Mahler, nơi tiếng hát và lời thơ tan biến

Với bản giao hưởng số 5, nhạc trưởng Bruno Walter cho rằng, Mahler “giờ đây đang hướng tới viết thứ âm nhạc như một nhà soạn nhạc.” Không phải Walter có ý chống lại những tác phẩm trước đó của Mahler: chỉ đơn giản ông nhận ra sự thay đổi bất ngờ trong lối viết của Mahler, khi ông hoàn toàn truyền tải cảm xúc bằng những nhạc cụ khí nhạc, mà không cần tới giọng hát hay lời thơ nào.

“Không một ai hiểu được nó. Ước gì tôi có thể chỉ huy buổi biểu diễn đầu tiên 50 năm sau khi tôi mất”. Đó là những lời Mahler thốt lên sau khi bản giao hưởng số 5 của ông ra mắt các khán thính giả tại Cologne vào ngày 18/10/1904.

Về sau, trong một lần được nghe bản giao hưởng này của Mahler, nhạc trưởng Herbert von Karajan – người được ví như một một tượng đài khổng lồ trong âm nhạc, một vị vua không ngai đầy quyền uy đã nói: “Chúng ta quên rằng thời gian đã qua đi. Một buổi biểu diễn của bản giao hưởng số 5 là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Chương kết đầy xuất sắc thâu tóm lấy bạn, bủa vây và kiểm soát tới từng nhịp thở…”

Tiếng trumpet cô độc cất lên ở phần mở đầu bản giao hưởng mở ra một bước ngoặt trong hình thức triết lý giao hưởng của Mahler. Bốn bản giao hưởng trước đó của Mahler đã gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ với thế giới. Cảm hứng âm nhạc được sản sinh bởi những câu chuyện, những bài hát dân gian, và đòi hỏi phải có giọng hát trong đó, một điều hết sức đặc biệt trong giao hưởng của Mahler.

Với bản giao hưởng số 5 này, như Bruno Walter đã nói, Mahler “giờ đây đang hướng tới viết thứ âm nhạc như một nhà soạn nhạc.” Điều này thoạt nghe tưởng như Walter dường như có ý chống lại những tác phẩm trước đó của Mahler; thực tế, ông là một trong những nhà soạn nhạc đầu tiên nghiêm túc hiểu và chỉ huy những tác phẩm của Mahler trước khi nó được sự công nhận rộng rãi. Walter chỉ đơn giản nhận ra sự thay đổi bất ngờ trong lối viết của Mahler, khi từ bản giao hưởng số 5 tới số 7, những xúc cảm của ông hoàn toàn được truyền tải bằng những nhạc cụ khí nhạc, mà không cần tới bất kỳ giọng hát hay lời thơ nào.

Thực tế, sự phá vỡ trong hình thức tác phẩm của Mahler không hề dễ dàng và cũng không cực đoan như những suy nghĩ của chúng ta. Mahler đã có ngụ ý khi để tiếng trumpet cất lên mở đầu bản giao hưởng. Giai điệu của nó là một trích dẫn từ cao trào trong chương một bản giao hưởng số 4, như một đường dẫn trực tiếp tới thế giới đã bị Mahler bỏ lại phía sau, và mở ra một hướng đi mới. Ở thế giới không có lời ca này, Mahler dường như giải phóng chính mình, với sự thổ lộ dạt dào của những nhạc cụ khí nhạc, sự phức tạp trong giai điệu và cầu kỳ trong từng nốt nhạc.

Sau khi rời bỏ vị trí của mình tại Stadttheatre của Hamburg vào năm, ông được bổ nhiệm vào vị trí Kapellmeister, hay còn gọi là giám đốc nghệ thuật cho nhà hát opera Vienna trong vòng mười năm liền. Mahler làm việc ở đó chín tháng mỗi năm, và chỉ còn duy nhất mùa hè để tập trung sáng tác. Chính vì thế nên ông còn được ví như là một “nhà soạn nhạc mùa hè”, như ông diễn tả, đã dồn nén một năm cảm xúc sáng tác vào trong một kỳ nghỉ đầy thích thú. “Cuộc sống của ông trong suốt những tháng hè,” người vợ Alma của ông sau này kể lại, “nó rũ bỏ tất cả những thứ trần tục, đầy tinh khiết và không hề giống như cuộc sống của những người bình thường.”

“Giao hưởng cần phải như thế giới này: nó phải ôm vào lòng mình tất cả.” Gustav Mahler.

