Kỳ 3: Quan niệm Hoa Di (tiếp theo và hết)

Xuất phát từ tư tưởng Hoa Di, quy chế trang phục trong cung đình Việt Nam phần lớn được tham khảo từ điển chương, chế độ của triều đình Trung Quốc, một trong những thước đo văn minh đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến bấy giờ.

Kể từ năm 939, Ngô Quyền sau khi xưng vương đã lần đầu tiên cho mô phỏng quy chế áo mão của nhà Đường thể hiện qua việc lấy màu sắc trang phục làm tiêu chí phân biệt phẩm trật của bá quan. Tiếp đến, thời Tiền Lê tới thời Lý đều lần lượt mô phỏng quy chế áo mão của nhà Tống, đánh dấu bởi các sự kiện áp dụng chế độ Triều phục năm 1006 và chế độ Công phục năm 1059. Riêng với triều đình nhà Hồ, từ sau cải cách thời Trần Thuận Tông năm 1396 mà thực chất do Hồ Quý Ly thao túng, triều phục của văn võ bá quan lại quay về mô phỏng theo chế độ trang phục của nhà Hán. Các triều Lê, Nguyễn về sau chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ trang phục của nhà Minh, bắt nguồn từ cải cách trang phục thời vua Lê Thái Tông năm 1437, được đẩy mạnh vào khoảng những năm 1471 thời vua Lê Thánh Tông, và hoàn bị vào năm 1500 thời vua Lê Hiến Tông. Tuy nhiên, đối với với trang phục của các triều đại Nguyên, Thanh, vua chúa nước Việt thường tỏ ra bài bác, khinh thị. Như với trang phục của nhà Nguyên, vua Trần Minh Tông từng nói rõ: “Ngôn ngữ (chỉ ngôn ngữ Hán quan phương) không khác nhau nhiều, nhưng áo mũ không thể giống nhau được.”35 Nguyễn Trãi nhận xét và khuyến cáo: “Người Ngô lâu ngày nhiễm thói tục của người Nguyên, tóc xõa, răng trắng, áo ngắn mà tay áo dài, mũ xiêm lòe loẹt, lớp lớp như lá vậy… không nên noi theo để làm loạn quốc tục.”36 Còn trang phục của triều đình Mãn Thanh, năm 1696, sử thần nhà Lê cho biết “người Thanh làm chủ Trung Quốc, gióc tóc, mặc áo ngắn, noi theo thói cũ Mãn Châu. Áo mũ lễ tục Tống Minh vì vậy mất sạch.”37 Bùi Văn Dị nhận định: “Triều Thanh hưởng thái bình lâu ngày […] riêng chế độ áo mũ không đổi. Tục Mãn suy cho cùng thiếu trang nhã […] Từ khi triều Thanh làm chủ Trung Quốc, bốn phương phải cạo tóc, đổi y phục. Hai trăm năm trở lại đây, tai mắt người ta đã quen cả […] không còn nhận ra kiểu dáng Hoa Hạ ngày xưa nữa. Sứ nước ta tới Yên Kinh, đội mặc phẩm phục, có kẻ nhận ra trộm ngưỡng mộ Hoa phong. Nhưng bọn không có trí tuệ, phần nhiều túm tụm cười đùa, thấy mũ Phốc Đầu, Võng cân, đai áo bèn chỉ trỏ cho là kiểu cách tuồng chèo. Tục rợ Hồ thay đổi con người ta đến mức phải ta thán như vậy đấy”38. Tác giả của Nam sử tư ký đầu thời Nguyễn cũng chép: “Thanh Thế tổ lên ngôi, đặt niên hiệu Thuận Trị, thống nhất thiên hạ, thay đổi y phục Trung Quốc… Nước Nam ta y phục vẫn như xưa. Sau này sứ nước ta đến Yên Kinh, phụ lão Trung Quốc thấy y phục của sứ ta đều rơi nước mắt.”39 Năm 1830, chính vua Minh Mệnh nói rõ: “Trẫm xem sách Hội điển của nước Thanh… áo mũ triều phục đều theo thói tục man di, không phải chế độ phục sức của cổ nhân, như thế lại càng sai trái, không thể làm khuôn phép.”40

