Márai Sándor và sự nghiệp văn chương trải dài tám thập niên

Sau Những ngọn nến cháy tàn, Di Sản Của Eszter, Bốn mùa – Trời và Đất và sắp tới là Casanova ở Bolzano, Lời bộc bạch của một công dân được dịch ra tiếng Việt, tên tuổi nhà văn Hungary Márai Sándor không còn xa lạ với người đọc nước ta nữa. Dưới đây là bài viết của dịch giả Giáp Văn Chung về Márai Sándor, người ông cho rằng có sự tổng hòa của những giá trị văn hóa Hungary và thế giới mà qua đó có thể thấy được hình ảnh và diện mạo của một mái nhà chung Châu Âu đa văn hóa, đa sắc tộc.

 




 

Công dân thế giới

Márai Sándor sinh ngày 11-4-1900 trong một gia đình tiểu tư sản thành thị tại Kassa, khi đó còn thuộc phần đất Hungary của Nền Quân chủ Áo – Hung, ngày nay là thành phố Kosice của Cộng hòa Slovakia. Tên họ gốc của gia đình là Grosschmid.

Từ năm sáu đến chín tuổi, cậu bé Sándor học với gia sư. Năm 1909, Márai bắt đầu đi học trong nhà trường và dùng tên Grosschmid đến tận năm 1918. Tốt nghiệp trung học năm 1918, ông đến Budapest theo học Luật, rồi lại chuyển sang Khoa Triết của Đại học Tổng hợp. Cũng trong năm đó, ông in “Sổ lưu niệm” (Emlékkönyv), tập thơ nhỏ đầu tay gồm 12 bài, được nhà thơ danh tiếng Kosztolányi Dezső viết bài phê bình khen ngợi trên tờ “Nhật ký Pest” (Pesti Napló).

Năm 1919, Márai tham gia Nền Cộng hòa Xô-viết (Tanácsköztársaság) ở Hungary với tư cách một ký giả, ông có nhiều bài viết trên tờ “Cờ Đỏ” (Vörös Lobogó). Sau thất bại của Nền Cộng hòa (chỉ tồn tại 133 ngày), ông sang Leipzig, năm 1921 tới Berlin theo học đại học và bỏ dở giữa chừng vì chỉ ham mê viết báo. Márai viết cho nhiều tờ báo ở Berlin và trở thành cộng tác viên chính thức của “Frankfurter Zeitung” (một trong những tờ báo có ảnh hưởng lớn ở châu Âu bấy giờ), cùng với Thomas Mann, Heirich Mann và Theodor Andorno.

Năm 1923, trên đường sang Paris, ông đính hôn với bà Matzner Ilona, người bạn đời thủy chung của ông trong suốt 63 năm sau này. Hai người chỉ dự định ở Paris ba tuần, nhưng rồi họ đã quyết định ở lại đây sáu năm. Năm 1926, ông có cuộc hành trình dài ngày tìm hiểu vùng Cận Đông – kết quả chuyến đi này là tác phẩm “Theo dấu chân các bậc thánh” (Istenek nyomában) xuất bản năm 1927.

Năm 1928, ông rời Paris trở về Hungary, tiếp theo là giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Márai, ông làm báo, làm thơ, viết tiểu thuyết, viết kịch bản, dịch thuật… Từ đó cho đến khi qua đời, ông đã xuất bản gần một trăm đầu sách gồm đủ các thể loại, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như Di sản của Eszter, Những ngọn nến cháy tàn, Nhật ký, Lời bộc bạch của một công dân, Casanova ở Bolzano

Năm 1942, Márai được bầu là Viện sĩ Thông tấn và đến năm 1945, là Viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.

Sau khi bà Lola (tên gọi thân mật của bà Matzner Ilona) mất, ông sống trong tuổi già, bệnh tật và cô đơn. Chiều ngày 21-2-1989, tại San Diego, ông đã tự sát bằng súng ngắn, thọ 89 tuổi. Một năm sau khi mất, Márai Sándor được nhận Giải Kossuth (Giải thưởng cao quý nhất về văn học, nghệ thuật của Hungary). Kể từ đây, các tác phẩm của ông bắt đầu được in lại tại quê hương.

Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Márai Sándor trải dài trong chín thập niên của thế kỷ XX với tất cả những thăng trầm của thời cuộc, những trăn trở và hoài vọng của kiếp người. Trong ông, có sự tổng hòa của những giá trị văn hóa Hungary và thế giới; sẽ không quá lời nếu khẳng định rằng, qua ông, có thể thấy được hình ảnh và diện mạo của một mái nhà chung Châu Âu đa văn hóa, đa sắc tộc, với những giá trị văn hóa phổ quát và đa dạng, những điểm tương đồng.

