Lịch sử giãn nở của Cái Đẹp

Bạn đã biết cảm giác ấy rồi, cảm giác xuýt xoa khi ngắm nhìn John Travolta khiêu vũ một mình trên sàn nhảy trong tiếng nhạc của Bee Gees và cảm giác muốn quỳ gối trước chân dung lực sĩ người ném đĩa, cảm giác như bị thôi miên khi xem thước phim Anita Ekberg như tượng tạc tắm dưới đài phun nước Trevi trong "La dolce vita" – một trong những cảnh tình lãng mạn nhất lịch sử điện ảnh dù chẳng có nụ hôn nào – và cảm giác cứ dùng dằng đứng mãi trước những bức tranh mà Paul Gauguin vẽ những người phụ nữ Tahiti khỏa thân, đang nằm dài hay đang chải tóc, trong một bảo tàng mỹ thuật ở New York. Cảm giác ấy, cảm giác khi đứng trước một điều gì đó cao cả hơn, bao la hơn thế gian ô trọc – cảm giác khi ta diện kiến Cái Đẹp, đấng quân vương của đức hạnh. Nhưng ta sẽ tự hỏi, làm sao những thứ khác nhau như thế lại được gán chung dưới một vành ô mang tên Cái Đẹp? Cái Đẹp thực sự là gì?

Tranh của Paul Gauguin.

“Nếu bò, ngựa và sư tử có tay hoặc có thể dùng móng mà vẽ, mà sáng tạo như loài người thì các bậc thần linh do ngựa vẽ sẽ giống loài ngựa, do bò vẽ sẽ giống loài bò, và cơ thể họ cũng sẽ có hình dáng tương ứng với loài vật ấy”, Umberto Eco trích lại một nhà hiền triết xứ Alexandria ở phần mở đầu Lịch sử cái đẹp, một công trình vĩ đại khác của ông bên cạnh những tiểu thuyết dày công. Không đi tìm lời giải cho những bí mật trong cuốn sách thất lạc của Aristotle về hài kịch hay căn phòng bí mật finis Africae của mê cung thư viện như trong tiểu thuyết Tên của đóa hồng, cũng không không đôn đáo lục tung ý nghĩa khóa trong bản thảo mật về những hội kín của các hiệp sĩ dòng Đền ấp ủ âm mưu chiếm đoạt thế giới như trong tác phẩm Con lắc của Foucault, lần này, Umberto Eco theo đuổi một thứ còn xa xưa hơn, nguy hiểm hơn, thần bí hơn và cũng lôi cuốn hơn tất thảy những điều trên cộng lại, ông theo đuổi Cái Đẹp. Cái Đẹp và lịch sử quanh co của nó trong nền văn hóa phương Tây.

Từ Cái Đẹp ghê gớm gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc ở thành Troy của nàng Helen với bộ ngực lộng lẫy khiến kẻ báo thù cũng không thể xuống tay rửa hận đến Cái Đẹp tinh xảo chính xác của cỗ máy tra tấn trong truyện ngắn của Franz Kafka, từ Cái Đẹp hài hòa theo trật tự tỷ lệ của những công trình kiến trúc và những điệu thức âm nhạc thời cổ đại đến Cái Đẹp địa ngục của quỷ dữ, của hành hình và những cơn ác mộng trong thời Trung Cổ. Cái Đẹp, vũ trụ tưởng mơ hồ ấy như được nhìn qua một chiếc kính viễn vọng khổng lồ, để ta thấy hết những tinh vân, những cột khí, lỗ đen, những thiên thể, những quần tụ thiên hà, những sao siêu mới.

Vũ trụ Cái Đẹp cũng liên tục nới rộng biên độ, tự cơi nới và phồng lên trong chính nó. Nếu như Cái Đẹp ban đầu gói gọn trong cái đúng đắn, cái làm ta vui thích, cái lý tưởng, trong sự đối xứng, ổn định và vẹn toàn hình học, thì dần dà, cái dị dạng, cái méo mó cũng dần được tiếp nhận trở thành Cái Đẹp. Cái Đẹp từ cõi vĩnh cửu của những đấng thần linh cũng dần giáng thế để tạo nên Cái Đẹp của xác phàm, của những thứ mong manh, của vanitas sớm nở tối tàn; Cái Đẹp từ phẩm tính sẵn có trở thành kết quả của thị hiếu và không còn liên quan đến lí trí.

Thậm chí Cái Đẹp từ đấng độc tôn, duy nhất cuối cùng cũng không thể tránh khỏi bị cuốn vào cuộc cách mạng công nghiệp. Cái Đẹp từ đền thờ, từ phòng tranh đi vào siêu thị, vào cửa hàng, Cái Đẹp được nhân bản, được sản xuất hàng loạt như cá hộp hay sữa hộp. Cái Đẹp cũng không còn là đặc quyền của nghệ thuật hay thi ca nữa, của nghệ sĩ hay minh tinh nữa. Khi đọc đến những chương về Cái Đẹp thực dụng, tôi nhớ đến một cuộc chuyện vãn của mình cùng nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm, người trước khi theo đuổi nghệ thuật thị giác từng có thời học khoa thiết kế ở đại học California, anh kể rằng chính khi học lịch sử thiết kế, anh nhận ra nhờ có thiết kế công nghiệp, ngày nay thường dân như ta mới có những chiếc khuy áo mà dùng. Ơn trời, nhờ Cái Đẹp hạ phàm, cuộc sống của ta đã dễ thở hơn biết bao nhiêu.

