Lee Chang Dong: Sự thống nhất về phong cách hiện thực trong phim
Với các liên hoan phim quốc tế thì đạo diễn Lee Chang Dong là cái tên rất quen thuộc, khi những tác phẩm của ông liên tiếp đạt được những giải thưởng lớn góp phần khẳng định vị thế cho nền điện ảnh Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông lại khá xa lạ đối với khán giả Việt Nam bởi những phim của ông không thuộc dòng phim chính thống và được làm theo phong cách hiện thực.
Bước vào những năm 1990, nền điện ảnh Hàn Quốc đã có những bước tiến vô cùng ấn tượng. Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước sản xuất phim hàng đầu thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Hàn Quốc bắt nguồn từ chính thế hệ các nhà làm phim như Park Chan Wook với một số tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp là Oldboy, The Handmaiden, Decision to leave…đạo diễn Lee Chang Dong với Oasis, Secret Sunshine, Poetry, Burning…và đạo diễn Bong Joon Ho với Memories of Murder, Snowpiercer, Parasite, Okja… Chính những đạo diễn trong giai đoạn này đã chèo lái con thuyền điện ảnh Hàn Quốc đi đúng hướng trong suốt 30 năm qua. Họ không chỉ theo đuổi công danh cá nhân mà còn hướng tới sự phát triển thịnh vượng chung của toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia.
Cách thức làm phim kiểu mới đã khuyến khích các đạo diễn tài năng dấn thân vào thế giới nghệ thuật rộng lớn và nỗ lực tạo ra các bộ phim thuộc nhiều chủ đề đa dạng. Mỗi đạo diễn lại có những cách thể hiện ngôn ngữ điện ảnh khác nhau tạo nên sự độc đáo trong phong cách đạo diễn, phong cách phim. Chúng ta có thể kể đến Kim Ki Duk thuộc dòng phim theo chủ nghĩa hiện đại, mải mê với ý niệm cứu rỗi qua nỗi đau thể xác. Hai đạo diễn Park Chan Wook và Bong Joon Ho được xem như khúc biến tấu mang tính mĩ học, với dòng phim phá cách trong thể loại. Điện ảnh Hàn Quốc giai đoạn này cùng tồn tại nhiều dòng phim, trong đó đặc biệt có dòng phim theo phong cách Chủ nghĩa hiện thực xuất hiện trở lại với đại diện tiêu biểu là đạo diễn Lee Chang Dong (người đi đầu trong dòng phim này là đạo diễn Im Kwon Taek). Phong cách hiện thực trong điện ảnh là phong cách chú trọng việc khắc hoạ chính xác, tỉ mỉ những bức tranh chân thực về cuộc sống, môi trường, xã hội với cảm hứng phê phán, bóc trần và phủ nhận thực tại, tính chỉnh thể của bộ phim là sự kết hợp giữa các yếu tố để mang lại sự thống nhất về nội dung và hình thức thể hiện. Phim của Lee Chang Dong không kiểu cách mà chỉ đơn giản dẫn dắt người xem vào những hành trình tìm kiếm hạnh phúc, thông qua những đau thương mà nhân vật phải đối diện. Ông không gai góc tiếp cận trực tiếp mâu thuẫn xã hội như các đạo diễn khác, mà tinh tế và lặng lẽ phân tích từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống. Vì vậy phim của Lee Chang Dong như một nốt trầm chờ người đủ tinh tế đến quan sát, suy ngẫm. Đến nay, Lee Chang Dong chỉ có trong tay vỏn vẹn 6 tác phẩm điện ảnh bao gồm Green Fish (1997), Peppermint Candy (1999), Oasis (2002), Secret Sunshine (2007), Poetry (2010) và Burning (2018). Tuy vậy, sáu tác phẩm đó chưa bao giờ để giới phê bình và khán giả thất vọng.
