Linda Lê, người chọn một ngôn ngữ khác

Vấn đề đối với nhà văn gốc Việt Linda Lê không phải là từ bỏ một ngôn ngữ (tiếng Việt) và chọn một ngôn ngữ khác (tiếng Pháp). Tương tự như trường hợp các nhà văn được nuôi sống bằng nhiều ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ của mình, viết bằng ngôn ngữ nào không còn quan trọng. Vấn đề mà chị muốn hướng tới, là từ bỏ những định kiến, những khái niệm đã xơ xác, mất đi ý nghĩa lành mạnh, tìm kiếm những nội dung mới mẻ cho nhận thức của con người.

Bài viết của nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng Pháp Linda Lê nhân dịp gặp gỡ bạn đọc tại L’Espace, Hà Nội, ngày 13-10-2010, Những người xa lạ kỳ lạ, chủ yếu đề cập tới mối tương quan giữa cái dị biệt (khác lạ, đơn lẻ, duy nhất) với cái rộng lớn, hay còn có thể hiểu là cái mênh mông không giới hạn của những chân trời về nhận thức và văn hoá.

Xuất phát từ quan niệm, con người vốn dĩ là dị biệt, độc đáo, duy nhất, nhưng cũng vì thế mà rất dễ có nguy cơ trở nên nhỏ bé, hẹp hòi, tự cao huyễn hoặc, Linda Lê mong muốn vượt khỏi bản ngã cá thể, vượt khỏi thói thường lấy những định kiến và năng lực nhận biết của mình làm trung tâm(1), để đi tới tiếp nhận “kẻ khác”, “những sự dị biệt khác”, cũng có nghĩa là đi tới một quan niệm mở, dung chứa được sự biến động vô cùng của đời sống và tri thức. Nhận thức, như chân trời không có giới hạn.

Đó cũng chính là con đường của chị, một người Việt nhưng lại tồn tại nhờ một ngôn ngữ khác, người Việt “không mang Tổ quốc dán chặt dưới đế giày”, đứng trước thách thức của “những người xa lạ kỳ lạ”, trước một thế giới mênh mông đa văn hoá, làm thế nào để bản thân mình cũng trở nên rộng lớn, tương cập mà vẫn bình thản trước cái đa diện, đầy xung lực, hỗn năng, uy quyền của những nền văn hoá lớn khác?

Linda Lê đã chọn cách tấn công trực diện “thành trì” của những ảo tưởng nô dịch, những quyền năng lấn át trong đời sống tinh thần của con người đương đại, bênh vực thiên tư trong lành, bản tính tự nhiên. Chủ đề lớn nhất trong sáng tác của chị là cuộc gột rửa lại nhận thức, đã bị nhiễm độc bởi những toan tính áp đặt, cưỡng bách, làm nảy sinh những ảo tưởng, định kiến, trói buộc con người trong thân phận nhỏ bé, “vô minh”.

Như thế, vấn đề đối với Linda Lê, không phải là từ bỏ một ngôn ngữ (tiếng Việt) và chọn một ngôn ngữ khác (tiếng Pháp). Tương tự như trường hợp các nhà văn được nuôi sống bằng nhiều ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ của mình, viết bằng ngôn ngữ nào không còn quan trọng. Vấn đề mà chị muốn hướng tới, là từ bỏ những định kiến, những khái niệm đã xơ xác, mất đi ý nghĩa lành mạnh, tìm kiếm những nội dung mới mẻ cho nhận thức của con người.

Sự “phản đòn” của khái niệm

Cùng lúc mô tả trong tác phẩm của mình những nội dung phức tạp: đau khổ, sự vong thân (đánh mất chính mình), ảo tưởng và định kiến… như những quá trình quan trọng của đời sống tinh thần, Linda Lê muốn chúng ta nhìn lại thật minh bạch những quá trình ấy, đâu là ý nghĩa và tác động đích thực của nó trong tồn tại của chúng ta.

