Một cái nhìn, một câu hỏi

Chùm phóng sự ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Quốc Khanh chỉ như một cái nhìn lướt qua nhưng cũng đủ nêu ra một câu hỏi: Liệu có cách gì để cứu vãn sự xuống cấp của các di tích ở thành phố Hải Phòng hay không?

Xuống cấp do thời gian, do không có tiền tu bổ thì đã đành nhưng xuống cấp do thiếu hiểu biết của con người, ngay cả khi không thiếu tiền khi trùng tu, thì không thể tha thứ được. Trùng tu không có nghĩa là biến cũ thành mới mà phải tuyệt đối tôn trọng di vật gốc. Có lẽ chỉ mỗi đình Hàng Kênh làm được như vậy, còn thì… người ta nghĩ cũ là xấu, chắc vậy, nên hai pho Thiện Ác ở chùa Hàng bị xếp xó, thay vào đó là những pho tượng mới bằng xi-măng vừa to vừa xấu. Biển “Hạ mã” ở Đình Đông Khê bị hạ xuống, lăn lóc trong góc vườn là một ví dụ khác v.v.

Ngoài ra, không gian chùa Việt ở miền Bắc nói chung và ở Hải Phòng nói riêng còn bị tàn phá, mất gốc và lai căng bởi cái mốt dựng tượng Phật bà bằng đá trắng lênh khênh ngay trong khuôn viên chùa, trong sân, trong vườn, thậm chí ngay trước tòa thượng điện.

Tại sao trải mấy trăm năm đương đầu với thời gian, thiên tai, chiến tranh, những di tích đó vẫn tồn tại mà chỉ có mấy chục năm từ thời đổi mới đến nay, đình chùa lại bị biến dạng nhiều như thế này?

Với những giá trị văn hóa truyền thống phải ứng xử bằng văn hóa, điều đó tưởng là dễ mà lại khó.

Lê Thiết Cương

 


Tam quan lợp tôn của chùa Linh Quang An Đà.


Cổng đình Lũng Bắc, nơi gặp nhau của truyền thống và hiện đại (?!)

 
Rùa cũ đội bia mới ở chùa Nguyệt Quang, làng Đông Khê.


Phong trào dựng tượng Quan âm quá hải đang rất phát triển.


“Biển” Hạ mã bị hạ xuống dưới gốc cây bên trong đình Đông Khê.


Đình, đền, chùa, đâu đâu cũng sư tử đá, nằm ngồi quỳ các dáng


Đôi tượng hộ pháp cũ ở Chùa Hàng bị xếp xó để dành chỗ cho tượng mới.


Đình Hàng Kênh là một ngôi đình hoàn chỉnh
về phương pháp trùng tu, trong ảnh: cột giữ nguyên gốc chỉ thay phần mọt.


Sân khấu hóa phật đường (Chùa Vẻm) đang phát triển
theo hướng lai căng và tất nhiên không thể đẹp.


 “Két” công đức.

 

Tác giả