Meme và sự hình thành các lãnh thổ ảo trên Internet

Nếu biết sử dụng, người ta có thể biến meme – những hình ảnh hài hước được lan truyền trên Internet – thành công cụ để xây dựng những lãnh thổ ảo xuyên quốc gia, và tập hợp những “cư dân” cùng chia sẻ một cách sống mới.

Ảnh nytimes.com

Đó là cảm giác kỳ lạ mà Rojda Yavuz, một thạc sĩ văn chương người Kurd, đã chia sẻ trong bài luận năm 2023 của mình. Yavuz sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi tiếng Kurd từng bị cấm trong 15 năm cuối thế kỷ 20, và ngày nay vẫn bị kỳ thị, tới mức một thanh niên người Kurd đã bị sát hại vào tháng 5/2020 vì nghe nhạc tiếng Kurd ở nơi công cộng. Tham vọng xóa bỏ ngôn ngữ này đã đẩy người Kurd, vốn chiếm 20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ, vào tình trạng khan hiếm văn hoá nghe nhìn, kéo theo đó cảm giác phải lưu lạc trên chính quê hương. Nhưng những năm gần đây, cảm giác này đã thuyên giảm khi các trang chia sẻ meme bằng tiếng Kurd xuất hiện ngày càng nhiều trên Instagram và Facebook. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ tìm được cảm giác gắn kết của một cộng đồng, khi được liên lạc rộng rãi với nhau bằng thứ tiếng Kurd thông tục thường nhật, vốn khác hẳn thứ tiếng Kurd mô phạm và xa lạ mà chính phủ cho phép trên đài truyền hình hoặc phát thanh. Thế lực kỳ thị sắc tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng bằng cách đánh sập trang “nocontextkurd”, trang meme tiếng Kurd nổi tiếng nhất với hàng trăm nghìn người theo dõi trên Instagram, dù đây là trang gây cười có nội dung phi chính trị.1

Tiến sĩ Ryan Frazer, một nhà nghiên cứu truyền thông tại ĐH Wollongong (Australia), đã có cảm nhận tương tự trong một bối cảnh rất khác. Trong nghiên cứu công bố vào năm 2017, Frazer và cộng sự đã mô tả cách thức mà Blackfulla Revolution (BFR), một trang Facebook của các sắc tộc thiểu số bản địa Australia, sử dụng meme để lật tẩy thành tựu diệt chủng và bóc lột của chủ nghĩa thực dân da trắng tại nước này, một điều mà lịch sử chính thống Australia luôn tránh nhắc đến. Loạt meme bằng tiếng Anh của BFR đã quy tụ một cộng đồng rộng lớn bao gồm cả người bản địa châu Úc, châu Mỹ, người Ireland từng bị Anh xâm lược, cùng nhiều con cháu của các điền chủ thực dân – tất cả đến từ nhiều sắc tộc, quốc tịch, tầng lớp và văn hóa khác nhau. Một “khế ước” mới giữa khối người đa dạng này, nhờ thế đã hình thành và có hiệu lực ngay trong cách hành xử thường nhật giữa họ với nhau, trước khi tác động đến nền chính trị chính thống. Theo cách này, những “lãnh thổ” ảo, hình thành từ các mối quan tâm chung mang tính tạm thời, đang xuyên qua và tương tác với những lãnh thổ “cứng” của quốc tịch, huyết thống, văn hóa, giai cấp – những gì đã chi phối chính trị toàn cầu trong thế kỷ 20. Và vai trò trung tâm của meme, một định dạng thông tin tưởng như quá thô tục và sơ sài so với ngôn ngữ chính trị quen thuộc, gợi ý rằng bối cảnh vừa nêu gắn liền với một cách giao tiếp khác.2

Meme là gì?

