Một bảng tuần hoàn khác

“Bảng tuần hoàn” là một tác phẩm thường xuyên giữ vị trí đầu bảng trong bảng bầu chọn những cuốn sách hay nhất viết về khoa học của nhà văn người Ý Primo Levi – người đã dành gần hết cuộc đời học thuật để cống hiến cho hóa học và chỉ bắt đầu viết cuốn này sau khi nghỉ hưu. Với lòng nhiệt thành mê say hóa học thuở ban đầu, Levi đã phác thảo câu chuyện về ‘Carbon’, kể về cuộc hành trình của một nguyên tử carbon qua hàng trăm triệu năm – từ khi nằm chặt trong đá vôi, rồi được giải phóng nhờ một nhát cuốc và trở thành carbon dioxide, được quang hợp vào một cây nho, trở thành rượu cho người ta uống, rồi lại được tỏa ra ngoài qua đường thở, và cuối cùng, tìm được con đường len lỏi vào bộ não của chính Levi, dẫn dắt bàn tay ông ‘ghi lên tờ giấy này, chính nơi đây, một dấu chấm hết’ kết thúc cho câu chuyện, cũng là khép lại toàn bộ cuốn sách.


Nhà văn Primo Levi. Nguồn: welt.de

Hòn đảo của lí trí

Có lẽ sẽ là một điều khá ngạc nhiên khi phát hiện ra, dẫu danh tiếng và kĩ năng giao tiếp đều ở mức đỉnh cao, Levi là một con người quá ư kín đáo dè dặt – một nét tính cách chung dễ nhận diện của người Ý ở Turin. Ngoài một năm sống ở Milan và một năm ở trại tập trung Auschwitz, gần như toàn bộ cuộc đời ông gắn với ngôi nhà nhỏ trên phố Corso Re Umberto (Turin), nơi ông chào đời vào ngày 31 tháng 7 năm 1919, trong một gia đình truyền thống Do Thái giáo.
Nhút nhát và nội tâm từ khi còn là một cậu bé, ngày ngày Levi say sưa miệt mài với trò chơi mô hình lắp ghép, và sớm nhận ra rằng mình có một niềm đam mê bất tận với khoa học. Viết văn, với cậu, đơn thuần là một sở thích, không hơn. Từ thời niên thiếu, Levi đã bắt đầu viết thơ và truyện ngắn (niềm thích thú này sẽ được ông duy trì trong suốt cả cuộc đời mình), nhưng chính ông cũng thừa nhận rằng mình không bao giờ có chủ định trở thành nhà văn, và những công trình viết lách được thực thụ đầu tư hơn cả có thể kể tới chỉ là ‘các bài báo học thuật về hóa học’.
Khoa học, đặc biệt là hóa học, với ông, là một ‘hòn đảo của lí trí’ – một phản đề với tư tưởng phát-xít đã bắt đầu len lỏi vào Ý những năm 1920 và 1930. Với chàng thanh niên trẻ tuổi Levi lúc bấy giờ, hóa học hứa hẹn sẽ đưa tới những sự thật triết học vĩ đại, sẽ trao cho chàng cái chìa khóa để ‘khai mở những bí mật của thiên đường và mặt đất’, dẫn lối cho chàng ‘thấu tỏ mọi lẽ tồn tại của vạn vật’. Hóa học, như chính Levi khẳng định, ‘biểu trưng cho đám mây vô tận của sức mạnh tương lai, bao vây cuộc đời tôi trong những vòng xoáy tối đen liên tục bị xé toạc bởi từng tia lửa’.
