Kiến trúc và thơ

Ngắm một ngôi nhà đôi khi người ta thốt lên: “Ngôi nhà đẹp như một bài thơ!” Ngược lại, đọc một bài thơ có ai so sánh, chẳng hạn: “Bài thơ sang trọng như một biệt thự”?

Tôi không biết kiến trúc sư có tìm cảm hứng sáng tạo từ thơ ca khi thiết kế những ngôi nhà và những phần khác nhau trong và ngoài ngôi nhà. Tôi chỉ biết về phía mình và những đồng nghiệp làm thơ, chắc chắn kiến trúc là một nguồn cảm hứng.

Thí dụ: Trong thơ Thanh Nguyên, “mái nhà sàn rơm rạ thô sơ”, “khuất một góc phố /cánh mai lặng nở sau rào”, “Thương ánh đèn lay lắt gió đồng xa / mẹ và khói âm thầm hơ ấm bếp”, “ngàn giọt mưa tuôn / đêm ngày đập vào cánh cửa / nơi em chôn chân ngồi nhớ”, “Chiếc lọ nhỏ sáng ngôi nhà nhỏ / phiến gạch cổ sáng thềm phố cổ”, “Nơi này / xưa là nhà tôi / gian nhà cắm dùi bé tẹo”, “Nhà hẹp không rợp thềm hoa”, “Quán lá chông chênh trêu vực sâu”, “Lần từng bậc cấp lên Thiên Mụ / đón nắng rơi trên lá trúc mềm”, “Rộn ràng thành phố không đêm / giữ giùm ô cửa sáng đèn riêng ta.”

Hay trong thơ Chim Trắng, “Thường thì em nói với anh / về điều đó: / một căn nhà nho nhỏ / và khu vườn hoa quả”, “Cũng căn nhà ấy trên nền cũ / lá lợp mấy lần, mấy đổi thay”, “Xuân đến bên thềm rung bóng nắng”, “Vườn nhà trau trảu hót vui vui”, “Dư âm gợi một mái nhà”, “Tường vôi xanh màu lá chuối non”, “và những căn nhà không mang số”, “Dưới gốc me này – nhà mẹ”, “Nhà mẹ tôi nơi ấy”, “Con chẳng quên gì cả / giàn trầu lương trước ngõ / tiếng cau rụng sau hè”, “Căn nhà ấy bây giờ / Lẫn trong nghìn ô cửa mở”, “Đêm đậm đặc căn phòng / người đàn bà trắng thanh khiết”, “Và cứ thế chị đứng / Bên khoảng tường đầy sương”, “Khi ấy em ơi bức tường phía trước / vỡ toang”, “Vậy mà âm thanh đêm nay có tiếng chim vỗ cánh bay lên / có tia mắt chạm vòm me ngoài cửa sổ.”

Những “tường”, “nhà”, “quán”, “gian”, “mái”, “bếp”, “cánh cửa”, “cửa sổ”, “bậc cấp”, “thềm”, “rào”, “phiến gạch”, “góc phố”, “vườn ”, “ngõ”, “hè”, “nền”… trong ngành xây dựng là những chi tiết, bộ phận của một công trình kiến trúc, có thể thô sơ như nhà sàn rơm rạ, có thể lộng lẫy như đền đài dinh thự. Đối với một người bình thường, đó là những giới hạn cụ thể và qui ước mặc định về không gian cư trú. “Cửa sổ” là qui ước một không gian mở trên một bức tường, “tường” là giới hạn của một căn phòng, “phòng” là một phần của nhà, v.v. Nhưng trong thơ, thí dụ câu “Mẹ và khói âm thầm hơ ấm bếp” thì “bếp” trở thành một không gian trừu tượng không giới hạn, như ký ức tuổi thơ, như khát vọng no ấm, hay mộng mơ về hạnh phúc; là nơi ẩn trú an toàn để con người tìm đến, là tâm hồn hoang lạnh khao khát tình yêu, là thế giới vô thường trở nên có ý nghĩa trong cách “âm thầm” của mẹ. Tương tự, những “bức tường phía trước vỡ toang”, những “gian nhà cắm dùi bé tẹo” và những “thềm”, “ngõ”, “góc phố”, “phiến gạch”, “ô cửa”… trong những câu thơ, bài thơ nhắc đến ở trên, không được sử dụng để giới hạn không gian, mà để mở rộng thế giới tinh thần và giải phóng tâm hồn con người.

