Mắt xanh trong quản lý văn học nghệ thuật

Quản lý xã hội là một công việc khó khăn. Quản lý văn học nghệ thuật càng vô cùng khó khăn hơn. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến không ít những hành xử đối với văn hóa lầm lẫn đáng tiếc. Thậm chí có thể nói là vô văn hóa đến mức đáng kinh ngạc.

Năm 1901 khi tìm kiếm một nhà văn kiệt xuất để khai mạc giải Nobel văn học hầu như tất cả hội đồng xét giải đều dễ dàng nhất trí đề cử nhà thơ Pháp lẫy lừng Xuyli Pruyđom tác giả những bản trường ca hùng hồn và cao thượng vinh danh sự tiến hóa lớn lao của trí tuệ loài người. Những tác phẩm được coi là có giá trị nhân đạo sâu sắc.
Cả những câu thơ cao thượng, cả giải Nobel danh giá đã không cứu nổi nhà thơ khỏi sự lãng quên khốc liệt của thời gian nếu không có bài thơ tình nhỏ được xếp loại vào “hạng thứ” (mineur) Pruyđom đã sáng tác trong lúc rỗi rãi, bài “Chiếc bình vỡ”.
Nước Pháp văn minh đã từng đưa hai nhà văn – thơ hàng đầu thế giới ra tòa về tội sa đọa. G. Flobe, tác giả “Bà Bôvary”, và Ch. Bôđơle, tác giả tập “Ác hoa” – một tập thơ hàng đầu thơ ca nhân loại giờ đây được giảng dạy trong hầu hết các trường phổ thông Pháp.
Rôđanh, bậc thầy điêu khắc hiện đại đã khốn khổ khốn nạn vì trót chiều lòng ông bạn nhà văn Zôla nhận làm pho tượng kỷ niệm Banzắc.
Cả uy tín của Zôla lẫn tài năng của Rôđanh đã không bảo vệ được nhà tạc tượng khi tác phẩm được trưng bày lần đầu tiên. Những lời phẫn nộ nổ ra từ khắp các miền Lục Giác Quốc.
“Người ta không thể lạm dụng nghệ thuật để bôi nhọ nước Pháp”.
“Đó là hành động xúc phạm Tổ Quốc”.
Có người kỹ tính hơn còn đề nghị:


