Kỳ 1: Bậc hiền vương văn minh lỗi lạc

Những hành xử của Lê Thánh Tông cả trước và sau khi lên ngôi không những tỏ rõ “khí lượng thiên tử” mà còn cho thấy ông đã được đào tạo một cách bài bản như thế nào về quan niệm trị nước theo tiêu chuẩn của Nho giáo.

Lê Thánh Tông thuộc loại hình nhân vật lịch sử đáng chú ý. Có thể có nhiều cách phân loại khác nhau. Từ quan điểm hiện đại, nhiều người coi ông như một mẫu hình nhà văn hóa của Đại Việt hay nhà chính trị lỗi lạc, nhà thơ lớn của Đại Việt vào thế kỷ XV. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, nghiên cứu bất cứ một lĩnh vực nào thì người nghiên cứu nên tự đặt mình vào bối cảnh thời đại cũng như bối cảnh tri thức của thời đại đó, tộc người đó. Điều này sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn từ bên trong, tránh đi lối nhìn đã “hiện đại hóa” của đời sau. Chính vì vậy, bài viết xuất phát từ việc khảo về khái niệm văn hiến trong bối cảnh tri thức Nho gia Việt Nam cũng như “văn hiến Đại Việt” qua trường hợp Hoàng Đế Lê Thánh Tông, để ngõ hầu lý giải được phần nào những đóng góp lịch sử của vị hoàng đế này đối với lịch sử và dân tộc.

Với thức nhận như trên, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu về từ nguyên của khái niệm “văn hiến” trong bối cảnh tri thức của Nho gia1. Kết quả có thể tóm lược như sau. Về mặt tự nguyên, Văn có bốn nghĩa: văn tự, ngôn ngữ, văn thư, và văn chương2, cũng như trỏ những tư liệu nói chung có liên quan đến điển chương chế độ, hiến chỉ người hiền tài, chủ thể sáng tạo có học thức.

Có thể biểu diễn cấu trúc khái niệm văn hiến qua mô hình sau:   
 
 

Các quá trình hoạt động văn hóa xã hội trên (Sáng tạo văn tự, ghí tái ngôn ngữ; Dịch thuật; Mở mang giáo hóa; Thiết định pháp độ; Thiết định phong tục) đều có thể quy vào quá trình kiến tạo văn hiến và có thể coi như là những tiêu chuẩn để chúng tôi tiến hành khảo sát từng tiêu chí cụ thể qua trường hợp hoàng đế Lê Thánh Tông. Việc khảo sát này dựa trên những thư tịch cổ còn lại, cũng có khi có sự kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đây. Vì vậy, bài viết sẽ mang dáng dấp một bài tổng thuật, đôi chỗ có phát hiện mới cũng chỉ mang tính chất bổ sung.

Thân Nhân Trung trong Thánh Tông Chiêu lăng bi minh viết: “cập sinh, thiên tư nhật biểu, thần thái anh dị, càn kiện khôn thuận, chí tính thuần toàn, kỳ kỳ nhiên, ngực ngực nhiên, chân tác Hậu chi thông minh, biểu bang chi trí dũng” nghĩa là [vua sinh ra] tư trời rạng rỡ, thần thái anh dị, có cái cương kiện của quẻ càn, có cái nhu thuận của quẻ khôn, tính nết thuần toàn, chững chạc thay, vời vợi thay! Thực là [tư chất] thông minh của bậc Hoàng đế, thực là [khí tượng] trí dũng của kẻ biểu bang”3.

Khi Thái Tông mất, hai đại thần Lê Khả và Lê Xí phò Nhân Tông hoàng đế lên ngôi. Niên hiệu Thái Hòa năm thứ 3 (1445), ông được phong tước Bình Nguyên vương, phủ đóng ngay tại kinh đô, hàng ngày cùng các vị vương khác vào Kinh diên học tập. Như ta biết, Tư Thành là em út, cách ứng xử của Nho gia cũng đã nằm lòng. Giữ hiếu đễ với anh, cũng tức là tỏ lòng trung với nước. Mặt khác, những bài học lịch sử mà Nho giáo đã đưa ra trong kinh sử trước đây về mối quan hệ anh em trong hoàng tộc, khiến ông nhận thực rõ ràng hơn về vị thế của mình. Phương thức ứng xử “giữ phận”, “ẩn mình” có thể nói là cách tốt nhất để “hành đạo”. Cho nên, lúc ấy, quan giữ chức Kinh diên là Trần Phong, thấy ông “cử chỉ đoan chính, thông tuệ hơn người” cũng đã giật mình. Còn Tư Thành cũng đã ngay lập tức đọc được việc mình bị “đọc”, nên “càng dè dặt, không dám lộ vẻ anh hoa, mà chỉ lấy sách vở cổ kim và nghĩa lý thánh hiền làm thú, …suốt đêm không rời quyển sách; thiên tài cao cả mà việc chế tác lại rất lưu tâm, yêu việc thiện, mến người hiền luôn luôn không mỏi.” Đến khi loạn Nghi Dân nổ ra, ông vẫn thản nhiên không tham gia chính sự, bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến các đại thần thời bấy giờ như Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, …mới nhận ra rằng ông là “bậc minh tuệ, độ lượng trầm nhã, vượt trên nhân quần” nên mới đón rước ông về nối ngôi hoàng đế.

Có thể nói, những hành xử của Lê Thánh Tông cả trước và sau khi lên ngôi không những tỏ rõ “khí lượng thiên tử” mà còn cho thấy ông đã được đào tạo một cách bài bản như thế nào về quan niệm trị nước theo tiêu chuẩn của Nho giáo.

