Miyazaki Hayao: Bay trên đôi cánh phụ quyền

Nối tiếp kỳ trước, kỳ cuối của loạt bài sẽ tiếp tục khám phá ý thức giới của đạo diễn Miyazaki qua hai biểu tượng giới thường gặp trong phim ông – là biểu tượng vu nữ (mà ông lấy từ Thần đạo) và biểu tượng máy bay (mà ông lấy từ ký ức thời thơ ấu).

Một cảnh trong phim Porco Rosso (1992).

Là một họa sĩ ủng hộ nữ quyền ở xưởng vẽ và một người cha gia trưởng ở nhà, Miyazaki Hayao – cha đẻ của Studio Ghibli – mang trong mình mâu thuẫn của một xã hội phụ quyền Á Đông đang tìm đường thay đổi.

Biểu tượng vu nữ trong Thần đạo

Như kỳ trước đã đề cập, dù thường xây dựng nhân vật chính là nữ, Miyazaki luôn sử dụng cốt truyện của phim hoạt hình dành cho con trai. Trong cốt truyện này, nhân vật chính sẽ cùng bạn bè bước vào một cuộc phiêu lưu, nhằm đánh bại những hiện tượng đối nghịch với giá trị đạo đức mà bộ phim chọn làm nền tảng, từ đó trưởng thành và khẳng định chỗ đứng trong xã hội. Trong mọi bộ phim của Miyazaki, đối thủ của nhân vật chính đều là những vấn nạn của thế giới hiện đại – như chiến tranh, chủ nghĩa tiêu thụ, tình trạng máy móc hóa, và sự hủy hoại môi trường. Nhưng dù ông chống thời hiện đại bằng những thông điệp chính trị cấp tiến hay những lòng hoài niệm về một nước Nhật xưa, thì hai phản ứng tưởng chừng đối nghịch này đều xuất phát từ cùng một đặc điểm tâm lý của ông: sự lưu luyến thời thơ ấu.

Trong một cuộc phỏng vấn, Miyazaki nói rằng “thiên đường” duy nhất của mình là tuổi thơ. Ông ước thời gian dừng lại ở giai đoạn này, khi ông “chẳng biết gì về những vấn đề xung quanh” vì “được cha mẹ bảo vệ”.1 Cái ước nguyện được sống mãi trong thời thơ ấu đã cung cấp một lời giải thích hợp lý cho nhiều biểu hiện tưởng chừng mâu thuẫn nơi ông – như việc giữ cặp nhân vật chính trong tình bạn trẻ con thay vì tình yêu sắc dục,2 việc ông đặt những lý tưởng cấp tiến trong những khung cảnh rất cổ xưa, việc ông giữ cả thái độ u ám trong đời thực lẫn tông màu tươi sáng trẻ thơ khi làm phim,3 hay việc ông thích vẽ máy bay chiến đấu, những cảnh hoang tàn, thậm chí mong biến đổi khí hậu đưa nước Nhật về thời không có cao ốc và dân số đông, bất chấp những lý tưởng tốt đẹp mà mình theo đuổi.4,9 Có lẽ với ông, phim hoạt hình là cách để tạo ra một tuổi thơ thay thế, một tuổi thơ vĩnh cửu – nơi ông vẫn nhìn nước Nhật hoang tàn thời Thế chiến bằng con mắt trong vắt của trẻ thơ. Chính cảm thức hoài cổ này đã khiến ông đối mặt với thời hiện đại bằng một giải pháp lặp đi lặp lại: trở về thiên nhiên, trở về truyền thống – hay nói đúng hơn, trở về một thiên nhiên được diễn giải bằng thế giới quan trong truyền thống Phật giáo và Thần đạo.

Có lẽ với ông, phim hoạt hình là cách để tạo ra một tuổi thơ thay thế, một tuổi thơ vĩnh cửu – nơi ông vẫn nhìn nước Nhật hoang tàn thời Thế chiến bằng con mắt trong vắt của trẻ thơ.