Bước vào mọi thư viện mỹ thuật, bạn có thể tìm được cả những cuốn sách về lịch sử mô tả thiên đường trong hội họa và lịch sử mô tả địa ngục trong hội họa. Trong sự bao dung của Cái Đẹp, một cô điếm cũng sánh ngang với nữ vương. Cái Đẹp là một tôn giáo đa thần, một nền dân chủ đa nguyên, bất kể cái gì cũng có thể được xưng tụng là Cái Đẹp và cũng có thể được hợp lý hóa để trở thành Cái Đẹp, dù là cái xoa dịu ta hay cái khiêu khích ta, cái an ủi ta hay cái đe dọa ta, cái diễm lệ hay cái quái gở, cái tươi sáng hay cái u ám, cái tử tế hay cái suy đồi.

“Nếu bò, ngựa và sư tử có tay hoặc có thể dùng móng mà vẽ, mà sáng tạo như loài người thì các bậc thần linh do ngựa vẽ sẽ giống loài ngựa, do bò vẽ sẽ giống loài bò, và cơ thể họ cũng sẽ có hình dáng tương ứng với loài vật ấy”. Umberto Eco trích lại một nhà hiền triết xứ Alexandria ở phần mở đầu Lịch sử cái đẹp.

Khi Trái đất bị hất đổ khỏi vị trí trung tâm trong vũ trụ, và con người nhận ra mình cũng không mang hình hài Thượng đế, Cái Đẹp trở nên hỗn loạn, chống lại mọi cắt nghĩa và hàng rào giới hạn. Ngay cả việc chỉ ra cái gì không là Cái Đẹp cũng không thể phụ thuộc vào những biên giới cứng, trong một thế giới mà bệnh tật, cái chết, sự tận diệt, thây ma cũng có thể đẹp. Trong bức tranh The three ages of Women and death của Hans Baldung Grien chẳng hạn, đâu chỉ có cô thiếu nữ tuổi xuân xanh là đẹp, mà đứa trẻ và bà già – hai thì quá khứ và tương lai của cô – cũng đẹp, đến cả Thần chết gầy đét như bộ xương khô tay lăm lăm chiếc đồng hồ cát tượng trưng cho cuộc đời rồi cũng tử tận của cô cũng đẹp – Cái Đẹp của một sự thật ghê rợn rùng mình.

Bức “Hoa hạnh nhân nở” của Vincent van Gogh.

Cho dẫu Umberto Eco thành thật rằng cuốn sách của ông chỉ gói gọn trong văn minh phương Tây, nhưng tôi vẫn cứ tò mò ông sẽ nghĩ thế nào khi xem những bộ phim của Apichatpong Weerasethakul, một đạo diễn Thái Lan nổi tiếng, người đi ngược lại tất cả những tiêu chí về cái đẹp, người đưa những diễn viên xấu nhất, những bối cảnh tầm thường nhất, những màu phim đơn sơ nhất lên phim, vậy mà cộng gộp tất cả những thứ xấu xí đó lại, các bộ phim của ông vẫn cho ta trải qua một cảm giác siêu phàm (transcendental) không thua gì khi chiêm ngưỡng một phong cảnh đẹp vô song. Và ông sẽ nói gì khi xem Triangle of sadness của Ruben Östlund, một bộ phim mà cái đẹp (dù là cái đẹp vỏ ngoài đi chăng nữa) gặp gỡ cái tởm lợm, với cảnh những quý ông quý bà ăn bữa tối fine-dining đẹp như tranh để rồi cuối cùng nôn thốc nôn tháo vào mặt nhau. Phải chăng, cả điều đó nữa, cũng đẹp?

Cái Đẹp từ phẩm tính sẵn có trở thành kết quả của thị hiếu và không còn liên quan đến lí trí.

Sau rốt, Umberto Eco cũng phải đầu hàng trước câu hỏi ông tự đặt ra: cái gì được coi là đẹp? Thế kỷ 20, thời điểm cuốn sách kết thúc, là một vườn nhân giống cái đẹp vô tận với đủ kỳ hoa dị thảo. Nếu khảo sát tiếp thế kỷ 21, có lẽ ta sẽ thấy khu vườn Cái Đẹp càng phình to và lạm phát phi mã hơn nhiều. Cái từng bị cho là kém hấp dẫn giờ cũng đường đường chính chính bước vào thánh đường Cái Đẹp. Có hề gì, Cái Đẹp đủ phóng khoáng để có chỗ cho tất cả.

Tất nhiên, người ta có thể lo lắng: Cái Đẹp dễ dãi thế ư? Thế thì nguy quá. Vì một khi tất cả mọi thứ được coi là Đẹp thì cũng đồng nghĩa với việc chẳng còn gì Đẹp nữa, cũng chẳng cần phấn đấu tới Cái Đẹp nữa. Và rồi thế giới sẽ thành một mớ lùng nhùng xấu đẹp bất phân, không còn phân biệt được đúng sai phải trái.

Nhưng lo thế cũng là lo thừa. Dẫu trong Cái Đẹp luôn ẩn chứa một thứ “je ne sais quoi” – chẳng biết vì sao nó đẹp, song Cái Đẹp luôn có đủ một tấm lưới lọc – rất mỏng nhưng đủ nhạy bén – mà cái giả-Đẹp khó lọt qua. Cái Đẹp khó mà bị nhận lầm – dù đó là gương mặt sầu muộn của James Dean hay một cô hầu gái trong tranh Johannes Vermeer đang rót sữa, dù đó là những vệt màu bắn tung tóe của Jackson Pollock hay cái bồn cầu tiểu của Marcel Duchamp.□

Tác giả

(Visited 60 times, 2 visits today)