Kiến trúc sư là một nghệ sĩ, theo nghĩa làm công việc sáng tạo với kỷ năng điêu luyện để biểu đạt cảm nhận và suy tư của mình. Tác phẩm của họ, cũng như một bài thơ hay bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào dưới các hình thức khác, trước tiên và cuối cùng là khơi dậy cảm hứng của con người. Ấy là nói tác phẩm nghệ thuật chân chính. Thực tế có không ít tác phẩm kiến trúc tương tự như vô số bài thơ dở, lèng èng, xấu xí, sáo rỗng. Khác chăng ở chỗ một bài thơ không hay thì hoàn toàn vô hình (cũng gần như vô hại), không có chỗ trong tâm trí người ta, nhưng một tác phẩm kiến trúc xoàng vẫn có thể tồn tại ở một địa điểm nhứt định. Dù trong lãng quên hay ghê tởm của nhân quần, nó cứ đóng dấu ấn vào môi trường, và nếu “trơ gan cùng tuế nguyệt” vài ba trăm năm, nó có thể trở thành “di sản văn hóa”.

(Tôi tin rằng trăm năm nữa, người sau mà nghiên cứu về văn hóa của chúng ta bây giờ sẽ “đọc” được nhiều điều từ kiến trúc hiện nay hơn từ thơ ca đương đại. Với điều kiện những nhà lớn nhà nhỏ đủ kiểu ở đường cái đường hẻm của phố cổ phố mới còn “bền gan” ở nguyên vị cho đến lúc đó. Kiến trúc và thơ ca đều là nghệ thuật tự sự: kể câu chuyện về người sáng tác và thời của họ. Trong mấy chục năm lại đây, kiến trúc có được điều kiện sáng tạo tiên quyết mà thơ ca hiện nay không có được, ấy là tự do thể hiện, “phát triển và hội nhập”, cho dù có ý kiến phê bình này nọ, vẫn phản ánh gần đúng cái văn hóa của thời này).

Đọc một công trình kiến trúc, thí dụ chùa Bà ở Chợ Lớn, không phải là đọc chữ ghi trên tấm bia để biết năm tháng nào chùa được xây dựng và qua bao lần trùng tu nhờ công đức của ai. Cũng không phải đọc chữ khắc trên cột, viết trên liễn treo dưới nóc như một dạng khẩu hiệu tuyên ngôn. Càng không phải chữ trên những xấp giấy dán kín mấy bức tường ghi tên họ của người nào cúng dường hay cầu siêu cho người nào. Cũng như sách khảo cứu hoặc tư liệu trên internet về ngôi chùa, tất cả chữ trong chùa cũng chỉ là văn bản về kiến trúc đó. Đọc văn bản về một kiến trúc thì biết thông tin về kiến trúc đó. Làm sao đọc được tâm hồn và tư tưởng của vị kiến trúc sư?

Chữ là chất liệu của thơ ca chứ không phải ngôn ngữ của kiến trúc. Gạch, đá, gỗ, xi măng, sắt thép, kính, nhựa tổng hợp… là vật liệu xây dựng. Ngôn ngữ của kiến trúc là gì? Người bạn là kiến trúc sư có lẽ nghĩ rằng nói chuyện với nhà thơ phải lấy thí dụ từ chữ nghĩa. Anh bảo tôi hãy hình dung một khoảng không như một câu thơ, xác định không gian đó bằng một danh từ, hành lang, buồng tắm, bếp, phòng ngủ chẳng hạn. Chi tiết trong mỗi không gian là tính từ. Câu thơ có thể có động từ, trợ động từ, mạo từ, giới từ… Không gian cũng chuyển dịch, cô nén hay giản nở, liên hoàn, kết nối, cách biệt, khép kín, trải rộng, kéo dài, vo tròn, quay quắt, lãng đãng… ngăn chia và sắp đặt bằng hình thể đường nét… Nhưng cái gì làm cho một tập hợp chữ thành một câu thơ, và những câu chữ tập hợp thành bài thơ? Không phải ngữ pháp. Không gian là chất liệu của kiến trúc, nhưng chỉ sự ngăn chia hay sắp đặt không gian không đủ khiến một công trình kiến trúc trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

(Để kết thúc, tôi ngoéo vô đây nhà thơ Bùi Giáng. Nếu tôi không nói trước, bạn đọc có thể khịt mũi bảo cái này mà gọi là thơ à:

Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng

Thậm chí trẻ con cũng có thể viết những câu như vậy.

Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng

Thậm chí biết tác giả là Bùi Giáng người ta cũng nghi ngờ, thiên tài cũng đôi khi xuất khẩu thành câu vớ vẩn.

Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ

Những câu chữ trên nếu chỉ có chừng đó thì ai cũng viết được. Nhưng đây là Bùi Giáng.

Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe người khóc có ngờ chi không.

Người ta đôi khi phạt ngang chân nhà thơ, chỉ trích dẫn hai câu cuối. Như thể tách riêng ra khoảng không gian thân thiết độc đáo giữa nhà, vì những gian phòng chung quanh chẳng qua phòng ngủ, nhà bếp… nhà nào chẳng có. )

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)