Lại một người bạn nữa của tôi cầm xe để làm phim!
Đôi khi chính tôi cũng không hiểu tại sao những người làm phim trẻ như chúng tôi phải chuốc lấy những khoản nợ nần và áp lực chỉ để có đủ tiền làm phim như ý mình muốn. Đã có nhiều người hỏi tôi rằng “làm phim (ngắn) để làm gì?”, tôi cũng chỉ biết cúi đầu lắc lắc vì làm sao diễn đạt được điều thầm kín nội tâm mà có lẽ đến chính bản thân mỗi người làm phim cũng chỉ mang máng chạm vào được.
Xoay đi xoay lại, vấn đề lớn nhất đối với sinh viên điện ảnh (đặc biệt là sinh viên đạo diễn) là làm sao có đủ tiền để làm phim (nhất là phim tốt nghiệp). Những ý tưởng cứ trương phồng lên như một thực thể tham ăn. Và những bạn bè làm phim cảm thấy việc trầy da tróc vẩy cố gắng hiện thực ý tưởng vừa là trách nhiệm đạo đức thiêng liêng và vừa là một khoái cảm bệnh hoạn. Bốn năm đã trôi qua từ lúc tôi làm phim đầu tiên, hoàn cảnh cuộc sống đã thay đổi nhanh chóng. Công nghệ đã nằm trong tay của những người làm phim trẻ. Các thiết bị làm phim đã phong phú và dễ tiếp cận hơn. Bây giờ cái cảnh phải làm đơn mượn thiết bị từ nhà trường, rồi chầu chực ở kho thiết bị để lấy một cái máy quay chất lượng đủ quay đám cưới, đám ma có lẽ đã trở nên hiếm hoi.
Sự kết nối trong cộng đồng đã mạnh mẽ và đơn giản hơn rất nhiều. Giờ đây, không cần phải quen biết hay gặp nhau ngoài đời, mỗi người đều biết người khác đang làm phim gì, như thế nào…Và vì vậy, người ta đã thấy bớt đơn độc hơn một chút. Có một ý vui thế này: giờ đây ai làm phim thì cũng sẽ đều được gọi là ‘người làm phim độc lập’. Thoạt đầu, nghe danh xưng này thấy cũng đáng tự hào đấy chứ, nhưng dần dần chính “nỗi ám ảnh độc lập” sẽ trở thành một vòng vây làm mỗi người khó xử. Khi nghĩ đến phim độc lập, thường sẽ có hai hình dung chung: phim được làm với kinh phí thấp và phim chứa đựng nhiều yếu tố thể nghiệm.
Nhưng kinh phí như thế nào để gọi là thấp? Với điện ảnh Mỹ, 4 triệu USD cho Boyhood (đạo diễn Richard Linklater, sản xuất trong 12 năm, từ 2002-2014) vẫn được xem là thấp và phim vẫn được phân loại vào dòng phim độc lập. Với điện ảnh Việt Nam, Phan Đăng Di đã từng nghĩ đến con số một triệu USD cho phim thứ hai của anh, nhưng rồi anh đã phải thay đổi một số yếu tố để giảm bớt kinh phí. Với Thái Lan, năm 2012, Nawapol Thamrongrattanarit thắng giải New Current tại LHP Busan cho phim ‘36’, bộ phim có kinh phí sản xuất tầm 20.000 USD; năm 2013, anh làm phim dài thứ hai Mary is happy, Mary is happy (nằm trong chương trình Biennale College Cinema của LHP Venice nhằm hỗ trợ phát triển những phim có kinh phí dưới 150.000 USD). Vậy là Nawapol đã đi từ 20.000 đến 150.000 USD, và ai dám chắc sau này sẽ không phải là 1.500.000 USD hay hơn nữa? Để đánh giá một phim là độc lập hay không khi dựa vào kinh phí sản xuất thì có phần hơi võ đoán.
Vậy còn nét đặc tính thứ hai về “phim độc lập”: sự thể nghiệm? Cũng như chính khái niệm “độc lập”, khái niệm “thể nghiệm” luôn ẩn chứa tính hai mặt và sự hàm hồ khi cắt nghĩa. Từ những năm 1960, điện ảnh châu Âu nổi lên một tên tuổi lẫy lừng, “người đã bước vào căn phòng của những giấc mơ”: Andrei Tarkovsky. Một chi tiết nhỏ: phim Solaris, 1972, của Tarkovsky là một trong những phim đầu tiên sử dụng nhạc điện tử như là nhạc nền chính. Tarkovsky nói thế này về “thể nghiệm” trong một cuộc phỏng vấn:
“[…]Cái gọi là điện ảnh ‘mới’ trong khi nỗ lực từ làm mới mình, đã cố gắng, vượt thoát nguyên tắc, để phá vỡ truyền thống, và như vậy về bản chất chính là thể nghiệm. Ai nấy cũng khấp khởi rằng đây là điểm khởi phát cho nghệ thuật điện ảnh trong tương lai. Tôi tin rằng mình không có quyền để thể nghiệm bởi lẽ tôi có một thái độ nghiêm túc nền tảng đối với điều tôi làm: tôi muốn đạt được kết quả ngay từ khi bắt đầu. Bạn sẽ không bao giờ thu được một kết quả nào từ sự thể nghiệm.