Đối với trang phục dân gian, trong mắt sĩ phu người Việt, trang phục của người dân các nước phương Nam và các sắc dân thiểu số đều bị coi là quê kệch, thô lậu. Như Dương Văn An nhận xét vùng Tư Vinh (Huế): “Có người nói tiếng Huế, mặc váy Chàm, thói ấy rất quê và thô bỉ”, trong khi dân vùng Ô châu có cách ăn vận như Trung Hoa thì được coi là không có gì lạ thường41. Ngô Thì Nhậm từng có lời thơ thể hiện niềm tự hào là bậc kỳ lão đất Việt, vận áo mão chỉnh tề, thắt dây thao, đeo ngọc bội, rất văn minh, rất “Hoa”. Ông viết:

“Mở mang có trước sau,
Đâu riêng Trung Quốc có…
May sinh ở nước Nam,
Đường hoàng thân áo mão,
Chớ bảo ta chẳng Hoa,
Việt Thường có kỳ lão.”42

Đặc biệt, khác với các triều đại Lý – Trần coi Tam giáo đồng tôn mà trong đó đạo Phật có vị thế áp đảo, các triều đại Lê – Nguyễn về sau với các chính sách độc tôn Nho thuật đã có những cái nhìn khắt khe, khinh thị đối với phong tục của các sắc dân phương Nam. Tư tưởng Hoa Di lúc này trở nên tiêu cực, và là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy triều đình Lê, Nguyễn thực thi các chính sách đồng hóa văn hóa, “dụng Hạ biến Di”. Kể từ việc vua Lê Thánh Tông thảo phạt Bồn Man, Chiêm Thành được mô tả: “Bồn Man bướng nghe giáo hóa thì hạ lệnh cày xới gốc rễ của chúng, Sơn Man quấy rối vùng biên thì cất quân quét sạch sào huyệt của chúng… bắt dân chúng mặc áo xiêm của ta, khiến đất chúng thành quận huyện của ta”43; đến những sắc lệnh cải đổi thói tục của dân man theo thuần phong của người Việt diễn ra liên tiếp dưới thời vua Minh Mệnh, mà một trong những nội dung quan trọng chính là việc hướng người man đổi mặc quần áo của người Việt. Như năm 1829, vua Minh Mệnh xuống dụ ban tên họ cho các thủ lĩnh người man có đoạn viết: “Từ trước đến nay tục mọi noi nhau, chỉ theo thế thứ, chẳng biết ở họ nào mà ra. Ôi sửa đổi phong tục ắt phải dần dần, mà đấng vương giả dạy bảo nào có phân biệt. Lần này bọn thổ ty ấy đã theo về phong hóa, mặc xiêm áo của ta, nhưng nếu cứ để cho có tên mà không có họ, há phải là ý của trẫm coi mọi người như nhau? Nay gia ơn chuẩn cho Thổ tri châu châu Mường Vang tên Kiềm, cho họ là Lâm; thổ tri châu châu Na Bôn tên Xế cho họ là Thạch… rồi ghi theo họ mới ban cho, viết đổi lại sắc mệnh mỗi người một đạo, phát giao cho bọn ấy nhận lấy, đời đời tuân phụng, để phân rõ họ hàng, theo luân thường, đều đi đến đạo lớn, khiến ngày càng nhuốm gội Hoa phong.”44. Năm 1834 người Thủy Xá sai sứ đến cống, vua Minh Mệnh có lời dụ rằng:“Thánh nhân dùng Hạ biến Di, nên lấy lễ nghĩa dạy bảo, khiến dần dần đổi thành thói Hoa Hạ. Bèn thưởng cho sứ thần ấy cả bộ áo mũ trước kỳ hạn. Hôm trẫm ngự ở điện, đã chuẩn cho sứ thần ấy vào triều cống, tận mắt thấy bọn họ áo mũ chỉnh tề, quỳ lạy thung dung, đều hợp lễ tiết, trẫm rất lấy làm khen ngợi… Lại thưởng cho chánh sứ lấy họ là Lĩnh, vẫn dùng tên cũ là Duyên, phó sứ họ là Kiệu vẫn dùng tên cũ là Tài, ngõ hầu biết được họ tên, ngày một nhuốm gội Hoa phong…”45 Ông đồng thời còn nói:“Thánh nhân dùng Hạ biến Di, có thể đem lễ nghĩa ra dạy bảo thì loài có mai vảy cũng có thể thay đổi mà biết mặc xiêm áo.”46 Tháng 12 năm 1835, ông lại tiếp tục có lời dụ: “Đất man đã lệ thuộc bản đồ của ta từ lâu, dân man cũng là con đỏ của ta, phải nên bảo ban dìu dắt, để ngày một nhiễm theo Hán phong… Phàm những thứ cần dùng đều phải học tập Hán dân, chăm việc làm lụng. Đến như ngôn ngữ thì bảo họ dần dần tập nói Hán âm. Ăn uống và áo quần cũng dạy cho dần dần theo Hán tục. Ngoài ra, hễ có điều gì phải đổi bỏ thói hủ lậu mà làm cho giản tiện dễ dàng thì cũng tùy cơ chỉ bảo. Thông cảm họ dẫu là man mọi, nhưng cũng có lương tri và lương năng… Hun đúc thấm nhuần, dùng Hạ biến Di, đấy cũng là một đường lối thay đổi phong tục.”47