“Meme” là phiên bản viết tắt của từ mīmēma (μίμημα) trong tiếng Hy Lạp cổ, vốn được dùng để chỉ một vật hình thành do bắt chước. Trong cuốn sách gây tranh cãi được xuất bản năm 1976 dưới tựa đề “The Selfish Gene”, nhà sinh học tiến hóa Richard Dawkins đã dùng từ meme để chỉ những ý tưởng, thói quen, phong cách, thực hành… được lan truyền từ người này sang người khác trong nền văn hóa – hay những đơn vị tiến hóa trong văn hóa loài người mà ông cho rằng có tính chất tương tự như gene, vì cũng là đoạn thông tin tự sao chép để sinh tồn, và cũng trải qua chọn lọc tự nhiên mà dần biến đổi. Năm 1990, khi nhận thấy những người tranh luận chính trị trên mạng có thói quen chụp mũ đối thủ của mình là “phát-xít”, cây bút Mike Godwin đã gọi thói quen này là một “meme”. Để xây dựng một môi trường tranh luận tốt hơn, Godwin đã tạo ra và lan truyền một “meme phản đòn”, là một câu nói nhạo báng rằng “Cuộc tranh luận càng dài, thì xác suất nhắc đến phát-xít càng tiến gần đến 100%”, rồi gọi câu nói này là “định luật Godwin”. Hành động này của Godwin đã vô tình khai sinh ra khái niệm “meme trên Internet”.3

Bức đầu tiên trong loạt meme của BFR, mô tả thực dân Anh đổ bộ lên bờ biển Úc. Chữ trong ảnh là cuộc hội thoại giả tưởng mỉa mai: Ôi ngại quá nhỉ – Chúng tôi tưởng là không có ai ở đây cơ.

Ngày nay, cư dân mạng thường dùng từ “meme” để chỉ những hình ảnh gây hài trên Internet mà họ tham gia lan truyền và sửa đổi. Ta có thể hiểu tính chất và cấu trúc của meme qua ví dụ về Ếch Pepe – một con ếch xanh có cơ thể người và nụ cười méo xệch. Năm 2005, khi họa sĩ Matt Furie tạo ra nhân vật Pepe cho bộ truyện tranh Boy’s Club, người dùng Internet trên toàn thế giới đã sao chép nhân vật này, rồi vẽ thêm trang phục, bối cảnh, lời thoại… cho nó để tạo ra các meme. Bất chấp tính phi chính trị của truyện tranh Boy’s Club và đa số các biến thể của meme Pepe, trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, các nhóm cực hữu đã cố biến Pepe thành một biểu tượng của chủ nghĩa thượng đẳng da trắng, khiến Furie phẫn nộ và tham gia một chiến dịch để giành lại “Ếch Pepe tốt”. Dù chiến dịch đạt được những thành quả đáng kể, Furie vẫn phải thừa nhận rằng không ai trên Internet, bao gồm cả tác giả, có thể hoàn toàn kiểm soát biểu tượng Ếch Pepe. Ếch Pepe đã trở thành một phần của văn hóa dân gian, được sử dụng và diễn giải tùy tiện bởi những người lan truyền nó.4

Từ meme đến một cách chung sống mới

Vì sao meme, một định dạng thông tin có vẻ thô tục và sơ sài, lại có khả năng quy tụ những cộng đồng chia sẻ một cách sống nhất định, bất chấp rào cản địa lý, chủng tộc và tầng lớp giữa họ? Lý do khá đơn giản: mỗi cách sống vốn dĩ là một meme, và những người muốn tách khỏi nó có thể chủ động tạo ra một “meme phản đòn” để lan truyền một cách sống mới. Điều họ cần là một kênh truyền thông tin hiệu quả (như mạng xã hội), một biểu tượng để quy tụ các cuộc thảo luận (như Ếch Pepe), hiểu biết về nội dung đang được nói đến, và óc hài hước để chơi đùa với ý nghĩa cũ của các nội dung. Đó là điều mà BFR, trang Facebook bảo vệ quyền lợi của người bản địa Australia, đã làm được.