Nhưng ông cũng nhắc tới một động lực hài hước tươi vui hơn cho lựa chọn của riêng mình, điều chắc chắn sẽ nhận được sự đồng vọng với tất cả những ai từng bước chân vào một phòng thí nghiệm hóa học hữu cơ: “Tôi thường nghi ngờ, từ sâu thẳm, rằng những động lực thúc đẩy tôi chọn ngành hóa học từ thuở thiếu thời thực ra rất khác với những lí do tôi thường viện dẫn hay không ngừng tuyên bố. Tôi đã trở thành một nhà hóa học không phải (hay có thể nói, không chỉ) từ nhu cầu nhận thức về thế giới xung quanh; cũng không phải như một phản ứng lại với những giáo điều u ám của Chủ nghĩa phát-xít; và hẳn nhiên không hề từ tham vọng làm giàu hay ham muốn vinh quang trong khoa học; mà là để kiếm tìm, hay tạo ra, một cơ hội rèn luyện khứu giác của riêng tôi”.
Levi học chuyên ngành hóa học tại trường Đại học Turin từ năm 1937, nơi ông để lại trong các bạn đồng môn của mình ấn tượng về một chàng trai trầm lặng và nhạy cảm. Trong chương viết về nguyên tố ‘Kẽm’ thuộc cuốn Bảng tuần hoàn, ông đã kể về một thầy giảng viên môn hóa học vô cơ của mình, người mà ông gọi tên vắn tắt là ‘Giáo sư P’ (tên đầy đủ là Giacomo Ponzio) – một người đàn ông lạnh lùng, đầy thành kiến với nữ giới, và khư khư giữ ‘một thái độ khinh miệt hà khắc đến khốn khổ đối với loài người’. Nhưng vị giảng viên ấy lại hấp dẫn Levi, ông nhìn thấy bên trong người thầy này vẫn có một sự thông thái dí dỏm đầy cuốn hút.
Thêm một điểm thú vị nữa khiến Levi cảm thấy thích thú là vị giáo sư này quá cố chấp và đa nghi, tới mức không dễ để bị cuốn theo Chủ nghĩa phát-xít. “Tôi lấy làm phấn khích vô cùng khi chứng kiến sự phô trương khinh bỉ”, ông kể lại, ‘mà vị giáo sư này không ngại thể hiện trong mỗi kì thi: thay vì mặc chiếc áo đồng phục phát-xít theo quy định, ông tròng quanh cổ chiếc tạp dề đen hài hước có kích thước chưa tới một lòng bàn tay, cứ chốc chốc lại chòi ra khỏi ve áo khoác ngoài sau mỗi cử động lỗ mãng thô bạo”. Các đạo luật phân biệt chủng tộc mà nhà độc tài theo Chủ nghĩa phát-xít Mussolini đặt ra vào cuối thập niên 1930 không cho phép người Do Thái lui tới gần những vùng biên giới quốc gia; họ không được quyền làm chủ sở hữu bất cứ một cơ sở kinh doanh nào, không được kết hôn với những ai không phải người Do Thái, tuyệt đối không được trao cho bất cứ một công việc dịch vụ nào, và bị cấm đoán làm việc trong rất nhiều ngành nghề nói chung. Họ không được phép ghi danh vào các trường đại học, dù các sinh viên Do Thái đang trong quá trình học tập được phép hoàn thành nốt chương trình. Mussolini ra sắc lệnh ban hành một tài liệu có tiêu đề ‘Bản tuyên ngôn của các nhà khoa học có lòng tự tôn chủng tộc’, trong đó khẳng định ‘người Do Thái hoàn toàn không thuộc chủng tộc Ý’. Trong chương ‘Kẽm’, Levi đã dùng chính hóa học để lật đổ tuyên bố vô lí này. Ông nhắc lại một bài học hóa học rằng, muốn hòa tan kẽm trong acid sulfuric, thì kim loại đó phải là kim loại không tinh khiết. Và kết luận đạo đức chúng ta có thể rút ra từ đó là: ‘sự bất đồng, đa dạng là hết sức cần thiết’ – nhưng ‘Chủ nghĩa phát-xít không chấp nhận và cấm đoán những điều đó… nó muốn tất cả mọi người phải giống hệt nhau’.


Với Levi, khoa học, đặc biệt là hóa học, với ông, là một ‘hòn đảo của lí trí’.