Green Fish (1997) mang đến cho người xem không ít bất ngờ. Green Fish mang đề tài xã hội đen, kể về người đàn ông tên Mak-dong trở về nhà từ quân đội và vô tình vướng vào mối quan hệ với các thành viên của một băng đảng xã hội đen. Trong Green Fish, Lee Chang Dong đã khai thác tâm lý của Mak-dong khi sa chân vào thế giới ngầm, đồng thời khéo léo lột tả, phê phán xã hội Hàn Quốc. Khai thác tâm lý của một thanh niên sa chân vào thế giới ngầm, Lee Chang Dong đã khéo léo lột tả, phê phán xã hội Hàn Quốc. Góc nhìn mạnh mẽ và nhân văn của Green Fish đã mang về cho Lee Chang Dong chiến thắng Phim xuất sắc nhất tại giải Rồng xanh năm 1997, giải Dragons và Tiger Award tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Vancouver 1997. Khi nhận xét về bộ phim này, Nhà nghiên cứu điện ảnh Walter Chaw chia sẻ: “Bề ngoài, đó là một bộ phim đen tối… nhưng bên dưới bề mặt đó ẩn chứa một cái nhìn kiên nhẫn, trầm tư và không khoan nhượng về nỗi cô đơn và mức độ chúng ta sẽ làm để tránh nó.”
Sau thành công của Green Fish, Lee Chang Dong cho ra đời thêm những bộ phim phản ánh góc tối của xã hội đương đại thông qua những nhân vật không hoàn hảo, có cuộc đời bi kịch và qua những điều rất nhỏ trong cuộc sống. Những bộ phim do ông viết và đạo diễn đều là những câu chuyện đau thương đặt các nhân vật vào nỗi đau khổ tột cùng về mặt tâm lý và thể chất để thử thách giới hạn của tinh thần con người. Đó là một người đàn ông phải chịu đựng những thế lực của lịch sử đầy biến động của Hàn Quốc trong Peppermint Candy (1999). Nhân vật Yong Ho (Kyung Gu Sol thủ vai), ngay từ đầu phim, anh xuất hiện trong một bộ dạng chỉn chu như một viên chức mẫn cán, anh đi dạo bên sông, rồi tham gia vào một buổi họp mặt của những người đã từng làm việc với nhau nhiều năm về trước. Anh được chào đón, nhưng rất nhanh sau đó, anh trở thành kẻ phá rối, và một cách điên rồ, anh đứng ở đường ray xe lửa để tìm đến cái chết, chẳng ai quan tâm đến anh nữa, trừ một người đàn ông bé nhỏ, nhìn sự thảm hại của anh, thương cảm và khóc. Anh cũng khóc cho cuộc đời mình. Một cuộc đời, lẽ ra đã khác. Bộ phim là một hành trình quay ngược về quá khứ, với sự tham chiếu đời người như một chiếc tàu, luôn tiến về phía trước, đi qua những ga tạm để dừng lại rồi tiếp tục đi. Lee Chang Dong không cố gắng tìm cách giải thích cho con người Yong Ho hiện tại, anh chỉ kể chuyện, anh chỉ nói rằng, một cá nhân, là một thực thể quá nhỏ bé không thể trốn thoát khỏi định mệnh mà lịch sử ban phát cho mỗi người. Peppermint Candy bắt đầu như vậy, từ bình yên, đến hỗn loạn, rồi một phần bình yên, một phần hỗn loạn, rồi máy quay, quay cận cảnh khuôn mặt anh khi đoàn tàu lao đến, chỉ có nỗi đau tột cùng và sự hỗn loạn. Bộ phim rất Hàn Quốc, với con người, với cuộc sống, với lịch sử Hàn Quốc, nhưng nó có giá trị nhiều hơn thế, không chỉ vì bản thân cách kể chuyện của Lee Chang Dong rất hấp dẫn khiến khán giả xem phim không có một giây phút nào cảm thấy nhàm chán. Không chỉ những góc quay đẹp, vừa đầy ý vị, vừa gai góc, vừa bạo liệt, nhưng cũng đầy tình cảm, mà nó nhấn mạnh đến sự tác động của dòng chảy lịch sự đến mỗi cá nhân người sống trong dòng chảy đó.
Phim của Lee Chang Dong không kiểu cách mà chỉ đơn giản dẫn dắt người xem vào những hành trình tìm kiếm hạnh phúc, thông qua những đau thương mà nhân vật phải đối diện. Phim của Lee Chang Dong như một nốt trầm chờ người đủ tinh tế đến quan sát, suy ngẫm.
