Một cái nhìn khác về Francis Bacon

Một chuyên gia nghệ thuật và một người thường có cách nhìn khác nhau trước một tác phẩm nghệ thuật: chuyên gia sẽ quan sát kỹ không gian của bức tranh hơn so với người bình thường.

Các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và các triết gia, đặc biệt là Gilles Geleuze, đều nhìn thấy trong Francis Bacon (1909-1992) một kiến trúc sư và một đạo diễn sân khấu. Bởi lẽ, nếu không tính đến các hình ảnh nền, Bacon đã xây dựng một dạng phối cảnh trên bức tranh của mình, một dạng “tranh trong tranh”. Về phần tính động của tranh, ông vẽ rất giỏi những cơ thể vặn vẹo. Chính vì lẽ đó, tác phẩm của Bacon thực sự là lý tưởng đối với những thí nghiệm quan sát và nghiên cứu quá trình nhận thức nghệ thuật của con người.Tại Fondation Verny, viện bảo tàng Maillot (Paris), trong cuộc triển lãm của Francis Bacon năm 2004, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu chuyển động của mắt người xem khi lần đầu tiên chiêm ngưỡng tác phẩm của ông. Họ muốn hiểu sự nhận thức về không gian tranh và chuyển động trong tranh thông qua đường chuyển động của mắt. Một trong các bức tranh được đem ra thí nghiệm là bức Nghiên cứu chó, vẽ năm 1952, hiện đang được lưu giữ tại Gallery Tate ở London (xem ảnh).