Levi hoàn thành các kì thi của mình với số điểm gần như tuyệt đối, nhưng vào năm 1941, trong bầu khí quyển phân biệt chủng tộc ấy, thật quá khó để chàng sinh viên này tìm được cho mình một thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp: một số giáo sư ‘đầy ác ý, hay thậm chí ngạo nghễ, nói với tôi rằng luật chủng tộc cấm họ hướng dẫn sinh viên Do Thái’. Sau cùng, Levi đi đến một quyết định rằng, hóa học không thể giúp ông có được câu trả lời sâu xa cho tất cả – hóa học không đưa đến sự chính xác, không phải là sự suy luận logic từ những tiên đề cơ bản. ‘Dùng hợp chất hữu cơ phenyl bromide hay dung môi methyl violet để tạo ra phản ứng Gattermann thì cũng thú vị đấy, nhưng công việc ấy đâu khác mấy với việc tuân thủ những công thức nấu ăn của Artusi’, ông viết. ‘Liệu các định lí hóa học có phải đã luôn tồn tại? Không: đó là lí do bạn phải đi xa hơn, quay trở về với những cội rễ thực sự, với toán học và vật lí học.’
Cuối cùng, người thầy đứng ra chịu trách nhiệm hướng dẫn Levi là nhà vật lí học Nico Dallaporta – sau này sẽ trở thành ‘trợ lí viên’ giúp ông hoàn thành chương sách về nguyên tố ‘Kali’ – người mà, cũng giống như Ponzio, giữ trong mình một mối ghê tởm khôn nguôi với Chủ nghĩa phát-xít. Dallaporta lúc ấy đang nghiên cứu về cơ chế phân cực điện cùng các khoảnh khắc lưỡng cực của phân tử, và rất cần một nhà hóa học giúp ông chuẩn bị mẫu thí nghiệm. Levi giữ nhiệm vụ chưng cất các hợp chất thơm – kĩ thuật được ông mô tả đầy tinh tế như là ‘một nghi thức được thánh hóa trong nhiều thế kỉ, tới mức gần như đã trở thành một hành động tôn giáo mà qua đó, từ những chất liệu không hoàn hảo, bạn thu về được thứ tinh chất tinh hoa.’ Kali, dẫu vậy, dễ trở thành nguyên nhân đưa tới những vụ nổ bi thảm và nguy hiểm, nên ông thường xuyên thay thế nó bằng một nguyên tố khác trong quá trình chưng cất: Natri.

Kẻ nổi loạn bất đắc dĩ

Sau tốt nghiệp, Levi được nhận vào làm trong một khu khai thác mỏ, với công việc chính là sản xuất chất hóa học phục vụ quân đội, chiết xuất niken từ amiăng. Sự bổ nhiệm này trái với luật phân biệt chủng tộc, nhưng ở Ý, rất nhiều người cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những chuyện như thế, miễn là nó có lợi. Sau đó, Levi được chuyển qua làm ở nhà máy Milan của Wander, trong tư cách một nhà hóa học. Milan là một nhà sản xuất thuốc và đồ uống tăng cường sức khỏe. Tại đây, Levi được chỉ đạo tiến hành nghiên cứu phương thuốc chữa bệnh tiểu đường – vị chủ nhà máy, một ông trùm nổi danh với những ý tưởng lập dị điên rồ, cho rằng căn bệnh này có thể được chữa khỏi nhờ phốt-pho. 
Vào mùa hè năm 1943, Mussolini bị Đức vua Ý Victor Emmanuel III sa thải và tống giam khi vị vua này sẵn sàng kí hiệp ước với quân Đồng minh. Nhưng ngay sau đó, quân Đức đã xâm chiếm và giải thoát cho Mussolini. Trong tình thế Đức Quốc Xã hoàn toàn nắm quyền quyết định, số phận của người Do Thái ở Ý trở nên hiểm nghèo hơn bao giờ hết. Levi xin thôi việc và quay trở về Turin. Ý thức được sự nguy hiểm không thể tránh khỏi dưới thời Đức Quốc Xã, gia đình Levi tìm cách trốn chạy về vùng núi, và tại nơi này, Primo gia nhập quân đội kháng chiến.
Từ căn hầm tăm tối của trại tập trung Auschwitz, Levi đã phơi bày trước mắt chúng ta không chỉ sự thật cay đắng về sự tàn ác, mà cả những minh chứng tuyệt vời cho lòng nhân ái ở con người.
Trong một bộ phim tiểu sử về ông, Levi được xây dựng như từ một con người nhút nhát, sau khi phải nếm trải cuộc sống của một kẻ trốn chạy ngoài vòng pháp luật, cuối cùng đã thay đổi thành một chiến sĩ kiên cường. Nhưng trong đời thực không hề giống như vậy. Ông nhụt chí khi nghĩ tới việc phải giết một ai đó, hầu như không biết phải làm gì với khẩu súng trong tay, thậm chí còn quá dễ dàng rơi vào tay kẻ địch. Levi và đội quân của ông bị quân Phát-xít bắt giữ vào tháng 12 năm 1943, và sau khi thú nhận mình là người Do Thái, người ta đưa ông tới một trại giam gần Carpi vùng Emilia-Romagna. Levi bị giam giữ ở đó cho tới khi người Đức tới tiếp quản vào năm 1944 – rồi được vận chuyển bằng xe tải chở gia súc tới trại tập trung Auschwitz.