Như vậy có thể thấy, tư tưởng Đế vương và quan niệm Hoa di đã có những ảnh hưởng mang tính quyết định đến việc lựa chọn trang phục cũng như đến văn hóa cung đình Việt Nam. Sau khi văn hiến, phong tục Trung Hoa đã thâm nhập và hòa quyện với các yếu tố bản địa trở thành một phần của văn hóa bản địa, thì từ việc sử dụng ngôn ngữ Hán trong quan phương đến việc áp dụng lề lối, lễ nghi cổ điển của Trung Quốc vào cuộc sống cung đình, triều đình Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản đều không còn khái niệm “vay mượn” hay “bắt chước”. Đối với các quốc gia này, văn minh Trung Hoa đã sớm trở thành một sản phẩm chung, một kho dữ liệu mà họ có quyền sử dụng, và có quyền từ đó tạo cho mình một nền văn hiến, điển chương không thua kém Trung Quốc48.

35 (Việt) Thơ văn Lý Trần. Tập 2. Tr.740.

36 (Việt) Ức Trai di tập – Q.6 – Dư địa chí.

37 (Việt) Cương mục.

38 (Việt) Du hiên tùng bút.

39 (Việt) Nam sử tư ký – Lê Trung Hưng – Chân Tông Thuận hoàng đế. Người Hán (Hoa) tại Trung Quốc thời Thuận Trị rớt nước mắt khi nhìn thấy áo mũ của sứ thần Việt Nam là bởi trang phục của bá quan Việt Nam đương thời vẫn gìn giữ quy chế của nhà Minh. Chúng ta bắt gặp câu chuyện tương tự trong ghi chép của các sứ thần Triều Tiên cùng thời, như sứ thần Trịnh Thái Hòa (Jeong Tae Hwa) cho biết vào năm 1649 thời Thuận Trị, “Thượng Thư họ Tào, người Hán, mở tiệc, thấy đai mũ của tôi, liền dàn dụa nước mắt”; năm 1656 thời Thuận Trị, Lân Bình đại quân Lý Kháp trên đường tới Yên Kinh mô tả “người trên phố thấy y phục của sứ ta liền ngậm ngùi nhớ đến áo mũ triều Hán, đến nỗi có người rơi nước mắt, người ấy ắt là người Hán, thật đáng thương xót”, mồng 3 tháng 10, sau khi vào triều kiến vua Thuận Trị, ông cũng phát hiện “người Hoa thấy áo mũ nước Đông phương ta, không ai không rưng rưng nước mắt” (Tham khảo Cát Triệu Quang. Đại Minh y quan kim hà tại, đăng trong Sử học nguyệt san. Kỳ 10. 2005).

40 (Việt) Đại Nam thực lục – Q.70.

41 (Việt) Ô châu cận lục. Tr.252.

42 (Việt) Tuyển tập Ngô gia văn phái. Tập 1. Tr.614. Hoãn Nhĩ ngâm.

43 (Việt) Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi. Dẫn theo Các thể văn chữ Hán Việt Nam. Tr.305.

44 (Việt) Hội điển – Q.134 – Nhu viễn – Ban cấp sắc mệnh.

45 (Việt) Hội điển – Q.133 – Nhu viễn – Tứ dữ thuộc quốc.

46 (Việt) Đại Nam thực lục – Chính biên – Đệ nhị kỷ – Q.132. Tr.36 (A.2772/ 27).

47 (Việt) Đại Nam thực lục – Chính biên – Đệ nhị kỷ – Q.163. Tr.11 (A.2772/ 32).

48 (Việt) Toàn Việt thi lụcLệ ngôn.

Đọc thêm:

Kỳ 1: Tư tưởng Đế vương:
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=6512&CategoryID=41

Kỳ 2: Quan niệm Hoa Di
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=6513

Tác giả