Thế giới nghệ thuật mà chị đem đến được cố ý miêu tả gần như chỉ bằng cái ác và khổ đau tuyệt vọng. Anh thợ xây Gemimi trong Giàn giáo* lướt khắp các tầng nhà đang sửa chữa hy vọng tìm được một cảnh sống ấm áp như mong đợi của mình, nhưng đến đâu cũng chỉ thấy những kiếp súc sinh bi thảm, đê tiện của con người. Đến nỗi lúc vừa thấy loé lên một cảnh tượng vui, thì cũng là lúc tuột tay làm mồi cho cái chết. Anh văn sĩ quèn trong Con ruồi quyết chọn loài vật dơ dáy, bẩn thỉu, bị xa lánh này làm Nàng thơ, nguồn động viên sáng tạo, tìm ra điều dễ thương của nó, như một cách để thích ứng với cái xấu xí, tiêu cực, nhưng rốt ráo bị cả đàn ruồi tấn công đến chết. Ông già gốc Việt trong Nói với tôi đi, với quá khứ đè nặng tội lỗi, nhìn Paris, thành phố cứu chuộc của mình đầy rẫy “những lời nói tật nguyền”, “tiếng nấc buồn thảm”, “những từ điên dại vì cô đơn”, “những thú tội chẳng một ai nghe”…

Chọn cái ác làm “trung tâm” những miêu tả của mình, Linda Lê không chỉ muốn tạo ra một phóng chiếu của cuộc đời thực nơi cái ác lộng hành mà chị đã dự cảm năng lượng khủng khiếp của nó, cũng không đơn thuần là do tiếp nhận ảnh hưởng của dòng văn chương theo khuynh hướng chủ thuyết về tính chất phi nhân tính, phi-nhân của con người từ các triết gia tiền bối J. Lacan hay J. Derrida(2).

Linda Lê muốn di dời mối quan tâm của chúng ta, từ một quan niệm về cái Thiện chung chung, sáo rỗng, cái Thiện do người khác đem đến, áp đặt, sang một quan niệm mới về cái Ác, trong một thế giới đã “nghịch đảo” đến tận cùng- chỉ toàn cái ác. Cái Ác của chị mang tính chất nước đôi, nó là môi trường dị biệt, lạ lùng, để cùng xem xét lại các giá trị tưởng chừng quen thuộc: tình yêu, sự gắn bó, lệ thuộc và ly khai… trong ý nghĩa nước đôi, một đằng gây ra ảo tưởng, định kiến, huỷ hoại, mặt khác là ý nghĩa trong lành vốn có. Tạo ra một “phúc âm về tội ác”, Linda Lê muốn đứng trên ranh giới mong manh để nhìn nhận lại những điều vốn mang danh cái Thiện nhưng từ lâu bóp nghẹt tâm hồn và nhận thức chúng ta.

Linda Lê không tạo ra kiểu nhân vật làm chỗ dựa chắc chắn cho độc giả. Mỗi nhân vật của chị là một sự phê phán, bị phủ định, vừa có mặt khả thể vừa có mặt đáng bị vượt qua. Chị không có nhân vật đại diện cho “cái Đúng” hay sự khẳng định sau cuối về nhận thức, mà mỗi nhân vật đều được dành chỗ để độc giả quan sát ảo tưởng của họ.

Hầu hết nhân vật của Linda Lê đều quanh quẩn trong cái “ao nhà” về nhận thức, nhận biết và chấp nhận cái ác, sử dụng chính cái ác nhưng vẫn trở thành mồi ngon của nó. Lòng thương cảm, tình yêu, sự gắn bó, tính vị tha, tất cả chỉ dừng lại ở những ảo tưởng để trấn an, ngăn trở con người nhận thấy tính chất bất trắc, hỗn loạn của thực tại mà thôi.

Trong tình trạng này, hình tượng “người điên” và “người viết” mang sức sáng tạo đột phá của nhà văn.