Peppermint Candy, giống như nhiều phim khác về sau này của Lee Chang Dong đi sâu vào một cá nhân, kể chuyện về một cá nhân, nhưng lồng vào đó, là khung cảnh xã hội mà ở đây, là xã hội Hàn Quốc những năm 80-90 đầy biến động. Có thể nói, đạo diễn Lee Chang Dong là bậc thầy nổi tiếng với những thước phim khắc họa thân phận nhỏ bé của con người giữa hiện thực trần trụi, điều này được ông thể hiện rõ trong phim Oasis (2002). Oasis xoay quanh tình yêu giữa một người đàn ông tên Hong Jong Du mắc chứng tâm thần nhẹ vừa được thả khỏi nhà tù sau hai năm rưỡi vì tội ngộ sát. Trong một lần tình cờ, anh gặp gỡ một phụ nữ Han Gong Ju bị bại não và bắt đầu một mối quan hệ kỳ lạ. Hai thân phận bên lề xã hội và tồn tại đầy miễn cưỡng ngay trong chính gia đình mình, bất giác lại thấy bản thân được trân trọng và yêu thương hơn bao giờ hết khi ở cạnh nhau. Theo một cách nào đó, mối quan hệ lãng mạn giữa Jong Du và Gong Ju đã có phần nào phá vỡ định kiến về một tình yêu không tưởng. Với bộ phim Oasis, Lee Chang Dong đưa ra thông điệp về tình yêu và sự thấu hiểu, điều đó được thể hiện qua từng phân cảnh của phim. Cũng như những tác phẩm trước đó, bộ phim này cũng được đánh giá cao về chất lượng và nghệ thuật của đạo diễn Lee Chang Dong.
Khi nghiên cứu phim của Lee Chang Dong sẽ không khó để nhận ra rằng phim của ông luôn nhất quán trong phong cách thể hiện, đó là phong cách hiện thực. Các nhân vật của ông bị vùi dập bởi những định kiến xã hội, sự tàn khốc của hiện thực cuộc sống và có cả sự bất hạnh vô lý mà họ không có khả năng tự vệ. Phim của Lee Chang Dong đã miêu tả chân thực những góc tối của xã hội Hàn Quốc đương đại như thế. Trong Secret Sunshine (2007). Đạo diễn Lee Chang Dong đã viết nên câu chuyện nhiều éo le về cuộc đời của người phụ nữ Shin Ae (Jeon Do Yeon đảm nhận). Sau khi chồng qua đời, cô đến làng Miryang – quê hương của chồng – để sinh sống cùng cậu con trai Jun. Hoàn cảnh của một góa phụ khiến Shin Ae càng khao khát tình yêu. Cô bắt đầu một cuộc sống mới với việc mở lớp dạy đàn để phần nào khỏa lấp ước mơ còn dang dở là trở thành nhà dương cầm. Một ngày nọ, bi kịch lại đổ xuống khi con trai cô bị bắt cóc. Dù đưa tiền chuộc, cậu bé Jun vẫn bị giết. Trong hành trình chống chọi với cuộc sống nghiệt ngã, Shin Ae may mắn có người đàn ông Jong Chan (Song Kang Ho) bên cạnh. Dù hai người có hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng họ nhận ra sự đồng điệu trong tâm hồn. Phim mở đầu hết sức trong sáng và ngọt ngào như một bầu trời đầy nắng sau cơn mưa. Nhưng càng về sau của phim lại ngập tràn những đau đớn và tiếng hét. Shin Ae tới hiện trường để nhận xác con trai dù cô đã cố gom góp tiền chuộc. Nỗi đau quá lớn khiến Shin Ae không thể khóc nổi trong đám tang của con. Chỉ đến khi còn lại một mình, Shin Ae mới trở thành một người mất tâm trí. Nhưng đúng lúc này, cô đã nhận được sức mạnh tinh thần từ Đức Chúa Jesus qua một buổi cầu nguyện, sự động viên, an ủi từ những người tốt bụng như Jong Chan khiến cô “hồi sinh”, bước qua được nỗi đau và rồi quyết định thực hiện một việc khó khăn, tưởng như không thể: đến gặp kẻ giết con mình và thứ lỗi cho anh ta. Linh hồn của bộ phim là nhân vật Shin Ae, nữ diễn viên Jeon Do Yeon đã thật sự thành công trong vai diễn này. Đạo diễn Lee Chang Dong đã chỉ đạo diễn xuất và khơi gợi để diễn viên thể hiện được những giằng xé tột cùng của cảm xúc. Ông cho biết bộ phim đã được ông lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết The Abject của Lee Cheong Jun. Cuốn sách đã ám ảnh Lee Chang Dong một thời gian dài trước khi đi đến quyết định làm bộ phim này. Với Secret Sunshine người xem đã hoàn toàn đồng cảm với những cung bậc cảm xúc chân thật đến không ngờ.
