Kỳ cuối: Thiết định pháp độ và phong tục

Biểu hiện đóng góp nhất của Lê Thánh Tông đối với văn hiến Đại Việt chính là việc biên soạn bộ luật Hồng Đức, bộ luật kiện toàn và đồ sộ nhất ở thời điểm đó. Bên cạnh đó, Lê Thánh Tông cũng là vị hoàng đế đầu tiên đưa ra quy định về việc soạn thảo hương ước cho làng xã.

Thiết định pháp độ

Lễ nhạc vốn là một cặp đôi khái niệm trong học thuyết của Nho gia. Lễ là nghi lễ trong cúng tế (tế trời, tế xã tắc, tế tổ tông,…), nhạc là nhạc lễ tương ứng với các quy chế cụ thể về mặt âm luật, nội dung, tương ứng với từng lễ. Lễ là hình thức của đức nhân hay nói cách khác lễ là mặt điển chế hóa của một nền chính trị dùng đức. Nhạc là biểu hiện của sự trị bình xã hội, tức cái sở biểu của sự hòa bình thịnh trị. Sau, lễ nhạc dùng để trỏ chung cho luật lệ, pháp độ, thể chế chính trị, theo ngôn ngữ hiện nay là các định chế pháp lý. Chế lễ tác nhạc được coi như là hành vi kiến tạo văn hiến. Kiến tạo văn hiến có hai yêu cầu căn bản, đó là có đức và có ngôi vị (chính danh). Sách Lễ ký viết: “雖有其位茍無其徳不敢作禮樂焉雖有其徳苟無其位亦不敢作禮樂焉注言作禮樂者必聖人在天子之位”1 nghĩa là “tuy có ngôi vị mà không có đức thì không dám đặt lễ nhạc. Tuy có đức mà không có ngôi vị thì cũng không dám đặt lễ nhạc. Chú: người đặt lễ nhạc là bậc thánh nhân ở ngôi thiên tử vậy.” Cho nên, “về nguyên tắc, chỉ hoàng đế- thiên tử mới có quyền đặt định lễ nhạc, chế độ, triều nghi, quan duyệt phong tục, quyết đoán những vấn đề lãnh thổ, về quan hệ đối ngoại và phát động chiến tranh.”

Nếu quy chiếu từ quan điểm văn hiến của Nho giáo, thì Lê Thánh Tông là người gây dựng được truyền thống lập pháp, hành pháp và tư pháp một cách quy củ và bài bản trong lịch sử. Hệ thống lễ nhạc (luật pháp) của ông là một thực thể kết hợp giữa đức trị Nho gia và pháp trị của Pháp gia. Hoàng đế là người “thay trời hành đạo” thông qua việc thiết lập pháp độ, quy định hành vi của mọi thành phần cá thể, cũng như mọi loại hình nhân cách (nhân luân) trong xã hội, đặc biệt là với chính cá nhân mình. Năm 1464, khi cách chức Binh bộ Tả thị lang của Nguyễn Đình Mỹ do tội tham tang, Lê Thánh Tông có lời dụ cho bách quan như sau: “pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi phải tuân theo”3. Hoàng đế, trong chế độ quân chủ tập quyền, là người cao nhất trong hệ thống hành chính, nắm giữ quyền cất nhắc, bổ nhiệm, trừng phạt, bãi miễn các vị trí trong hệ thống của mình. Chỉ trong năm 1467, vua đích thân xử tội ba trăm hai mươi ba người, xử mười lăm quan lại phạm luật. Trong số ba mươi vụ quan là can phạm thì có bốn thượng thư hai đô đốc, có kẻ còn chịu mức tử hình4. Hoàng đế cũng là vị thẩm phán tối cao có quyền quyết định sau cùng về tất cả các vụ việc. Hoàng đế cũng là vị giáo chủ độc tôn, có quyền “tế trời, tế xã tắc.” Các thần thánh trong lãnh thổ đều chịu sự quản lý của bộ Lễ (bộ máy quản lý trực thuộc hoàng đế)5. Cơ quan “quản giám bách thần” này thay vua quyết định các việc phong thần, cấp sắc, phong trật, hay bãi truất dâm thần6.