“Điên” được xem là thuộc tính phổ biến, di truyền từ cụ tổ bốn đời của dòng họ, trong Vu khống. “Điên” cũng lại được xem là phương tiện để chia rẽ và loại trừ lẫn nhau trong cái gia tộc đó, khi có những người khác hẳn với xu hướng lấn át (thực dụng, xu phụ quyền hành), và kẻ đó bị quy kết là “điên”. “Người điên” trong tác phẩm của Linda Lê dù “đã chữa khỏi bệnh” như ông cậu ruột của cô gái gốc Việt trong Vu khống, hay đang ở “thời kỳ điều tra” như anh nhà văn bị nghi giết mẹ đẻ trong Con Nhện, đều bộc lộ khả năng lập luận thông tuệ, minh triết hiếm có về nhận biết cuộc sống. “Người điên” dễ bị tổn thương, hành động kỳ quặc: “ông cậu ruột” và em gái cùng cha mẹ khăng khăng yêu nhau đến chết không rời; anh nhà văn vô thức siết cổ mẹ đẻ trong cơn hoảng loạn… Nhưng những hành động kỳ quặc ấy lại là lời biện minh chân thành nhất cho bản tính tự nhiên của con người: tình yêu, hay sự phản kháng đích thực của tâm hồn, bất kể đến đối tượng của nó. Mượn hình thức phi lý, trái khoáy, cấm kỵ, chính là cách thức khẳng định ý nghĩa của sự vật một cách dũng cảm.

Khư khư tin vào sách vở, hành động rồ dại, không chấp nhận bất cứ một cách thức lý giải thông thường, phổ biến nào về cuộc đời, “người điên” của Linda Lê là biểu tượng buồn cười, mủi lòng, cao quý cho thiên tư trong lành vốn có của con người, kiên quyết khước từ nhận thức, khước từ việc nhìn nhận thế giới bằng tri thức áp đặt từ phía những quyền lực đang chi phối hầu hết nhân loại.

“Nhà văn” là một dạng thức đặc biệt của “người điên”. Chết vì bị một chữ nhảy lên cắn cổ, bị nhiễm “chữ” theo kiểu nhiễm bệnh dại từ chó dại (Vết cắn), hay như nhà phê bình Lebon chấn động vỡ tim tức khắc khi chứng kiến nhà văn yêu quý của mình tự sát chỉ vì một chi tiết xấu xí trong tiểu sử mà anh đã phát hiện ra (Ngày Bonel gặp người viết điếu văn mình) – cực đoan kiếm tìm những giá trị khác biệt với cái thông thường, nhà văn đứng trước cái chết, nguy cơ bị huỷ hoại vì chính con đường và phương tiện cực đoan của mình, như một định mệnh không thể tránh khỏi. Đây là dự báo sớm “cái chết”, nỗi hoang mang của sáng tạo trong một thế giới khủng hoảng.

Xây dựng nên một thế giới nghịch đảo, chỉ bao gồm toàn cái ác và thống khổ, bẽ mặt, vỡ lẽ, Linda Lê cảnh báo người đọc về những giá trị đang làm nên tồn tại của con người: huyết thống, tình yêu, ràng buộc, nhận biết bản thân… có thực sự là thế, hay chỉ là ảo tưởng, và còn tệ hơn, là sự Vu khống?

Lại chơi với ngôn từ

Sự mất lòng tin vào kiểu ngôn ngữ quy ước (ngôn ngữ như một phương tiện truyền thông, biểu đạt vốn có trong đời sống), hay sự sùng bái ngôn ngữ như một kiểu năng lượng luôn ứ đầy, tự hiển thị, tự sinh sôi, và bao hàm trong nó những trường ý nghĩa  không bao giờ có thể giải mã trọn vẹn, như quan niệm của các nhà tiểu thuyết Mới (3), thực ra đều xuất phát từ một tâm thế nghi ngờ sâu sắc các giá trị của đời sống.  Ở đây ta hiểu là những giá trị đã bị “tiêu dùng” đến xơ xác, nhan nhản, những giá trị nhờ áp đặt mà chiếm phần chủ yếu, lấn át tới mức trở thành xiềng xích đối với tồn tại cá nhân.

