Kiểm duyệt phim ở Việt Nam- Con đường trúc trắc trục trặc

Thời gian gần đây, khi tình hình sản xuất phim chiếu rạp tại Việt Nam bắt đầu trở nên đa dạng và nhiều hướng mở hơn, đặc biệt là với sự nhập cuộc đầy năng động của nhiều hãng phim tư nhân cả cũ lẫn mới; từ công chúng đến giới làm nghề đều vô cùng khấp khởi mong đợi những điều mới lạ thực sự đến với điện ảnh Việt. Bởi, trước đó, với số đầu phim của các hãng phim nhà nước sản xuất hàng năm có thể đếm được trên đầu ngón tay của chỉ một bàn tay (!), và với cách chọn lựa hay thể hiện đề tài khá công thức về tính đơn điệu đến nhàm chán; phim Việt chỉ được công chúng nước nhà “nghĩ đến nghĩ về” trong sự chán nản, hoặc tệ hại hơn là sự thờ ơ vô cảm. Tuy nhiên, sau giai đoạn bùng phát nhất thời của dòng phim giải trí, nhưng chỉ thịnh hành với dòng phim chiếu rạp mùa Tết cổ truyền- một đặc trưng có phần dị biệt về hiện trạng phát hành phim ở Việt Nam; những người làm nghề dù còn đang phải mày mò với các phương cách làm phim hiện đại (học hỏi được từ bên ngoài nước, qua nhiều con đường khác nhau, lại mang tính nỗ lực cá nhân là chính!), đã vấp phải những “hệ thống” kiểm duyệt phim ở nhiều cấp độ. Và không ít trường hợp là khá tùy tiện, không có chuẩn mực “khuôn thước” nào để có thể theo đó mà tuân thủ hay phân định về phim.

Ngay từ trước lúc một bộ phim ra rạp, với các buổi chiếu chiêu đãi dành cho những đối tượng đặc biệt (các vị quan chức ngành, các chủ đầu tư sản xuất phim, giới làm phim, phóng viên báo-đài…), mỗi bộ phim đều đã chịu một áp lực nhìn thấy trước, thông qua “nhãn lực” của các khán giả đầu tiên này. Dù đây cũng chỉ là một thông lệ theo qui trình phát hành phim, cách đánh giá/ lượng định phần nhiều nặng về cảm tính của các đối tượng “trên, trước” như thế (trong thời gian qua) đã tác động không nhỏ đến sự tồn tại của các bộ phim trong “vòng đời” của nó, nơi các rạp chiếu. Nhất là với các ý kiến nhận định theo kiểu “kiểm duyệt” chủ quan của những người-viết hay người-phát-biểu, trên các phương tiện truyền thông; hệ quả dây chuyền của nó đôi khi gây “rối loạn kép”: vừa tạo dựng biến động thật về giá trị ảo ngoài phim (của sản phẩm phim) khiến công chúng hoang mang (về phim), vừa tạo lập một nền học thuật (về ngôn ngữ điện ảnh) không chân đế! Khi nắng thu về (đạo diễn Bùi Trung Hải); Sài Gòn nhật thực (đạo diễn Othello Khánh) đều là những trường hợp “rối ren” như thế, ở “mặt trận” kiểm duyệt kiểu này!


Cảnh trong phim Chuông reo là bắn

Riêng với công chúng nước nhà, vốn quen với việc tiếp nhận các tác phẩm điện ảnh bằng kiểu “cầm, nắm”/ cân-đong-đo-đếm một cách cụ thể và “nệ thực” trong cả một thời gian quá dài (vì hoàn cảnh lịch sử, của đất nước vừa trải qua thời chiến: hai mùa chiến tranh)- nhằm hướng đến hay đạt được hiệu quả tuyên truyền cần thiết của giai đoạn lịch sử; đã gần như tư duy về phim theo hẳn một cung cách như thế, và khước từ mọi lối suy nghĩ khác! Không thể phủ nhận, những năm gần đây việc các rạp chiếu khắp cả nước “du nhập” rất nhiều thể loại phim đa dạng của điện ảnh thế giới; rồi cả việc toàn cầu hóa bởi hệ thống internet, cũng góp phần giúp các “tín đồ điện ảnh” ở Việt Nam hòa nhập nhanh chóng với mọi trải nghiệm của nền điện ảnh khu vực lẫn quốc tế. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận khán giả tự “đóng khung” mình khi phê phán nặng nề về các khuynh hướng tìm tòi thể nghiệm/ phân tích vấn đề tính dục và bạo lực, trên/ trong phim (của các nước bên ngoài Việt Nam) khác phim Việt Nam trước giờ. Vốn dĩ, những điều này nhìn ở góc độ tự nhiên cũng chỉ là thuộc tính của mọi con người đã/ đang/ sẽ hiện diện trên trái đất này; và nếu có khác chăng cũng chỉ là mức độ/ cấp độ “cho phép” tùy thuộc vào thời đại, hay sự mặc định của một nền văn hóa. Như với một phim của Hàn quốc là Isle (đạo diễn Ki-Duk Kim)- đã từng “gây sốt” trong giới làm nghề ở Việt Nam, đầy đậm yếu tố gây sốc với các cảnh quay về tính dục và bạo lực. Đây cũng là cách mà người làm phim muốn đối mặt với những bản năng gốc của con người, mổ xẻ hay khơi gợi về chúng nhằm tìm ra những biến động tâm lý của từng cá thể trong đời sống cộng đồng. Phim đã được đề cử giải Sư Tử Vàng ở LHP quốc tế Venice 2000. Còn với Chuông reo là bắn (đạo diễn Trương Dũng) vừa trình chiếu trong mùa Tết vừa qua, có thể những cảnh quay tương tự cũng chỉ mang tính “câu khách” là chính (!); nhưng sự phản đối đến quá khích của nhiều diễn đàn điện ảnh trên các phương tiện truyền thông, e rằng đó là vấn đề bất bình thường trong sự phát triển của một loại hình nghệ thuật tổng hợp như điện ảnh (vốn được mệnh danh là con-thú-phàm-ăn của nghệ thuật đương đại!). Xét cho cùng, ở phương diện xã hội, một bộ phim có chứa quá nhiều các yếu tố này, cũng chỉ là… một bộ phim, không hơn không kém!