“Vua tư trời sao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay, … Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thánh thần, cái gì cũng tinh thông.” (Vũ Quỳnh 1453-1516, ĐVSKTT. T3. nxb KHXH. H.)

Qua lời trên của Vũ Quỳnh, có thể thấy, Lê Thánh Tông đã/ được trang bị cho mình mọi kiến thức cần thiết nhất để sau này ông đứng ở ngôi vị thiên tử. Hiếu đễ để thuận lòng người, hợp ý trời. Khi đã gặp thời, “phi long tại thiên” thì dùng “chư khoa bách nghệ” để ứng phó và xử lý mọi công việc. Dùng võ là để bình định thiên hạ, oai chấn tứ di, đánh dẹp các thế lực cát cứ ở trong và ngoài nước. Dùng văn để giáo hóa thiên hạ. Dùng đức để cải hóa nhân tâm. Dùng pháp để răn dè sai trái. Có thể nói, bản thân Lê Thánh Tông xét cả về tư chất cũng như đức độ, cũng như tầm tri thức là vị vua “kiểu mẫu” theo đúng kinh sách của Nho gia. Ở khía cạnh này, có thể coi nhân vật Nhà Nho- Hoàng đế là loại hình nhân vật đáng chú ý hơn cả để nghiên cứu về khía cạnh “hiến” trong khái niệm văn hiến. Bậc hiền vương Lê Thánh Tông là biểu hiện tiêu biểu nhất cho văn hiến Đại Việt vào thế kỷ XV. Bởi từ bối cảnh tri thức và bối cảnh thời đại, Hoàng đế vừa là sản phẩm của thời đại ấy lại vừa là nhân tố quan trọng nhất tạo tác nên thời đại đó.

Sở dĩ nói, Lê Thánh Tông là hiền vương bởi ông là một trong hai vị vua thực hiện một cách đầy đủ nhất những tiêu chuẩn của quan niệm Nho giáo chính thống. “Hiền” là một khái niệm của Nho, là một phức thể định hình cụ thể giữa hai yếu tố “tự tu” và “kinh tế”. Hiền là một danh từ trỏ chung cho những nhân vật ngưỡng mộ và thực hành đức trị theo những mô hình cổ đại thời Chu. Đời sau, người ta còn dùng các từ hiền nhân, hiền sĩ. Nhưng về cấp độ và vị thế chính trị thì hiền chia làm hai loại: 1. Hiền thần và 2. hiền vương. Trong đó hiền vương là người thực hiện một cách hoàn bị những bài học đạo đức (nội thánh) và chính trị (ngoại vương)4 theo nguyên lý và hình mẫu có sẵn. Không chỉ có vậy, khái niệm hiền của Nho gia còn được gia cố bởi nhiều tiêu chí khác, như chúng tôi đã thảo luận khi đề cập về Sĩ Nhiếp5.

Dù là với tiêu chí nào đi chăng nữa thì Lê Thánh Tông là một thực thể sống động cho những nguyên tắc hành xử và hoạt dộng xã hội của Nho gia. Điều ấy sẽ dần dần được đề cập đến như dưới đây.

* Viện Nghiên cứu Hán Nôm

1. Trần Trọng Dương. Từ nguyên của từ “văn hiến” qua bối cảnh tri thức Nho giáo Việt Nam- Trung Hoa. Hội thảo “Việt Nam và Trung Quốc – những quan hệ văn hoá, văn học trong lịch sử”. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp Hồ Chí Minh. 2011.

2. Xem thêm cách phân suất từ nguyên của Liam Kelley.2003. Vietnam as a ‘Domain of Manifest Civility’ (Văn hiến chi bang). Journal of Southest Asian Studies, Vol.34, No. 1, pp 63-76.

3. Biểu bang: đại diện tiêu biểu của đất nước. Một số bản dịch trước đây dịch thành “trí dũng đủ để giữ nước.”

4. “Nội thánh ngoại vương” là khái niệm của Nho gia. THÁNH là khái niệm trỏ phạm trù đạo đức; VƯƠNG là khái niệm trỏ phạm trù chính trị. Trong số bát điều mục cơ bản nhất của Nho gia, thì cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân là thuộc về NỘI THÁNH; tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là thuộc về NGOẠI VƯƠNG. NỘI THÁNH là cái gốc, cái căn cốt, cái cơ bản, cái tiền đề tiên quyết cho NGOẠI VƯƠNG. NỘI THÁNH là nội dung là phương pháp là cái quyền uy tối thượng cho nhân luân và chính trị. Bậc thánh nhân, chỉ cẩn tự mình hoàn thiện nhân cách bản thân cũng đã là đồng thời hoàn tất công việc NGOẠI VƯƠNG rồi. Đây là lý thuyết căn bản nhất cho khái niệm chính trị “vô vi nhi thiên hạ trị” của Nho gia. Câu thơ của Đỗ Pháp Thuận (915-990) vô vi cư điện các, xứ xứ tức đao binh là một ví dụ điển hình cho tư tưởng ĐỨC TRỊ của Nho gia. Tiếc rằng, giới nghiên cứu tư tưởng triết học trong nhiều năm qua, đã đem khái niệm bên ngoài “tề- trị- bình” coi là hạt nhân quan trọng nhất của Nho gia, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.

5. Trần Trọng Dương. 2011. bdd.

Kỳ 2: Thư tịch thời Lê Thánh Tông

 

Tác giả