Biểu hiện đóng góp nhất của Lê Thánh Tông đối với văn hiến Đại Việt chính là việc biên soạn bộ luật Hồng Đức. Đây là bộ luật kiện toàn và đồ sộ nhất ở thời điểm đó, đề cập đến nhiều góc cạnh liên quan đến chính thể (thiện vị, đăng quang, thụ phong, định chế lập Thái tử,…); tổ chức công quyền (thủ tục biện sự của các Bộ, Sở, Nha, Viện; định chế về chế độ đình nghị; các thể lệ bầu cử, cất nhắc, biếm trích, bãi miễn,…); chế tài liên quan đến thuế khóa, tài sản (quân điền, công điền, thuế đinh, thuế điền,…); vấn đề binh bị quốc phòng (thể lệ tuyển mộ, giải ngũ, tập trận, chinh phạt…);  các vấn đề xã hội (bảo trợ xã hội: cấp chẩn, cứu tế thiên tai, mất mùa, dịch bệnh…); các thể chế liên quan đến vấn đề giáo dục khoa cử (định chế thi cử, ứng thí; việc tổ chức hương thí, hội thí, đình thí,…); định chế tín ngưỡng và tôn giáo (nghi thức quốc tế: Nam giao, Xã tắc, Thế miếu, Thái miếu; thể lệ sắc phong bách thần, bãi bỏ tà thần,…); thiết chế tài sản (trộm cắp, biển thủ, phản quốc,…); thiết chế tư pháp- đạo đức (như hôn thú, hương hỏa, thừa kế, kết khế,…).

Bộ luật này tiếp thu một cách có chọn lọc những tư tưởng pháp lý của triều Minh7, và quan trọng nhất, Lê Thánh Tông đã có những thay đổi và bổ sung hợp lý với đặc điểm văn hóa, tâm lý dân tộc, đã “phản chiếu một cách trung thực tình trạng đặc biệt của nước ta vào khoảng các thế kỷ thứ XV, XVI, XVII.”8

Sự lan tỏa văn hiến (một biểu hiện khác của giáo hóa) thời Lê Thánh Tông còn biểu hiện ở việc chuyển di luật Hồng Đức đến thiết chế cộng đồng dân tộc Thái. Tộc người này đương thời đã có những tiếp thu khá triệt để bộ luật của triều đình để biên soạn ra bộ luật Thái Mai Châu bằng tiếng Thái cổ: “dưới Trần có năm mươi chỗ mường Kinh, năm mươi nơi mường Thái. Vì bảo ban không được, dạy dỗ không nghe, vua Hồng Đức mới ban luật ban lệ xuống các mường Kinh… Từ đó đến nay, từ khi vua Hồng Đức đã định ra lệ luật, nếu việc quan không biết xử thì cứ chiểu theo các điều trong luật, trong lệ này mà xét.”9 Bộ luật Thái Mai Châu có thể coi là một bước tiến mới trong việc thể chế hóa, Nho giáo hóa xã hội người Thái. Không những thế, khi áp dụng luật Hồng Đức vào một cộng đồng cư dân miền núi, thì luật pháp đã có những biến đổi cho phù hợp với văn hóa bản địa. Điều này khiến cho tính cố kết lãnh thổ về mặt phương diện quản lý hành chính được vững chắc hơn, khiến cho các dân tộc trong cùng một lãnh thổ quốc gia có chung một nền văn hiến phổ quát nhưng đồng thời cũng giữ được những nét dị biệt về văn hóa của từng dân tộc. Đây là một trong những bước tiến đột phá, đi trước thời đại, bởi trong suốt lịch sử từ xưa cho đến nay, đây vẫn là lần duy nhất song hành hai hệ thống luật vừa thống nhất và vừa khu biệt như vậy.

