Kiến trúc Thăng Long-Hà nội trước ngưỡng cửa 1000 năm

Với một quy hoạch đô thị khá hiện đại ở những năm đầu của thế kỷ 20 mang rõ dấu ấn của KTS Pháp tài ba Ernst Hebrad, với khu phố cũ 36 phố phường được giữ hầu như khá nguyên vẹn sau kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến tranh phá hoại hủy diệt của Mỹ, và với gần 2000 biệt thự xây dựng theo “phong cách Đông Dương” hay còn gọi là kiến trúc thuộc địa, nếu được gìn giữ, tôn tạo, nếu phát triển khôn ngoan thì Hà Nội chắc chắn đã trở thành một thủ đô độc đáo ở châu Á.

Từ khoảng 15 – 20 năm trước đây, nhiều nhà chuyên môn về Kiến trúc, quy hoạch cũng như nhiều trí thức tâm huyết đã góp ý, kiến nghị với các quan chức cao cấp nhất của chính phủ, của Hà Nội trong khuôn khổ đô thị Hà Nội cũ từ thời Pháp để lại, đặc biệt là quanh khu Trung tâm Bờ Hồ, khu Ba Đình, dọc các trục đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng… Nhưng từ 1995, các cao ốc ngang nhiên mọc lên ngay dọc đường Lý Thường Kiệt rồi với thời gian ở khắp nơi, vây quanh cả Bờ Hồ mà tồi tệ nhất là Tung Shing Square số 2 Ngô Quyền và Vietcombank Tower số 198 Trần Quang Khải, thực sự phá nát toàn bộ cảnh quan của trung tâm Bờ Hồ. Ở khu Hà Nội cổ 36 phố phường nằm trong dự án bảo tồn, đến nay chỉ còn sót lại một số nhà đếm trên đầu ngón tay là cũ, có giá trị, còn tất cả đã là nhà mới xây, hoặc mới cải tạo, cơi nới một cách tuỳ tiện, nhếch nhác.

Không gian công cộng và nghệ thuật ở không gian công cộng

Hiếm có Thủ đô một nước nào có tới gần 85 triệu dân, có tầm vóc kinh tế, chính trị như Viêt Nam mà hiện quá thiếu, nếu không nới là hầu như không có không gian công cộng. Phần lớn không gian công cộng hiện nay ở Hà Nội là di sản của quy hoạch do người Pháp để lại. Với thứ văn hoá “chụp giật” hiện nay, cứ chỗ nào con trống là người ta cố giành lấy để xây dựng, để bán kiếm lời… kể cả những sân chơi của trẻ em, hay sân đình, sân chùa. Nhiều người đã tưởng tượng đài giá xấp xỉ chục tỉ trở lên sẽ góp phần cải thiện bộ mặt không gian đô thị Thủ đô. Nhưng họ đã nhầm, nhiều tượng đài xấu càng làm xấu không gian công cộng, cảnh quan đô thị nói chung. Thì ra rất nhiều tượng đài này được xây dựng vì tiền chứ không phải vì văn hóa, nghệ thuật (như rất nhiều tham luận tại một cuộc hội thảo trong năm 2006 về tượng đài Việt Nam đã nêu).

Cuộc đua “rào” Hồ Hoàn Kiếm
Từ khoảng 20 năm nay, Hồ Hoàn Kiếm linh thiêng dần biến thành “Ao Hoàn Kiếm”. Bắt đầu từ chuyện phá:
Tòa thị chính cũ cao hai tầng để xây dựng một UBND thành phố vừa to vừa cao, vừa xấu để lại không ít đàm tiếu. Tiếp theo là công trình “Hàm cá mập”, “Khách sạn Hà Nội Vàng” rồi đến là trụ sở báo Nhân Dân và gần đây nhất là Dự án EVN đâng bị giới chuyên môn và dư luận kịch liệt phản đối (ngày 20/12/2007 Hội kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nôi. và Bộ Xây dựng góp ý về dự án này). Đều trớ trêu là trong khi các KTS và cả quan chức thuộc địa Pháp có ý thức xây dựng và bảo vệ cảnh quan khu vưc Hồ Hoàn Kiếm đặc biệt về quy mô và chiều cao của các công trình (không quá lớn, không quá cao) sát Hồ và khu vực phụ cận tận Nhà thờ lớn, Ngân hàng Đông Dương, Nhà hát lớn… để đảm bảo sự thoáng đạt, có không gian mở cho Hồ Hoàn Kiếm, thì một số KTS, quan chức lại làm điều ngược lại!

“Vấn nạn” quy hoạch đô thị Hà Nội

 Từ 1975 đến nay Hà Nội đã có rất nhiều dự án quy hoạch. Không ai biết Nhà nước đã phải chi bao nhiêu tỉ đồng cho nó, không ai thống kê xem thực tế Hà Nội đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm một dự án quy hoạch cụ thể nào đó? Nếu không, vì sao? Ai chịu trách nhiệm? Khi được hỏi, nhiều đại biểu quốc hội cũng chịu, nói gì đến người dân. Cứ vài năm, quan chức Hà Nội lại “hé mở” cho người dân xem một dự án quy hoạch mới, cứ như “bánh vẽ” vì chẳng bao giờ trở thành hiện thực, vì nó quá viển vông, không có cơ sở kinh tế – kỹ thuật cần thiết, nhưng luôn có tác dụng làm náo loạn thị trường nhà đất.
 

