Kiến trúc Hạnh phúc

Là kiến trúc sư tiên phong của “kiến trúc xã hội - cộng đồng” Việt, cũng là người luôn trăn trở với những nguyên lý kiến trúc mới, ông có vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy phong trào kiến trúc xã hội ở nước ta theo hướng bền vững. Văn phòng 1+1>2 và cá nhân ông liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi kiến trúc quốc tế trong hơn một thập kỷ qua. Dưới đây là cuộc mạn đàm với KTS Hoàng Thúc Hào xoay quanh triết lý “Kiến trúc Hạnh phúc” và tương lai của nó.

Xin ông cho biết nguyên tắc kiến trúc xuyên suốt quá trình hành nghề của mình?

Kiến trúc là mang lại hạnh phúc cho con người và xã hội.
Kiến trúc hạnh phúc dựa trên ba cột trụ cơ bản:
* Kiến trúc sư hạnh phúc.
* Người sử dụng kiến trúc, tiếng Anh gọi là user, phải cảm thấy hạnh phúc;
* Tự thân công trình kiến trúc – như một chỉnh thể hữu cơ – phải có khả năng lan tỏa, truyền cảm hứng cho các kiến trúc khác.

Trong Liên hoan Kiến trúc Thế giới ở Singapore vừa qua, bài thuyết trình nhà cộng đồng Cẩm Thanh, Hội An của chúng tôi có tiêu đề Happiness Architecture – “Kiến trúc Hạnh phúc” đã giành giải nhất hạng mục “Dân dụng và Cộng đồng” (“Civic and Community”), một hạng mục kiến trúc rất phổ biến.

Nghe “kiến trúc hạnh phúc” có vẻ trừu tượng, nhưng thực ra giản dị thôi: đó là KTS hạnh phúc trong dấn thân, trong trách nhiệm sáng tạo, cống hiến vô điều kiện và anh ta cảm thấy vui sướng trong công việc đó. Xã hội ta ngày nay rất ít cái vô điều kiện, làm gì cũng phải có điều kiện; Rồi những người sống trong công trình do KTS hạnh phúc kia làm ra phải thấy ấm cúng, an toàn, khỏe mạnh, khoan khoái,… đấy là hạnh phúc chứ còn gì nữa; hạnh phúc là phải quy ra thước đo cụ thể; và cái nhà mình xây xong sẽ có đời sống riêng của nó: có quá khứ, tương lai; người ta không thấy xa lạ, nó mới nhưng vẫn gần gũi, lạ nhưng quen.

Kiến trúc Hạnh phúc nghĩa là không mâu thuẫn với bối cảnh, với môi trường xung quanh?

Đúng. Nó cộng sinh thân thiện với môi trường. Cộng sinh nghĩa là nó ảnh hưởng tốt, ‘cộng vào’ khung cảnh. Nó mang tính phát triển, đổi mới truyền thống.

Điều quan trọng là bản thân nó cũng tự bền vững; thậm chí là mẫu để kế thừa; góp phần định hình thẩm mỹ; vừa có khả năng kết nối với thế giới, nhưng lại phải bền vững, theo nghĩa không bị bên ngoài hòa tan; nó dư thừa nội lực tự bảo vệ; phải tạo ra không gian có tính riêng tư trong bối cảnh xã hội thông tin, trong thế giới phẳng đâu đâu cũng na ná nhau;

Đấy là ba cột trụ của Happiness Architecture. Triết lý kiến trúc của tôi đặt trên kiềng ba chân đó.

Triết lý “Kiến trúc Hạnh phúc” của ông hình thành từ bao giờ, hay từ công trình cụ thể nào?