Để giải quyết các vấn nạn của thời hiện đại mà bộ phim đặt ra, các nhân vật của Miyazaki luôn trải qua một cuộc phiêu lưu để khám phá thế giới, kiến tạo bản thân qua các va chạm cụ thể với thế giới, để rồi hòa giải những mâu thuẫn trong bản thân và trong thế giới, thay vì tiêu diệt nhân vật phản diện. Cốt truyện này thấm đẫm nhất nguyên luận Phật giáo – theo đó vạn vật không tách rời hay đối lập, mà nằm trong một toàn thể kết nối với nhau và tạo dựng lẫn nhau thông qua thứ nhân quả của nghiệp, duyên.5,6 Đặc biệt, các nữ chính của Miyazaki luôn làm trung gian kết nối con người với phần bị che khuất của thế giới, để giúp con người đạt đến một nhận thức đầy đủ hơn. Chẳng hạn, Nausicaä và San kết nối con người với cánh rừng, Kiki tìm lại phép màu từ cảm xúc, Fio giúp Porco hòa giải với nhân tính và tính yêu, Chihiro giúp Haku tìm lại ký ức và danh tính từng bị chủ thuê tước đoạt… Ở đây, kẻ “ban phép hòa giải” không phải là nam (như trường hợp linh mục Công giáo), mà là các hiện thân của vu nữ trong Thần đạo Nhật Bản – tức những trinh nữ dùng lễ nhập đồng để kết nối con người với thần linh. Nếu các linh mục ban phép hòa giải bằng lời xác nhận hữu thức của đạo đức nhị nguyên, thì các vu nữ của Miyazaki khám phá tổng thể nhất nguyên bằng bản năng hoang dã, cảm hứng hoặc cảm xúc với môi trường – những thứ thường bị định kiến xã hội đánh đồng một cách sai lầm với “vô thức” hay sự phi lý tính.

Khía cạnh này của phụ nữ trong phim Miyazaki đã được nhiều bài phê bình nữ quyền ca ngợi, một phần vì nó phù hợp với diễn ngôn về “tính nữ thiêng liêng” trong thần học nữ quyền thập niên 1970. Tuy nhiên, Thần đạo vẫn là một trật tự phụ quyền, và sự lưu hành biểu tượng vu nữ góp phần tái sản xuất hệ thống phụ quyền đó. Trong những sử liệu sớm nhất mô tả hiện tượng nhập đồng ở Nhật Bản, như Tam Quốc Chí (tk.3) và Cổ Sự Kí (tk.8), vu nữ luôn là vợ hoặc người chị em không chồng của của vua, và chỉ giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua sự chuyển lời của vua.7 Bị tước năng lực sinh sản và giao tế xã hội (những năng lực tập trung trong tay vua), vu nữ tồn tại như một công cụ bù khuyết cho hệ thống phụ quyền, giúp hệ thống này thăm dò miền vô thức tràn ngập những thông tin mà nó đã từ chối và đàn áp. Khi đánh đồng khác biệt nam/nữ với các cặp đối lập như ngoài/trong, chủ động/bị động, văn hóa/tự nhiên, ý thức/vô thức – tương tự mọi hệ thống phụ quyền khác – Thần đạo đã ấn định sẵn sự phụ thuộc của nữ vào nam.8 Diễn ngôn về “tính nữ thiêng liêng” trong các phim của Miyazaki đã tôn vinh một vai trò của người nữ trong hệ thống phụ quyền, để rồi khiến hệ thống trao cho người nữ một phẩm giá và mức hiện diện cao hơn, chứ không hóa giải hệ thống.

Biểu tượng máy bay trong tuổi thơ thời chiến

Nhưng nếu phim của Miyazaki là vườn địa đàng tuổi thơ mà ông tự xây dựng, thì vì sao nó lại đầy ắp các nữ chính, cùng các hiện tượng được gán cho tính nữ như sự hòa giải, sự mềm lòng, sự bình đẳng, cõi âm, thiên nhiên? Có lẽ bởi trong suốt tuổi thơ bên gia đình, ông đã luôn gần gũi với nữ giới hơn nam giới. Với thể trạng ốm yếu tới mức được bác sĩ dự đoán rằng sẽ không thọ hơn 10 tuổi, Miyazaki đã ở bên người mẹ đau ốm luôn sẵn sàng lắng nghe các câu hỏi và ý tưởng của mình, hơn là cạnh bạn bè, ba anh em trai hoặc bố – người sở hữu một xưởng sản xuất phụ tùng cho máy bay chiến đấu Zero trong Thế chiến II.9,10,11 Dường như một tuổi thơ ốm yếu và có phần cô độc bên mẹ đã thúc đẩy trí tưởng tượng của ông, sự đồng cảm của ông với những kẻ yếu thế bị gạt ra ngoài lề, và thiện cảm của ông với nữ giới. Như đã đề cập, người mẹ hiểu biết và nghiêm khắc đã được ông dùng làm hình mẫu để xây dựng những quý bà lớn tuổi đầy quyền uy và giỏi chăm sóc trong phim Ghibli. Tính nữ và sự yếu mềm – hai tính chất thường bị óc nhị quyên âm-dương xếp vào cực “âm” – đã được chọn làm phần cốt lõi trong nhân cách của nhiều nhân vật quan trọng trong phim Miyazaki, do chúng là ấn tượng đầu tiên của ông về bản thân mình và người gần gũi nhất.

