Kỳ 4: Mở mang giáo hóa

Trong các khía cạnh của sự nghiệp kiến tạo văn hiến, thì việc mở mang giáo hóa được coi là kế sách rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Lê Thánh Tông là vị vua đã kiến tạo nên một mô hình khoa cử hoàn bị, khiến cho khoa cử thời đại của ông đi đến sự hưng thịnh nhất trong lịch sử.

Sự coi trọng khoa cử về bản chất là coi trọng người tài. Lê Thánh Tông là người nhận thức một cách sâu sắc về vị trí và vai trò của kẻ sĩ trong việc xây dựng thể chế theo mô hình Nho gia cũng như cho việc xây dựng một nền văn hiến của dân tộc. Tinh thần trọng học, chuộng tài ấy thể hiện một tầm nhìn chiến lược để Đại Việt phát triển về mọi mặt ở nhiều thế kỷ sau. Lê Thánh Tông đã sai Thân Nhân Trung sai soạn bài văn đề danh tiến sỹ của Khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) để khắc lên bia đá dựng tại Văn miếu Quốc tử giám. Bài văn đã nêu lên một tư tưởng phổ quát cho mọi thời đại: “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí, nguyên khí thịnh tắc quốc thế cường dĩ long, nguyên khí nỗi tắc quốc thế nhược dĩ ô. Thị dĩ thánh đế minh vương mạc bất dĩ dục tài thủ sĩ, bồi thực nguyên khí vi tiên vụ dã.” 賢材國家之元氣,元氣盛則國勢強以隆,元氣餒則國勢弱以污。是以聖帝明王莫不以育材取士培植元氣為先務也 (Hiền tài là nguyên khí của đất nước, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao, nguyên khí suy thì thì thế nước yếu mà xuống thấp. Do đó, các bậc thánh đế, minh vương không ai không lấy việc đào tạo nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc quan trọng đầu tiên.). Trạng nguyên Vũ Duệ trong bài văn sách cũng có ý kiến tương tự: “nhân tài không phát triển, không lấy gì để dùng, để giữ cương thường muôn thuở, khơi dẫn nguyên khí quốc gia”. Luận điểm trên đã nêu bật mối quan hệ tất yếu giữa người hiền tài với vận mệnh quốc gia trong tiến trình phát triển của đất nước.

Lê Thánh Tông thực sự đã thực hiện một cuộc cải cách triệt để về giáo dục và khoa cử Nho học. Thứ nhất là về giáo dục. Nếu như thời Lý Trần, giáo dục Nho học chỉ thu hẹp phạm vi tứ thư ngũ kinh, thì đến thời Lê Thánh Tông đã mở rộng thêm các sách khác như Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn tuyển, cương mục1… Ngoài ra, ông còn cho xây dựng các kho sách công ngay tại từng phủ. Triều đình cũng thực hiện chính sách cấp học bổng cũng như lương học cho các sĩ tử khi còn đang đi học. Mỗi tháng, thượng xá sinh2 được 10 quan, trung xá sinh được 9 quan, hạ xá sinh được 8 quan. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử khoa cử Nho học. Không những thế, các sĩ tử còn được học tập trong Nhà thái học (mà trước đó chỉ dành cho các hoàng tử). Kho Bí thư và các phòng ốc ăn ở cũng được xây dựng ngay trong khuôn viên để các sĩ tử tiện theo học. Không những thế, triều đình Lê Thánh Tông còn có chính sách bổ dụng các loại sĩ tử trên. Bộ Lại và học quan của Quốc Tử giám chiếu theo các chức còn khuyết mà bổ dụng theo từng cấp để khuyến khích nhân tài. Đây là vừa là chính sách khuyến học lại vừa là chính sách đào tạo nhân tài bằng cách “học nhi hành”. Sử dụng ngay trong quá trình đào tạo, và ngược lại đào tạo trong khi sử dụng. Lê Thánh Tông còn xuống Chiếu khuyến học3 và đích thân vi hành đến các học xá. Ông cũng cho đặt chức Ngũ kinh bác sĩ, mỗi người chuyên trị một kinh để dạy học trò.