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 1984, Levi cho biết mong muốn sống để kể lại những chuyện diễn ra ở Auschwitz đã giữ cho ông tồn tại. Nguồn: ledevoir.com

Mảnh dẻ và yếu ớt, Levi dường như quá dễ dàng bỏ cuộc ngay từ những ngày đầu tới trại tập trung. Trong khi nằm dưỡng thương ở bệnh xá, một y tá người Ba Lan đã nói với Levi, bằng thứ tiếng Đức nguyên thủy, rằng: ‘Anh bạn Do Thái ơi, anh sắp tàn đời rồi. Anh nên chuẩn bị tinh thần để họ đưa tới nhà hỏa táng dần đi thôi.’ Và câu chuyện cho tới nay chúng ta vẫn thường được nghe kể là tài năng hóa học đã cứu sống Levi – nhưng sự thật là chính lòng nhân từ của ông đã làm điều đó. Lòng từ tâm ấy đã đưa ông đến gần với những tâm hồn đồng điệu để cùng sát cánh bên nhau bước qua địa ngục tối tăm. Levi, như Roth nhận xét, ‘là một con người dễ mến lạ lùng’.
Nhưng cũng khó mà tưởng tượng nổi việc Levi có thể được để cho sống sót qua những ngày tháng ấy nếu ông không được xung vào ‘Đội quân hóa chất’. Ông làm công việc này tại trại tập trung Auschwitz III, hay còn có tên là Monowitz, một trại lao động phục vụ nhà máy công nghiệp Buna, chuyên chế tác cao su tổng hợp, methanol và các hợp chất khác. Để được nhận vào đây, Levi phải qua một bài thi kì quặc, đến mức gần như siêu thực, với vị chủ nhiệm Phòng thí nghiệm Polyme là Tiến sĩ Pannwitz – một mẫu người điển hình của Đức Quốc Xã: cao lớn, tóc vàng, và cực kì lạnh lùng. ‘Ông ta ngước mắt nhìn về phía tôi,’ Levi nhớ lại. ‘Giá như tôi có thể giải thích một cách đủ đầy nhất tính chất của cái nhìn ấy… thì có lẽ tôi cũng đã giải thích được bản chất cốt yếu ẩn bên trong cơn điên cuồng vĩ đại của Đệ Tam Đế Chế.’ Dù thế nào, Levi cũng đã vượt qua bài kiểm tra, và trong mùa đông buốt giá năm 1944, ông đã được làm việc ở một nơi khô ráo, ấm áp, không những thế, còn được miễn trừ những công việc chân tay nặng nhọc. Làm việc ở đây, Levi còn có thể lấy trộm xà phòng và xăng dầu để đổi lấy thức ăn cũng như các nhu yếu phẩm khác. Cụ thể, ông đã lấy trộm những mẩu hợp kim sắt-xeri nhỏ dùng để chế tác đá lửa trong bật lửa, và câu chuyện này đã được chính Levi kể lại trong chương về ‘Xeri’ ở cuốn Bảng tuần hoàn.
Ông tiếp tục làm việc tại nơi này cho tới khi chiến tranh kết thúc. Trước khi bỏ lại khu trại, người Đức lùa gần như tất cả các tù nhân ra khỏi trại để chuyển tới khu tập trung Buchenwald hoặc bắn bỏ. Levi may mắn sống sót vì bị bỏ lại trong phòng bệnh nhờ một cơn sốt nguy kịch. Từ đây, ông được người Nga chở đi bằng xe ngựa và tàu hỏa trên hành trình về phía Đông, qua Krakow, Ukraine, và tới nước Nga. Và cuộc hành trình đầy sóng gió sau đó qua những vùng Đông Âu hoang tàn sau chiến tranh để trở về Turin cũng đã được Levi thuật lại trong cuốn Sự đình chiến. Vào tháng 10 năm 1945, Levi quay trở về được với căn nhà xưa, nơi ông cất tiếng khóc chào đời.
Tôi cũng không rõ liệu tác phẩm mình viết ra là tầm thường, hay, hay xuất sắc (Primo Levi)