Tranh: Đặng Xuân Hòa

“Phải xét xem trong huyết quản Rôđanh có dòng máu Do Thái hay không”.
Một bức thư dài phản đối quyết liệt được đăng chữ đậm trên hầu hết các báo lớn của Thủ đô dưới có ký tên cả các nhân vật khả kính hàng đầu của nền văn hóa Pháp: viện sĩ A. Frăngxơ, nhạc sĩ bậc thầy Đơ Buýtxi, họa sĩ tài danh Lôtơrếch. Rôđanh chỉ còn thiếu nước đi ở ấp.
Bức tượng tuẫn nạn ấy giờ đây được đánh giá như một pho tượng kỉ niệm danh nhân vào loại top ten thế giới.
*
Các danh họa phái Ấn tượng, những người khai sinh ra nền hội họa hiện đại Châu Âu, từng bị sỉ vả “là những tên mất trí cần phải nhốt lại”.
Bức họa nổi tiếng của Mônê, “Ấn tượng mặt trời mọc”, khai mạc trường phái này có một ý nghĩa dự báo cao. Cả một thời đại đã bị lóa mắt bởi ánh sáng quá rực rỡ của buổi bình minh không nhìn thấy một kỷ nguyên mới của hội họa đã xuất hiện.
Đó là ở Cựu lục địa.
Ở Tân lục địa, tình hình cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Tập thơ “Lá cỏ” của Uýtman, giờ đây được coi là khúc giao hưởng tiêu biểu cho cái mênh mang đa sắc tộc của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, ngày mới xuất bản đã bị hầu hết giới trí thức đông đảo phủ nhận.
“Đây không phải là thơ, đây là sự vô lễ”
Và Uytman đã bị sa thải vì tội viết những cái nhảm nhí vi phạm nghiêm trọng tư cách một viên chức nhà nước.
Nhưng đó là ở bên Tây, bên Tàu. Việt Nam ta có cách làm riêng của ta thì sao? Hai nhà phê bình được coi là sành điệu hàng đầu của thơ và văn xuôi Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan đã hành xử như thế nào?
Nhận xét về Nguyễn Nhược Pháp, Hoài Thanh thủ thỉ như sau: “Cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lời bông lơn khó chịu của các ông Tú Xuất, Tú Xương lẫn Tú Mỡ.”
Một người khẽ khàng như Hoài Thanh mà đã thốt lên như vậy, hẳn phải khó chịu lắm.
Chao ôi, Tú Xuất thì có dính líu gì đến thơ!
Cái cười đứt ruột của Tú Xương mà là bông lơn khó chịu ư?
Thơ Việt Nam sẽ mất mát rất nhiều nếu không có cái bông lơn khó chịu ấy.
Ai cũng biết Vũ Ngọc Phan là một nhà phê bình chín chắn và thận trọng.
Chính bác Vũ đã phủ nhận cuốn tiểu thuyết giá trị hàng đầu trong nền văn học Việt Nam, cuốn Số đỏ của Vũ Trọng Phụng mà ông chê là “bông lơn một cách dung tục”.
Qua những giai thoại trên, bạn có thấy ngớ ngẩn và buồn cười không? Điều đáng buồn là đó không phải là cách hành xử của một số nhà quản lý văn hóa dở hơi mà của các bậc trưởng thượng có uy tín.
*
Nêu lên như thế không phải là để hù dọa các nhà quản lý mà để cùng với họ thông cảm về những cái tế nhị và khó khăn trong công tác quản lý văn học nghệ thuật.
Trên bàn các nhà quản lý này có lẽ nên ghi mấy chữ cảnh báo “thận trọng, hàng dễ vỡ”.
Sở dĩ có tình trạng khó khăn như trên vì văn học nghệ thuật không đơn thuần là một chuyên môn của những cái đã biết, đã học được lặp lại như nhiều chuyên môn khác mà chủ yếu là của những cái mới xuất hiện, cái độc đáo, cái hiếm.
Bi kịch là chúng ta phải nhận xét, đánh giá cái mới trên những tiêu chí nhiều khi đã cũ. Nói một cách khác, quản lý văn học nghệ thuật không phải chủ yếu nhằm duy trì tình trạng ổn định của những cái đã có mà khuyến khích sự nảy nở của những cái chưa có và chấp nhận rủi ro, một tình trạng mất ổn định tạm thời.
“Bảng cấm” của các nhà quản lý luôn luôn có nguy cơ là một bảng tiêu chí đã quá đát, một bảng tiêu chí chết.
Hơn nữa, văn học nghệ thuật không đơn thuần vận hành trên cơ sở trí năng, nó vốn ổn định và dễ quy chuẩn mà còn vận hành, chủ yếu vận hành trên cơ sở cảm năng vốn giàu tính bất định và khó thống nhất. Hơn nữa, trí năng và cảm năng rất nhiều trường hợp thường không đồng hành, một người tiến bộ về trí năng rất có thể lạc hậu về cảm năng và ngược lại.
Mặt khác, tôi cho rằng trong giới quản lý một số người có khuynh hướng khuếch đại tác dụng của văn học nghệ thuật. Tôi chưa thấy trật tự một xã hội nào bị trực tiếp và tức khắc được cải thiện hoặc lâm nguy bởi một tác phẩm văn học nghệ thuật.
Trong quản lý văn học nghệ thuật, bao giờ cũng phải cảnh giác với thái độ hốt hoảng đánh nhầm. Chúng ta còn đủ thời gian suy nghĩ, bàn đi tính lại việc gì mà phải vội vàng thế.
Cách hành xử trong quản lý văn học nghệ thuật phải kiên quyết tránh những quyết định hot (nóng) mà ưu tiên những quyết định cool (mát).
Một điểm nữa cần nhấn mạnh là phải thay đổi cách đánh giá chủ yếu dựa trên nhu cầu an toàn. Một cán bộ quản lý cấm nhầm bao giờ cũng được ưu đãi hơn một cán bộ mở nhầm. Chúng ta dễ dàng lượng định tai hại của hành vi mở nhầm, thường là được phóng đại hơn là đánh giá tác hại của một hành động cấm nhầm, nó có nguy cơ làm thui chột những chờ đợi, những ham muốn, những kỳ vọng vào cộng đồng.
Những người quản lý văn học nghệ thuật cần phải có rất nhiều kỹ năng đã đành, nhưng quan trọng hơn những kỹ năng, cả nhu cầu an toàn là một thái độ chú ý đặc biệt ân cần, một mắt xanh đối với sự nảy nở của cái mới.
Đời đâu thiếu ngựa Kỳ ngựa Ký
Biện Nhạc ai người tri kỷ mắt xanh.

Lê Đạt

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)