László Krasznahorkai: Tôi viết tất cả ở trong đầu mình

"...lúc mới bắt đầu viết văn, tôi đang sống trong hoàn cảnh rất khó khăn: tôi không có bàn viết và chẳng bao giờ được ở một mình. Thế cho nên tôi đâm quen với chuyện bắt đầu viết các câu văn ở trong đầu, và nếu các câu ấy tỏ ra hứa hẹn thì tôi sẽ cứ viết nữa, viết nữa, cho đến khi câu kết thúc một cách tự nhiên. Chỉ khi đó tôi mới viết nó ra giấy," chủ nhân giải Man Booker International 2015 nói trong một lần trả lời phỏng vấn. 

Nhà văn người Hunggari László Krasznahorkai (1954), vừa nhận giải Man Booker International 2015, được nhiều người đánh giá là một trong những tiểu thuyết gia quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Tài năng của ông, tầm vóc của ông đã được một số nhà văn/nhà phê bình lớn của phương Tây thừa nhận. Từ lâu trước đây, W.G.Sebald đã nói: “Tính chất phổ quát trong cách nhìn của Krasznahorkai sánh ngang với Những linh hồn chết của Gogol và vượt xa mọi mối bận tâm khác của văn chương đương đại”, còn Susan Sontag gọi ông là “nhà văn bậc thầy của Hungary về đề tài tận thế, khiến người ta phải sánh ông với Gogol và Melville.”

Chủ tịch ban giám khảo giải Man Booker International, nhà văn và viện sĩ hàn lâm Marina Warner, so sánh tác phẩm của Krasznahorkai với Kafka và Beckett. “Tôi cảm thấy chúng ta đã gặp ở đây một người thuộc đẳng cấp ấy. Chúng ta vẫn hay nói: ‘Cứ như trong truyện của Kafka’. Tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ nói ‘cứ như là trong truyện của Krasznahorkai’.”

Warner còn nói: “Ông có một văn phong khác thường mà đôi khi người ta thấy khó chịu. Ta có thể hình dung nó như âm nhạc, bản nhạc bắt đầu, thoạt tiên ta không hiểu nó là gì, nó nghe lạ lẫm, nhưng rồi ta bắt đầu thấy nó tự nhiên, tiết tấu của nó cứ vậy mà kéo ta theo. Ông khó đọc cùng một kiểu như Beckett khó đọc hay Dante khó đọc. Kafka cũng có phẩm chất ấy.”

Để bạn đọc Việt Nam có thể bước đầu làm quen với nhà văn kiệt xuất này, Tia Sáng xin trích dịch một số câu trả lời của Krasznahorkai cho tạp chí Guernica vào tháng 4/2012 và tạp chí White Review vào tháng 9/2013.

Hỏi: Ông viết văn như thế nào?

Đáp: Tôi không ngồi ở một trạm làm việc, ý là bàn viết, và tôi không nhìn chăm chăm vào màn hình cố tìm ý tưởng, mà là làm việc trong đầu mình, khởi sự từ giả định rằng văn chương là công việc của tôi. Để sang một bên những lý do cá nhân, thực tế là, lúc mới bắt đầu viết văn, tôi đang sống trong hoàn cảnh rất khó khăn: tôi không có bàn viết và chẳng bao giờ được ở một mình. Thế cho nên tôi đâm quen với chuyện bắt đầu viết các câu văn ở trong đầu, và nếu các câu ấy tỏ ra hứa hẹn thì tôi sẽ cứ viết nữa, viết nữa, cho đến khi câu kết thúc một cách tự nhiên. Chỉ khi đó tôi mới viết nó ra giấy. Đến giờ tôi vẫn làm việc theo cách đó, ở những nơi ít ai ngờ nhất, vào những lúc ít ai nghĩ tới nhất, nói cách khác là tôi làm việc không ngừng. Cuối cùng tôi mới viết ra. Tôi không sửa chữa theo cách thông thường bởi tôi đã làm tất cả ở trong đầu rồi.

Hỏi: Ông đọc gì ngoài những tác gia kinh điển như Kafka?

Đáp: Những khi không đọc Kafka, tôi nghĩ về Kafka. Những khi không nghĩ về Kafka, tôi nhớ đến những khi mình nghĩ về ông. Sau một thời gian nhớ đến những gì mình nghĩ về ông, tôi lại lấy ông ra đọc lại. Vậy đó. Với cả Homer, Dante, Dostoievski, Proust, Ezra Pound, Beckett, Thomas Bernhard, Attila József, Sándor Weöres và Pilinszky… cũng vậy.

Hỏi: Theo ông, tại sao Điệu tango của quỉ [Sátántangó] lại thành công đến như vậy? Phải chăng trên thế giới hoặc trong văn chương đã xảy ra chuyện gì đó khiến cho người ta quan tâm đến nó và hiểu nó?

Đáp: Tôi cho rằng những ai đã nghe nói đến Sátántangó và phim của Bela Tarr dựng theo cuốn ấy, và đã đọc Nỗi buồn kháng cự [Az ellenállás melankóliája], Chiến tranh và chiến tranh [Háború és háború], Con thú bên trong [Állatvanbent] thì thảy đều chờ được đọc nó.

