Mối liên hệ giữa âm nhạc và cảm xúc
Cho đến nay, một câu hỏi lớn của khoa học về âm nhạc vẫn là: liệu âm nhạc thuần túy có khả năng khơi gợi những cảm xúc trong con người như cách mà các sự vật, hiện tượng, diễn biến trong cuộc sống hằng ngày tác động lên chúng ta hay không, và nếu có thì cơ chế tác động đó như thế nào?
Những trải nghiệm âm nhạc diễn ra trong thực tế rất đa dạng và phức tạp, phụ thuộc vào vô vàn các yếu tố như địa điểm, hoàn cảnh, tâm trạng sẵn có của người nghe, ngôn từ và hình ảnh đi kèm âm nhạc, v.v. Cùng một lúc, các yếu tố này tác động lên tâm trạng của người nghe. Vậy nếu bỏ qua các yếu tố khác thì âm nhạc thuần túy có sức ảnh hưởng đến đâu đối với cảm xúc của chúng ta?
Hiện nay, câu trả lời vẫn còn đang được tranh cãi, bởi ngay cả khái niệm ‘cảm xúc’ cũng là một lĩnh vực nghiên cứu gây đau đầu cho các nhà khoa học và triết học. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những ý kiến và cách giải thích khác nhau về mối liên hệ giữa âm nhạc và cảm xúc con người. Cho đến nay, có hai làn ý kiến trái ngược đáng chú ý.
Các nhà nghiên cứu theo trường phái khoa học nhận thức (cognitivists) cho rằng âm nhạc chỉ có khả năng diễn đạt những cảm xúc mà người nghe có thể nhận ra chứ không trực tiếp cảm thấy được. Điều này cũng tương tự như việc ta có thể nhận ra quả táo được vẽ trong một bức tranh nhưng không thể cắn và nếm nó. Nhà triết học âm nhạc người Mỹ Peter Kivy (1980) đưa ra giả thuyết rằng những rung động mà âm nhạc gây ra trong chúng ta khác với những cảm xúc trong các tình huống ở đời thực. Giả thuyết này có vẻ hợp lý, bởi ví dụ khi ta nghe một khúc nhạc buồn, cảm giác “buồn” mà khúc nhạc đem lại sẽ không giống như cảm giác buồn mà ta cảm thấy trước một sự việc thực trong cuộc sống (một người có thể thích cảm giác buồn bã khi nghe một khúc nhạc nhưng ít ai lại thích cảm xúc đó trong đời thực). Giả thuyết này dựa trên quan điểm của dòng khoa học nhận thức rằng cảm xúc nhất thiết phải có mục đích. Ví dụ, khi một người bắt gặp một con rắn, não bộ sẽ đánh giá nhận thức rằng đây là một mối nguy hiểm và chuyển sang trạng thái sợ hãi. Từ đó có thể suy luận: vì âm nhạc không có mục đích trực tiếp liên quan đến các chức năng sống còn của con người, nó không thể gây ra những cảm xúc cơ bản (vui, buồn, sợ hãi, giận dữ, bất ngờ, căm ghét) như được khơi dậy từ các tình huống đời thực. Kivy cho rằng người nghe thường áp nhầm vào bản thân những cảm xúc mà họ nhận ra trong những đặc tính biểu cảm của âm nhạc. Tuy vậy, khó có thể chứng minh được giả thuyết này bằng những nghiên cứu thực nghiệm, bởi chưa có phương pháp khách quan, đáng tin cậy nào có thể đánh giá xem một người có đang thực sự trải qua một cảm xúc nào đó không.
Ngược lại, những nghiên cứu thực nghiệm gần đây lại đưa ra bằng chứng về những phản ứng sinh lý (Krumhansl, 1997) và sự kích thích hoạt động não bộ (Blood&Zattore, 2001) ở con người khi nghe nhạc, từ đó chỉ ra rằng âm nhạc có thể thực sự khơi gợi cảm xúc trong người nghe. Nhìn nhận từ một góc độ khác với Kivy, các nhà nghiên cứu gần đây có xu hướng định nghĩa ‘cảm xúc’ như một hiện tượng bao gồm các sự tương tác giữa bộ não, tâm trí và cơ thể. Bởi vậy, cảm xúc bao hàm không chỉ quá trình nhận thức mà còn thể hiện ở cả những thay đổi sinh lý và những hành động biểu cảm của con người (Juslin, 2010). Cũng dùng ví dụ về con rắn ban nãy, não bộ người đó không chỉ đánh giá nhận thức mà còn kích hoạt chất Adrenalin vào mạch máu, gây ra thay đổi sinh lý là tim đập nhanh hơn. Người đó, cảm nhận được nỗi sợ hãi, sẽ có thể hét lên và chạy đi (hành động biểu cảm).