Linda Lê, bằng cuộc dấy loạn quyết liệt chống lại những ảo tưởng giá trị, đã sống trong một thứ ngôn ngữ tuy chưa đoạn tuyệt hẳn (với ngôn ngữ quy ước) nhưng đầy dấu vết chấn thương, trầy trụa những phá phách, đầy những suy tưởng vỡ vụn, đan xen với kiểu giễu nhại vừa hài hước vừa ngây thơ, vừa cay độc lại vừa trong trẻo.

Chị dùng những hình ảnh quyết đoán, táo tợn trong Vu khống: “… cái gia đình đã “cán dẹp bộ não tôi” (4) hay “thằng cha sửa giầy chỉ có con chó và một nửa bà mẹ”(5). Thoạt tiên có thể coi đây là lối nói phúng dụ, hình tượng hoá quen thuộc, nhưng thực ra nhà văn đã đi rất xa trong miêu tả. Không liên tưởng dựa trên sự tương đồng, chị thay thế những khái niệm quen thuộc như “tiêu diệt” hay “còn nửa người” bằng những hình ảnh, hoặc cụ thể, xâm lấn vào cảm giác, hoặc dung chứa thông tin mới mẻ, chưa từng có, mang tính chất không tưởng, làm người đọc choáng váng.

Vu khống xuất hiện khá dày đặc các đoạn văn, mà trong đó một khái niệm dần dần cứ bạc phếch hết ý nghĩa thông thường vốn có của nó, để mang lấy một nội dung trái ngược: “Hết là nạn nhân của cha, chồng, của lòng dạ hẹp hòi tỉnh nhỏ, bà tôi, Ricin bảo, lại là nạn nhân của những kẻ phù phiếm, những kẻ chăm chăm đi tìm một nạn nhân để bênh vực, họ trưng ra giữa phiên chợ những bất công, họ tỉ mỉ lập danh mục những đối xử tàn tệ trước đám khán giả đao phủ bất mãn…(6)”

Sự quan tâm hay lòng trắc ẩn ở đây hoàn toàn được nhìn nhận như một thú tiêu khiển vị kỷ.

“Không phải một người cha mà là một định kiến. Những người đàn ông con bé nói thương yêu đều đã là nạn nhân của định kiến ấy. Nó đã nhìn xét, thúc bách, gọt giũa, diễn đạt những người ấy cho tới khi họ chỉ còn là sao cóp người cha. Hễ phát hiện một ai đó có năng khiếu thủ vai thế người cha, tức thì nó tung lưới tóm lấy, người ấy vùng vẫy đến mấy nó cũng van nài phải giống với định kiến của nó. Nhưng khi người ấy thuận theo rồi, nó lại nghi ngờ… người cha ấy chẳng phải cha thực.(7)”

Tính chất vừa chông chênh vừa cố hữu của những định kiến tưởng tượng có thể xoá sổ bất cứ thực tại vật thể nào đang hiện hữu.

Làm phai mờ, mất dần những khái niệm quy ước sẵn có, Linda Lê sống dậy một thế giới của nghi ngờ và giễu nhại(8), nơi mỗi cảm xúc, chấn động đều mang ý nghĩa đắng cay, mỉa mai, tuyệt vọng.

Trong tập truyện ngắn “Lại chơi với lửa”, chị dùng một cách phổ biến những trạng thái nước đôi, tạo thành những từ mới có hàm nghĩa đối lập, khiến người đọc cảm nhận ý nghĩa hài hước và phủ định tức thì: “lòng kiêu hãnh rỉ nước”, “trí nhớ khiếm khuyết”, “bạo chúa nghệ thuật”, “thuế (cho) tự do”, “tận tình căm thù”, “anh hùng sầu khổ”, “xương xẩu hi vọng”, “vầng sáng những mỏi mệt tuyệt vọng”, “đen nhánh rực rỡ”, “suy vi kiêu kỳ”, “nỗi khiếp hãi thần thánh”…