Để khen ngợi bộ phim “Ngọn đồi Hoa Hồng Anh” (2011) của con trai mình (Gorō), Miyazaki chỉ bảo con “cứ đi tiếp và thách thức bố đi”.

Trong khi đó, sức mạnh nam tính – được tượng trưng bởi chiếc máy bay chiến đấu mà cha ông sản xuất – đã hiện diện trong suốt tuổi thơ và thời trai trẻ của Miyazaki như một thứ quyền lực khiến ông vừa sợ, vừa ghét, vừa ghen tị, vừa ham muốn có được. Nỗi sợ hằn rõ trong hồi ức chiến tranh: một trong những ký ức cũ nhất của ông là cảnh khu phố nơi mình ở bị hủy diệt vì máy bay Mỹ. Ác cảm mà ông dành cho chiến tranh và sức mạnh nam tính không tách rời ác cảm dành cho bố, người luôn khoe khoang các chiến tích của mình trong thời chiến và trong một đời ăn chơi.11 Về khoản ghen tị, ông từng “có một phức cảm nhắm đến” ba người anh em khỏe mạnh – những người được bố hướng vào con đường kinh doanh và sớm thành đạt.9 Miyazaki đã chỉ chứng tỏ được “sức mạnh” của mình vào tuổi trung niên, khi ông bắt tay xây dựng đôi cánh của riêng mình: Studio Ghibli – xưởng sản xuất hoạt hình mang tên một chiến đấu cơ của nước Ý thời Thế chiến.

Nếu tính nữ và sự yếu mềm là điểm cốt lõi trong nhân cách của nhiều nhân vật quan trọng trong phim Miyazaki, thì tính nam – được ông mã hóa thành khả năng bay – chính là quyền lực ngoại thân mà các nhân vật phải tranh giành hoặc rèn luyện. Dù là Nausicaä trên tàu lượn, Kiki trên cán chổi, Porco trên máy bay chiến đấu, hay Howl trên đôi cánh chim, các anh hùng của Miyazaki thường cần bay để bảo vệ kẻ yếu thế. Nhưng khả năng bay là một vật ngoại thân đi kèm lời nguyền, là thứ quyền lực mà Porco và Howl phải từ bỏ để thoát khỏi những mặc cảm tội lỗi nhốt họ trong lốt lợn và chim. Quyền lực chỉ chính đáng khi được dùng để phục vụ nhân dân: phù thủy Kiki chỉ phục hồi khả năng bay khi cần dùng nó để cứu người, và lâu đài bay Laputa đã trôi lên mặt trăng thay vì rơi vào tay kẻ độc tài. Ở đây, ta bắt gặp những truyện ngụ ngôn về cái giá và tính chính danh của quyền lực – thứ quyền lực phụ hệ mà Miyazaki đã thách thức suốt đời, dù dưới tư cách người con, người cán bộ công đoàn, hay người nghệ sĩ cấp tiến.

Trong quyền lực của Miyazaki – thứ được biểu trưng qua lưỡng cực cao-thấp của phép ẩn dụ về bay lượn – người nữ phải tự hạ thấp mình để dành nguồn lực cho người nam bay cao, và nam giới xem việc kế thừa hoặc tranh giành độ cao như một nghĩa vụ cần thực hiện, một danh dự cần chứng minh trong gia đình phụ quyền. Nói cách khác, Miyazaki bay nhờ thứ quyền lực mà ông thách thức.