Những nhân vật trong tác phẩm của Lee Chang Dong thường đứng ngoài lề xã hội nhưng luôn khao khát, tìm kiếm hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống. Ông phản ánh trực diện những góc tối của xã hội đương đại thông qua những người tàn tật, tội phạm, nạn nhân. Qua những mảnh đời không hoàn hảo, đầy bi kịch đau thương, Lee Chang Dong để họ khao khát, ước mơ được sống và làm người tử tế. Với khán giả, Lee Chang Dong đã vẽ Hàn Quốc ở một góc nhìn khác, không hoàn hảo nhưng nhiều cảm xúc. Điều đó dễ thấy trong Poetry (2010), tác phẩm làm nên tên tuổi Lee Chang Dong tại LHP Cannes khi mang về chiến thắng Kịch bản xuất sắc nhất. Phim mở đầu bằng cảnh dòng nước trôi chậm rãi, những đứa trẻ đang chơi đùa bên bờ sông và bất ngờ thi thể của một nữ sinh trôi đến. Hành trình truy tìm nguyên nhân cái chết của cô gái dẫn đến bà lão hiền lành Mija, bà có cảm hứng đặc biệt với thơ ca nhưng lại mắc bệnh Alzheimer cùng với nỗi dằn vặt khi đứa cháu trai gián tiếp gây nên cái chết của một cô bé tại trường học cùng với số tiền đền bù là 5 triệu won mà gia đình Mija không thể nào chi trả nổi. Lee Chang Dong đã lựa chọn hình ảnh để bắt đầu cũng như kết thúc Poetry là một dòng sông. Dòng sông đầu phim, phẳng lặng, yên bình và mang mùi vị của cái chết. Cũng chính dòng sông ấy cuối phim cuồn cuộn chảy, sôi sục, nhưng lại đem đến cảm giác giải thoát. Trong Poetry ông tận dụng tối đa những cảnh quay ngoài trời, với cây cối, hoa lá, sông núi, vườn tược…để làm nền cho tâm trạng, cảm xúc của nhân vật. Xử lý góc quay trong phim không quá cầu kỳ phức tạp, thậm chí nhiều lúc còn được lặp lại có chủ đích, nhưng điều đó đem lại một cảm xúc rất chân thật đến với người xem. Điểm mạnh nhất trong Poetry chính là một câu chuyện dung dị, tinh tế nhưng không kém phần mạnh mẽ cùng diễn xuất tuyệt vời của nữ diễn viên gạo cội Yun Jeong Hie. Nhịp phim chậm rãi, giống như một bài thơ không có hồi kết tạo nên một nét rất riêng cho Poetry.
Phim của Lee Chang Dong không bao giờ rõ ràng, nó luôn tối nghĩa một cách thơ mộng. Nó đòi hỏi sự kiến giải của khán giả qua thời gian nhờ vào trải nghiệm sống.
Sau phim Poetry, đạo diễn Lee Chang Dong vắng mặt một thời gian dài và trở lại với bộ phim Burning (2018) có phần táo bạo hơn những phim trước đó. Burning không chỉ là bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn tài ba, mà còn là cú trở mình của hàng loạt nghệ sĩ, nằm trong danh sách cấm vận, hạn chế hoạt động nghệ thuật dưới thời cựu Tổng thống Park Geun Hye, và Lee Chang Dong là cái tên đứng đầu danh sách này. Có thể nói, Burning là bước chuyển quan trọng của nền điện ảnh Hàn Quốc sau những biến động chính trị vào đầu năm 2017. Khác với những phim tâm lý có nội dung bình dị trước đó, Burning có cốt truyện ly kỳ, giật gân dựa trên truyện ngắn Barn Burning (1992) của tác giả người Nhật Haruki Murakami. Burning là câu chuyện xoay quanh ba nhân vật chính: Jong Soo (Yoo Ah In) – một thanh niên luôn chật vật tìm cách mưu sinh nhưng vẫn nuôi mộng trở thành tiểu thuyết gia, Hae Mi (Jeon Jong Seo) – người bạn thuở nhỏ của Jong Soo và nhờ anh chăm sóc chú mèo trong thời gian cô tới châu Phi và Ben (Steven Yeun) – người đàn ông thuộc tầng lớp giàu có được Hae Mi dẫn về từ chuyến đi châu Phi. Khi đến thăm trang trại ở Paju của Jong Soo, Ben thú nhận mình là người “thích đốt cháy các nhà kính bằng nhựa vinyl”. Điều này khiến Jong Soo sợ hãi và nghi ngờ hắn là tên sát nhân sau khi Hae Mi đột nhiên biến mất. Trong Burning, Lee Chang Dong đã đưa khán giả bước vào thực tế khốc liệt mà những người trẻ Hàn đang phải đối mặt. Họ bị thách thức bởi tình trạng thất nghiệp đang ngày càng tăng và sự phân hóa sâu sắc giữa tầng lớp giàu và nghèo. Thierry Fremaux (Giám đốc sáng tạo của LHP Cannes) cho rằng: “Burning là một tuyệt phẩm vĩ đại, phi thường và mạnh mẽ. Đây là tác phẩm điện ảnh xuất sắc, tin tưởng vào trí tuệ của khán giả, một sản phẩm sáng tạo đậm chất thơ và bí ẩn”. Dựa theo truyện ngắn Barn burning của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, đạo diễn Lee Chang Dong đã dùng ngôn ngữ điện ảnh đặc sắc của mình để kể câu chuyện về tuổi trẻ một cách độc đáo. Bộ phim giống một bài thơ, nơi hình ảnh không mang tính kể chuyện, mà mang tính thể nghiệm đưa khán giả đến thế giới nơi tồn tại của những người kẻ hoang hoải và không có mục đích sống. Chúng đứng bên rìa xã hội, cố gắng tìm cách trốn thoát số mệnh của mình. Burning thực sự là sự kết hợp hoàn hảo của không khí văn học của Haruki Murakami và ngôn ngữ điện ảnh của Lee Chang Dong. Phim của Lee Chang Dong không bao giờ rõ ràng, nó luôn tối nghĩa một cách thơ mộng. Nó đòi hỏi sự kiến giải của khán giả qua thời gian nhờ vào trải nghiệm sống. Điều đó từng được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm trước đó như Oasis (2002), Secret sunshine (2006), Poetry (2010). Với tác phẩm Burning điều này càng rõ rệt khi chứa đầy sự bí ẩn với những khúc mắc không lời giải đáp về sự lạc lõng cô đơn đến tột cùng của tuổi trẻ với một cái kết mở đầy sức tàn phá và không thể lý giải.
Đạo diễn Lee Chang Dong luôn hướng tới những nhân vật thuộc tầng lớp khiêm tốn trong xã hội, ở mức độ nào đó, họ luôn muốn trốn thoát khỏi cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau. Đó là Mija trong Poetry lạc lòng, đứng bên lề xã hội, không ai ngó ngàng tới và tự tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình. Đó là chàng thanh niên sa chân vào thế giới ngầm trong Green Fish, là người đàn ông bị cuộc đời vùi dập đến mức đánh mất bản thân, say xỉn, loạn trí, chẳng thiết sống trong Peppermint Candy, là cặp tình nhân bị khuyết tật và thiểu năng trí tuệ nhưng lại vẽ nên một chuyện tình đẹp đến khó tin trong Oasis, là người mẹ độc thân có con trai bị giết hại để rồi rơi vào tuyệt vọng, khủng hoảng trong Secret Sunshine. Hay một Jong Soo với sự cô đơn và bất an tột cùng trong Burning. Phim của Lee Chang Dong dường như đi theo các khuôn mẫu thông thường của thể loại, từ phim chính kịch đến phim xã hội đen, chỉ để “lật đổ” kỳ vọng của khán giả bằng những câu chuyện cực kỳ phức tạp khiến họ phải suy ngẫm về những câu hỏi hiện sinh, tâm linh và đạo đức khó hiểu. Lee Chang Dong từng nói: “Tôi không rõ sự đau đớn có đẹp hay không, nhưng tôi luôn trăn trở hạnh phúc sẽ là gì nếu không có những tổn thương? Chúng ta kiếm tìm sự hoàn mỹ, vì thực tại không bao giờ là hoàn mỹ”. Với khán giả, Lee Chang Dong đã vẽ Hàn Quốc ở một góc nhìn khác, không hoàn hảo nhưng nhiều cảm xúc.□
——
* Nghiên cứu nghệ thuật – LADO Korea
Chú thích:
1. https://www.rogerebert.com/features/lee-chang-dong-retrospective
2. https://www.kci.go.kr/
Bài đăng Tia Sáng số 22/2024