Hình thức văn chương mới ở dân tộc miền núi là văn chương luật pháp. “Về phương diện văn học, đây là một cống hiến lớn của Lê Thánh Tông hay của sự giao lưu văn hóa xuôi ngược đời Lê sơ.”10 Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có được một diện mạo về văn tự và ngôn ngữ của một tộc người sống trên lãnh thổ đại Việt. Văn tự, ngôn ngữ và văn chương tiếng Thái ở thế kỷ XV- XVI là kết quả của quá trình bản địa hóa các tri thức Nho học của trí thức Thái. Một hướng mới trong nghiên cứu được mở ra cho các ngành văn tự học cổ truyền các dân tộc Việt Nam. Thay thế cho lối tư duy lưỡng phân chữ Hán- chữ Nôm trong chính sách ngôn ngữ văn tự Đại Việt là thế tam phân Hán- Nôm – Sanscrit, hay tứ phân Hán- Nôm – Sanscrit- Thái, và thực tế có thể còn nhiều hơn nữa. Điều này hết sức có ý nghĩa đối ngành ngữ văn học cổ điển của một quốc gia có nhiều dân tộc mà trước nay (thế kỷ XXI) vẫn chỉ coi lịch sử văn hóa của người Kinh là lịch sử văn hóa của đất nước.

Thiết định phong tục

Trong số 714 đầu sách phong tục (hiện còn) ghi  chép về hương ước, phong tục của khoảng 3200 xã thôn của các tỉnh Bắc bộ11, không còn văn bản hương ước nào của thời  Hồng Đức. Tuy nhiên, trong kho văn khắc hiện còn văn bản duy nhất mang tên Trăn Tân từ lệ 溱 津 祠 例 của xã Phúc Thọ (Lương Tài, Bắc Ninh) niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487). Việc trên văn bia thế kỷ XV ghi các phẩm trật của thần đã khẳng định các triều vua từ triều Hồng Đức trở lên đã có chế độ sắc phong ban phẩm trật cho các vị thần. các làng xã thuộc hai huyện Thiện Tài và Gia Định mới đặt ra những qui định về lệ tế thần, những qui định này khá cụ thể và chi tiết12. Ta biết trước đó, còn có một cuốn tư ước13 của xã Tri Lễ (Kỳ Anh, Nghệ An) lập năm Bình Định thứ 3 (1420) đời Lê Thái Tổ. Bản này quy định cho toàn quan viên dân chúng trong xã phải biết sống theo lễ nước14. Có thể coi, đây là hai văn bản ghi chép về phong tục sớm nhất trong lịch sử.

Tục lệ xã Đam Khê (Ninh Bình) ghi: “muốn trị nước trước hết phải tề gia, còn trong thôn muốn yên lành phải giữ lấy tục lệ có từ thời Hồng Đức lưu truyền đến nay”15. Bài tựa trong hương ước làng Mộ Trạch (Hải Dương) ghi: “nhà nước giữ đạo trị bình ắt phải nêu rõ kỷ cương, xóm làng giữ tục thuần hậu cần phải làm rõ quy ước, theo khuôn mẫu một điều mà lập ra các điều.”16 Sách Đại Phùng tổng khoán ước 大馮總券約 (A.2875) soạn năm Chính Hòa 5 (1684) nhắc lại một số khoán ước có từ đời Hồng Đức 6 (1475)17.

Lê Thánh Tông là vị hoàng đế đầu tiên đưa ra quy định về việc soạn thảo hương ước cho làng xã. Năm Quang Thuận thứ năm (1464), ông xuống đạo dụ để thế chế hóa phong tục của các cấp địa phương. Trong đó, ông đề cao những thiết chế văn hóa Nho giáo vào đời sống dân tục, đó là những vấn đề của luân lý học để ước thúc các mối quan hệ xã hội, biến cái học “tề gia” trở thành một phương pháp “trị quốc, bình thiên hạ”, biến việc “tu thân” trở thành việc chính trị xã hội.

