Kỷ niệm Thủ đô nghìn năm tuổi phải khác…

Chỉ còn hơn ba năm nữa là đến ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (TL-HN). Có rất nhiều công trình được đầu tư lớn cho dịp này đang được gấp rút thực hiện. Thế nhưng, với GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, hầu hết những hoạt động ấy không đúng tính chất của một lễ kỷ niệm 1.000 năm một đô thị như thủ đô Hà Nội. Ông ưu tư:

Tôi rất lo ngại vì đây là lần đầu tiên và cũng chẳng bao giờ nữa, kỷ niệm 1.000 năm, chẵn hơn tất cả những năm chẵn khác. Một sự nghiệp trọng đại, lớn lao và không bao giờ lặp lại như thế, việc chuẩn bị nói nhiều nhưng kết quả không là mấy.
  

 
Toàn cảnh đền Ngọc Sơn khi đình Trần Ba bị sụp đổ 1946-1947 (Hà Nội)- ảnh Nguyễn Duy Kiên

Thực ra người ta bắt đầu nói chuyện kỷ niệm như thế từ 10 năm nay rồi, nhưng cách thức, cách nhìn nhận, quan niệm về kỷ niệm ngay từ đầu có vẻ như chưa chuẩn. Chúng ta kỷ niệm nghìn năm TL-HN mà cứ như kỷ niệm một sự kiện lịch sử, hay một năm chẵn nào đó về ngày sinh, ngày mất của danh nhân, như mấy trăm năm ngày sinh Nguyễn Trãi, ngày mất Nguyễn Du vậy… Kỷ niệm một đô thị thì phải khác chứ. 
    Thưa ông, nằm trong sự kiện nghìn năm, lần đầu tiên Hà Nội trở thành đối tượng được tổ chức nghiên cứu bài bản và hệ thống, có nhiều di tích lịch sử được đầu tư trùng tu, tôn tạo đấy chứ?
    Tôi cho rằng nghiên cứu lịch sử TL-HN là công việc phải làm thường xuyên và thực tế chúng ta đã làm. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm có thể tăng cường, tổ chức hệ thống hơn nữa, chứ không phải chỉ bằng việc lập ra đề tài cấp Nhà nước, dành nhiều tỷ để phân chia thành cụm đề tài này kia, rồi đi nghiên cứu trong vài ba năm. Việc đó cũng được, nhưng chưa phải trọng tâm, trọng điểm, là phần nổi của kỷ niệm nghìn năm. Nếu được đề xuất, tôi thấy cần thiết thành lập một trung tâm lưu trữ toàn bộ tri thức về HN từ trước đến nay, bởi vì HN đáng được như thế! Hiện nay thì tài liệu về HN tản mạn ở khắp nơi, trong đó có cả ở nước ngoài.
  