Ông viết cả ngày lẫn đêm, và một vài ý tưởng xuất hiện trong đầu ông vào một dịp. Tháng 6 năm 1901, ông định cư tại một biệt thự ở Maiernigg, Worthersee, nơi mà trước khi mùa hè qua đi, ông viết bốn bài ca dựa trên những bài thơ của Ruckert, Kindertotenlieder (cũng dựa trên những vần thơ của Ruckert), Der Tamboursg’sell, và phác thảo hai chương trong bản giao hưởng số 5.

Trong tác phẩm của mình, Mahler để lại cho chúng ta một vài mạch tư tưởng, tuy không bắt buộc chúng ta phải hiểu âm nhạc đang diễn tả điều gì nhưng lại gợi ý điều đó nghĩa là gì với ông. Phần trung tâm scherzo là “một cuộc sống của con người với muôn vàn sắc màu được khắc họa.” Và chương Adagietto nổi tiếng, nếu chúng ta tin vào sự quả quyết của Willem Mengelberg, là sự tuyên bố của Gustav Mahler với tình yêu của ông dành cho người vợ của mình, Alma, mà không cần tới lời ca để diễn tả.

Như bản giao hưởng số 7 sau này và dự định về bản giao hưởng số 10 còn dang dở, bản giao hưởng số 5 được chia làm năm chương, với ba phần rõ rệt.

Phần đầu gồm chương một và chương hai, nhìn cuộc sống giống như một bi kịch đầy màu sắc. Mahler đã từng viết những hành khúc tang lễ trước đó – ba bản giao hưởng đầu tiên của ông đều có nó – nhưng giờ đây là một kiểu cách khác. Hành khúc tang lễ nổi lên gợi sự bi thương, sự bùng nổ khủng khiếp của nỗi đau đớn, chát chúa, và rồi thi thoảng lại được vỗ về bằng những giai điệu dịu ngọt, du dương, khát khao, mong ước. Chương một khép lại với tiếng kèn trumpet lẻ loi, cô độc với một khung cảnh tan hoang.

Chương hai nối tiếp chủ đề của chương một. Âm nhạc chứa đựng sự tức giận, sự hoang dại với những quãng yên lặng đan xen, như sự tuyệt vọng tột bậc. Khoảnh khắc xung đột đó mang nét đặc trưng của Mahler, khi mà tất cả nỗi buồn khổ và sự giận dữ tràn qua ranh giới của chính mình. Âm nhạc nhanh chóng chiếm lại sự điềm tĩnh của nó, nhưng dường như có phần lúng túng hơn. Gần về cuối chương, kèn trumpet và trombone bắt đầu xướng lên những âm thanh chói chang của bộ đồng, ầm ĩ và đầy quả quyết. Trong một khoảnh khắc nó vút lên. Và sau đó, đột nhiên, nó dường như mất nghị lực, ngập ngừng, và hạ giáng. Đó là một trong những sự giễu nhại nghiệt ngã mà Mahler tạo ra.

Chương scherzo trung tâm là nguyên nhân của một sự cố trong buổi tập đầu tiên. Từ Cologne, Mahler viết cho Alma:

Chương scherzo quả thực là một chương nhạc hết sức quái quỷ. Anh nhìn nó trong vô vàn những lộn xộn, bất an! Những nhạc trưởng trong vòng 50 năm tới, họ sẽ khiến nó chơi quá nhanh và khiến nó trở nên vô lý.

Thật khó để biết được Mahler muốn tốc độ âm nhạc nhanh thế nào là vừa, nó được ghi chú rằng “sôi nổi, không quá nhanh”. Sự pha trộn giữa các chất liệu tương phản của ông, như điệu nhảy dân gian và điệu valse sang trọng dường như không hề vô lý, nhưng lại đầy khiêu khích với người nghe. Toàn bộ là một điệu nhảy sôi nổi của cuộc sống, điểm thêm của nỗi luyến tiếc của thời gian, khi tiếng kèn horn dường như băng qua những thung lũng, cất tiếng gọi xa xăm diệu kỳ.