Cách nhìn nhận này giúp các nhà nghiên cứu có thể khảo sát những phản ứng của người nghe trước âm nhạc một cách khách quan hơn so với việc dựa vào những miêu tả chủ quan về cảm xúc từ phía người nghe. Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng âm nhạc có thể tạo ra những phản ứng sinh lý tương tự như những phản ứng gây ra bởi các tác nhân kích thích cảm xúc khác, bao gồm các thay đổi về nhịp tim, thân nhiệt, huyết áp, v.v. Các bằng chứng khác như hành động biểu cảm, được xác định qua sự quan sát và đo đạc bằng điện cơ đồ các cử động cơ mặt (Witvliet & Vrana, 2007) cũng củng cố điều này.
Cơ chế gì?
Câu hỏi mang tính triết học về khả năng khơi dậy cảm xúc đời thực của âm nhạc đối với con người có thể được làm sáng tỏ hơn nếu chúng ta tìm hiểu về các cơ chế mà thông qua đó âm nhạc tác động lên con người, xem các cơ chế ấy có giống như các cơ chế gây ra cảm xúc của chúng ta trong đời thường không.
Kivy giải thích âm nhạc có khả năng tác động đến cảm xúc của con người là bởi nó có những đặc điểm tương đồng với những đặc điểm của các hành vi mang tính cảm xúc của con người và đưa ra thuyết cơ chế tương đồng về diễn biến (contour mechanism of resemblance). Theo thuyết này, cấu trúc động lực (dynamic structure) của âm nhạc, ví dụ như những hướng diễn biến lặp lại của cao trào và thư giãn trong tốc độ, âm lượng và dòng chảy của giai điệu thể hiện một sự tương đồng về cấu trúc với những cử động, dáng dấp và cách ứng xử của con người. Ví dụ như một giai điệu chậm, liền mạch và đi xuống có cấu trúc tương đồng với tiếng thở dài.
Kivy phân biệt hai dạng tương đồng: tương đồng trong diễn biến và tương đồng theo tục lệ. Diễn biến chỉ mối liên hệ tự nhiên giữa âm nhạc và cảm xúc, ví dụ như tiết tấu nhanh truyền đạt tự nhiên trạng thái phấn khích bởi nó có cấu trúc tương đồng với sự năng động của một người đang phấn khích. Tục lệ chỉ ‘sự liên tưởng theo thói quen một số những đặc điểm cụ thể của âm nhạc với những đặc điểm của cảm xúc’, ví dụ như theo tục lệ, giọng thứ biểu đạt nỗi buồn và sự tiêu cực trong khi giọng trưởng thường diễn tả sự vui vẻ. Dù giới nghiên cứu đánh giá sự phân loại này của Kivy còn nhiều vấn đề nhưng thuyết cơ chế tương đồng của Kivy rất có giá trị trong việc giải thích mối quan hệ mang tính biểu trưng giữa âm nhạc và cảm xúc. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng phản bác rằng chỉ dùng cơ chế tương đồng thì không đủ để âm nhạc truyền đạt cảm xúc, bởi theo cơ chế đó thì âm nhạc cũng có thể có cấu trúc tương đồng với bất kỳ các diễn biến động lực nào khác trong cuộc sống chứ không chỉ có cảm xúc con người (Thompson, 2009).
Dựa vào những lý thuyết đi trước và những nghiên cứu gần đây về sự đa yếu tố trong việc kích hoạt cảm xúc, Juslin và Vastjall (2008) đã xây dựng một thuyết đa cơ chế toàn diện hơn, xác định ra bảy cơ chế cốt yếu cùng chịu trách nhiệm trong việc khơi dậy cảm xúc trong con người của âm nhạc.
Phản xạ cuống não (brain stem reflex): khi những thuộc tính âm thanh của âm nhạc được cuống não tiếp nhận như một sự báo hiệu, ví dụ như những âm thanh to, đột ngột, không thuận tai hoặc thay đổi nhịp điệu liên tục trong âm nhạc. Cơ chế này diễn ra vô thức và chỉ có thể gợi lên sự kích thích chứ không gây ra cảm xúc cụ thể.
Sự đồng bộ hóa tiết tấu cơ thể với tiết tấu âm nhạc (rhythmic entrainment): âm nhạc với những nhịp điệu mạnh (như nhạc techno) hay đều đều (như nhạc cúng bái) có thể ảnh hưởng đến một nhịp điệu của cơ thể, điển hình là nhịp tim, và tạo cho người nghe cảm giác được kích thích hoặc bị thôi miên.