Hỏi: Ngoài những chủ đề mang tính dự báo tận thế, một điểm người ta thường nhắc tới về văn của ông là độ dài câu. Gần đây câu dài đã ít nhiều được hồi sinh – tôi đặc biệt nghĩ tới Thomas Bernhard, W.G. Sebald, Jose Saramago, Javier Marias, David Foster Wallace – tuy rằng không ai trong số họ viết “câu dài” giống như ông viết. Câu dài ấy nó sinh ra như thế nào, đối với ông? Ông xem nó là kế thừa một truyền thống văn chương cụ thể hay là một đặc trưng thẩm mỹ hoàn toàn độc lập?

Đáp: Trong sách của tôi có một người nào đó nói sau lưng các nhân vật, nhưng đó không phải tôi. Kẻ ẩn kín này, người sử dụng các cuốn sách này để nói về điều gì đó thông qua các nhân vật, thông qua những cuốn sách đó, y nói bằng một cách điên rồ, đầy ẩn nghĩa, và loại lời này không bao giờ cần dấu chấm. Y nói không ngừng không nghỉ; y cứ nói theo cái kiểu nhanh và điên khùng như vậy – nếu bạn quan sát một cuộc đối thoại trong thực tế hằng ngày trong một bầu không khí căng thẳng, bạn sẽ thấy người ta cũng nói như thế, với lòng khao khát điên khùng muốn thuyết phục nhau, luôn luôn chẳng có dấu ngắt câu nào, đúng không? Cái gọi là những câu dài của tôi chẳng sinh ra từ một ý tưởng hay lý thuyết cá nhân nào, mà từ ngôn ngữ nói. Bạn biết đó, với tôi câu ngắn có vẻ như là một thứ nhân tạo, gượng ép. Chúng ta rất hiếm khi dùng câu ngắn. Khi nói chuyện, ta nói những câu trôi chảy, không ngắt đoạn, mà loại lời này thì chả cần một dấu chấm nào. Chỉ có Chúa mới cần dấu chấm, và khi giờ cáo chung đã tới Ngài sẽ dùng dấu chấm, tôi tin chắc thế.

Hỏi: Thế giới đã đi đến đâu kể từ thời điểm ông bắt đầu viết văn cho đến thời điểm bây giờ, năm 2013? Thế giới lúc đó và thế giới bây giờ giống nhau ở khía cạnh nào?

Đáp: Giống nhau đến choáng người. Mọi thứ có vẻ đều thay đổi song về thực chất mọi thứ vẫn như vậy. Bạn hãy hình dung một suối nước chảy nhanh ngầu bọt, một bong bóng duy nhất bên trong lớp váng bọt ấy xoay mòng và vỡ thành những hạt nước nhỏ tí và các hạt này lại nhập với nhau thành một dòng nhỏ xíu mà tiếp tục tiến. Tôi quan sát các hạt ấy và cố tập trung vào một hạt duy nhất. Không thể. Chẳng có một hạt nào. Bằng cách nào đấy mà chỉ có một toàn thể duy nhất, cái toàn thể ấy mỗi khoảnh khắc một khác song vẫn chỉ là một. Nhưng cái toàn thể ấy không hiện hữu. Từng phần một cũng không. Vậy có gì? Có một sự bất chuyển luôn luôn biến chuyển. Cái ấy, nó nằm ngoài khả năng hiểu của chúng ta.

Hỏi: Theo ông, những gì là điểm lợi, điểm bất lợi hay mối nguy của dịch thuật?

Đáp: Tôi sẽ không nói gì về lợi hay bất lợi nhưng tôi sẽ trả lời về ý những mối nguy bởi vì chẳng có mối nguy nào hết. Theo ý kiến tôi, tác phẩm hoàn toàn không thể nào đồng nhất với bản gốc trong một ngôn ngữ khác được. Nguyên tác của tác giả là tác phẩm bao hàm câu chuyện được viết ra trong ngôn ngữ gốc. Bản dịch là một tác phẩm mới viết bằng ngôn ngữ mà dịch giả dùng, tác phẩm mà trong đó dịch giả là người tổng soạn, nó giống với nguyên tác – giống nhiều hoặc ít, cũng như những người trong cùng một gia đình. Tác giả chỉ nhìn và đọc qua: văn quen thuộc với ông ta, đôi khi rất quen, và nếu bản dịch trông ổn thì ông ta vui, bản dịch trông tệ thì ông ta nổi xung. Tôi chỉ từng có một lần nổi xung, với bản dịch tiếng Đức cuốn Chiến tranh và chiến tranh, rất tệ. Gần như không thể nào sửa được. Ai sẽ dịch lại đây? Rất khó. Nhưng ngoài bản ấy ra thì mọi bản dịch tác phẩm của tôi đều khiến tôi ngạc nhiên thú vị. Tôi có những dịch giả cừ khôi. 

Trần Trung trích dịch

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)