Kỳ 2: Thư tịch thời Lê Thánh Tông
Nằm trong hoạt động kiến tạo văn hiến, Lê Thánh Tông là một trong những vị vua có nhiều trước thuật có giá trị, ông đã sai Nho thần biên soạn nhiều bộ sách mang tính học thuật, có ý nghĩa thiết lập những giá trị mới có khuynh hướng Nho hóa về nhiều phương diện như lịch sử, chế độ, pháp luật, dân tục, ngôn ngữ, văn hóa, văn học...
Về các tập thơ chữ Hán, Lê Thánh Tông có các tập Minh Lương cẩm tú 明 良 錦 繡, Quỳnh Uyển cửu ca瓊 苑 九 歌, Chinh Tây kỷ hành 征西紀行, Cổ Tâm bách vịnh 古心百詠, Châu cơ thắng thưởng 珠璣勝賞, Văn minh cổ xúy 文明鼓吹, Anh hoa hiếu trị 英華孝治, Cổ kim cung từ thi tập 古今宮詞詩集, Xuân vân thi tập 春雲詩集. Trong đó, ba tập cuối hiện đã mất. Minh lương cẩm tú 明 良 錦 繡 gồm 18 bài, phần đa vịnh các cửa biển từ cửa Thần Phù đến Hải Vân quan. Đại Việt thông sử 大越通史 của Lê Quý Đôn ghi nhận, tập thơ do từ thần biên tập thơ ngự chế và các bài do bề tôi họa lại1. Quỳnh Uyển cửu ca 瓊 苑 九 歌 là tập thơ do vua tôi xướng họa nhân dịp hai năm liền được mùa theo chín chủ đề: 1. Phong niên (được mùa), 2. Quân đạo (đạo làm vua), 3. Thần tiết (tiết làm bề tôi), 4. Minh lương (vua sáng tôi hiền), 5. Anh hiền (các bậc anh tài hiền triết), 6. Kỳ khí (khí lạ), 7. Thảo tự (chữ Thảo), 8. Văn nhân, 9. Mai hoa. Tập thơ còn 1 bài tựa của Lê Thánh Tông và bài bạt của Đào Cử. Chinh tây kỷ hành 征西紀行 là tập thơ nhật ký theo lộ trình tiến đánh Chiêm Thành từ năm 1470 đến 1471, gồm ba mươi bài. Cổ tâm bách vịnh 古心百詠 là tập thơ “họa thơ vịnh sử của nhà Nho đời Minh là Tiên Tử Nghĩa. Các từ thần là Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận phụng bình. Thơ đều làm theo thể ngũ ngôn tuyệt cú.”2 Châu cơ thắng thưởng 珠璣勝賞 như tên của nó là những vần thơ châu ngọc được viết khi du ngoạn cảnh núi sông danh thắng của đất nước, như chùa Sài Sơn, núi Chiếu Bạch, động Long Quang,… gồm 20 bài. Văn minh cổ xúy 文明鼓吹 là tập thơ Lê Thánh Tông cùng các hoàng tử và triều thần viết3 nhân dịp về bái yết sơn lăng, viếng thăm lăng mộ hoàng tộc để tỏ lòng hiếu kính tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an. Xuân vân thi tập 春雲詩集 là một tuyển tập các tác phẩm thơ của Lê Thánh Tông, không biết có phải được tập hợp ngay khi tác giả còn sống hay không. Nhưng theo Phan Huy Chú khen thì tập thơ này “bài nào cũng có khí khái mạnh mẽ, lời ý bay bướm.”4 Ba tập thơ sau cùng đến nay đã không còn. Tuy nhiên, qua nhiều cổ thư khác như Đại Việt sử ký toàn thư, Toàn Việt thi lục, Thiên Nam dư hạ tập, Hoàng Việt thi tuyển,… thì Lê Thánh Tông còn khoảng 150 bài không thuộc các tập thơ trên. Số lượng tác phẩm thi văn của Lê Thánh Tông thực tế có thể còn nhiều hơn, nhưng còn lại đến nay chỉ có khoảng 350 bài5.
Văn chữ Hán Lê Thánh Tông còn để lại khá phong phú với khoảng hơn 40 sắc phong, chỉ dụ. Nhất là tập truyện Thánh Tông di thảo 聖宗遺草 với gần 20 truyện ngắn.
Ngoài thơ chữ Hán, Lê Thánh Tông còn có khá nhiều thơ Nôm, tập trung chủ yếu trong Hồng Đức quốc âm thi tập 洪 德國音詩集. Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính xác các bài thơ Nôm của ông. Nhưng bài văn Nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn 十戒孤魂國語文 có thể coi là bài văn biền ngẫu có giá trị bậc nhất của thế kỷ XV.
