Lời tự thú của một chiếc mặt nạ: Ẩn mình dưới lá

Lời tự thú của một chiếc mặt nạ là một cột mốc trong văn nghiệp của Yukio Mishima – lời bộc bạch của một thiếu niên đồng tính, người đã tự thiết kế cho mình một vai diễn để hòa nhập trong cái lễ hội hóa trang đã sôi nổi từ muôn ngàn đời nay của nhân loại.

Năm 1966, Yukio Mishima xuất hiện cường tráng trên tạp chí Life dưới tiêu đề “Chiếc dynamo ngôn từ của Nhật Bản”. Ông hát, ông viết, ông hút thuốc, ông đóng phim, ông làm đạo diễn, ông luyện tập kendo – ông là một khối sống căng tràn. Bốn năm sau, ông xuất hiện lần nữa trên Life, nhưng lần này, chỉ còn một chiếc đầu nằm gọn gàng trên mặt đất, bên cạnh là đầu của một người đồng chí, trong phòng chỉ huy của một doanh trại. Tấm ảnh mang màu sắc siêu thực ấy được chụp ngay sau khi ông thực hiện nghi thức seppuku tự vẫn. Khi nhìn ngắm giây phút ngưng đọng đó, ta không thể không nghĩ đến lời cuối của ông trong một buổi chuyện trò diễn ra trước đó không lâu, rằng ông thấy mình giống Petronius, một cận thần của bạo chúa Nero, và thật khó tin nếu như Yukio Mishima đã không nghĩ tới cái chết của Petronius trong tiểu thuyết Quo Vadis – cuốn sách mà thế hệ ông hết sức quen thuộc: “Tôi muốn được vui, được uống rượu nho, được nghe âm nhạc, được ngắm những đường nét thiên thần mà các bạn trông thấy cạnh tôi đây, rồi sau đó được thiếp đi với mái đầu mang vòng hoa này”. Petronius thốt lên trước khi tự sát trong một bữa tiệc xa hoa ngay trước mắt những vị thực khách đầy kinh ngạc.

Phê bình tiểu sử có thể đã lỗi thời với tác giả nào chứ không thể lỗi thời với Yukio Mishima, người đã sống như cách ông viết và đã viết như cách ông sống, người đã tuốt hết những tinh chất bên trong cả hoa cúc và thanh gươm, đã biến cái đẹp là một phần của cái chết và ngược lại. Trong Mặt trời và thép, một tiểu luận tự sự về chính bản thân mình, Yukio Mishima nói về xung lực lãng mạn hướng về cái chết như một khúc overture liên tục trở đi trở lại trong bản opera đời mình. Còn trong Lời tự thú của một chiếc mặt nạ, nhân vật chính cũng mang một niềm hoang tưởng hiếu kỳ về đổ máu, về bạo lực, về cái chết; anh đã đạt tới khoái cảm tình dục lần đầu tiên khi ngắm một bức tranh về thánh Sebastian gần như trần truồng bị treo trên cây với những mũi tên đâm xuyên vào cơ thể, nhưng dù tử khí đã phảng phất, nơi vị thánh vẫn chỉ chói ngời sự sung mãn của tuổi trẻ, không một chút phân rữa, vẫn vang vọng ánh sáng của thanh xuân.

Cậu ta nhập vai đến mức không chỉ trà trộn được vào rừng mặt nạ xung quanh mà còn trở thành một bản sinh đôi đe dọa đến bản dạng thực sự trú sâu trong cậu. Và như lẽ thường tình, một khi mặt nạ được gắn một lớp keo quá chặt, ta đừng hòng tháo bỏ mặt nạ ra mà không làm sứt mẻ gương mặt thật bởi chiếc mặt nạ đã trở thành phần kéo dài của bản ngã.

Có thể nói Mishima đã viết nên một cuốn sách giáo khoa về method acting. Hãy quên Marlon Brando đi thôi, có lẽ ngay cả bậc thầy diễn xuất ấy khi so với vai diễn kỳ công tự lừa phỉnh chính mình của Kochan cũng chỉ như một diễn viên hạng hai xoàng xĩnh. Ngay cả những rung động tình yêu vi tế nhất cũng được làm giả một cách hoàn hảo: cả sự ngất ngây trước tiếng dương cầm của một cô gái 17 tuổi, cả sự choáng ngợp khi thấy cô bước xuống cầu thang ở sân ga trong một sớm lạnh trời, cả nỗi ngượng ngùng khi bắt chuyện với cô, niềm phấn chấn khi nhận một lá thư tình đầu đời ý nhị hay niềm vương vấn vì đã bỏ lỡ nhau… Như một diễn viên kịch Kabuki không thể cởi bỏ lớp hóa trang và cũng không nỡ cởi bỏ lớp hóa trang, Kochan biến từng hoạt cảnh trong đời là một sân khấu để thăng hoa. Thế giới là một nơi quá nguy hiểm để bất kể một phút giây nào cậu được quyền bỏ quên hay đánh rơi vỏ bọc ngụy trang của mình.