Và giờ đây con người hướng nội ấy bắt đầu nhận ra trong mình một nhu cầu thôi thúc khôn nguôi muốn được sẻ chia với mọi người những trải nghiệm cuộc đời – trên xe lửa, trên đường phố, với cả những người quen biết và không quen biết. Chỉ vài tuần sau cuộc trở về, Levi bắt đầu viết: trên những mẩu giấy và những cuốn sách bài tập, khi ở nhà cũng như khi đi du lịch. Từ những ghi chép ấy, Có được là người đã thành hình. Bằng một giọng văn bình tĩnh, chính xác nhưng không chút thản nhiên lạnh lùng, ông mô tả những điều không thể tưởng tượng nổi từ một thẩm quyền đạo đức cao độ. ‘Từ căn hầm tăm tối của trại tập trung Auschwitz’, Roth viết, ‘Levi đã phơi bày trước mắt chúng ta không chỉ sự thật cay đắng về sự tàn ác, mà cả những minh chứng tuyệt vời cho lòng nhân ái ở con người’.
Levi kể lại rằng có lẽ ông đã không chuyển bản thảo tới nhà xuất bản nếu không nhận được sự thúc giục từ phía bạn bè. Nhưng phải đến ba hay bốn nhà xuất bản đều từ chối và gửi lại về cho tác giả. Điều đó, tới bây giờ, nghe có vẻ ngu ngốc đến mức không tưởng, nhưng vào thời ấy, dường như những thương tích và chấn thương mà cuộc chiến tranh để lại vẫn còn quá mới mẻ và đau đớn. Như chính Levi từng nói, có lẽ lúc ấy người ta vẫn còn đang quá háo hức muốn quay trở về xây dựng lại đời sống, ‘muốn được thỏa thích nhảy múa, tận hưởng, muốn có những đứa con’; họ không muốn phải nghe những điều khủng khiếp như thế nữa. Dù vậy, cuối cùng, cuốn sách cũng đã tìm được một nhà xuất bản ở Ý chấp thuận nó. ‘Tôi không rõ liệu tác phẩm mình viết ra là tầm thường, hay, hay xuất sắc,’ Levi viết cho một người bạn của ông, ‘nhưng tôi tin rằng bằng những nỗ lực của mình, tôi đã làm được một điều gì đó có ý nghĩa hơn là chỉ tự giải phóng chính mình khỏi những nỗi ám ảnh cũ, và lưu giữ lại những kí ức luôn có nguy cơ chìm vào quên lãng.’ Có được là người lập tức được xuất bản vào cuối năm đó, ngay sau đám cưới của Levi với Lucia. Trong những đánh giá tuyệt vời nhất dành cho cuốn sách, phải kể đến bình luận của nhà văn danh tiếng người Ý Italo Calvino – người khẳng định sáng tác này của Levi không đơn thuần chỉ là một cuốn hồi kí, mà là một tác phẩm ‘mang sức mạnh trần thuật đích thực’. Nhưng Levi không lựa chọn trở thành một nhà văn thuần túy, ông vẫn tiếp tục công việc của mình trong tư cách một nhà hóa học, giữ nhiệm vụ giám đốc kĩ thuật kiêm người khắc phục sự cố cho công ty sơn và vecni Siva từ năm 1947 đến năm 1961. Trong lúc ấy, ông vẫn không ngừng cho ra đời một số truyện ngắn khác.

