Kỳ 1: Tư tưởng đế vương
Theo quy luật sáng tạo văn hóa, lại trên tinh thần tự chủ, chủ động xây dựng đất nước theo mô hình Trung Hoa, triều đình Việt Nam trong hơn một ngàn năm phong kiến quân chủ dù nhiều lần mô phỏng chế độ áo mũ, lễ nhạc, khoa cử của các triều đại Trung Quốc, vẫn luôn tạo nên những nét biến dị độc đáo, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt.
Chỉ sau một tuần phát hành, Ngàn năm áo mũ: Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-19451 của tác giả Trần Quang Đức đã được tái bản, quả là một hiện tượng nổi bật trong đời sống xuất bản thời gian gần đây. Được sự đồng ý của tác giả, Tia Sáng xin trích đăng chương Tổng quan của cuốn sách, trong đó nêu rõ những tư tưởng ảnh hưởng đến văn hóa trang phục cung đình Việt Nam. |
Việc vua nước Việt xưng đế, đồng nghĩa với việc ông vua Việt được hưởng mọi đặc quyền, nghi lễ dành cho thiên tử, không kém vua Trung Hoa. Thái độ của triều đình phương Bắc đối với việc lấn vượt, “không kiêng dè”6 của triều đình Đại Việt là nhiều khi đành phải khuất mắt trông coi như ghi nhận của quan nhà Tống, Trịnh Tủng: “Họ Lý từ sau Công Uẩn truyền đến thời Hạo Sảm ngày nay, thảy tám đời. Tên các đời là Nhật, là Càn, là Dương, là Thiên, là Long đều có ý lấn vượt bề trên. Triều đình coi nước ấy xa nơi góc bể, không thèm lần lữa so đo”7; cũng có khi lại quyết liệt với mưu đồ san bằng nước Việt, mà đỉnh điểm là cuộc xâm lược của nhà Minh trong những năm đầu thế kỷ XV. Việc “không tuân theo chính sóc của triều đình (lịch nhà Minh), tiếm vượt đổi quốc hiệu thành Đại Ngu, xưng láo tôn hiệu, đổi niên hiệu Nguyên Thánh”8, một trong hai mươi tội ác nhà Minh gán cho cha con họ Hồ, trên thực tế cũng chính là quán lệ của triều đình Đại Việt. Nhưng sau bao công sức đổ vào công cuộc giáo hóa hòng răn dạy An Nam phải ngoan ngoãn nghe lời, ý đồ của nhà Minh vẫn hoàn toàn sụp đổ, bởi với chiến thắng của Lê Lợi hai mươi năm sau, “đất cát lại là đất cát An Nam, nhân dân lại là nhân dân An Nam, phong tục áo mũ lại được đúng như xưa, nền nếp mối giềng lại được sáng như cũ”9, đặc biệt, theo Lý Văn Phượng, Lê Lợi đã “không nghĩ đến việc thành thật hối lỗi, bề ngoài thần phục, nhưng bên trong lại rắp tâm lấn vượt, tiếm hiệu, cải nguyên để đối chọi ngang hàng với Trung Quốc”.10
Chính vì vậy, cũng dễ hiểu khi vua chúa Việt Nam luôn muốn mình ngang hàng, thậm chí vượt trội so với các vị vua tài đức của Trung Hoa, mà không phải vua chúa của một quốc gia nào khác. Sự so sánh này khi là sự so bì về tài năng như Lý Chiêu Hoàng khen chồng, Trần Cảnh: “Văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được”11, hay sử thần Vũ Quỳnh khen vua Lê Thánh Tông: “Quy mô xếp đặt, công nghiệp trung hưng, có thể sánh vai với Thiếu Khang nhà Hạ, nối gót được Tuyên Vương nhà Chu, mà khinh hẳn Quang Vũ nhà Hán, Hiến Tông nhà Đường là hạng dưới vậy”12; khi là sự so sánh về đức độ như vua Trần Dụ Tông khen vua Trần Thái Tông: “Sáng nghiệp Việt – Đường, hai Thái Tông/ Kia xưng Trinh Quán, ta Nguyên Phong/ Kiến Thành bị giết An Sinh sống/Miếu hiệu như nhau, đức chẳng đồng”13; cũng có khi chỉ đơn giản là sự so sánh về dáng vẻ của đôi tai, con mắt như trường hợp Thượng thư Nguyễn Công Bật ca ngợi vua Lý Nhân Tông: “Mắt trong mà đen trắng rõ ràng, khác con mắt hai ngươi Thuấn đế; tai đẹp mà vành tai dài rộng, chê cái tai ba lỗ Hạ vương”14… Việc so bì tài năng đức độ với vua chúa Trung Hoa trên thực tế đã không còn là việc “lưu hành nội bộ” trong triều đình Đại Việt. Triều Tiên vương triều thực lục