Lần đầu xuất bản chính sử về hai triều vua yêu nước

Đầu tháng 11, Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, bộ chính sử của triều Nguyễn viết về hai phế đế Thành Thái, Duy Tân đã được xuất bản. Đây là một sự kiện học thuật đáng chú ý không chỉ với học giới trong nước mà cả các nhà Việt Nam học nước ngoài.

1. Công đầu trong việc đưa bộ sách này đến người đọc phải kể tới nhà nghiên cứu – dịch giả Cao Tự Thanh cùng cộng sự. Giữa thời buổi người người nhà nhà nhào ra làm kinh tế thì việc họ bỏ công sức và thời gian để phiên dịch sử liệu có vẻ như lạc lõng. Nhưng công việc tỉ mẩn ấy không phải ai muốn đều có thể làm và gặt hái kết quả, phải chăng đây là cái duyên (hay nghiệp) của một hàn nho.

Sau hai lần xuất bản (lần đầu với bản in 38 tập, NXB Sử học – Khoa học – Khoa học xã hội, từ 1962 – 1978; lần thứ hai với bản in 10 tập, NXB Giáo dục, 2007), bản dịch Đại Nam thực lục của Viện Sử học đến nay vẫn chưa trọn vẹn. Còn 2 bộ Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên viết về hai đời Thành Thái, Duy Tân và Đại Nam thực lục Chính biên Đệ thất kỷ viết về đời Khải Định do nhóm Phạm Quỳnh biên soạn xong khoảng 1941 – 1942 với bản viết tay được lưu giữ ở Trường Viễn Đông bác cổ Pháp tại Paris vẫn ẩn mình.

Dù rằng từ năm 2003, bản sao ảnh của hai bộ sử quý hiếm ấy đã được đưa về VN, nhưng đến nay với bản dịch tiếng Việt của Cao Tự Thanh, người đọc mới được đọc bộ Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Hỏi nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh về quá trình thực hiện bộ sách, ông bảo “Trước Tết âm lịch Tân Mão, khoảng tháng 1.2011 tôi nhận được trọn vẹn bản sao ảnh bộ Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên từ Trường Viễn Đông bác cổ Pháp ở Paris gửi về, do Hà Nội chuyển vào, đến đầu tháng 7 thì hoàn tất bản thảo. Kể như mất 6 tháng, trong đó 3 tháng dịch, 3 tháng chỉnh sửa, viết lời giới thiệu, tổ chức làm Sách dẫn và Phụ lục. Nói là tổ chức vì Sách dẫn và Phụ lục do hai người khác làm, tôi chỉ đưa ra yêu cầu, kiểm tra và điều chỉnh kết quả thôi”. Nghe ông Thanh nói, tôi giật mình. Tốc độ “thi công” đáng sợ ấy ít nhiều cho thấy năng lực làm việc và cách thức làm người của nhà nghiên cứu suốt đời chăm bẵm di sản dân tộc.

2. Thấy tôi băn khoăn về cái bìa sách, vì so với những lần xuất bản trước, tên sách của bộ sử lần này khác hẳn, dịch giả giải thích: “Đơn giản thôi. Trong lịch sử VN, triều Nguyễn khác nhiều triều đại trước là từng có tổ tiên cai trị một nửa đất nước trước khi họ xác lập được bộ máy cầm quyền trên cả nước. Chính vì vậy nhiều sử sách của họ viết về thời Đàng Trong thường có tên gọi Tiền biên, chẳng hạn Đại Nam liệt truyện Tiền biên, Đại Nam anh nhã Tiền biên. Bộ Đại Nam thực lục cũng thế, phần chép về các chúa Nguyễn Đàng Trong được gọi là Tiền biên, phần về các vua nhà Nguyễn là Chính biên.

Phần Chính biên này lại được chia thành nhiều kỷ, ví dụ bộ chép về đời Nguyễn Ánh-Gia Long là Đại Nam thực lục Chính biên Đệ nhất kỷ, về đời Minh Mạng là Đại Nam thực lục Chính biên Đệ nhị kỷ… Nói ngắn gọn, Đại Nam thực lục là một bộ sách mang tính hệ liệt, chỉ giống nhau ở cái tên chung chứ thật ra là nhiều tác phẩm khác nhau, do nhiều nhóm tác giả khác nhau biên soạn và hoàn thành trong nhiều thời điểm khác nhau, phải dịch đúng tên chính thức và đầy đủ của từng tác phẩm. Bìa sách bản in năm 2007 chỉ là Đại Nam thực lục rất dễ làm người đọc nhầm lẫn”.