[…] Ngày nay, với những truyền thống điện ảnh đã được xác lập, thể nghiệm cũng không để làm gì nữa. Dù thế nào, cá nhân tôi không hề muốn thể nghiệm. Tôi sẽ mất rất nhiều thời gian và sinh lực, hơn nữa tôi cho rằng chúng ta phải chắc chắn vào điều mình làm. Một người nghệ sĩ nên thôi làm ra những bản nháp thô, vẽ những phác họa mơ hồn – anh ta phải tạo nên những phim trọng đại”, trích từ “Andrei Tarkovsky: Interviews”, do John Gianvitto biên tập.
Quan niệm về thể nghiệm của Tarkovsky đặt trong một bối cảnh nghệ thuật “hậu hiện đại” như ngày nay có phần đứt gãy khi mà vào lúc này, cái quá trình sáng tạo được đặt song song với cái kết quả sau cùng và đôi khi bản thân những kết quả sau cùng đó lại là những thứ không thể nắm bắt một cách vật lý được: đó là một ý niệm, một sự mơ hồ, một khoảng trống, hay là một kinh nghiệm… Để nói phim thể nghiệm là phim độc lập (và ngược lại) thì cũng sẽ rơi vào ma trận của ngôn ngữ. Nếu có điều gì rút ra được từ quan niệm của Tarkovsky thì đó chính là “có một thái độ nghiêm túc nền tảng đối với điều tôi làm”. Một thái độ hay một sự tỉnh táo để cho dù đang làm điều không biết thì chúng ta cũng biết rằng điều chúng ta đang làm là điều mình không biết. Vậy thì “độc lập” ở đây có thể được hiểu như là một “thái độ”.
Cơ hội về sự tiếp cận thông tin, thiết bị cộng nghệ, những kỹ năng cũng như sự kết nối cộng đồng ngày càng mở ra những cho những người làm phim trẻ (những người làm phim độc lập – hay chính là, những người làm phim có thái độ). Giờ đây sự khác biệt giữa một phim được làm ra bằng handy cam với kinh phí vài trăm đô và một phim bằng máy Red với kinh phí hàng trăm nghìn đô, đôi khi, chỉ là những hình dung định kiến về mặt thị giác và âm thanh mà thôi.
Có lúc tôi tự hỏi, liệu mình có giữ được sự tỉnh táo và độ chân thành khi có trong tay một kinh phí sản xuất dư dật? Hay chính sự đầy đủ về kinh phí lại đòi hỏi những điều kiện đáp trả nào đó? Tôi thường tự nhủ: “càng nhiều tiền, càng ít tự do”. Tự do ở đây, trước tiên và đơn giản nhất, là không bị lệ thuộc vào thiết bị máy móc. Theo một chiều kích tâm lý, tự do là có một mảnh không gian và một đoạn thời gian để trí tưởng tượng vô tư lang thang và lang chạ, để chờ đợi trở thành nhẫn nại, để cảm xúc tầm thường cất tiếng hát riêng tư, để phim và cuộc sống hằng ngày trở thành chính nhau.
Một lần vào rừng, khi nhìn những cây cổ thụ cuối cùng còn sót lại và nghe chim hót vọng lại từ đâu đó bên trên những tán lá, tôi thầm cảm ơn sự ngặt nghèo của cuộc sống và tính phù du của việc làm phim, chính những điều này đã đưa tôi trở lại với chính bản thân tôi, để thấy mồn một rằng tôi trần trụi. Một ngày nào đó, để làm phim có lẽ chỉ cần một cái máy quay “cục gạch”, một máy thu tiếng bền pin, và tôi, người sẽ bấm nút thu lại những hình ảnh và âm thanh của một cuộc sống đang chảy trước mắt, chung quanh và bên trong tôi.
Tôi hy vọng người bạn của tôi sẽ sớm chuộc được xe về. Nhưng ai biết liệu khi bạn ấy làm phim sau, chiếc xe hay một thứ tài sản nào khác có lại trở thành món cá cược cho trò chơi làm phim may rủi?!
Tác giả Minh Trương, tên thật là Trương Minh Quý (1990), hiện đang làm phim tự do tại TP HCM và Buôn Ma Thuột. Anh cũng là người đồng tổ chức những dự án nghệ thuật tại Zerostation|Ga0 – một không gian nghệ thuật tại TP HCM. Năm 2012, anh tham dự AFA (Học viện Phim châu Á, LHP Quốc tế Busan lần thứ 17).
Những phim đã làm: Căn phòng (2010, 27’), Ngày Chủ nhật bình thường (2011, 13’), Video Thô (2012, 10’), Ai đó đang đi vào rừng (2013, 29’, hạng mục phim ngắn LHP Quốc tế Busan lần thứ 18; Triển lãm Sự trở về của những linh hồn, Triển lãm Video Art Lần Thứ 4, Đài Loan; hạng mục tranh giải quốc tế Yxine 2014), Sao Hỏa nơi đáy giếng (đồng đạo diễn, 2014, 19’) |