng. Nhiều hộp vaccine chống dịch tả xếp đầy trên sàn nhà. Bà ấy là thế hệ thứ ba trong một gia đình nuôi vịt. “Người ta vẫn nuôi vịt như thế trước khi tôi được sinh ra, thậm chí trước khi mẹ tôi sinh ra.” Bà ấy có ba đứa con, một đứa 4, một đứa 10 và một đứa 13 tuổi. Bà ấy hi vọng là chúng cũng sẽ làm kinh doanh như bà.

Nhận diện kẻ thù
Dịch cúm là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ sáu ở Mỹ. Ở các nước kém phát triển, bệnh này thậm chí còn gây nhiều tổn thất hơn. Trong hầu hết các mùa cúm, khoảng 20% dân Mỹ bị nhiễm, khoảng ba mươi sáu nghìn người có thể chết, hơn hai trăm nghìn người phải vào bệnh viện. Ít có virus nào lại gây hại cho con người dai dẳng và nghiêm trọng như thế. Các ghi chép về bệnh đường hô hấp liên quan đến cúm đã có từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Từ “bệnh cúm” (“influenza”) xuất phát từ tiếng Latinh influentia – “sự ảnh hưởng” – phản ánh một niềm tin phổ biến là các bệnh dịch được gây ra do ảnh hưởng của các ngôi sao. Người ta tỉnh thoảng vẫn gọi sự nhiễm khuẩn đường hô hấp là “bệnh cúm”, nhưng trong hầu hết các trường hợp, cách gọi này là không chính xác. Bệnh cúm gây ra bởi orthomyxovirusi, bao gồm ba kiểu: A, B, và C. Các kiểu B và C có thể gây bệnh cho người nhưng chúng không phổ biến và hiếm khi nghiêm trọng. Kiểu A chính là kiểu virus mà chúng ta lo ngại. Mọi virus cúm đều có hàng trăm gai nhọn nhỏ nhô ra từ bề mặt của nó. Hầu hết các gai này được tạo bởi một loại protein của virus tên là Hemagglutinin, chúng có thể giúp các virus bám vào các tế bào mà chúng cần xâm nhập. Một loại gai khác được gọi là Neuraminidase, một loại enzyme giúp lan rộng. Hai loại protein này chính là cơ sở để các virus được đặt tên theo các chữ cái “H” và “N”. Bệnh cúm kiểu A nguy hiểm bởi vì nó thuộc vào những loại virus có khả năng đột biến cao nhất, 8 gene của nó có khả năng thay thế hoặc biến đổi khó lường.
Việc tiêm phòng vaccine sẽ kích hoạt các kháng thể, tạo ra sự bảo vệ chống lại một chủng virus nhất định. Nhưng nếu bạn bị nhiễm một loại virus cúm có protein bề mặt đã thay đổi, các kháng thể sẽ không thể nhận ra chúng hoàn toàn. Chủng mới này có thể lách qua hàng rào bảo vệ phức tạp của hệ miễn dịch và tạo ra một sự nhiễm bệnh mới. Mặc dù, có thể cơ thể bạn có một số đề kháng – phụ thuộc vào mức độ biến đổi của chủng, nhưng bạn vẫn cần đến một hệ thống kháng thể hoàn toàn mới để chiến đấu với virus. Những thay đổi nhỏ trên bề mặt virus này được gọi là “sự trôi kháng nguyên.”
Tám gene của virus cúm được gắn với nhau theo các đoạn, khá giống với sự ghép các viên gạch Lego. Chúng dễ dàng được dỡ ra, thay đổi và tái hợp. Khi các chủng cúm động vật trộn với các chủng cúm người, sự trộn đó luôn có khả năng sinh ra một loại virus hoàn toàn mới. Cái đó được gọi là “sự dịch chuyển kháng thể.” Khi những đoạn dài của vật liệu gene được thay bằng những gene thuộc một kiểu cúm khác, hoặc từ các động vật khác như lợn hoặc gà. Kết quả sẽ là một cái gì đó kỳ lạ đến mức mà hệ miễn dịch của người không có khả năng nhận ra. Và ngay cả khi sử dụng những công cụ tinh xảo của gene học phân tử, chúng ta vẫn không thể dự đoán được virus sẽ thay đổi như thế nào, trở nên nguy hiểm hơn hay kém nguy hiểm đi. Chúng ta thậm chí cũng không biết liệu sự chọn lọc tự nhiên có chiều hướng tạo một loại virus nguy hại nhất hay không. Có điều là, một loại virus mà ác hiểm đến mức giết hết tất cả các vật chủ thì nó cũng không thể tồn tại lâu được.         
Hệ thống phát tán phức tạp đối với virus cúm làm tăng thêm bản chất ngẫu nhiên trong sự tiến hóa của nó. Điểm nối giữa Thái Lan và Bán cầu Bắc là tỉnh Quảng Đông, thuộc miền nam Trung Quốc. Các loài chim di cư vẫn thường dừng lại ở đây, đó có thể là một lý do khiến nhiều dịch bệnh đã phát sinh từ nơi này. Các cơ hội để virus cúm vượt qua cái barrier giữa các loài là lớn hơn trong trường hợp thường xuyên có sự tiếp xúc giữa con người và động vật. 60% số người trên thế giới và hàng tỷ vật nuôi sống ở châu Á. Riêng tỉnh Quảng Đông đã có tám mươi sáu triệu người – nhiều hơn dân số Đức. Hàng ngày, có mười nghìn con gà được chở bằng xe tải từ Quảng Đông đến Hồng Kông. Việc trồng lúa nước cũng góp phần vào sự lây lan dịch bệnh. Nhưng người nông dân thả vịt trên ao và cả những đồng lúa sau khi gặt. Những con chim nước hoang có thể truyền virus cho vịt nuôi. Sau đó vịt truyền sang gà và lợn. Các cơ quan hấp thụ trọng tế bào hô hấp của lợn thì lại tương tự như ở người. Trong môi trường và điều kiện như vậy, một cái hắt hơi của lợn là đủ để châm ngòi cho một trận dịch. 

        TT (dịch từ The New Yorker)

Ảnh 1: Đồng lúa ở Suphan Buri, Thái Lan
Ảnh 2
Ảnh 3: Virus cúm

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)