Người bạn cùng đi tôi sở học võ vẽ vài đường Hán Nôm liền thắc mắc, thưa Cao tiên sinh, tại sao chữ “thực” Hán tự trong quyển này khác với trong bản in của NXB Giáo dục. Hàn nho Cao Tự Thanh liền lý giải cặn kẽ: “Tất cả các bản in Đại Nam thực lục chữ Hán từ Tiền biên tới Chính biên Đệ lục kỷ của triều Nguyễn đều khắc tên sách với chữ thực 寔 (miên trên thị dưới). Đó là lối viết không chính thức, thực ra phải là chữ thực 實 (miên trên quán dưới) như bản in năm 2007 (NXB Giáo dục) mới đúng lối quan phương. Nhưng triều Nguyễn có lý do của họ.

Năm 1841 vua Thiệu Trị ban hành chỉ dụ về 51 chữ quốc húy, trong đó chữ thứ 50 là chữ “thực” miên trên quán dưới. Chữ này không phải chữ trọng húy, vẫn được dùng nhưng khi viết phải viết theo dạng khác, khi đọc phải đọc ra âm khác. Trước kia nhiều người đọc nó thành “thật”, “thiệt” chính vì vậy. Bộ Tiền biên mở đầu Đại Nam thực lục được khắc in năm 1844, tức lúc chỉ dụ ấy đã có hiệu lực pháp lý, Quốc sử quán triều Nguyễn dùng chữ “thực” miên trên thị dưới là tuân thủ quy định đương thời. Tóm lại đây là một vấn đề chính tả nhưng hàm chứa thái độ chính trị và quan điểm văn hóa.

Cũng như hiện nay nếu tôi viết “hà nội là thủ đô của việt nam” thì sai chính tả đã đành, nhưng nhiều người sẽ không chỉ coi đó là chuyện chính tả đâu. Người khác in chữ “thực” miên trên quán dưới thì tùy họ, tôi cũng không cần kiêng húy nhưng làm nghề Hán Nôm, phiên dịch sử liệu thì một chi tiết văn bản nhỏ cũng phải tìm hiểu để có thể hiểu đúng tác phẩm, hiểu đúng lịch sử”.

Đọc lướt những điều ghi chép trong bộ sử, chúng tôi gặp nhiều chi tiết bất ngờ như Yên Bái vốn có tên chính thức là Yên Phái, chuyện quân Pháp đào mộ Phan Đình Phùng là nhằm khám nghiệm tử thi xem đúng là bàn tay phải có 6 ngón không, vụ tham ô của Đào Tấn…, tôi đùa bảo rằng dịch giả và nhà xuất bản đã cung cấp một mặt hàng chắc chắn là ăn khách. Ông Thanh trầm ngâm: “Tác dụng tức giá trị của hàng hóa phụ thuộc vào nhu cầu xã hội, vào chất lượng sản phẩm và trình độ tiêu dùng, xin cứ để người đọc có ý kiến thì hay hơn”.

Dịch giả Cao Tự Thanh sinh năm 1955, sinh viên ngành Hán Nôm bậc đại học hệ chính quy khóa đầu tiên của Việt Nam dân chủ cộng hòa, tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977; từng thụ giáo nhiều học giả nổi tiếng như Cao Xuân Huy, Đỗ Ngọc Toại, Nguyễn Tài Cẩn… Ông đã biên soạn hàng chục công trình về văn học cổ, văn hóa và lịch sử VN, dịch rất nhiều tác phẩm cổ điển và hiện đại Trung Quốc.

Giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài đánh giá ông là một trong những chuyên gia Hán Nôm hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, ngoài ra Đại học Quốc gia Đài Bắc (Đài Loan) cũng đưa tên ông vào chương trình nghiên cứu Các nhà Trung Quốc học thế giới.


Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)