Theo Frazer, BFR hiểu rõ một tư tưởng đã và đang đặt nền móng cho chủ nghĩa thực dân da trắng mà họ chống lại. Đó là chủ nghĩa Darwin trong lĩnh vực xã hội, vốn xếp người da trắng vào vị trí cao nhất trong hệ thống phân cấp văn hóa và chủng tộc của con người, đồng thời đặt các sắc dân bản địa vào vị trí tiến hóa thấp kém hơn, đến mức chỉ ngang hàng với động vật. Chính vì không xem các sắc dân bản địa là con người, các nhà thám hiểm da trắng đã gọi những vùng đất mới khám phá là “miền đất vô chủ” (terra nullius), rồi khai thác nó bằng các đợt “săn bắt”, buôn bán nô lệ, xây trại tập trung, rồi tìm cách xóa bỏ di sản văn hóa của thổ dân. Những hành động này, vốn diễn ra trong lịch sử với trình tự đúng như vậy, dường như tương đồng với trình tự khai hoang, săn bắt, thuần hóa để biến động vật hoang dã thành gia súc. Việc loại bỏ phần tối này của lịch sử khỏi chương trình học và các diễn ngôn chính thống đã khiến các sắc dân bản địa tiếp tục bị xóa bỏ ký ức và văn hóa, đồng thời bị loại trừ khỏi sinh hoạt quốc gia của Australia. Mấy thế kỷ cô lập, tước đoạt cơ hội, phẩm giá và văn hóa truyền thống của các sắc dân bản địa cũng đã khiến họ phải chịu nhiều hậu quả thảm khốc, như tỉ lệ nghiện ngập cao và tuổi thọ trung bình thấp. Tình trạng này, đến lượt nó, lại được các nhóm da trắng cực hữu viện dẫn để chứng minh rằng người bản địa là chủng tộc thấp kém hơn, nên đang bị “tự nhiên” đào thải, và đáng bị cách ly với xã hội.2

Hiểu rõ nền móng tư tưởng này của chủ nghĩa thực dân, BFR đã tấn công nó bằng một “meme phản đòn”, theo cách tương tự những gì Godwin từng thực hiện. Năm 2015, họ tung ra 27 bức hình gây cười, nhằm thuật lại “230 năm lịch sử Australia” từ góc nhìn của những người bản xứ. Mỗi bức hình này đều bao gồm hai bộ phận: một tranh vẽ hoặc ảnh chụp từng xuất hiện trên sách báo của các thế kỷ trước, và một lời bình chơi đùa với ý nghĩa ẩn mà chúng được chủ nghĩa thực dân gán cho. Chẳng hạn, với một bức vẽ mô tả thực dân Anh nai nịt chỉnh tể đổ bộ xuống bãi biển trong tư thế thẳng lưng đĩnh đạc, đối diện với những thổ dân thoát y quỳ gối sợ hãi, BFR đính kèm lời thoại: “Chà tệ thật, chúng tôi tưởng không có người sống ở đây”. Loạt meme cũng bao gồm một ảnh chụp đoàn thổ dân bị xích cổ vào nhau và ngồi bệt trên mặt đất, đằng sau là một người da trắng cầm roi như đang chăn đàn da súc. Trong cả hai hình ảnh vừa kể, sự đối lập trong tư thế và trang phục của các nhân vật đã phản ánh chủ nghĩa Darwin xã hội – tức “meme” đặt nền tảng cho chủ nghĩa thực dân. Khi sự tương đồng giữa tư thế nhân vật trong 27 hình ảnh đã phát lộ cái cách mà chủ nghĩa thực dân mã hóa thực tại (và qua đó tạo nghĩa cho thực tại), thì lời thoại mang màu sắc châm biếm sẽ khuyến khích người xem chơi đùa với ý nghĩa này, rồi viết lại một lối mã hóa khác cho riêng mình. BFR đã thành công trong việc đó.2