Các sách thời Hồng Đức
Là một mẫu điển hình nhất của người hành đạo nhập thế, Lê Thánh Tông hơn ai hết ý thức được việc phải biên soạn lịch sử với tư cách là những công cụ để nối liền đạo thống. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư có thể coi là một sản phẩm của Nho học thế kỷ XV. Bộ sách này do sử quan Ngô Sĩ Liên biên soạn theo chỉ dụ của Lê Thánh Tông năm 1479. Để biên soạn được bộ sử này, hoàng đế đã nhiều lần xuống chiếu sưu tầm tư liệu, sách vở và dã sử dân gian. Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn có chép về việc này như sau: “Hồi đầu Quang Thuận, hạ chiếu tìm tòi các dã sử, thu thập những truyện ký cổ kim còn chứa ở tư gia, hạ lệnh cho đem dâng lên tất cả. Khoảng năm Hồng Đức, nhà vua lại hạ chiếu cầu những sách còn sót, lại đem chứa cất ở bí các. Trong dịp này, có người đem dâng những sách lạ, sách bí truyền, đều được khen thưởng nhiều.”6 Có thể coi, đây là những hoạt động xây dựng kho tư liệu sử liệu dân tộc đầu tiên sau thời thuộc Minh. Từ kho sử liệu này, Ngô Sĩ Liên đã biên soạn nên cuốn sử ký của triều đại mình. Cụ thể là, ông đã dựa vào truyền thuyết và các dã sử để biên soạn phần Ngoại kỷ – đây cũng là lần đầu tiên lịch sử của Đại Việt được kéo dài thêm 2000 năm từ đời Hồng Bàng đến nhà Thục Triệu, đến nhà Ngô. Ở các phần Bản kỷ (10 quyển, từ nhà Đinh đến Lê Thái Tổ), Ngô Sĩ Liên dựa vào hai bộ chính sử có trước đó là Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên rồi tiếp tục bổ sung sử liệu mới, phê phán đúng sai, sửa sang chau chuốt lời văn cũng như thêm phần lời bàn. Bộ sách được viết theo thể thức biên niên, gồm 15 quyển. Đây là bộ sử quan phương còn lại đến nay, được coi là bộ sử có giá trị nhất, có quy mô hệ thống nhất theo quan điểm thời bấy giờ.
Thiên Nam dư hạ tập 天南餘暇集 là bộ sách lớn nhất do Lê Thánh Tông chủ biên sai các văn thần như Đỗ Nhuận 杜 潤, Nguyễn Trực 阮 直 biên soạn vào năm 1483. Sách được biên soạn theo loại sách hội yếu, thông điển, gồm 100 quyển ghi chép đầy đủ các chế độ, luật lệ, văn thư, điển lệ, các giấy tờ văn thư hành chính (như chiếu, dụ, cáo, sắc…). Hiện nay, bộ sách đã tàn khuyết gần hết, chỉ còn lại 10 tập chép tay viết về các mảng quan chế, điều luật, bản đồ, sớ văn; Thơ, văn, điển lệ, điều luật, chinh chiến, quan chức, thiên văn, địa lí, lịch sử… của nhà Lê, từ Lê Thánh Tông trở về trước. Cụ thể như sau: 1. Điều luật và Quan chế (A.334/1 – 10)7; 2. Bình thi văn (A.334/2); 3.Liệt truyện, Tạp thức (A.334/3); 4.Khảo sử (A.334/4)8; 5.Thi tập; Đối liên (A.334/5); 6.Phú tập (A.334/6); 7.Thi tiền tập; Chinh tây kỉ hành; Minh lương cẩm tú và Quỳnh uyển cửu ca (A.334/7 và VHv.1313/a); 8.Chinh Chiêm Thành sự vụ; Chinh Tây kỉ hành (A.334/8); 9.Điển lệ; Phú tập (A.334/9); 10.Thiên hạ bản đồ; Quan chế (A.334/10). Ngoài ra còn thấy chép cả một số tác phẩm của Lê Thánh Tông bài Lam Sơn lương thủy phú, bài văn tế Nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Theo đánh giá của Bùi Duy Tân: “Thiên Nam dư hạ tập là bộ tùng thư hội điển quy mô bậc nhất thời Trung đại. Sự xuất hiện của bộ sách thể hiện ý thức xây dựng điển chương chế độ cho một đất nước có văn hiến của Lê Thánh Tông và các văn thần thời Hồng Đức.”9
Ngoài ra, những năm thuộc niên hiệu Hồng Đức đời Lê Thánh Tông còn biên soạn và bàn hành hai bộ sách khác là Lê triều quan chế 黎 朝 官 制 (6 quyển, ghi Chế độ quan chức triều Lê, gồm quan tước, phẩm trật, thể lệ tuyển bổ, phong tặng, tập ấm v.v.) và Sĩ hoạn châm quy (đã mất?). Ba bộ sách về hệ thống luật pháp, điển chế trên có lẽ ít nhiều tiếp thu bộ Hình thư (6 quyển) do Nguyễn Trãi san định vào năm Đại Bảo triều Lê Thái Tông (1440-1442). Và cả bốn bộ này lại là cơ sở cho các sách hình luật được biên soạn các đời vua sau đó như Trị bình bảo phạm (1 quyển, 50 điều) đời vua Lê Tương Dực (1509-1516), Quốc triều điều luật (6 quyển) năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769), Khám tụng điều lệ (2 quyển) năm Cảnh Hưng thứ 38 (1777), Quốc triều thiện chính tập (7 quyển?), Thiện chính tục tập (8 quyển) chép chính lệnh từ sau đời Trung hưng đến năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759).