Những tư liệu trên cho thấy, hệ thống pháp luật thời Hồng Đức là điều kiện tiên quyết cho việc hình thành hương ước, và phong tục tập quán trong dân gian từ đời Lê sơ đến đời Lê Trung Hưng. Bởi lẽ, luật thời này chi tiết,  áp dụng khá nhiều và trực tiếp cho dân tục. Luật nhà nước là khuôn khổ cơ bản để trí thức làng xã dựa vào đó để lập ra hương ước riêng cho mình. Thực tế, hương ước là hệ thống luật tục được cộng đồng thống nhất trên cơ sở cho phép của pháp luật. Ở khía cạnh khác, các phong tục trong hương ước là những cụ thể hóa của hệ thống luật pháp của triều đình. Các văn bản hương ước cổ cho ta một hình dung khá cụ thể về nhiều khía cạnh văn hóa làng xã thời xưa như lễ khao vọng, tế tự, hội làng, lễ Phật, gia phong, các hội tư văn, làng nghề sản xuất… Có thể nói, bộ luật Hồng Đức đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa làng xã từ thế kỷ XV trở về sau. Diện mạo và bản sắc văn hóa làng Việt có được, ấy là nhờ công nghiệp lớn lao của nhiều thế hệ nhà Nho, trong đó đứng đầu và có ảnh hưởng nhất là Lê Thánh Tông, vị hoàng đế chế lễ tác nhạc- thiết định phong tục tập quán cổ truyền cho văn hiến Đại Việt18. Khảo sát những ảnh hưởng cụ thể của luật Hồng Đức đối với phong tục Đại Việt xưa và Việt Nam ngày nay còn là vấn đề bỏ ngỏ chờ những nghiên cứu chuyên sâu và quy mô hơn.

Kết luận: Hoàng đế Lê Thánh Tông, ở một tầm tư duy chiến lược lâu dài, đã chuẩn bị hành trang để toàn bộ xã hội văn hóa Đại Việt phát triển và lan tỏa với nhiều biên độ và tầng bậc khác nhau ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống trong ba bốn trăm năm sau đó. Giang sơn nhất thống, phiên thuộc trị bình, cương giới mở rộng rõ ràng, lịch sử nối dài chính thống. Các ngành khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, ngoại giao19, quân sự, pháp chế,…đều được chuẩn bị một cách bài bản với một tầm tri thức về triết học thực dụng của một nhà Nho hành đạo. Từ bối cảnh tri thức Nho giáo, Lê Thánh Tông là người có nhiều đóng góp nhất, cho việc xây dựng đất nước với các thao tác kiến tạo văn hiến như đã nói ở trên. Thế nhưng đến nay, việc sưu tầm, dịch thuật, công bố toàn bộ các tác phẩm triết học, văn học của Lê Thánh Tông còn bỏ ngỏ. Vì thế, nghiên cứu này không tránh khỏi những chủ quan do phiến diện về tư liệu gốc.

1.  禮記注疏, q.53

2. Trần Ngọc Vương. Văn học Việt Nam- dòng riêng giữa nguồn chung. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 1999. tr.58

3. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb KHXH. Hà Nội. 1985. Tập 2. tr.405.

4. Bùi Xuân Đính. 2007. Vua Lê Thánh Tông và Pháp luật. Trong “Lê Thánh Tông- về…”. Nxb.Giáo Dục. Hà Nội. tr.174.

5. Xem thêm Vũ Quốc Thông. 1973. Pháp chế sử Việt Nam.(Cử nhân luật khoa năm thứ nhất). Tủ sách Đại học Sài Gòn. tr.51-52.