Ta tưởng như Kochan đã qua mặt được hết thảy, nhưng không. Ngay cả khi trái tim hay tâm trí đã bị đánh lạc hướng, thì vẫn có một thứ tỉnh táo nhìn thấu xuyên tất cả, và đó chính là xác thịt. Xác thịt là triết học của sự thật, là màng lọc của chân lý. Dù trong tích tắc xuất thần nhất của màn trình diễn, Kochan cũng không thể khiến tấm thân mình run lên khi đặt môi hôn người con gái cậu nghĩ mình yêu, cậu cũng không thể ngăn lửa lòng bừng dậy khi trông thấy nơi sàn nhảy dơ dáy, một chàng trai trẻ tuổi đổ mồ hôi ướt đẫm, từ kẽ nách vươn lên những búi lông rậm đen lấp lánh dưới nắng mặt trời, và trên bộ ngực trần rám nắng là một hình xăm một đóa mẫu đơn. Ham muốn tình dục là một trận hỏa hoạn không thể dập tắt, và chỉ có nó không biết nói dối mà thôi. Cái lõi nguyên thủy của con người đã quật ngã mặt nạ văn minh bằng một đòn bất ngờ và lật ngược tình thế vào giây phút cuối của cuộc quyết đấu.

Có lẽ không một đất nước nào có ý thức về phẩm giá hơn Nhật Bản. Năm 2007, cuốn sách Phẩm giá của một quốc gia do tác giả Masahiko Fujiwara chắp bút bán được hàng triệu bản và khiến từ khóa “hinkaku” (phẩm giá) được nhắc tới khắp nơi. Cuốn sách phê phán chủ nghĩa tự do Tây phương và kêu gọi mọi người trở về với tinh thần võ sĩ đạo cao quý (bất chấp một số học giả phê phán samurai không là gì hơn ngoài một “tên đồ tể quả cảm”). Nhắc tới samurai là nhắc tới sức mạnh và danh dự, và không nỗi ô nhục nào bằng sự yếu nhược và sự mất mặt. Đối chiếu với Lời tự thú của một chiếc mặt nạ, một động lực vô song đã giúp Kochan trở thành diễn viên tuyệt vời là bởi cậu sẽ không đời nào chấp nhận đánh mất phẩm giá của mình trước những con mắt chĩa vào mình. Và phẩm giá chính là nguyên ủy nỗi thống khổ của một cuộc sống ẩn mình sau mặt nạ.

Tập tùng thư nổi tiếng bậc nhất về võ sĩ đạo là Hagakure, và tựa đề ấy có nghĩa là “ẩn mình dưới lá”. Ngọn ngành nhan đề ấy vẫn chưa ngã ngũ, có người cho rằng nó viện dẫn từ một bài thơ, lại có giả thuyết cho nó mang nghĩa ‘phục vụ từ trong bóng tối’. Nhưng đâu đó, phải chăng nó cũng mang hàm nghĩa về một chiếc mặt nạ – sự giấu biệt cái tôi thật sự để tận hiến cho một “vai diễn” đã định sẵn cho ta? Là một người cực hữu trung thành với tinh thần võ sĩ đạo bất khuất “luân hồi bảy kiếp để phụng sự quốc gia”, Yukio Mishima đã để nhân vật của mình gần như không giấy phút nào xao lãng việc bảo toàn danh dự. Ông mô tả nỗi thống khổ của kẻ ngụy trang bằng thứ ngôn từ lộng lẫy sẽ mất đi cùng với cái chết của ông, lộng lẫy như một tòa kiến trúc La Mã xa xỉ, lộng lẫy đến mức trong thống khổ có khoái cảm, và trong phút chốc, ta ước sao mình cũng được hủy hoại, được giày vò, như một diễn viên đam mê bi kịch và đến khi chạm đỉnh, nỗi sầu uất của vai diễn và sự mãn nguyện của người diễn hòa làm một.

Trong thế giới cổ đại, “persona” có nghĩa là mặt nạ. Cuối cùng, nó phát triển thành từ “person”, nghĩa con người. Nếu con người là xác thịt thì mặt nạ là tâm hồn, làm sao có thể tách bạch chúng thành hai? Mà kể như có tách, ai biết bên dưới mặt nạ có phải gương mặt không, hay cũng chỉ là một mặt nạ khác? Và, khi nghĩ lướt qua những tấm ảnh của ông theo thời gian trên tạp chí Life, ta rùng mình không phải bởi hình ảnh kinh dị của cái chết (nói cho cùng, “đạo của người võ sĩ chỉ có thể nhìn thấy trong cái chết”), mà ta rùng mình bởi sự nhất thời của hình tướng bên ngoài, ta không hiểu ta có thật sự biết ông hay bất cứ ai trên đời này không, và nơi hiện trường cái đầu Mishima còn lại, cái ta thấy có phải là gương mặt ông, hay cũng là một mặt nạ thôi?□

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)