Lê Thánh Tông định khoa chế thi cử một cách quy củ từ thi Hương đến thi Hội. Năm 1462, ông định ra lệ thi Hương, cứ ba năm một lần. Đây là một bộ máy tuyển chọn nhân tài từ cấp cơ sở, nhằm chọn ra những sĩ tử xuất sắc nhất từ các địa phương. Thi Hương gồm có bốn kỳ: kỳ thứ nhất thi tứ thư ngũ kinh (5 bài), kỳ thứ hai thi thể loại (chế, chiếu, biểu, tứ lục), kỳ thứ ba thi thơ phú (thơ Đường, phú cổ thể và Ly tao) và văn tuyển, kỳ thứ tư thi văn sách (hỏi về kinh, sử và những vấn đề thời sự về trị quốc)4. Người trúng ba kỳ thi Hương được gọi là sinh đồ, trúng cả bốn kỳ được gọi là hương cống5. Trong đó, chỉ có hương cống mới được tiếp tục vào thi Hội. Trong suốt 37 năm với 12 khoa thi dưới triều Lê Thánh Tông, có khoảng 7000 sĩ tử đỗ sinh đồ, hương cống. Đây có thể coi là lượng nhân tài đông đảo nhất trong lịch sử, gấp sáu đến bảy lần so với tổng số sĩ tử của ba triều Lý- Trần- Hồ cộng lại6.

Thi Hội đời Lê Thánh Tông cũng được chuẩn quy với bốn kỳ giống như thi Hương. Tuy nhiên, cấp độ cao hơn rất nhiều. Các quan giỏi nhất, có uy tín nhất, có nhân cách nhất, giữ những chức vụ trọng yếu nhất trong triều mới được làm khám khảo. Vua đích thân ngự ở điện Kính Thiên ra đề văn sách ở kỳ tứ để hỏi về trị đạo. Đây cũng là hiện tượng đầu tiên trong lịch sử khoa cử Nho học. Về mặt thể lệ, trước đó, hễ ai đã vào đến thi Hội thì sẽ trúng cách; nhưng đến thời Lê Thánh Tông vua thân hành khảo xét nếu thấy không thực tài vẫn có thể bị xóa tên. Điều này chứng tỏ, Lê Thánh Tông rất coi trọng thực học. Từ chương thi phú kinh nghĩa suông thì vẫn không đủ, quan trọng nhất của một nhân tài là việc áp dụng lý thuyết Nho giáo vào những vấn đề thời sự của quốc gia. Tiêu chí này phần nào phù hợp với khái niệm trí thức hiện nay: trí thức phải là người “dấn thân” cho đời sống xã hội. Về bản chất, cuộc sách vấn giữa vua và sĩ tử trong thời Lê Thánh Tông là “cuộc hiến kế sách”7 của những trí thức Nho học đối với những vấn đề thời sự nóng hổi của triều đình, đất nước, là một cuộc sát hạch trình độ tư duy, khả năng vận dụng học thuyết đức trị của Nho giáo vào việc giải quyết những vấn đề của thực tế xã hội. Có khi sách vấn còn là một cách để Lê Thánh Tông thử Nho sĩ về khả năng phản biện xã hội, nhất là phản biện…chính đương kim hoàng thượng. Các sĩ tử khi thực hiện đối sách có khi phải thẳng thắn bàn đến nghĩa vụ của của quân vương, hay hình mẫu của ông vua lý tưởng. Như trạng nguyên Vũ Kiệt thì hình mẫu lý tưởng ấy là vị vua biết “dùng người hiền, cầu can gián, yên muôn vật, thương muôn dân, sùng Nho thuật…”8, ông hy vọng: “bậc thánh nhân làm việc không theo sự sáng suốt của riêng mình mà hợp với sáng suốt của thiên hạ, không theo tiêu chí của riêng mình mà hợp chí của thiên hạ”. Hay như trạng nguyên Vũ Duệ trong bài đối sách đã viết: “ba điều Trí- Nhân- Dũng là cái đức thông suốt trong thiên hạ, ý nói bậc làm vua phải sáng tỏ điều đó để trị nước.”