Levi – một văn sĩ

Bảng tuần hoàn là một cuốn sách vô tiền khoáng hậu, hay có thể nói, chưa từng có một nỗ lực viết nào lạ thường đến thế. Đứng trước tác phẩm, người ta chứng kiến những cơn bộc phát của một tình yêu hóa học thuần túy: ‘Không còn nữa tính chất tốt đẹp và hào phóng của thiếc, thứ kim loại của thần Jupiter, trong muối clo của nó… Muối này là một chất có tính khử dữ dội, nghĩa là, nó hăm hở giải phóng hai electron của mình dù chẳng với lí do gì đáng kể, đôi khi dẫn tới những hậu quả thảm khốc.’ Nhưng ở đây, hóa học còn là ẩn dụ cho những mối quan hệ giữa người với người – một cách viết dường như chưa có bất cứ một ai dám mạo hiểm thử lại kể từ sau cuốn tiểu thuyết Những mối quan hệ chọn lọc (Elective Affinities) viết năm 1809 của Goethe. Chẳng hạn, khí trơ Argon cùng các loại khí quý tộc anh em của nó đại diện cho tổ tiên của Levi, những người Do Thái đầu tiên từ Tây Ban Nha qua định cư ở Turin: vừa là một chủng loài xa lạ như xenon, vừa lánh mình như krypton, dè dặt và tách biệt trong một ‘thái độ kiêng kị nghiêm trang’.<

Bảng tuần hoàn thậm chí còn đạt được thành công hơn cả Có được là người: nó giành về nhiều giải thưởng, bán ra tới hàng chục nghìn bản, và biến Levi thành một siêu sao văn học. Khi xuất bản tại Anh năm 1984, Bảng tuần hoàn đã được nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương Saul Bellow bình chọn là cuốn sách của năm, với lời bình luận nổi danh: ‘cuốn sách này chạm tới tất cả những gì cốt yếu nhất của đời sống’. Khích lệ này đã trở thành động lực để Levi tiếp tục theo đuổi đến cùng ý tưởng ‘đưa khoa học vào văn học’ trong các tác phẩm sau này. 
Từ những năm 1970 cho đến cuối đời, Levi phải vật lộn với một bản thảo có nhan đề Sự gắn kết kép (The Double Bond), cũng là một chiêm nghiệm suy tư về những mối quan hệ của con người. Cuốn sách có thể được coi là một tác phẩm sinh đôi với Bảng tuần hoàn, khi người viết để mình và độc giả đắm chìm trong hóa học vô cơ và hữu cơ. Trong một chương bản thảo, ông đã dành nhiều trang ngoại đề bàn về thuộc tính đối xứng hấp dẫn (chirality) của nguyên tử carbon, cũng như cấu trúc và phương thức sản sinh của những phân tử trong đời sống.
Sự gắn kết kép dường như đại diện cho một điều gì đó mà Levi không thể giải quyết nổi. Ông không ngừng quay lại với bản thảo này, ngay cả khi vẫn tiếp tục xuất bản những cuốn sách khác, nhưng không bao giờ hoàn thành được nó. Sự chìm đắm trong bế tắc này có lẽ chính là cuộc đấu tranh nội tâm trong suốt phần đời còn lại của Levi, và là căn nguyên khiến hết lần này tới lần khác, ông rơi vào trầm cảm.
‘Sự ra đi của Primo Levi là một cái chết riêng tư. Đó là một bi kịch, chứ không phải là bằng chứng cho chiến thắng của trại tập trung Auschwitz’.
Levi được tìm thấy lần cuối khi nằm chết dưới chân cầu thang trong nhà vào năm 1987, rơi từ tầng ba xuống. Hộp sọ và hầu như toàn bộ khung xương vỡ nát, và nhiều người cho rằng Levi có ý định tự sát. Điều này có lẽ vẫn cần tranh luận thêm, nhưng cơn tuyệt vọng trầm cảm ông rơi vào trong những tháng cuối đời khiến cho giả thuyết trên không hoàn toàn phi lí. Dù vậy, sẽ là hồ đồ nếu lập tức khẳng định như nhan đề của một bài báo, rằng ‘Sau bốn mươi năm, trại tập trung Auschwitz cuối cùng cũng đã giết chết được Levi’. Trầm cảm và tự sát đã theo ông ngay từ những năm tháng đầu đời, Angier khẳng định. ‘Sự ra đi của Primo Levi là một cái chết riêng tư. Đó là một bi kịch, chứ không phải là bằng chứng cho chiến thắng của trại tập trung Auschwitz’. □

Đặng Hà lược dịch
Nguồn: https://www.chemistryworld.com/features/primo-levi-and-the-other-periodic-table/3010512.articl

Tác giả

(Visited 9 times, 2 visits today)