Có thể kết luận, trong bối cảnh đáng buồn về kiến trúc đô thị hiện nay của Hà Nội như đã nêu trên, Nghị định về quản lý kiến trúc đô thị số 29/2007/ND-CP do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký sẽ là công cụ hữu hiệu để lập lại kỷ cương trong công tác xây dựng quy hoạch, quản lý, xây dựng kiến trúc ở Hà Nội. Đặc biêt mới là điều 25:” Giám sát cộng đồng về kiến trúc đô thị” ghi rõ: “Cộng đồng hoặc cá nhân người dân có quyền giám sát các hoạt động của chính quyền đô thị, của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị; trong việc bảo quản, khai thác, sửa chữa, chỉnh trang các công trình kiến trúc và cảnh quan đô thị theo quy đinh của pháp luật hiện hành “…
Gần dây người Hà Nội đang nín thở theo dõi tin dự án quy hoạch tổng thể giao thông đô thị Hà Nội của JICA Nhật Bản nghe nói tốn tới 23 tỉ USD! Nhưng chắc chắn nó không phải dành cho mốc 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tương tự, dự án lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội của Hàn Quốc với vốn đầu tư khoảng 7 tỉ USD  gần đây đang gây xôn xao dư luận và hiện đang có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau của các nhà chuyên môn, từ kiến trúc, quy hoạch, khoa học xã hội, thủy lợi, địa chất, sử học… Theo tôi, đó là một tín hiệu tốt chứng tỏ mọi người hết sức quan tâm đến quy hoạch Thủ đô. Kiểu quy hoạch đô thị áp đặt một chiều từ cơ quan chuyên môn của nhà nước không có sự đồng thuận của người dân xem ra đã lỗi thời.
 ————–
Để có một cái nhìn tổng quan về kiến trúc đô thị của Thủ đô Hà Nội hiện tại, chúng ta điểm qua những cụm công trình kiến trúc tiêu biểu bắt đầu từ cửa ngõ hàng không Nội Bài.

Nhà ga hành khách hàng không Nội Bài
 Ấn tượng đầu tiên của khách đến Hà Nội bằng đường hàng không là nhà ga hàng không Nội Bài có mái tôn màu đỏ được khánh thành 2001 và đã từng được không ít người khen đẹp, hiện đại, thậm chí còn được cả giải thưởng của Hội Kiến Trúc Việt Nam! Nhưng chỉ 3 năm sau, tại lễ khởi công nhà ga hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã phải phát biểu: “Công trình nhà ga hành khách hàng không sân bay Nội Bài là một thất bại nặng nề, chúng ta không cho phép lặp lại một lần nữa…”.

Khu đô thị Ciputra (Nam Thăng Long)

Trên đường Nội Bài về Hà Nội, qua cầu Thăng Long, nằm sát bên tay trái là khu đô thị cao cấp Ciputra, dự kiến rộng tới 323 ha, do tập đoàn Ciputra Indonexia làm chủ đầu tư xây dựng với vô số nhà chia lô, nhà bán độc lập, biệt thự, chung cư cao tầng… Phản cảm nhất, cứ đập vào mắt khách ta, khách quốc tế, từ Tây ba lô cho đến tổng thống Nga, tổng thống Mỹ,  là cái cổng to “vật vã”, màu trắng, với một bầy ngựa đen đủi, gầy gò xấu xí, trông chẳng khác gì những con cào cào, châu chấu đang nhảy nhót bên trên.
Về cái cổng này, ta hãy nghe lời con trẻ. “Bố ơi, đây là vườn thú hả bố?”, con gái của một vị Đại sứ mới nhậm chức ở Việt Nam hỏi khi lần đầu tiên trông thấy nó. “Ông ơi, đây là rạp xiếc ạ?”, cháu tôi từ thành phố Hồ Chí Minh hỏi. Còn người lớn: “Ồ, Việt Nam cũng có Khải Hoàn Môn?”

Các khu đô thị Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính, Mỹ Đình…
Nhiều căn hộ của các chung cư cao tầng này rất bất hợp lý về công năng, không đáp ứng được nhu cầu ở ngày càng cao, đa dạng của khách hàng. Về cảnh quan, khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính tiêu biểu cho cái xấu với những khối bê tông khổng lồ xếp sát sạt nhau tưởng như không còn không khí để thở, đã phá vỡ không gian kiến trúc cả một vùng rộng lớn mà nó tọa lạc. Được hỏi vì sao các bạn có thể cho ra những sản phẩm quá kém như vậy, một số KTS thành thật tâm sự: “Thật ra chúng tôi muốn thiết kế nghiêm túc hơn, tốt hơn, nhưng áp lực thời gian phải nộp hồ sơ thiết kế cho các “ông chủ”, rồi thiết kế phí quá ít ỏi còn bị bên A cắt tới 40% – thậm chí 60% thì làm sao mà còn có được một bản thiết kế tử tế”.

Các khu tập thể thời bao cấp
Hà Nội là thành phố có nhiều nhà ở tập thể nhất Việt Nam. Điều đáng nói là thay vì xây bằng gạch, thứ vật liệu xây dựng truyền thống, huy động được đông đảo lực lượng lao động tại chỗ, rẻ hơn, thì người ta lại muốn xây nhà lắp ghép tầm lớn, hiện đại mặc dù thiếu quá  nhiều điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản để triển khai nó. Hà Nội đã có sáng kiến “độc nhất vô nhị” trên thế giới là xây dựng nhà ở tầm lớn Bê tông cốt thép (B.T.C.T) bằng phương pháp thủ công. Các cấu kiện B.T.C.T đáng lý phải được sản xuất trong nhà máy với quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt thì lại được sản xuất thủ công, cẩu thả… và còn nguy hiểm hơn khi các mối nối sắt thép khi lắp đặt không đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe về mặt kỹ thuật, bị nước mưa thấm xâm hại… Hiện Hà Nội có hơn 400 nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 206 nhà lắp ghép tấm lớn cần phải sớm có biện pháp xử lý ngay.

KTS Lý Trực Dũng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)