Lối dùng chủ thể bị động quen thuộc (trong câu văn tiếng Pháp) được kết hợp một cách biến hoá, chi tiết, tạo ra những phạm vi cảm giác, hình dung mới:

“Nhân lúc mẹ sơ ý, nó trốn vào rừng, hy vọng mất tích và được bỏ lại trong cõi thiên đường ấy.” (Con mắt Brion)

“Nhưng tấm thân rụt rè kia cũng cho ta đoán được một sức mạnh lớn lao, một khả năng nổi loạn.” (Mổ xẻ một ảo tưởng)

“Con tim tội nghiệp của loài người là kẻ thù lớn nhất cho ý chí tự do của họ. Bản chất con người là, một thói quen, xói mòn ta nhưng cho ta sự an toàn giả trá như được cắm neo, đối với ta lại quý hơn một điều hiển nhiên khiến ta đối mặt với chính mình.” (Mổ xẻ một ảo tưởng)

“… thành phố những thân xác co ro chẳng nhớ trước kia mình từng có hạnh phúc nào hay không…” (Nói với tôi đi)

Không mê mải tới những lãnh địa quá phức tạp của cảm thức để tạo thành câu văn trùng điệp nhiều lớp, đa hướng về cảm giác và tiếp nhận, Linda Lê có khuynh hướng bám giữ mạch văn quyết đoán, mạnh về lý tính phân tích, phán đoán, nhưng không hề bỏ lỡ cơ hội đưa liên tưởng, tưởng tượng đi xa tới cái lạ lùng, thậm chí không tưởng. Chị cũng luôn để tâm trí được tự do, phóng túng với những bột phát, thành thực với bản năng trong trẻo, thơ ngây và “nhặt” lên những chuỗi ngôn từ ngộ nghĩnh như trò chơi con trẻ. Đó chính là lý do vì sao trong những cuốn sách gần như chỉ nói đến khổ đau, đổ vỡ của chị lại thấm đượm chất thơ và ý nghĩa trữ tình kín đáo.

Linda Lê đã cho chúng ta thấy, viết không chỉ là “lưu đày bản thân” đến những vực thẳm tuyệt cùng của tư tưởng, mà còn là cứu rỗi, thông qua phương cách vô cùng nhức nhối đó, một hy vọng vào bản nguyên đích thực trong sáng của con người.

Linda Lê là một trong các nhà văn nữ hàng đầu tại nước Pháp hiện nay. Sinh năm 1963 tại Đà Lạt, Linda Lê sang Pháp năm 1977, theo mẹ có quốc tịch Pháp, trong khi cha ở lại Việt Nam; sự chia lìa này là một đau khổ khôn nguôi cho cô.

Linda Lê thành danh năm 1992 với tập truyện Les Évangiles du Crime (Phúc âm Tội ác). Từ đây, các tác phẩm của cô luôn luôn được đón nhận nồng nhiệt: Calomnies (Vu khống, 1993); Les Dits d’un Idiot (Lời Tên Khùng, 1995); và nhất là bộ ba Les Trois Parques (Ba Nữ thần Số mệnh, 1997), Voix (Tiếng nói, 1998), và Lettre morte (Thư chết, 1999).

Các tác phẩm khác của cô mang nhan đề Les Aubes (Những buổi Rạng đông), truyện dài, năm 2000; Marina Tsvétaéva, phê bình văn học, Autres Jeux avec le feu (Lại chơi với lửa), tập truyện ngắn, năm 2002; Personne (Người), truyện dài, năm 2003; Kriss (kịch), năm 2004; Conte de l’amour bifrons (Truyện cuộc tình hai mặt), truyện dài; Le Complexe de Caliban (Mặc cảm Caliban), gồm nhiều tiểu luận, năm 2005; và In Memoriam (Tưởng niệm), truyện dài, năm 2007.

Một số giải thưởng chính: năm 1990, giải Vocation; năm 1993, giải Renaissance de la Nouvelle; năm 1997, giải Fénéon.