Loạt meme bằng tiếng Anh của BFR đã dấy lên một cuộc thảo luận có sự tham gia của hàng nghìn người – vốn khác nhau về quốc tịch, sắc tộc, văn hóa, tầng lớp, nhưng đều thấy mình có phần liên đới đến chủ nghĩa thực dân. Số này bao gồm những người da trắng đồng cảm – như một người tức giận vì phải học thứ lịch sử bị tẩy trắng trong nhà trường, hay một người có cụ nội gặp rắc rối vì đã trả mức lương ngang nhau cho lao động da trắng và lao động bản xứ. Cuộc thảo luận cũng thu hút đông đảo người bản địa ở các vùng đất khác – như một người bản địa châu Mỹ kể về quá trình thảm sát 100 triệu người da đỏ, hay một người Ireland viết rằng tổ tiên mình cũng bị đối xử tương tự sau cuộc xâm lược của thực dân Anh. Và khối người đa dạng này đã hình thành một chiến tuyến chung, khi họ bênh vực và động viên nhau mỗi lần các thành phần phân biệt chủng tộc buông lời lẽ xúc phạm trong cuộc thảo luận.2

Theo Frazer, cuộc tranh luận đúng trọng điểm đã dẫn đến sự hình thành hai tập hợp đối nghịch – một bên chấp nhận meme trung tâm của chủ nghĩa thực dân và loại trừ những quan điểm khác, bên kia chấp nhận phản-meme mà BFR gợi ra. Nhờ sự chia phe này, tiếng nói thống trị của chủ nghĩa thực dân đã bị phá vỡ. Nhờ tính năng của mạng xã hội, các cá nhân đa dạng trong tập hợp mới hình thành đã tương tác với nhau để xây dựng một thỏa thuận chung sống mới, mà họ thực hành lần đầu khi bênh vực và động viên nhau. Những thỏa thuận này tạo thành biên giới của một lãnh thổ ảo, thu hút cư dân từ nhiều vùng địa lý đến ngụ cư; và Internet cho phép những lãnh thổ ảo này tồn tại song song với nhau và với lãnh thổ vật lý.2

Phản-meme của BFR đã tập hợp mọi người ở đường biên của trật tự cũ mà họ từ chối, thay vì quanh trung tâm của một trật tự mới đã định hình – thứ thường mang diện mạo của một bộ máy hành chính hoặc những gương mặt cụ thể. Vì vậy, các lãnh thổ hình thành nhờ văn hóa meme dường như thể hiện “tính lưu động” của chất lỏng (fluidarity) nhiều hơn là “tính cố kết” của khối rắn (solidarity). Tính chất này khiến nhiều chuyển động chính trị – xã hội trong thế kỷ 21 khác với những gì đã xảy ra trong thế kỷ 20. Chúng ta đang chứng kiến tầm quan trọng ngày càng lớn của một thứ “chính trị vi mô”, tập trung vào quá trình tạo ý nghĩa và kết nối đơn lẻ ở cấp độ cá nhân, song song với sự tồn tại sẵn có của “chính trị vĩ mô”, thường gắn với các đoàn người chuyển động theo cùng hướng – Frazer nhận xét.2

Bối cảnh này mang đến cho các sắc tộc thiểu số bản địa, cũng như các cá nhân và tập thể ngoại biên khác, cả cơ hội lẫn trở ngại. Một mặt, công nghệ cho phép họ tự phát biểu góc nhìn của mình trong các lãnh thổ ảo ngoại biên, khi tiếng nói của họ đã bị từ chối bởi báo chí, đại biểu hay nghị trình của lãnh thổ vật lý. Mặt khác, những thuận lợi này cũng có thể tạo thành một cái bẫy giữ chân họ trong không gian ngoại biên, khi họ không còn dồn nguồn lực để tìm cách xuất hiện rộng rãi trước công luận hoặc vận động thay đổi chính sách chung. Ngoài ra, những cá nhân ngoại biên đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ hoặc dư luận mạng sẽ bị lề hóa ngày càng sâu sắc.□

——-

Nguồn tham khảo:

1 https://memestudiesrn.wordpress.com/2023/06/26/memes-to-mend-the-wound-digital-cultures-against-language-repression/

2 https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/2056305117738993 

3 https://www.wired.com/1994/10/godwin-if-2/ 

4 https://www.esquire.com/news-politics/news/a49057/pepe-frog-creator-voting-hillary/ 

Tác giả

(Visited 30 times, 1 visits today)