Nó đến từ quá trình trải nghiệm, song có lẽ manh nha từ thời sinh viên, khi chúng tôi làm đề tài cải tạo môi trường làng gốm Bát Tràng. Sau này, nhà văn hoá Phan Ngọc giúp tôi hiểu câu chuyện xây dựng và thao tác hóa hệ thống khái niệm. Tôi chịu ơn Ông rất nhiều về vốn tri thức văn hóa Việt Nam và nhân loại. Cho tới công trình ở Bhutan mấy năm trước thì tôi nhận thấy họ có khái niệm rõ ràng về Tổng hạnh phúc quốc gia, rất gần với triết lý kiến trúc mình theo đuổi. Tại sao không thể có Tổng hạnh phúc kiến trúc (GAH, Gross Architecture Happiness )?

Triết lý này xâu chuỗi hơn hai chục năm làm nghề, kết quả của những băn khoăn cá nhân.
Kiến trúc sư không cảm thấy hạnh phúc khi làm nghề thì công việc chỉ là thực thi những hợp đồng nặng tính thực dụng, thương mại, hoặc đối phó … Nó phải không nhân danh gì ngoài sáng tạo vì con người, vì tương lai văn hóa Việt Nam. Sứ mệnh kiến trúc là tạo dựng môi trường sống nhân văn cho cộng đồng; kiến trúc là thiên nhiên thứ hai; thế mà kiến trúc sư, anh dẫn hướng đó không dấn thân vô điều kiện thì rất khó làm ra kiến trúc hạnh phúc.

Sau hơn hai mươi năm làm nghề, phong cách kiến trúc Hoàng Thúc Hào có thể gói gọn trong cụm từ nào đây?

“Ngạc nhiên bền vững”

Ngạc nhiên mà lại bền vững? Có mâu thuẫn chăng?

Đúng và không. Thường ngạc nhiên gắn với bất ngờ tức thời, với cái lạ, sốc. Nhưng rõ ràng cũng có “dẻo dai đáng ngạc nhiên” chứ, có “kiên nhẫn đến ngạc nhiên”, có “hóm hỉnh ngạc nhiên”, vân vân, đấy là ngạc nhiên do rèn luyện, do tự nhận thức, sự ngạc nhiên từ nội lực sinh ra.

Kiến trúc “ngạc nhiên bền vững” không chỉ gây bất ngờ, ngạc nhiên từ hình thức, từ “form” – như các khối điêu khắc hiện đại; mà chủ yếu nó là cái ngạc nhiên, thích thú “chậm” – sinh ra từ quá trình thụ hưởng của người sử dụng trong sự bền vững tự thân về văn hóa và vật lý của công trình.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Phong cách “ngạc nhiên bền vững” gồm hai phần: bảng chữ cái và ngữ pháp. Bảng chữ cái kiến trúc tôi thường sử dụng: khối vát, góc nhọn, mái dốc, những hình kỷ hà, lam chắn nắng, bóng đổ, vật liệu địa phương… Ngữ pháp chú trọng những khoảng trống, lớp lang, những sân, hàng hiên, những không gian xốp. Then chốt ngữ pháp là “thức nhận lại những điều hiển nhiên”: làm mới, làm bất ngờ, lạ hóa, đột biến,… những cái tưởng như rất quen thuộc trên nền hệ quy chiếu mới, hệ quy chiếu bền vững – ở cả hai khía cạnh: bền vững vật lý, môi trường và bền vững nhân văn.

Ví như mái vát to, xòe rộng, vát từ tầng cao xuống sâu dưới mặt đứng tạo bóng đổ bản thân, chống bức xạ ở nhà chính Tây. Hệ mái lá dừa vát một phía vào trong tránh gió bão và cấu trúc những khoảng sân trong liên tiếp, đa hướng ở công trình Hội An. Mái gấp lập thể theo nhịp núi đồi, theo nếp khăn của phụ nữ Dao đỏ ở nhà Tả Phìn. Mái vát tượng trưng cánh én nhà Nậm Đăm, Hà Giang… 

Trung tâm cộng đồng Cẩm Thanh nằm giữa vườn cau, cộng sinh thân thiện với môi trường

Nội thất trung tâm cộng đồng Cẩm Thanh

Homestay và không gian cộng đồng Nậm Đăm, Quản Bạ, Hà Giang

Trung tâm Hạnh phúc quốc gia Bhutan, khánh thành cuối tháng 10/2015

Hay việc tổ chức không gian lớp vừa theo phương ngang, đứng, vừa xiên, lớp trên đầu, lớp chồng lớp, đa diện, đa hướng, kết hợp khả năng trộn MIX tự do vật liệu địa phương.