Mặc dầu là người Hungary, Márai thực sự là một “công dân thế giới” theo đúng nghĩa của từ này. Kassa (Kosice), thành phố nơi ông chào đời, đầu thế kỷ trước còn thuộc Đế chế Áo – Hung, nay là lãnh thổ Slovakia. Cuộc đời của Márai là những chuyến đi, từ những địa danh từ Đức, Ý, Thụy Sĩ (Châu Âu)… cho đến Hoa Kỳ bên kia đại dương, nơi ông sống liên tục hai chục năm cuối đời (và rải rác nhiều năm trước đó). Márai cũng từng viết bằng tiếng Đức, thạo và nổi tiếng đến mức ông trở thành cộng tác viên hàng đầu của tờ “Frankfurter Zeitung” và sau này, ông đã phải ra quyết định lựa chọn giữa hai thứ tiếng Đức và Hung trong sáng tác.

Được phát hiện lại

Cũng như đa số văn hữu đương thời, không chỉ là một nhà văn, nhà báo, Márai còn có sự quan tâm rộng rãi đến nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội. Ông là người đầu tiên tại Hungary nghiên cứu về các tác phẩm của Franz Kafka; một công trình của ông đề cập tới sự xuống dốc của văn hóa, về khả năng “lũng đoạn” đám đông – đăng tải lần đầu năm 1942, nửa thế kỷ sau vẫn chứa đựng những suy tưởng cấp thời và đây cũng là lý do khiến Márai thuộc hàng những nhà văn bị cấm in ấn tại Hungary cho đến năm 1989.

Trên phương diện cá nhân, ngay từ rất sớm, Márai đã có cái nhìn phê phán trước những sự kiện xảy ra ở quê hương ông. Năm 1948, ông đã lựa chọn vai trò của một người di tản, nhưng trong thời gian diễn ra cuộc cách mạng 1956 và thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, Márai vẫn không quên xứ sở ông: những người đứng tuổi hẳn còn nhớ thi phẩm động lòng “Thiên thần từ bầu trời” (Mennyből az angyal) mà Márai viết nơi tha hương, tại New York, vào mùa đông giá lạnh 1956, đúng vào những giờ khắc bi thương và đau khổ nhất của dân tộc Hung. Và, trung thành với chính kiến của mình, từ thập niên 80 thế kỷ trước, Márai đã cưỡng lại những lời mời chào của chính quyền Kádár cho dù tính đến thời điểm đó, sách của ông đã bị cấm in gần bốn mươi năm ở Hungary!

Về căn bản, các tác phẩm của Márai (báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhật ký…) chỉ được biết đến rộng rãi ở Hungary sau mốc 1989, khi nhà văn qua đời và Cộng hòa Hungary có những biến chuyển dân chủ. Chỉ trong ít năm, Márai trở thành tác gia được đọc nhiều bậc nhất ở Hungary. Trên thế giới, bên cạnh Kertész Imre (Nobel Văn chương 2002) và Móra Ferenc (một nhà văn cổ điển Hung), Márai cũng là cái tên được biết đến nhiều nhất. Sách của ông được dịch, ấn hành và tiêu thụ với số lượng rất lớn tại các nước nói tiếng Ý, Đức, Tây Ban Nha, Anh. Điều lý thú là các nhà xuất bản ngoại quốc thường lấy tựa đề của bản dịch tiếng Pháp để đặt cho các tác phẩm của Márai, thay vì tựa đề nguyên gốc tiếng Hung.

Trong số những tác phẩm lớn của Márai, “Những ngọn nến cháy tàn” có một vai trò đặc biệt: có thể nói rằng, gần một thập niên sau ngày mất, Márai Sándor đã được “phát hiện lại” với cuốn sách này. Ngay sau khi được in ở Ý, tiểu thuyết được bầu chọn là “Cuốn sách thành công nhất của năm” (1998) và đến nay, NXB Adelphi (Milan) đã tái bản nó lần thứ ba mươi lăm! Sau đó sách được dịch sang tiếng Đức, tiếp đó, có hai bản dịch tiếng Anh được ra mắt: một bản dịch từ tiếng Đức và bản kia dịch từ nguyên bản tiếng Hung. Tổng số đầu sách bán ra trên các thị trường sách Anh và Đức lên tới con số vài chục vạn bản.

 

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)