Cảnh quay phim Sài Gòn nhật thực

Nhưng trên hết, và cũng là đầu tiên hơn hết, phải nói đến Hội đồng duyệt phim Quốc gia. Là “biên chế” duy nhất có thẩm quyền thật sự về chức năng này, nơi đây cũng chịu nhiều áp lực nhất về những quan điểm trái ngược nhau của người làm nghề, cũng như của dư luận công chúng khắp cả nước. Khác với những sự kiểm duyệt “vô hình” kia, Hội đồng duyệt với sự kiểm duyệt “có văn có bản” một cách chính thức, là tiếng nói đầy trọng lượng và quyết định đến “sinh mệnh” của một bộ phim. Dù chưa lần nào phải đến mức “bức tử’ một bộ phim, thế nhưng có vẻ như chuyện làm “què quặt” phim lại là chuyện- thường-ngày-ở-huyện, từ nơi này. Mới gần đây nhất, Vũ điệu tử thần (đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng) đã bị buộc phải cắt bỏ nhiều đoạn phim có đề cập đến chuyện ăn chơi ở các vũ trường, để có thể được công chiếu. Trước đó, người trong nghề đã từng biết đến những bộ phim cũng bị buộc phải sửa thêm lời thoại như với Mê Thảo (nữ đạo diễn Việt Linh) ở đoạn cuối phim, hoặc phải thêm phụ đề và phần hình ảnh tĩnh của Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh); ảnh hưởng đến mỹ cảm thưởng ngoạn phim đối với người xem. Không quan tâm đến những yêu cầu mang tính áp chế kiểu “pháp lệnh” này có thể làm hỏng ngôn ngữ điện ảnh (của loại hình nghệ thuật này), Hội đồng duyệt phim chỉ nhăm nhăm giữ đúng “cái vỏ an toàn” của các tác phẩm điện ảnh theo các tiêu chí “khung”. Dù muốn dù không, nó đã ít nhiều hạn chế sự đa diện về nhu cầu giải trí của công chúng, ở lĩnh vực “thời thượng” này. Hơn thế nữa, nhìn ở phương diện cộng đồng, đây còn là sự tước đoạt quyền được tiếp cận giao thoa giữa những người làm phim (nghệ sĩ sáng tác) với đại chúng của mình. Nên chăng, đã đến lúc hướng “sức mạnh” của Hội đồng duyệt phim vào việc duy nhất cần làm là Phân loại phim, như cách thức đã được chứng nhận toàn cầu của CRA (Classification anh Rating Administration- Ủy ban Phân loại và Đánh giá) do Hiệp hội Điện ảnh Mỹ tài trợ và hoạt động độc lập. Kinh đô điện ảnh Hollywood của thập niên 60 (thế kỷ 20) trở về trước cũng đã từng lao đao với những bài toán nan giải này, về các vấn nạn tính dục và bạo lực hiện diện trên phim. Chỉ đến khi Jack Valenti (cựu chủ tịch Hiệp hội điện ảnh Mỹ) sáng lập Hệ thống phân loại phim theo chữ cái (G/ PG/ PG-13/ R/ NC-17…), và thành lập tổ chức phi lợi nhuận CRA (01/11/1968) nhằm thảo luận, đánh giá và phân loại phim; những tranh cãi về vấn đề “duyệt phim và phim được duyệt” mới được loại trừ dần. Jack Valenti cho rằng tất cả các đạo diễn và các hãng phim đều có quyền sản xuất những bộ phim theo ý muốn, cũng vậy, công chúng có quyền không xem nó! Hệ thống phân loại phim, một cách đơn giản, sẽ báo trước nội dung phim. Quyền quyết định sẽ thuộc về người xem.
Lẽ đương nhiên, điều đó vẫn còn ở Thì tương lai của điện ảnh Việt.

Châu Quang Phước

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)