Tập bản đồ thời Hồng Đức còn lại có Hồng Đức bản đồ 洪 德 版 圖, An Nam quốc Trung đô tịnh tam thập thừa tuyên hình thế đồ thư 安南國中都並三十承宣形勢圖書, An Nam địa chí 安 南 地 輿 志, Thiên hạ bản đồ 天 下 本 圖, Toản tập Thiên Nam lộ đồ thư纂集天南路圖書 vẽ năm Hồng Đức 21 (1490),… gồm bản đồ toàn quốc, bản đồ Trung Đô (Thăng Long) và 13 bản đồ thuộc 13 thừa tuyên (Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang, Thuận Hóa, Quảng Nam), trong đó có ghi rõ 49 châu, 181 huyện, 53 phủ, các núi, sông, thành trì, đường sông, đường bộ, đường biển. Trong số 49 bản đồ, có 14 bản đồ đời Lê10, trong đó phần đa đều tiếp thu từ bản đồ được vẽ vào thời Hồng Đức. Nhóm thứ nhất gồm các bản đồ hình thế, dùng cho việc quản lý hành chính hoặc học tập, như Bản quốc dư đồ, Bắc Kỳ các tỉnh toàn đồ… Ở loại bản đồ này, người vẽ thường quan tâm đến các chi tiết như cương vực, ranh giới các tỉnh, phủ, huyện, sông, biển, núi, thành trì, nơi đô hội…
Cuốn Hồng Đức niên lệ thể thức 洪德 年 例 體 式 là sách ghi thể thức các loại giấy tờ trình báo, cung khai, khám nghiệm, chúc thư, văn khế… và một số điều luật về bộ và hình thời Hồng Đức. Cuốn Hồng Đức thiện chính 洪 德 善 政ghi 76 điều luật của đời Hồng Đức về ruộng đất, nông tang, hôn nhân, chia gia tài, chúc thư, văn tự v. v. Cuốn Quốc triều Hồng Đức niên gian thư cung thể thức 國 朝 洪 德 年 間 諸 供 體 式 ghi thể thức lấy cung, làm giấy tờ, khám nghiệm và các điều luật về hình, hộ dưới thời Hồng Đức (1470 – 1479) như: cách xử phạt việc đánh người bị thương tích, việc người bị đánh chết sau 18 ngày, việc tranh chấp ruộng đất, việc xử vợ chồng không có con…
Ngoài các thư tịch cổ nêu trên, triều Lê Thánh Tông cũng để lại số lượng lớn các di sản văn khắc, trong đó đáng kể đến các bia đề danh tiến sĩ tại Văn miếu tại Hà Nội, các văn bản thơ ma nhai, biển gỗ được in khắc ở nhiều nơi như Hòa Bình, Hải Dương, Lai Châu, Hà Tây, Quảng Ninh,… Các sắc phong cổ thời này cũng được ghi chép tản mát trong nhiều thần tích, thư tịch địa bạ, cổ chỉ, xã chí khác, và đến nay chưa có ai thực hiện việc sưu tầm thống kê toàn bộ.
—
1. Lê Quý Đôn. 1978. Đại Việt thông sử. Nxb KHXH. Hà Nội. tr.108.
2. Phan Huy Chú. 1961. Lịch triều hiến chương loại chí. Phần Văn tịch chí. (Đào Duy Anh hiệu đính). Nxb. Sử học. Hà Nội. tr.76.
3. Phan Huy Chú. 1961. sdd. tr.76.
4. Phan Huy Chú. 1961. sdd. tr.76.
5. Mai Xuân Hải. 2007. Lê Thánh Tông và thơ chữ Hán. trong “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm”. Nxb Giáo dục. H. tr.432.
6. Lê Quý Đôn. Sdd.
7. Các ký hiệu sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
8. Nguyễn Thanh Tùng trong bài “Về lai lịch tập II, III, IV của bộ Thiên Nam dư hạ tập (10 tập) hiện còn.” (Thông báo Hán Nôm học 2010, bản thảo sắp in) đã phát hiện ra rằng, các tập II, III, IV có khả năng là các ngụy thư do đời sau chép sách Tầu mà làm ra. Tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ được nghe báo cáo, chưa được đọc chính văn bải viết trên, nếu có gì sai sót xin tác giả bài viết và bạn đọc lượng thứ.
9. Bùi Duy Tân. 2007. bdd. sdd.tr.33.
10. Trần Nghĩa. 1990. Bản đồ cổ Việt Nam. Tạp chí Hán Nôm, số 02/ 1990.
Đọc thêm:
Kỳ 1: Bậc hiền vương văn minh lỗi lạc
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=4850&CategoryID=41