 
Khu bia Tiến sĩ (Văn Miếu- Hà Nội- 1950)- ảnh Nguyễn Duy Kiên

Về hoạt động trùng tu tôn tạo di tích, nhìn chung là tốt nhưng phần lớn những công trình bảo tồn trùng tu ở đây đều rất muộn. Thực ra mảng kiến trúc về tôn giáo, tín ngưỡng đóng vai trò không lớn lắm trong lịch sử vật chất, lịch sử văn hóa, văn hiến HN. Những cái đình, chùa… chỉ là những thành phần cấu thành di sản văn hóa vật chất của HN. Trong lúc đó những mảng di sản văn hóa, di sản đô thị có giá trị rất lớn trong việc nối tiếp lịch sử văn hóa vật chất TL-HN lại để trong tình trạng dang dở. Công cuộc bảo tồn khu vực phố cổ 36 phố phường của HN thì gần như bế tắc, trong khi chính nó lại là một chứng nhân đích thực nhất về hình ảnh phố thị Việt – phố thị Thăng Long, văn hóa ăn ở, ứng xử truyền thống. Một thành phần quan trọng khác góp phần quyết định trong việc hình thành diện mạo đặc trưng và gần như quyết định trong việc tạo ra thương hiệu cho cảnh quan đặc trưng là khu phố thời thuộc địa tại HN thì lại để trong tình trạng đang bị tan vỡ do rất nhiều nhà cao tầng to lớn, hiện đại. Đặc biệt là những phát hiện khảo cổ học gần đây nhất như hoàng thành Thăng Long, không đưa ra được giải pháp khả thi trong việc duy trì lâu dài và nhất là công chúng hóa nó. Lâu nay chúng ta phần lớn dựa vào những sử sách, truyền thuyết, dựa vào những địa danh còn lưu lại. Ở đây lần đầu tiên lịch sử TL-HN được vật chất hóa bằng cứ liệu lịch sử đích thực, quý vô cùng. Cho nên chính kỷ niệm 1.000 năm TL-HN lại là dịp ưu tiên bảo tồn, giới thiệu khu di tích di chỉ khảo cổ học này. Chỉ hơn ba năm nữa thôi không biết nó sẽ được giới thiệu như thế nào đây, hay vẫn tiếp tục bọc tôn che kín, không ai nhìn thấy được?
    Nhiều tượng đài, công trình lớn biểu tượng thời đại ngày nay cũng được đầu tư xây dựng, thưa ông?
    Tôi nghĩ chương trình xây dựng tượng đài này lại không gắn chặt lắm với 1.000 năm TL-HN. Chẳng hạn, chọn việc xây dựng tượng Thánh Gióng cao mấy chục mét trên núi, trong khi bên dưới đã có đền thờ Phù Đổng Thiên Vương… Hoặc làm thêm tượng “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, nó không làm phong phú nhiều hơn nội dung tư tưởng, lịch sử sáng chói của nghìn năm TL-HN. Làm vậy rất tốn công tốn của, trong khi nhiều việc khác cần thiết hơn trong việc tôn vinh lịch sử nghìn năm lại không làm. Việc xây dựng cửa ô quy mô lớn ở phía nam TP Hà Nội chẳng hạn, chưa chắc đã đúng hoàn toàn trong dịp nghìn năm. Không ai lại đi làm vội vã như chúng ta trong vài ba năm với kinh nghiệm không nhiều về nghệ thuật hoành tráng gồm hàng chục công trình như thế, mà hiện nay có vẻ như không đẩy mạnh được.
    Cũng đã có những hoạt động thuần tuý văn hóa được hoạch định đầu tư lớn?
  