Bước thêm một bước sang chương nhạc tiếp theo, Adagietto, bạn sẽ thấy nỗi buồn được thêu dệt nên bởi những giai điệu tuyệt đẹp. Một chương nhạc có sức lôi cuốn đến kỳ lạ ngay cả với những người chưa sẵn sàng với những bản giao hưởng dài của ông, và khuấy lên những cảm xúc tưởng như đã nằm yên tận nơi đáy lòng. Đó còn là phần nổi tiếng nhất của bản giao hưởng, được sử dụng trong bộ phim “Death in Venice” của Visconti cũng như được chỉ huy bởi Leonard Bernstein trong suốt buổi tưởng niệm cố Tổng thống John F. Kennedy. Việc chương nhạc được sử dụng trong những dịp như vậy, cũng như hai chương trước nó có liên quan tới hành khúc tang lễ khiến nó dường như không hoàn toàn thích hợp cho việc thổ lộ những tình cảm. Ở đó, trong cái giai điệu vươn tới vô tận này, sự tuyệt vọng, nỗi bi thương, những lời than khóc như vang lên từ vực sâu thăm thẳm, khi nhỏ nhẹ, khi căng vút hết mình. Lạnh lẽo. Đau xót. Và chút mơ hồ thoảng qua của tiếng đàn harp…

Tuy nhiên, với một cái nhìn chính xác hơn, nó lại như một bản tình ca không lời, được viết dành tặng riêng cho Alma Schindler. Sự đa dạng, màu sắc của chương Scherzo dẫn tới một sắc thái rõ ràng hơn sẽ được đẩy lên đến tột bậc ở chương cuối, mà cầu nối giữa chúng, chương Adagietto thực sự là phần mở đầu. Sự hòa âm biến đổi đơn giản hơn, dành riêng dàn dây và harp. Đoạn nhạc được chú thích với những từ bằng tiếng Đức như “seelenvoll” (sâu lắng), “mit innigster Empfindung” (với sự xúc động sâu sắc) và “mit Wärme” (với sự ấm áp). Những dấu hiệu này nhấn mạnh mối liên hệ của âm nhạc với tình cảm của Mahler dành cho Alma, mong mỏi và khát khao, được ngân dài bởi dàn dây. Giai điệu bản thân nó vươn tới một giới hạn, sự ấm áp cực điểm trước khi một làn gió mới được mang tới ở chương kết.

Phần giữa của chương chậm này mở đầu với một chút căng thẳng hơn, chuyển qua lại giữa giọng thứ và giọng trưởng. Nó dường như hướng tới chủ đề trong “Tristan und Isolde” của Wagner, thứ có thể được xem như một sự ám chỉ tới chương nhạc hoặc như một bài ca tình yêu, hoặc như một bài ca về cái chết. Sự quay trở lại của giai điệu chính thậm chí dè dặt, thận trọng hơn, với những nốt được trải dài hơn bao giờ hết. Mahler để lại cho chúng ta một số dấu hiệu như do dự, ngập ngừng, lưỡng lự để nhấn mạnh nó. Và còn một điều đặc biệt, đó là phần kết hai lần ngưng lại, lần đầu ở bè bass, sau đó là ở giai điệu chính và đều được đẩy lên đến kịch tính trước khi chúng được giải quyết.

Giai điệu chuyển sang một tông màu tươi tắn hơn ở chương 5, với sự mở đầu của kèn horn, và chuyển sang thứ âm nhạc lộng lẫy, rạng rỡ, ngược lại hẳn với chương Adagietto. Bi thương chuyển thành niềm vui chiến thắng. Bộ đồng gia nhập và khiến chương kết trở nên trọn vẹn, kết thúc vui nhộn. Những nhà phê bình đã chia làm hai phe với hai luồng ý kiến về việc có hay không một sự mỉa mai, châm biếm đằng sau giai điệu hân hoan của chương kết. Theo nhà triết gia và âm nhạc học Theodor W. Adorno, “sự diễn đạt những bi kịch của Mahler luôn luôn rõ ràng trong khi sự tuyên bố lạc quan của ông lại thường xuyên được đặt trong những dấu nháy kép. Những dấu nháy kép được làm rõ ở đây, có một phần bởi ám chỉ tới bài hát trào phúng, nhạo báng. Tuy nhiên, sự hân hoan vang dội của chương kết lại là một điều hoàn toàn mới trong âm nhạc của Mahler, không giống như bốn bản giao hưởng đầu tiên của ông”.

Giao hưởng số 5 bắt đầu ở giọng Đô thăng thứ và kết thúc năm chương nhạc với giọng Rê trưởng. Cho đến thời kỳ Mahler, các bản giao hưởng thông thường mở đầu và kết thúc với cùng một giọng, và một vài giao hưởng trước đó của Mahler là như vậy. Việc Mahler nỗ lực để chuyển từ giọng Đô thăng lên Rê, và từ giọng thứ lên giọng trưởng như một bước phát triển mới, đưa âm nhạc từ bi kịch lên chiến thắng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)