Phản ứng có điều kiện từ việc đánh giá và liên hệ (evaluative conditioning): theo cơ chế này, một khúc nhạc, bài hát liên tục gắn với một sự việc tích cực hay tiêu cực cụ thể sẽ có khả năng gợi ra trong chúng ta những cảm xúc vui hay buồn kể cả trong một tình huống mới. Đây là một quá trình vô thức, không chủ đích và không cần cố gắng.
Sự lây cảm xúc (emotional contagion): khi nhận biết được một diễn đạt cảm xúc nào đó trong âm nhạc, chúng ta tự mình “bắt chước” nó. Cơ chế này do Juslin và Vastjall đưa ra có vẻ gần với giả thuyết của Kivy. Điểm khác nhau là họ cho rằng không phải chúng ta “nhận nhầm” cảm xúc đó cho mình, mà chúng ta thực sự bị lây cảm xúc đó. Tuy nhiên cơ chế “lây” cũng chưa được họ làm rõ.
Hình ảnh thị giác (visual imagery): khi âm nhạc khiến người nghe tưởng tượng ra những hình ảnh (như overture Hebrides của Mendelssohn thường gợi lên hình ảnh kì vỹ của các hang động trên biển). Những hình ảnh này có khả năng tác động đến con người như các tác nhân kích thích cảm xúc trong đời sống hằng ngày. Ví dụ một giai điệu chuyển động hướng lên cao trào có thể gợi trong người nghe hình ảnh mình đang được bay lên cao, dẫn đến cảm giác hưng phấn.
Kí ức tự truyện (episodic memory): âm nhạc khơi dậy trong người nghe cảm xúc về một kỉ niệm bởi nó gắn với sự kiện đó. Thậm chí cả những phản ứng sinh lý của cảm xúc trong tình huống cũ cũng có thể được lưu lại trong trí nhớ và được khúc nhạc khơi dậy lại. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta từng trải nghiệm cảm xúc kiểu này với âm nhạc. Cơ chế này cũng diễn giải vì sao âm nhạc hay làm người ta cảm thấy hoài cổ và nghĩ về quá khứ.
Sự mong đợi (expectancy): cảm xúc được khơi dậy khi một nét nào đó của khúc nhạc phá vỡ, trì hoãn hoặc củng cố những trông đợi của người nghe về diễn biến tiếp theo của khúc nhạc. Cơ chế này phụ thuộc vào những trải nghiệm sẵn có của người nghe về các phong cách âm nhạc quen thuộc với họ. Ví dụ như những người quen với nhạc âm nguyên (diatonic) sẽ có xu hướng trông đợi đoạn nhạc kết thúc ở âm chủ (tonic) bởi nó đem lại cảm giác thỏa mãn, và ngược lại sẽ cảm thấy bất ổn không yên nếu nó không kết thúc như vậy.
Những chứng minh, lý giải trên đã phần nào khẳng định âm nhạc có thể ảnh hưởng đến cảm xúc – một trong những phạm trù khó hiểu và nhạy cảm nhất của con người. Âm nhạc có khả năng gợi ra trong con người một số cảm xúc giống như trong đời thực thông qua một loạt các cơ chế khác nhau. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần làm rõ. Ví dụ như giới hạn những cảm xúc mà âm nhạc có thể khơi dậy là gì (chúng ta có thể cảm thấy căm ghét bởi âm nhạc không); khả năng bị tác động bởi âm nhạc của mỗi người khác nhau như thế nào; liệu còn có những cơ chế tác động khác chưa được tìm ra không… Những câu hỏi này không chỉ thúc đẩy các nhà khoa học tiếp tục đào sâu nghiên cứu mà còn quyến rũ cả những người nghe nhạc bình thường như chúng ta, khiến chúng ta tò mò và có ý thức hơn trong những trải nghiệm âm nhạc của mình.
—
Tài liệu tham khảo
Juslin, P. N. and Västfjäll, D. (2008) “Emotional responses to music: The need to consider underlying mechanisms”, Behavioral and Brain Sciences 31, pp. 559-621
Juslin, P. N. (2009) “Music and Emotion: Seven Questions, Seven Answers”. International Conference on Music and Emotion, Durham, UK
Thompson, W. (2009) Music, thought and feeling: understanding the psychology of music. Oxford: Oxford University Press
http://www.mus.cam.ac.uk/~ic108/IBMandS/emotion/musicemotion.html
http://en.wikipedia.org/wiki/Emotion