Nhưng muốn thách thức quyền lực, người ta vẫn phải tạo dựng quyền lực. Ghibli, xưởng phim mang tên chiến đấu cơ Ý, chính là biểu tượng quyền lực của Miyazaki. Để Ghibli “bay” được, tức là dịch chuyển đến cực “cao” trong cặp nhị nguyên cao-thấp, Miyazaki cũng phải trả cái giá của mình. Là một họa sĩ tham công tiếc việc, trong suốt tuổi trung niên, ông thường về nhà lúc 2 giờ sáng và đi làm lúc 8 giờ sáng. Lịch biểu này của Miyazaki đã buộc người vợ kiêm đồng nghiệp của ông phải bỏ nghề để ở nhà làm nội trợ, và khiến các con ông hiếm khi được gặp cha.9 Tương tự Miyazaki, con trai cả của ông, là đạo diễn Gorō, đã bị bố bỏ quên và phải sống một tuổi thơ gắn liền với mẹ. Tương tự Miyazaki, Gorō đã nổi loạn bằng cách chọn nghề khác khi bị bố giục kế nghiệp ở xưởng hoạt hình. Sau này, khi Gorō trở lại làm hoạt hình, quan hệ giữa hai cha con vẫn xấu đi do lối hành xử của người cha gia trưởng. Miyazaki liên tục ép con sửa tác phẩm theo ý mình, và trịch thượng bảo con bỏ nghề khi ông đánh giá thấp bộ phim “Huyền thoại Đất liền và Đại dương” (2006) của Gorō. Sau này, để khen ngợi bộ phim “Ngọn đồi Hoa Hồng Anh” (2011) của Gorō, Miyazaki chỉ bảo con “cứ đi tiếp và thách thức bố đi” – ý rằng Gorō sắp sánh được với ông về mặt trình độ.10

Miyazaki ngày càng ý thức rõ vấn đề này. Ông thừa nhận mình đã lặp lại những sai lầm của cha, và vẫn đang nợ Gorō một lời xin lỗi. Nhận thức mới mẻ này thể hiện rõ nhất trong phim “Gió nổi lên” (2013) – bộ phim duy nhất của Miyazaki khiến ông khóc trong đêm công chiếu, có lẽ vì nó pha trộn các chất liệu tiểu sử và tiểu thuyết với ký ức của bản thân ông. Phim được phóng tác dựa trên cuộc đời của kỹ sư Horikoshi Jiro, người thiết kế chiến đấu cơ Zero mà cha của Miyazaki từng tham gia sản xuất. Jiro mê máy bay từ nhỏ, nhưng không đủ sức khỏe để làm phi công. Cậu đành theo đuổi giấc mơ bay bằng một công việc sáng tạo: vẽ bản thiết kế máy bay chiến đấu. Để tạo nên “một chiếc máy bay đẹp” – một bản vẽ bất hủ như kim tự tháp – cậu đã đánh đổi thời gian quý giá bên người vợ sắp mất vì lao phổi, đồng thời góp phần đẩy hàng triệu người dân vào cảnh nô lệ trong công xưởng và cảnh chết chóc trong chiến tranh. Khi kể câu chuyện tưởng tượng về cuộc đời Jiro, dường như Miyazaki đang nói về mình – một cậu bé yếu ớt quyết đi đường vòng để theo đuổi ước mơ bay, rồi phải thỏa hiệp với nền công nghiệp máu lạnh và hy sinh thời gian cho người thân nhằm họa nên những sản phẩm sáng tạo tuyệt mỹ.

Chúng ta có thể bay mà không hạ thấp người khác, và có thể xây kim tự tháp mà không tạo ra nô lệ hay không? Trong buồng lái của Ghibli, Miyazaki vẫn đang chở những kẻ yếu bay, và gợi ý họ bay về chân trời có câu trả lời này, dù đó là nơi ông chưa bay đến. □

—-

Nguồn tham khảo:

1 https://web.archive.org/web/20161011220934/http://www.japantimes.co.jp/culture/2008/12/04/films/an-audience-with-miyazaki-japans-animation-king/#.V_1jMlzP3IV

2]https://libraetd.lib.virginia.edu/downloads/gq67jr62t?filename=1_Myers_Keira_2019_MA.pdf

3 https://www.polygon.com/animation-cartoons/2020/5/29/21274485/10-years-with-hayao-miyazaki-documentary-streaming-studio-ghibli-nhk

4 https://web.archive.org/web/20060524092154/http://www.newyorker.com/online/content/?050117on_onlineonly01

5 https://www.academia.edu/40272496/Girls_Aesthetics_of_Existence_in_With_Hayao_Miyazaki_s_Films

6 https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/16949/5/LUAN%20VAN.pdf

7 https://d-museum.kokugakuin.ac.jp/eos/detail/?id=9113

8 https://khoahocphattrien.vn/kham-pha/su-thong-tri-cua-nam-gioi/2022102110410614p1c879.htm

9 https://www.newyorker.com/magazine/2005/01/17/the-auteur-of-anime

10 https://www.polygon.com/animation-cartoons/2020/5/29/21274485/10-years-with-hayao-miyazaki-documentary-streaming-studio-ghibli-nhk

11 https://fr.scribd.com/document/498478502/Miyazakiworld-a-Life-in-Art

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)