Văn sách đình đối thời Lê Thánh Tông còn bàn đến nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực xã hội khác như: sửa đổi phong tục tập quán, chống tham quan ô lại, vấn đề chống thiên tai, vấn đề ngoại giao, ổn định dân cư, củng cố quốc phòng, kinh tế sản xuất… Ví dụ, khi bàn về binh phòng quân sự, Vũ Kiệt viết: “sự nhiệm mầu của cơ biến, cách thức của việc bày bố dàn trận cũng không ngoài nhân nghĩa… đạo trị nước lo dùng đức giáo hóa sau mới dùng võ công…thần mong bệ hạ nắm chắc điều tín tất có uy quyền để khích lệ tướng sĩ,…lại biết lấy lễ để cố kết nhân tâm, lấy ân phủ dụ để bền chí quân sĩ…” Hay khi bàn về việc kinh tế, trạng nguyên Vũ Dương viết: “việc làm giàu mà không có nhân nghĩa trung chính ấy cũng không thể làm dân no, nước đủ chi dùng.” Các biện pháp đưa ra đều rất cụ thể, nhưng tựu chung vấn đề cốt lõi nhất để thực hiện và giải quyết các vấn đề ấy đều dựa trên học thuyết đức trị của Nho gia. Một điều đáng chú ý nữa là những người đưa ra kế sách, sau khi cập đệ liền được đưa vào bộ máy chính trị để thực hiện, thi hành chính những kế sách mà mình đưa ra. Đó là một trong những điểm tích cực nhất của khoa cử và giáo dục đời Lê Thánh Tông. Với 502 tiến sĩ9 và 9 trạng nguyên chọn lọc được trong số mười tám nghìn (18000) sĩ tử đương thời. Trong thời gian 38 năm trị vì (so với 845 lịch sử khoa cử), tức thời gian chỉ bằng 1/22, mà thời Lê Thánh Tông đã lấy đỗ 502 / 2896 tiến sĩ, tức tỷ lệ bằng 1/6 tổng số tiến sĩ, và 9/45 trạng nguyên tức là tỷ lệ bằng 1/5 tổng số trạng nguyên trong lịch sử10. Những trí thức Nho sĩ này đã góp phần tạo nên một phong khí học thuật lớn nhất trong lịch sử, góp phần quan trọng vào việc chấn hưng đất nước, xây dựng một nền văn hiến của cả một thời đại, tạo đà để văn hóa Đại Việt tiếp tục phát triển trong nhiều thế kỷ sau này.


1. Lê Quý Đôn.1997. Kiến văn tiểu lục. Lê Quý Đôn toàn tập (tập 2). Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.97.

2. Thượng xá sinh là người ba lần trúng trường trong thi Hội. Trung xá sinh là người hai lần trúng trường. Hạ xá sinh – một lần.

3. Xem Mai Xuân Hải.1992. Bài văn khuyên chăm học của vua Lê Thánh tông. Tc Hán Nôm số 2/ 1992. tr.46.

4. Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 3. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1972. tr.182-183.

5. Hương cống, sinh đồ bắt đầu có từ đây.

6. Số liệu tiếp thu từ Mai Xuân Hải [2007. Khoa cử đời Lê Thánh Tông. trong “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm”. Nxb Giáo dục. Hà Nội. tr293]

7. Chữ dùng của Nguyễn Tuấn Thịnh [2007. Văn sách đình đối thời Lê Thánh Tông với một số vấn đề thiết yếu về trị nước an dân. trong “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm”. Nxb Giáo dục. Hà Nội. tr.303]

8. Các bài văn sách trích dẫn được dịch theo bản Lịch triều đình đối sách văn, ký hiệu: VHv.355/1-4-6, thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bản dịch theo Nguyễn Tuấn Thịnh, bdd.

9. Theo thống kê của Mai Xuân Hải là 497 tiến sĩ.

10. Bùi Duy Tân. 2007. Lê Thánh Tông- vị hoàng đế anh minh, nhà văn hóa lỗi lạc, một văn hào dân tộc. Trong “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm”. Nxb Giáo dục. Hà Nội. tr.31. Các số liệu thống kê của tác giả dựa vào những ghi chép trong Các nhà khoa bảng Việt Nam do Ngô Đức Thọ, Nguyễn Hữu Mùi biên soạn, Nxb. Văn hóa. Hà Nội.1993.

Con số 45 trạng nguyên là gồm cả Trại Trạng nguyên thời Trần các khoa thi năm 1256 và 1266. Và không kể Lê Quảng Chí (khoa 1478), chỉ mỗ ghi Phan Huy Chú ghi là Trạng nguyên còn các tài liệu khác đều ghi là Bảng nhãn. [chua theo Bùi Duy Tân. 2007. bdd. Chú (1) tr.31]

Đọc thêm:

* Kỳ 1: Bậc hiền vương văn minh lỗi lạc
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=4850&CategoryID=41

* Kỳ 2: Thư tịch thời Lê Thánh Tông
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=4851

Kỳ 3: Người củng cố ngôn ngữ văn tự và văn chương dân tộc
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=4853&CategoryID=41

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)