6. Dâm thần (từ cổ): trỏ các thần không chính đáng theo quan điểm của Nho gia, chứ không phải là các thần…dâm.

7. “Tuy nhiên, nhà làm luật thời Hồng Đức cũng không chấp nhận toàn thể sự quy định phức tạp của luật nhà Minh, mà sau này luật nhà Thanh cũng như luật Gia Long chép lại nguyên văn. Trong sự quy định của Trung Quốc có tới bảy bản đồ, trong luật Hồng Đức, ta chỉ thấy có hai bản đồ” [xem Vũ Văn Mẫu. 1975. Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử. Q1. Sài gòn. tr.2. Chuyển dẫn theo Đoàn Văn Chúc. 2004. Văn hóa học. Nxb. Lao động. Hà Nội. tr.241.]

8. Vũ Quốc Thông. 1973. sdd. tr.21.

9. Xem Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên).1977.  Tư liệu lịch sử và xã hội dân tộc Thái. Nxb KHXH. Hà Nội. [chuyển dẫn theo Đặng Nghiêm Vạn.2007. Lê Thánh Tông và bộ luật Thái Mai Châu. Trong “Lê Thánh Tông- về…”. Nxb.Giáo Dục. Hà Nội. tr.176.

10. Đặng Nghiêm Vạn. 200. sdd. Tr.179.

11. Xem Trần Nghĩa (chủ biên). 2002.Di sản hán Nôm Việt Nam – thư mục đề yếu (Bổ di, quyển tục lệ). Nxb.KHXH. Hà Nội.

12. Phạm Thùy Vinh. 2004. Bia Trăn tân từ lệ và lệ tế thần dưới thời Hồng Đức. Tc Hán Nôm, số  2/2004, 33-37.

13. Tư ước: khoán ước mang tính luật tục của làng xã, phân biệt với pháp luật của triều đình ban hành (gọi là công ước).

14. Trần Thanh Tâm. 1963. Một số tài liệu bằng chữ viết vừa mới tìm được về mấy cuộc khởi nghĩa ở miền núi Nghệ Tĩnh. Tc Nc Lịch sử. số 5/1963. tr.58-61.

15. Chuyển dẫn theo Đinh Khắc Thuân (tuyển chọn, khảo cứu, hiệu đính). 2006. Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam. Nxb KHXH. Hà Nội. tr.18.

16. Chuyển dẫn theo Đinh Khắc Thuân. 2006. sdd. tr.19-20.

17. Shimao Minoru. 2002. Sử liệu có liên quan đến việc tái biên hương ước ở Bắc bộ Việt Nam thời Lê. (Nguyễn Thị Oanh dịch). Tc Hán Nôm, số 02/2002. tr.12-22.

18. Tuy nhiên, vấn đề phong tục Đại Việt thế kỷ XV ra sao, cụ thể có những nét gì đặc biệt, cấu trúc và sự vận động của các phong tục đó trong tương quan với pháp luật thời Hồng Đức cũng như tư tưởng Nho giáo ra sao theo chiều đồng- lịch đại, bài viết tạm chưa đề cập đến. Ở đây chỉ nêu vấn đề để tương lai tiếp tục nghiên cứu.

19. Xem thêm Tạ Ngọc Liễn. 2007. Lê Thánh Tông trong chính sách đối ngoại và bảo vệ lãnh thổ Đại Việt. Theo “Hoàng đế Lê Thánh Tông- nhà chính trị tài năng…”.sdd. tr.152-162

Đọc thêm:

* Kỳ 1: Bậc hiền vương văn minh lỗi lạc
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=4850&CategoryID=41

* Kỳ 2: Thư tịch thời Lê Thánh Tông
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=4851

* Kỳ 3: Người củng cố ngôn ngữ văn tự và văn chương dân tộc
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=4853&CategoryID=41

* Kỳ 4: Mở mang giáo hóa
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=4862

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)