Theo nhà phê bình nghệ thuật Louis-José Lestocart, hội họa chỉ đơn giản là cái nhìn đầu tiên. Một mặt phẳng chủ đạo, với phối cảnh, là một “tấm thảm” bát giác đặt trên một nền màu đỏ. Phía trên, một con chó trong một vòng tròn màu xanh (phẳng). Mặt phẳng kéo dài hút tầm mắt. Phía xa là một vài chiếc xe hơi và một cái cây. Cận cảnh, nơi con chó dường như đang sủa vào khách tham quan, gợi ra một hình ảnh cổ điển, được gọi là “bàn phục vụ”, nổi tiếng trong bức Tĩnh vật của Hà Lan và xứ Flander vào thế kỷ XVII: một cảnh có các đồ vật khác nhau đặt trên một chiếc bàn trong một mặt phẳng có bối cảnh.
Tuy nhiên, một yếu tố rất quan trọng gieo vào đầu người xem một sự mập mờ. Một đường chân trời thứ hai, phía bên trên, tạo cảm giác một bức tường dựng đứng đối lập với ý nghĩ đầu tiên là chiều sâu, tạo cho bức tranh một chút cảm giác phẳng nào đó. Cảm giác gần như phẳng này là chủ đề có thể tìm thấy trong bức Tĩnh vật của Tây Ban Nha do Francisco Zurbaran và Sanchez Cotan vẽ. Trong những tác phẩm của thế kỷ XVII này, nền đóng vai trò là một bức tường trên đó nổi lên “chiếc bàn phục vụ”.
Điều quan trọng thứ hai trong tranh của Bacon là sự chuyển động. Con chó có 5 chân, một chân ở ngoài vòng tròn. Bức tranh được trùm lên bởi bóng tối dưới dạng những nét gạch chải màu xanh lá cây, còn miệng con chó có thể được nhìn thấy trực diện và cả nhìn nghiêng. Các hiệu ứng này nhằm tạo ra cảm nhận về sự chuyển động.
Vậy phải xem bức Nghiên cứu chó này như thế nào? Để biết được điều đó, chúng tôi đã mời 10 sinh viên và 19 người trong lĩnh vực nghệ thuật (hội họa, nhiếp ảnh, đạo diễn, giáo viên nghệ thuật tạo hình…) ngắm bức tranh. Chuyển động mắt của họ khi xem tranh đã được ghi lại bằng camera tốc độ cao. Những người quan sát chỉ có một phút để xem tranh và không được cung cấp thêm một thông tin nào có thể làm ảnh hưởng đến nhận thức của họ.
Các chuyển động mắt của một người làm khoa học không chuyên với một nhà đồ họa chuyên nghiệp được ghi lại như hình bên: đường nối các điểm nhìn liên tiếp vào những nơi khác nhau trên bức tranh. Đường màu đỏ nối những điểm mà mắt dừng lại lâu hơn (hoặc ngắn hơn) các chuẩn mực sinh lý (từ 50-800 triệu giây). Các chuyển động của mắt, và sự chú ý của người không chuyên (a) tập trung vào ba yếu tố: đầu và chân con chó, cũng như chiếc ô tô. Một chuyển động duy nhất “nhìn” tấm thảm được xếp nếp ở cận cảnh. Đường vẽ phía trên đường chân trời và phần phía trên của bức tranh không được ai để ý tới.
Chuyên gia xem tranh theo cách khác (b). Những điểm nhìn đầu tiên xuất phát từ một vị trí phía dưới bên trái, ngoài bức tranh, nhanh chóng được chuyển về phía tấm thảm xếp nếp. Phản ứng này trái ngược với cách người thường xem tranh, hay tập trung vào đầu con chó, yếu tố tự sự hoàn hảo. Chuyên gia cũng xem kỹ khu vực có con chó và vòng tròn xanh, nhưng sự chú ý của họ rộng hơn và được nhóm vào cùng một điểm. Vả lại, họ nhìn đường chân trời, hậu cảnh, các góc của hình bát giác và cuối cùng dừng lại ở góc phải của bức tranh. Bề mặt được lấp đầy hoàn toàn, rộng hơn và khác với sự cảm nhận của người thường chứng tỏ các chuyên gia quan tâm nhiều hơn đến không gian và có thể cả những câu hỏi mang tính khái niệm, nếu tin vào cách xem tranh “đầy suy luận” của họ. Như vậy, chuyển động mắt của những người xem khác nhau không hề giống nhau ngay từ những giây đầu tiên.
Một thí nghiệm khác cũng đã được Delphine Oudiette, trường đại học Paris VI, tiến hành. Tham gia thí nghiệm là các sinh viên ngành khoa học và nghệ thuật. Lần này, họ xem hình ảnh của bức tranh trên máy vi tính, cũng trong vòng một phút. Sau khi xem tranh, họ mô tả lại bức tranh một cách tự do và tỉ mỉ nhất có thể. Kết quả là những sinh viên nghệ thuật tả nhiều về không gian hơn so với các sinh viên khoa học. Mô tả của họ bao gồm cả những cảm nhận về sự chuyển động trong khi mô tả của sinh viên khoa học hoàn toàn không có điều này.
So với phân tích nói trên, người ta thấy những điểm khác biệt lớn khi vài phút sau đó người xem được yêu cầu vẽ lại theo trí nhớ bức tranh mà họ vừa xem (hình vẽ). Các nghệ sỹ tương lai (a) vẽ lại nhiều chi tiết có liên hệ với bố cục không gian và tôn trọng cấu trúc của bức tranh còn những sinh viên không thuộc lĩnh vực này (b) vẽ lại một hình ảnh méo mó trong đó tỷ lệ và bố cục không gian không giống với bản gốc.
Các kết quả này khẳng định lại sự khác biệt trong cách phân tích nhận thức, thậm chí là trí nhớ về không gian bức tranh, giữa người xem là nghệ sỹ và những người không làm trong lĩnh vực nghệ thuật.Chuyển động nhìn của nghệ sỹ rộng hơn: họ quan sát một bề mặt rộng, phần phía trên bức tranh và cả các góc của tấm thảm, trong khi đa số người không phải nghệ sỹ chỉ tập trung vào con chó.
Những nghiên cứu sinh lý tương tự, những bài kiểm tra khách quan và cách giải thích của các chuyên gia nghệ thuật, đã mang lại cho người nghiên cứu lịch sử nghệ thuật một bằng chứng thực nghiệm cho những suy nghĩ và giải thích của mình.

Ngô Quốc Chiến (Theo Pour la Science)

Tác giả