Tính hiệu quả, bất ngờ của ngữ pháp “ngạc nhiên bền vững” nằm ở việc phát triển mạnh mẽ hệ thống xúc tác: đấy là khả năng nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới song hành với cam kết bảo vệ môi trường; khả năng phát hiện, đổi mới, làm giàu vốn văn hóa địa phương.

Tại sao cần “ngạc nhiên bền vững”?

Nguy cơ của kiến trúc hiện đại: “nhà là cái máy để ở”, nguy cơ của kiến trúc tiết kiệm năng lượng, kiến trúc xanh: nhà là cái máy năng lượng. Rất cần “cái máy nhân tính”, cái máy biết ngạc nhiên. Loài người hôm nay ít ngạc nhiên quá. Cái niềm vui sống hồn nhiên và thụ hưởng những bất ngờ, thích thú ngày càng hiếm trong đời sống đương đại gấp gáp và công nghiệp hoá!

Thế có “ngạc nhiên không bền vững”?

Không đúng văn hoá, “chênh sái” văn hoá người ta sẽ không thích hoặc thấy xa lạ; người ta dù thấy cái nhà đấy mới, kiến trúc đấy có ngỡ ngàng lạ lẫm, nhưng không phải của họ, sớm muộn họ cũng thờ ơ, xa lánh.

Công trình càng đi vào đời sống cộng đồng, gắn với sinh hoạt hằng ngày của người dân càng nhiều thì càng bền…, sự bền vững trong cái hữu dụng thân thiện của nó, đúng không ạ? 

Phải đạt tới sự hữu dụng trong văn hoá, trong môi trường sống của những vùng đất đấy, với những con người xứ sở đấy.

Bảng chữ cái là những độ vát, độ dốc, những hình kỷ hà. Bảng chữ cái là khoảng trống; Ngữ pháp của tôi chú trọng những khoảng trống, lớp lang, những không gian xốp.

Kiến trúc luôn mạch lạc, ngay thẳng. Ngay thẳng thường hay dùng cho tính cách con người, nhưng kiến trúc nó cũng ngay thẳng. Nó trong sáng và giàu trữ lượng “ngạc nhiên chậm”.

Triết lý “Kiến trúc Hạnh phúc” và phong cách “Ngạc nhiên bền vững” có trở thành trào lưu?

Phong cách là cá nhân, mang dấu ấn cá nhân. Sự ảnh hưởng đến các cá nhân khác rất khó đánh giá, cần thời gian.

Bên cạnh đấy, việc hình thành triết lý “Kiến trúc Hạnh phúc” là cả một quá trình, chúng tôi đã không ngừng rút kinh nghiệm trong hai mươi lăm năm làm nghề. Gần đây, một dấu ấn mới là tôi may mắn được mời thiết kế “Trung tâm Hạnh phúc quốc gia” Bhutan, công trình vừa khánh thành cuối tháng 10/2015. Như thế là phần nào bên ngoài họ cũng chia sẻ, đồng cảm với mình. Mặt khác, tôi mừng vì trong nước ngày càng nhiều KTS trẻ làm kiến trúc cộng đồng, làm các dự án xã hội, thiện nguyện. Đấy là minh chứng cho thấy sự lan tỏa, hưởng ứng nhất định của đồng nghiệp với hướng đi của mình.

Xin chúc mừng ông, chúc mừng các đồng nghiệp đang dấn thân vì “Kiến trúc Hạnh phúc”.

TS. Phạm Long thực hiện 

Tác giả