Tác phẩm của cô đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và đều được đón nhận nồng nhiệt.
Năm 2007, tiểu thuyết “In Memoriam” của cô được dự tuyển cho giải Femina, giải Médicis, và Giải thưởng Lớn cho tiểu thuyết của Hàn lâm viện Pháp.

                   

(*) Tất cả tên tác phẩm, trích đoạn sử dụng trong bài đều từ bản tiếng Việt của Nguyễn Khánh Long, tiểu thuyết Vu khống (Calomnies), và Lại chơi với lửa (Autres Jeux avec le Feu), Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành.

(1) Trung tâm, được hiểu là hệ giá trị để quy chiếu, đánh giá các sự vật hiện tượng khác. Tuy nhiên các chữ trung tâm và “trung tâm” dùng sau này theo nghĩa, chỉ những hệ thống giá trị, quan niệm vì lý do nào đó chiếm phần áp đảp trong đời sống, trở thành thang giá trị của cộng đồng.

Không thừa nhận có “trung tâm” là tâm thức quan trọng của tư duy phê phán.

(2) Khuynh hướng triết học kế thừa thành tựu của phân tâm học cho rằng trong con người ngoài bản năng sống còn có xung năng chết, ngoài “người” còn có “con”, tức là bản năng ác. Vì vậy, cái ác không phải được xem như một thế lực thù địch ở bên ngoài mà là bản chất của chính con người. Văn học đi sâu vào mô tả cái ác, mô tả những bản chất ngoài nhân tính, cái phi- nhân (như tính thú vật, đồ vật hay thuộc tính thánh thần, ma quỷ) chính là để nhìn nhận, mổ xẻ, giải toả năng lượng cái ác trong con người. Đây cũng khuynh hướng quan trọng trong văn học Tây phương trong thế kỷ XX.

(3) Khuynh hướng tiểu thuyết mới và phê bình mới mà đại diện là Roland Barthes (1915- 1980) quan niệm ngôn ngữ là tập hợp những ký hiệu mà thông tin hàm chứa trong đó luôn “bão hoà”, dôi dư, có thể dùng nhiều cách đọc khác nhau nhưng chưa bao giờ được giải mã hết, để đọc được một tác phẩm cần phải sử dụng đến nhiều tri thức liên văn bản.

(4) Nguyên bản: famille qui a laminé mon cerveau
 
(5) Nguyên bản: Le cordonnier n’a que son chien et sa moitíe de mère

(6)  Nguyên bản: Après avoir eté victime de son père, de son mari, de l’esprit borné d’une ville de province, ma grand- mère, dit Ricin, a eté victime des gens frivoles, des gens qui se cherchent toujours une victime qu’ils protègent, qu’ils exhibent à la foire des injustices, et don ils détaillent le catalogue des sérvices devant un parterre de bourreaux à la vocation contrariée.

(7) Nguyên bản: Ce n’est pas un père, mais une idée fixe. Les hommes qu’elle dit aimer ont été les victimes de cette idé e fixe. Elle les a regardés, harcelés, façonnés, pensés jusqu’à ce qu’ils ne soient plus qu’un plagiat du père. Décèle-t-elle chez un quidam une aptitude à jouer les père de substitution, elle lui jette aussitôt son filet, li aura beau se débattre, elle le suppliera de ressembler à son idée fixe. Dès qu’il s’y sera conformé, elle soupçonnera… ce père de n’être pas son vé ritable pè re.

(8) Giễu nhại: thủ pháp phổ biến của văn học dân gian, truyện cười, để làm mất ý nghĩa thiêng liêng, đề cao, nhằm mục đích châm biếm, mỉa mai, phủ định. (Chửi cha không bằng pha tiếng). Giễu nhại được các nhà văn đương đại sử dụng một như thủ pháp chính yếu để không thừa nhận “trung tâm”, giải- trung tâm, chống lại quyền lực áp đảo.

Tác giả