 
Cổng Chùa Láng (Hà Nội) ảnh Nguyễn Duy Kiên

Những việc như làm phim mấy chục tập về lịch sử TL-HN, cuộc thi kịch bản về thời Lý, những nghi lễ nọ kia… tôi nghĩ nó vẫn nằm trong khuôn khổ kiểu kỷ niệm một sự kiện lịch sử, năm chẵn của danh nhân. Trong lúc đó theo tôi hiểu kỷ niệm nghìn năm TL-HN quan trọng nhất, bên cạnh những hoạt động vĩnh cửu hoá tôn vinh sự ra đời, lịch sử hào hùng, là những hoạt động khác tạo ra dấu ấn của thời đại hiện nay cho con cháu, cụ thể việc phát triển đô thị chẳng hạn. Đấy chính là đặc thù của dịp kỷ niệm tuổi thọ của một đô thị. Bằng những công trình mà chúng ta tạo dựng ra ngày hôm nay mới chính là tượng đài cho cả dĩ vãng nghìn năm, và cho cả thời của chúng ta dành cho con cháu. Khi Hà Nội kỷ niệm các năm chẵn khác, con cháu sẽ xét thời nghìn năm các cụ làm gì, có để lại gì không…
    Theo ông cần phải làm gì cho Hà Nội nghìn năm?
    Tôi đề nghị nên biến khu thành cổ Hà Nội thành một khu di tích – bảo tàng – công viên văn hóa TL-HN, trong đó một mặt phải giữ gìn một số vết tích kiến trúc của thời Lê, Nguyễn, thời chống Mỹ, loại bỏ đi những công trình ô tạp, mặt khác phải tìm cách trưng bày một số hiện vật khảo cổ học phát lộ, tận dụng các công trình trên mặt đất ít nhiều còn giá trị để tổ chức trưng bày Hà Nội thời kỳ chuyển tiếp chờ lúc nào xây xong bảo tàng mới. Ở đây tuyệt đối không đặt vấn đề xây dựng Điện Kính Thiên theo ảnh chụp của người Âu châu bởi đó không phải là điện Kính Thiên mà là hành cung của nhà Nguyễn. Chỉ cần bảo tồn thềm rồng thời hậu Lê, cùng di tích Bộ Tổng chỉ huy thời chống Mỹ cứu nước. Dự án đó hoàn toàn khả thi.
 Lúc này không thể đặt vấn đề bảo tồn tôn tạo khu 36 phố phường mà phải đặt vấn đề duy trì bền vững trong sự phát triển di sản đô thị. Đó là phải kết hợp nhuần nhị bảo tồn những giá trị đích thực bên cạnh cải tạo và phát triển. Điều này sẽ tạo ra một lối thoát cho sự bế tắc của khu 36 phố phường hiện nay, để vừa giữ được tinh hoa, giá trị đồng thời còn là bộ phận của một đô thị phát triển chứ không phải trở thành nghịch thể. Một số phố trọng điểm cần phải có biện pháp chỉnh trang khôi phục để nó khẳng định thương hiệu của phố như phố Thuốc Bắc bán thuốc bắc, hàng mã, hàng thiếc… như thế là được rồi. Tôi cũng đề nghị chỉnh trang một vài khu phố của người Pháp như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… Như vậy cần có cuộc tổng chỉnh trang, tổng nâng cấp diện mạo khu trung tâm Thủ đô.
    TP HN cần phải mở một đại lộ tiêu biểu của thủ đô cũng như tiêu biểu của cả nước từ sân bay dẫn lên thành phố và đặt tên cho nó là đại lộ Nghìn Năm Thăng Long-Hà Nội. Những đường như Cầu Giấy, Nguyễn Văn Cừ ban đầu mở ra với ý định như thế nhưng bây giờ trở thành thành phố bình thường rồi. Không có thủ đô nào mà không có một đại lộ như HN cả. Cần phải bắt đầu thực hiện nó đi. HN đang trở thành thành phố phần nào đó thiểu năng bởi vì ra vào rất khó. Thủ đô cần phải có phố bộ mặt, phố tự hào và phố tự trọng…
    Tôi đề xuất nếu không kịp thể hiện cơ bản hình ảnh quy hoạch HN mới được thực thi trên thực tế – điều đó không thể có được, thì hãy bỏ tiền làm một sa bàn lớn như nhiều nước đã làm, để giới thiệu một mô hình HN tương lai, thể hiện tầm tư duy của đầu TK 21, làm cho người ta lạc quan tin tưởng.
    Cuối cùng tôi đề nghị tiêu chí phấn đấu của HN nó phải là đô thị thủ đô, văn minh thủ đô. Về chính trị đã rõ, nhưng nó phải là thủ đô về văn minh đô thị, phải mẫu mực, làm tiêu chuẩn cho cả nước, trong ăn ở, đi lại, nói năng, dịch vụ cửa hàng khách sạn… Xin nói lại, hoạt động kỷ niệm nghìn năm không phải là bảo tồn bảo tàng, không phải là kỷ niệm một danh nhân hay sự kiện lịch sử đơn thuần mà kỷ niệm tuổi đời chẵn nhất của một đô thị thủ đô.
    Xin cảm ơn ông!

THÁI LỘC thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)