cho biết, vào ngày mồng 1 tháng 5 năm Triều Tiên Thái Tông thứ 7 (tức 1407), quan Nội sứ nhà Minh là Trịnh Thăng, hành nhân Phùng Cẩn, mang tờ chiếu bình định An Nam đến Triều Tiên. Tại cung Kyeongbok (Cảnh Phúc), sứ thần tuyên chiếu, sai Jeong Gu (Trịnh Củ) dùng tiếng địa phương, Jo Jeong (Tào Chính) dùng tiếng Hán đọc chiếu. Tờ chiếu có đoạn viết: “Tự cho là thánh triết hơn Tam hoàng, đức cao hơn Ngũ đế; coi Văn vương, Võ vương không đủ làm phép tắc, khinh Chu công, Khổng tử không đủ làm bậc thầy; hủy báng Mạnh Tử là đạo nho (nhà nho ăn trộm), Trình – Chu thạo cóp nhặt. Dối thánh dối trời, không ngôi không thứ. Tiếm quốc hiệu gọi là Đại Ngu, trộm kỷ nguyên gọi là Thiệu Thánh. Xưng là Lưỡng cung hoàng đế, dám dùng nghi lễ triều đình. Chẳng phải chỉ ngang tàng ở cõi xa, mà kỳ thực muốn chống chọi ngang hàng cùng Trung Quốc. ”15
Về mặt lễ nghi trang phục, bởi vậy, cũng không thể thua kém. Do có sự nhận đồng về điển chương, văn hiến của Trung Quốc, trong suốt một thời gian dài, cũng giống như Triều Tiên, triều đình phong kiến Việt Nam đã coi thể chế, văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo chính thống. Chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã mô phỏng chế độ của Trung Quốc để có được sự uy nghiêm, chuẩn mực tương tự. Tuy nhiên, theo quy luật sáng tạo văn hóa, lại trên tinh thần tự chủ, chủ động xây dựng đất nước theo mô hình Trung Hoa, triều đình Việt Nam trong hơn một ngàn năm phong kiến quân chủ dù nhiều lần mô phỏng chế độ áo mũ, lễ nhạc, khoa cử của các triều đại Trung Quốc, vẫn luôn tạo nên những nét biến dị độc đáo, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt.
Kỳ 2: Quan niệm Hoa di
—
1 Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành tháng 6/2013 ; 400 trang, in màu, giá bìa: 250 nghìn đồng.
2 Sự “làm loạn” này được không ít quan lại phương Bắc “đưa tin” về thiên triều như Thái thú Giao Chỉ, Hợp Phố thời Ngô là Tiết Tông (?-243) dâng sớ viết: “(Giao Chỉ) núi rừng hiểm trở, dễ làm loạn, khó trị” (An Nam chí lược. Tr.118; Thứ sử Giao Châu thời Tây Tấn là Đào Hoàng cũng viết: “Dân ở châu này thích gây họa loạn. (An Nam chí lược. Tr.121); đến tận thời Ngũ Đại, vua Nam Hán là Lưu Nghiễm vẫn phàn nàn với quần thần: “Dân Giao Chỉ ưa làm loạn”. (An Nam chí lược. Tr.279). [Các chú thích nguyên văn bằng tiếng Hán trong sách đã được lược bỏ với sự đồng ý của tác giả Trần Quang Đức].
3 (Việt) [Lịch triều hiến chương] Loại chí – Văn tịch chí – Tự.
4 Văn khắc Hán Nôm. Tập 1. Tr.64, 66.
5 (Trung) Việt kiệu thư – Tổng tự – Sử 162. Tr.666.
6 Từ dùng của Chử Nhân Hoạch, người thời Thanh. (Trung) Kiên hồ dư tập – Q.1 – An Nam thí lục. (Nước An Nam cách Trung Quốc mấy ngàn dặm, mang tiếng giữ gìn thanh giáo, nhưng kỳ thực tự làm hoàng đế một nước. Đặt niên hiệu, định quy chế đều không kiêng dè)
7 (Trung) Trịnh Khai Dương tạp trứ – Q.6 – An Nam kỷ lược. Tr.45.
8 (Trung) Minh thực lục – Thái Tông thực lục – Q.60 – Mục ngày Ất Mùi tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 4. Toàn thư chép niên hiệu thời Hồ Quý Ly là Thánh Nguyên.
9 (Việt) Lam Sơn thực lục – Phụ lục lời bình.
10 (Trung) Việt kiệu thư – Tự. Tr.664.
11 (Việt) [Đại Việt sử ký] Toàn thư. Những lời khen này vốn được viết bởi tay văn thần do Trần Thủ Độ sắp đặt.
12 (Việt) Toàn thư.
13 (Việt) Toàn thư.
14 (Việt) Thơ văn Lý Trần. Tập 1. Tr.392.
15 (Triều) Triều Tiên vương triều thực lục – Thái Tông thực lục. Mục ngày 1 tháng 5 năm Thái Tông tứ 7. Toàn thư chép niên hiệu thời Hồ Hán Thương là Thiệu Thành.